Mafia bóng đá: Chính trị trong thế giới của FIFA

Thứ Tư, 27 Tháng Sáu 20187:00 CH(Xem: 8354)
Mafia bóng đá: Chính trị trong thế giới của FIFA

qopv2iqh1eibsobonire

Nguồn: Ian Buruma, “The Soccer Mafia,” Project Syndicate, 28/05/2015.

Biên dịch: Nghiêm Hồng Sơn | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Điều ngạc nhiên duy nhất trong vụ bắt giữ bảy quan chức của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) tại một khách sạn ở Thụy Sĩ vào sáng sớm ngày 27 tháng 5 là nó đã xảy ra. Hầu hết mọi người đều cho rằng những người đàn ông được ưu ái, diện những bộ com lê đắt tiền và đang chi phối liên đoàn bóng đá của thế giới, đã vượt ra ngoài tầm với của pháp luật. Bất luận những tin đồn hay báo cáo về hối lộ, lại quả, gian lận phiếu bầu, và các hành vi sai trái khác là gì thì Chủ tịch FIFA Joseph “Sepp” Blatter cùng các đồng nghiệp và cộng sự của ông vẫn có vẻ như luôn không hề trầy xước.

Đến nay đã có 14 người, trong đó có 9 giám đốc điều hành FIFA, cả đương chức và hết nhiệm kỳ (nhưng ngoại trừ Blatter), đã bị buộc tội về một loạt các hành vi gian lận và tham nhũng ở Hoa Kỳ, nơi mà các công tố viên đã cáo buộc họ bỏ túi 150 triệu USD từ hối lộ, lại quả và các hành vi sai trái khác. Và các công tố viên liên bang Thụy Sĩ đang tìm kiếm chứng cứ về các giao dịch mờ ám đằng sau quyết định trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và 2022 cho Qatar.

Tất nhiên, gian lận là một truyền thống lâu đời trong thể thao chuyên nghiệp. Ví dụ, giới tội phạm ở Mỹ rất quan tâm đến môn quyền anh. Ngay cả các trò chơi từng được coi là của các quý ông như môn cricket (bóng gậy) cũng đã trở nên ô uế trước sự xâm nhập của các mạng lưới cờ bạc và các thương vụ gian lận. FIFA chỉ là kẻ giàu nhất, mạnh nhất, và moi nhiều tiền của thế giới nhất trong đám mà thôi.

Một số người đã so sánh FIFA với Mafia, và Blatter, sinh ra trong một ngôi làng nhỏ của Thụy Sĩ, được gọi là “Bố già Blatter” (Don Blatterone). Điều này không hoàn toàn công bằng. Vì như chúng ta đều biết, đến nay vẫn chưa có hợp đồng giết người nào được ban hành từ trụ sở của FIFA ở Zurich. Nhưng sự bí mật của tổ chức này, việc hăm dọa các đối thủ cạnh tranh của những người đang điều hành tổ chức, việc dựa vào các ưu ái riêng, hối lộ và nhắc lại các món nợ đã cho thấy sự tương đồng đáng lo ngại giữa FIFA với giới tội phạm có tổ chức.

Tất nhiên là người ta có thể chọn cách coi FIFA là một tổ chức bất thường chứ không phải là một tổ chức tội phạm. Nhưng ngay cả trong cách gọi hướng thiện hơn này thì phần lớn các hành động phi pháp cũng là kết quả trực tiếp của sự thiếu minh bạch của tổ chức này. Toàn bộ hoạt động của FIFA được điều hành bởi một nhóm đàn ông gắn kết chặt chẽ với nhau (phụ nữ không có vai trò gì trong trò kinh doanh mờ ám này), và tất cả những người này đều chịu ơn ông chủ.

Điều này không chỉ bắt đầu dưới thời Blatter. Người tiền nhiệm của Blatter là João Havelange người Brazil đã biến FIFA thành một đế chế tham nhũng và giàu nứt đố đổ vách bằng cách kết nạp ngày càng nhiều các nước đang phát triển, và phiếu bầu của các nước này cho các ông chủ đã được mua bằng mọi cách qua các thương vụ béo bở về tiếp thị và truyền thông.

Khoản tiền khổng lồ của các công ty Coca-Cola và Adidas đã hòa vào hệ thống để chảy vào cái túi không đáy của những kẻ thống trị Thế giới thứ Ba và như cáo buộc thì vào cả túi của Havelange. Coca-Cola là nhà tài trợ chính của World Cup 1978 tại Argentina, khi đang được cai trị bởi một chính quyền quân sự tàn bạo.

Blatter không quá thô kệch như Havelange. Không giống như vị chủ tịch người Brazil, Blatter không công khai kết hợp với giới tội phạm. Nhưng quyền lực của ông ta cũng dựa trên những phiếu bầu và lòng trung thành của các nước bên ngoài Tây Âu, được đảm bảo bằng lời hứa bản quyền truyền hình và nhượng quyền thương mại. Trong trường hợp của Qatar, điều này có nghĩa là giành quyền đăng cai World Cup ở nơi khí hậu hoàn toàn không phù hợp, với những sân vận động được vội vã xây dựng bởi các lao động nước ngoài dưới điều kiện làm việc khủng khiếp, được trả lương thấp với rất ít quyền lợi.

Lời than phiền của những người châu Âu hơi khó tính hơn thường bị đáp trả bằng những cáo buộc rằng họ có thái độ tân chủ nghĩa thực dân hay thậm chí là phân biệt chủng tộc. Thật vậy, đó là những gì đã biến Blatter thành một người đàn ông điển hình của thời đại chúng ta. Blatter là một nhà điều hành tàn nhẫn nhưng lại tự coi mình là anh hùng đấu tranh cho các nước đang phát triển, bảo vệ lợi ích của người châu Phi, châu Á, Ả Rập, và Nam Mỹ trước một phương Tây kiêu ngạo.

Mọi thứ đã thay đổi kể từ thời những chính trị gia tha hóa của các nước nghèo bị mua chuộc để mang lại nhiều lợi ích chính trị hay thương mại hơn cho phương Tây. Tất nhiên là chuyện này vẫn xảy ra. Nhưng bây giờ số tiền thực sự rất lớn thường được tạo ra từ bên ngoài phương Tây như ở Trung Quốc, Vịnh Ba Tư, và thậm chí cả Nga.

Các doanh nhân, kiến ​​trúc sư, nghệ sĩ, hiệu trưởng trường đại học, giám đốc bảo tàng từ phương Tây – hay bất kỳ ai cần một lượng lớn tiền mặt để tài trợ cho các dự án đắt đỏ của họ – hiện nay đều phải làm việc với những kẻ chuyên quyền không ở phương Tây. Và dĩ nhiên là ngay cả các chính trị gia được bầu lên một cách dân chủ cũng phải làm vậy. Và một số – như Tony Blair – biến nó thành một nghề sau khi mãn nhiệm.

Thỏa mãn các chế độ độc tài và những lợi ích thương mại mờ ám không phải là một loại hình kinh doanh trong sạch. Các liên minh đương đại giữa những nhóm lợi ích của phương Tây – trong nghệ thuật và giáo dục đại học cũng không thua kém trong thể thao – với giới quyền lực phi dân chủ nhưng giàu có đã dẫn tới những thỏa hiệp có thể dễ dàng làm hỏng những danh tiếng vốn có.

Một cách để làm chệch hướng sự chú ý là mượn những lời lẽ chống đế quốc cũ của phe cánh tả. Làm ăn với những kẻ bạo chúa và các ông trùm ám muội không còn bị coi là dễ bị mua chuộc mà được coi là cao quý. Bán nhượng quyền thương mại của một trường đại học hoặc một bảo tàng cho một quốc gia vùng Vịnh, xây dựng thêm một sân vận động khổng lồ ở Trung Quốc, hoặc kiếm khoản tiền kếch xù bằng cách ưu ái quyền đăng cai World Cup cho Nga hay Qatar là tiến bộ, chống phân biệt chủng tộc, và là một chiến thắng của tình anh em toàn cầu và các giá trị phổ quát.

Đây là khía cạnh khó chịu nhất của FIFA thời Blatter. Tham nhũng, mua phiếu bầu, nỗi khát khao uy tín quốc tế đến vô lý của các ông chủ bóng đá, các ngăn tủ căng đầy huy chương và giải thưởng – tất cả được núp dưới danh nghĩa vì sứ mệnh chung. Đó là thói đạo đức giả độc hại.

Than thở về sự dịch chuyển quyền lực toàn cầu và những trung tâm ảnh hưởng cách xa châu Âu và Mỹ là vô ích. Chúng ta cũng không thể dự đoán chính xác những hậu quả chính trị của sự thay đổi này. Nhưng nếu câu chuyện đáng tiếc của FIFA là một chỉ dấu thì có thể chắc chắn rằng đồng tiền vẫn cai trị trong bất cứ hình thức chính thể nào.

Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả nhiều cuốn sách, bao gồm Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance và mới đây là cuốn Year Zero: A History of 1945.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn