Ô nhiễm không khí làm gia tăng tai nạn giao thông

Thứ Tư, 27 Tháng Sáu 20182:00 SA(Xem: 6180)
Ô nhiễm không khí làm gia tăng tai nạn giao thông

Theo trường Đại học Kinh tế Luân Đôn, ô nhiễm không khí được xem là nguyên nhân gây ra hàng trăm vụ tai nạn xe hơi mỗi năm.

Một nghiên cứu xem xét số liệu trong vòng 5 năm đã cho thấy khi nồng độ khí nitơ điôxit (NO2) tăng lên một microgram trên mỗi mét khối không khí thì số va chạm tai nạn giao thông tăng lên 2%. Mặc dù tác động này có thể được giải thích khi lưu lượng giao thông tăng lên trên đường dẫn đến ô nhiễm nhiều hơn và nhiều tai nạn xảy ra hơn.

Thay vào đó, họ tin rằng khí độc hại làm suy yếu khả năng tập trung của tài xế, chảy nước mắt và ngứa mũi cũng có thể gây mất tập trung cho người lái xe.

Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy ô nhiễm không khí bên trong xe hơi có thể nhiều gấp đôi so với bên ngoài do khí NO2 thường tích tụ trong một không gian nhỏ.

Lutz Sager, trưởng nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường tại LSE cho biết: "Mặc dù đã được chứng minh rằng ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và khả năng đảm nhận những công việc liên quan đến trí óc, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên được công bố đánh giá tác động về an toàn giao thông đường bộ".

Khí NO2 có thể ảnh hưởng đến tài xế mà điển hình là ngứa mũi và chảy nước mắt gây mất tập trung khi lái xe
Khí NO2 có thể ảnh hưởng đến tài xế mà điển hình là ngứa mũi và chảy nước mắt gây mất tập trung khi lái xe. (Nguồn: Sarah Knapton, science editor).

Sager nói thêm: "Các phân tích xác định một tác nhân ô nhiễm không khí dẫn đến tai nạn đường bộ nhưng tôi chỉ có thể suy đoán về nguyên nhân của mối liên hệ. Lý luận chính của tôi là ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng đến độ minh mẫn của tài xế".

Ô nhiễm không khí có thể là kết quả của sự tích hợp nhiều khí độc khác nhau bao gồm cả carbon monoxide, nitrogen dioxide, sulfur dioxide, các phân tử vật chất nhỏ và ôzôn. Tuy nhiên, khí NO2 được tìm thấy có ảnh hưởng lớn nhất.

Ông Sager, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ đã chia Vương Quốc Anh thành mạng lưới của 32 khu vực, mỗi khu vực bao phủ 7700km2 và lập bản đồ số vụ tai nạn tương ứng với nồng độ ô nhiễm không khí từ năm 2009 tới năm 2014 được cung cấp bởi Cục Môi trường (Defra).

Ông đã tìm thấy rằng khi có một sự gia tăng nồng độ nitrogen điôxit lên một microgam mỗi mét khối trên mức trung bình hàng ngày là đủ để tăng số lượng trung bình các vụ tai nạn mỗi ngày. Ông Sager tính toán rằng khu vực bao gồm phía Tây Luân Đôn, nơi hứng chịu nồng độ ô nhiễm không khí nặng nhất, nếu cắt giảm 30% nồng độ NO2 có thể làm giảm số vụ tai nạn giao thông đường bộ mỗi ngày lên đến 5%.

Nồng độ NO2 trong các khu vực ô nhiễm của Luân Đôn trung bình có thể đạt 97 microgam trên mỗi mét khối không khí. Khoảng 150.000 vụ va chạm giao thông làm bị thương người đi đường tại Anh mỗi năm, nếu cắt giảm được 2% đồng nghĩa với việc có hàng ngàn vụ tai nạn được ngăn chặn.

Nhiều tai nạn xảy ra khi ô nhiễm không khí nặng.
Nhiều tai nạn xảy ra khi ô nhiễm không khí nặng. (Nguồn: Telegraph).

Ông Sager nói: "Phân tích này sử dụng dữ liệu của Vương Quốc Anh nhưng tôi cho rằng phát hiện của tôi có liên quan đến nhiều nơi khác trên thế giới. Các chi phí phụ trội từ tai nạn giao thông khẳng định thêm việc cần giảm ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các thành phố đông đúc. Phân tích của tôi cho thấy rằng tác nhân gây ô nhiễm không khí lên tai nạn giao thông đường bộ đo lường được trong nghiên cứu này nhiều khả năng bắt nguồn từ khí nitơ điôxit hoặc các chất khí ô nhiễm khác mà không phải là phân tử vật chất".

Tuy vậy, các chuyên gia khác vẫn tỏ ra nghi ngờ về mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và tai nạn giao thông.

Edmund King, chủ tịch AA phát biểu: "Nếu bạn cho rằng những khu vực có ô nhiễm không khí cao có nhiều tai nạn thì phải xem lại. Hãy nhìn vào Mumbai và New Delhi, hai khu vực này không khí bị ô nhiễm tồi tệ nhưng giao thông cũng hỗn loạn và phức tạp không kém. Vì vậy, tôi cho rằng, nghiên cứu này không thực tế, làm sao có thể chứng minh được độ minh mẫn của lái xe bị suy yếu do ô nhiễm".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn