Ai sẽ thắng trận chiến mậu dịch

Thứ Ba, 03 Tháng Bảy 20182:11 SA(Xem: 6028)
Ai sẽ thắng trận chiến mậu dịch

Làm thế nào để biết được khi nào thì chiến tranh mậu dịch thật sự nổ ra? Theo nhà nghiên cứu về địa kinh tế Marianne Schneider-Petsinger thuộc viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Chatham House ở London thì một trận chiến mậu dịch thật sự đòi hỏi phải có hai yếu tố: thứ nhất, những cuộc trả đũa đánh thuế qua lại châm ngòi cho một cuộc leo thang để rồi đưa đến tình trạng bảo hộ mậu dịch; thứ hai, khi những cuộc thương thuyết đi đến bế tắc, không còn giải pháp nào có thể giúp cứu vãn để làm hạ nhiệt cuộc tranh chấp.

GNTT1

Nói như vậy thì tình hình hiện nay giữa Mỹ và các nước liên quan chỉ mới ở mức tranh chấp thương mại không hơn không kém. Nhưng nếu như các bên không thể đạt được những thoả thuận mới và để cho tình trạng đánh thuế lẫn nhau tiếp tục leo thang thì một cuộc chiến mậu dịch có thể bùng nổ rất nhanh.

Hôm Thứ Sáu 22/6 vừa qua, khối Liên Âu chính thức cho áp đặt thuế lên $3.6 tỷ hàng hoá nhập cảng từ Mỹ, từ những mặt hàng công nghệ đến sản phẩm nông nghiệp, trong đó có rượu whiskey và mỹ phẩm. Riêng cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc thì đến ngày 6 Tháng 7 tới đây, một số hàng hoá, từ thép đến thịt heo, sẽ phải chịu mức thuế nhập cảng từ 10% đến 25%.

GNTT5
Trump và cuộc chiến mậu dịch – nguồn PressTV

Hiện tại thì chưa thấy ảnh hưởng của cuộc tranh chấp, nhưng các kinh tế gia cho biết có ba chỉ dấu mà ta cần theo dõi.

Thứ nhất là thị trường chứng khoán. Tuần qua, thị trường có xuống nhưng không bao nhiêu. Tuy nhiên, cổ phần của những công ty có hàng xuất cảng nhiều như công ty chế tạo máy móc công nghệ nặng Caterpillar và công ty chế tạo phi cơ hành khách Boeing trong tuần vừa qua đã rớt hơn 4%. Trên thực tế, phản ứng của thị trường chính là tín hiệu cho biết cuộc tranh chấp đã đi quá đà hay chưa.

Thứ nhì là cử tri, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều công việc lệ thuộc vào thương mại quốc tế. Cho đến nay cũng chưa thấy có gì, tuy nhiên việc áp đặt thuế từ phía Liên Âu hay Trung Quốc có thể tạo ra dư luận xấu biểu lộ trong các cuộc trưng cầu dân ý hay qua bầu cử.

Thứ ba là những công ty bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới. Lời phàn nàn từ những ngành kỹ nghệ bị ảnh hưởng thì lúc nào cũng có, nhưng điều quan trọng là khi những công ty này bắt đầu nói đến tình trạng gián đoạn trong việc kinh doanh của họ. Một vài dấu hiệu cho thấy tình trạng này đang xảy ra. Tại một cuộc họp với các nhà đầu tư mới đây, công ty Lennox International, chuyên sản xuất máy lạnh và máy sưởi, cho biết vì tình hình tranh chấp thương mại chưa ngã ngũ nên buộc công ty phải ngưng kế hoạch mở rộng việc sản xuất tại Mexico.

Nói chung, cuộc tranh chấp về mậu dịch được nói đến nhiều hiện nay là sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, vì ở mức độ lớn hơn nhiều so với những nước khác, và cuộc tranh chấp này nay đang bước vào thời điểm buộc các nhà đầu tư phải chú ý nhiều hơn trong mấy ngày vừa qua. Thị trường cổ phiếu, lúc đầu còn thờ ơ vì cho rằng đó chỉ là cuộc đấu khẩu giữa đôi bên, thì nay cũng đã bắt đầu không còn dám coi thường nữa về nguy cơ của một cuộc chiến mậu dịch có thể bùng nổ giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới.

GNTT4

Tuần qua, thị trường Dow Jones rớt 509.59 điểm, tương đương 2%, xuống còn 24,580.89. Thị trường S&P 500 rớt 0.9%, xuống còn 2,754.88, và thị trường Nasdaq giảm 0.7%, xuống còn 7,692.82, chấm dứt bốn tuần lễ tăng liên tiếp của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, nếu nhìn sang phía Trung Quốc, thị trường cổ phiếu Thượng Hải tuần qua đã rớt 4.4%, xuống còn 2,889.76, và tính từ đầu năm 2018 tới nay đã giảm sút 13%. Ngược lại, thị trường S&P 500 tăng 3.3% trong năm nay.

Vậy có thể nói Mỹ đang thắng keo đầu, một phần là do thị trường chứng khoán của Mỹ trưởng thành và phát triển hơn, có nhiều chỗ để các nhà đầu tư tạm lánh nếu trong trường hợp tình trạng tranh chấp thương mại trở nên tồi tệ. Một ví dụ là thị trường Russell 2000 trong năm nay đã tăng 9.8% là vì các nhà đầu tư đã chuyển tiền đầu tư của họ từ những công ty lớn quốc tế sang các công ty nhỏ phần lớn làm ăn trong nội địa nước Mỹ.

Tình trạng tương đối ổn định của thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy một điều là các nhà đầu tư tin rằng Hoa Kỳ đang ở trên cơ. Cho đến nay, những lời tuyên bố về việc đánh thuế lên một số món hàng nhập cảng có thể xem như là những cuộc trả đòn lẫn nhau, với việc Hoa Kỳ tuyên bố đánh thuế lên các hàng hoá của Trung Quốc có trị giá $50 tỷ, và Trung Quốc đáp trả lại với thuế đánh lên $50 tỷ hàng hoá của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump hiện nay cũng đang xem xét có thể đánh thuế thêm lên $200 tỷ hàng hoá của Trung Quốc. Trong khi đó Trung Quốc có thể phản công đánh thêm thuế, nhưng nếu không cẩn thận thì sẽ không còn mặt hàng nào để đánh thuế thêm nữa là vì trong năm 2017 Trung Quốc chỉ nhập cảng $130 tỷ từ Hoa Kỳ.

GNTT3

Nền kinh tế Hoa Kỳ dựa phần lớn vào sức tiêu thụ nội địa hơn là xuất cảng như Trung Quốc. Dân số nước Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% dân số thế giới nhưng tiêu thụ khoảng 24% năng lượng của cả thế giới. Người Mỹ ăn khoảng 815 tỷ calories thực phẩm mỗi ngày, nhiều hơn khoảng 200 tỷ cần thiết. Họ cũng vất đi 200,000 tấn thực phẩm trong tình trạng còn ăn được mỗi ngày. Trung bình một người Mỹ cho đến tuổi 75 thải ra khoảng 52 tấn rác. Người Mỹ tiêu thụ tới một phần ba số lượng giấy của cả thế giới. Vậy khi chính phủ Mỹ cho áp đặt thuế lên các sản phẩm nhập cảng, nói chung, nó gây thiệt hại cho các nhà sản xuất ngoại quốc hơn là các nhà sản xuất nội địa.

Trung Quốc có thể cho áp dụng một vài biện pháp khác, nhưng những biện pháp này có nhiều khả thể bị hiệu ứng ngược. Nếu muốn, Trung Quốc có thể hạ thấp trị giá đồng bạc của họ xuống từ 6% đến 10% để giữ cho hàng xuất cảng của họ có giá thấp, cân bằng lại với mức thuế mới, nhưng làm vậy có thể gây ra tình trạng là các nhà đầu tư sẽ bỏ thị trường tài chánh của Trung Quốc đi đầu tư nơi khác. Hoặc Trung Quốc có thể bán số trái phiếu của công khố Hoa Kỳ mà họ có trong tay để tạo áp lực, tuy nhiên nếu họ bán từng phần nhỏ một thì thị trường Mỹ có dư khả năng để thu nhận lại mà không bị ảnh hưởng bao nhiêu, và nếu như họ bán tống bán tháo cùng một lúc, họ có thể không tìm ra người mua ngay làm cho thị trường công khố phiếu bị sụt giá thì phần thiệt hại là về họ. Không ai lại làm chuyện ngu dại đó. Hay chính phủ Trung Quốc có thể kêu gọi dân chúng trong nước tẩy chay hàng hoá của Mỹ – như họ đã từng làm như vậy năm 2012 với hàng hoá của Nhật Bản – nhưng biện pháp này sẽ làm tổn hại đến công nhân Trung Quốc, là vì những công ty như Apple, Procter & Gamble và Caterpillar sản xuất phần lớn hàng hoá của họ cho thị trường Trung Quốc ở ngay tại địa phương, trong khi công ty McDonald’s bán bánh mì thịt hamburger chỉ sở hữu có 20% phần kinh doanh của họ ở Trung Quốc.

GNTT1
“Ai thắng ai” trong trận chiến mậu dịch – nguồn AZModerateRants

Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh không tìm cách phản đòn. Nhưng hiệu quả sự phản đòn sẽ giới hạn và nguy cơ bị thiệt hại lại cao.

Tuy nhiên cũng cần phải nói là Trung Quốc có một lợi điểm. Tập Cận Bình không phải lo lắng về bầu cử vì người dân Trung Quốc không có quyền bỏ phiếu để đánh hạ ông ta khỏi chức vụ chủ tịch nước nếu cuộc tranh chấp mậu dịch gây thiệt hại cho người tiêu thụ trong nước. Nhưng ông Trump thì phải lo lắng cho cuộc tái tranh cử năm 2020, trong khi các thành viên của hạ viện Hoa Kỳ phải đối đầu với các cuộc bầu cử mỗi hai năm một lần.

Vậy ta cũng có thể nói trận chiến mậu dịch hiện nay mới chỉ manh nha và còn lâu lắm mới kết thúc. Sẽ còn nhiều điều kỳ thú để ta theo dõi.

VH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn