Xa lộ Bắc Cực: con đường khắc nghiệt nhất thế giới

Thứ Năm, 14 Tháng Sáu 201810:00 CH(Xem: 6808)
Xa lộ Bắc Cực: con đường khắc nghiệt nhất thế giới
bbc.com
Mike MacEacheran BBC Travel

Mike MacEacheran Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran

Một triệu con tuần lộc giữa nền bầu trời phương bắc. Hay là quang cảnh trông giống như vậy nhìn từ điểm cao là chiếc xe trượt tuyết đang tăng tốc, tròng trành băng qua vùng lãnh nguyên.

Gần 3.000 tuần lộc hoang dã dồn lại với nhau ở phía đường chân trời, với những chiếc sừng nhánh hòa lẫn vào đồng liễu hoang và cây vân sam đen trải dài như vô tận.


Chúng tôi đang ở cách Bắc Băng Dương 60km về phía nam ở vùng Lãnh thổ Tây Bắc của Canada - miền đất nằm về phía bắc xa xôi và đối mặt với Mẹ Thiên nhiên - nơi không hề bị tác động của con người qua hàng ngàn năm.

Âm thanh vùng lãnh nguyên

Hai con cáo bụi rậm phóng trên vùng băng tuyết vĩnh cửu, tách đàn tuần lộc chạy tẻ ra xuống dưới băng qua những đám địa y mọc dọc bờ biển đến một hồ nước đóng băng ở phía trước. Sự tĩnh lặng của mùa đông vùng Cực bị phá vỡ và đàn tuần lộc trở thành một đám hỗn loạn chỉ thấy màu da hung và móng của chúng.

"Hãy lắng nghe này," hướng dẫn người Inuvialuit (người Inuit ở Tây Canada) có tên là Noel Cockney nói nhẹ nhàng khi anh dừng chiếc xe Ski-Doo và ra hiệu ở phía bên kia. Nhiệt độ đang là -25C và tiếng nói của anh khó mà xuyên qua chiếc mặt nạ bảo vệ dày cộp. "Khi tuần lộc chạy, chúng ta nghe như tiếng mưa rơi trên tuyết. Đó là âm thanh của vùng lãnh nguyên."

Nằm ẩn mình sâu trên đỉnh vùng biên viễn miền cực hầu như chưa được khai phá, đàn tuần lộc lớn nhất của Canada lâu nay vẫn sống trong cô độc. Cứ mỗi độ xuân sang, những con thú có bộ da vảy mốc này di cư về phía Tây đến nơi sinh sản ở Đảo Richards gần đó để nuôi dưỡng con nhỏ.

Nhưng ngày nay, đàn tuần lộc phải đối mặt với nhiều thứ hơn là những con cáo quỷ quyệt và những đàn sói.

Chúng nay phải đương đầu với sự xuất hiện của con người.

Mike MacEacheran Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran

Mọi thứ thay đổi

Trong vòng hai ngàn năm qua, những người duy nhất có thể hiểu và thích nghi được với vùng đất này là người Inuvialuit, những người trông coi miền bắc vốn sống trong những khu định cư trải khắp vùng đồng bằng Mackenzie, nơi hệ thống sông ngòi lớn nhất của Canada đổ vào Bắc Băng Dương.


Có số lượng vào khoảng 5.700 người, cộng đồng người Inuvialuit vẫn duy trì một lối sống truyền thống như trước giờ ở châu Mỹ.

Theo nhịp của thời tiết, vào mùa đông lạnh lẽo họ đi về hướng đất liền, bẫy thỏ, cáo và linh miêu Bắc cực để lấy thịt và da. Vào mùa hè họ đi săn cá voi trắng trong phạm vi săn bắn cho phép dọc theo bờ biển Tuktoyaktuk để họ có thể duy trì cuộc sống qua mùa đông dài đăng đẵng.

Khi xa lộ Inuvik-Tuktoyaktuk được mở vào tháng 11/2017, vùng hoang dã băng giá này đã thay đổi mọi thứ.

Được xây dựng với chi phí 300 triệu đô la Canada và được đặt biệt danh là Con đường Băng giá Vùng cực, con đường xa lộ dài 137 km, hai làn xe, lát sỏi này là con đường có thể đi được trong mọi điều kiện thời tiết đầu tiên ở Vùng cực của Canada, xẻ vùng lãnh nguyên cách biệt này ra làm đôi.

Con đường xa lộ này cũng có thể được mô tả là con đường khắc nghiệt nhất thế giới. Phải mất bốn năm để hoàn thành - trong đó có ba năm là để tạo một lớp sỏi dính cứng vào nhau đủ dày để chống chọi lại mùa đông khắc nghiệt và một năm là để cải tạo bề mặt - nó được thiết kế để chịu được nhiệt độ có thể xuống mức -40 độ C cũng như lên đến mức 20 độ C vào những đêm mùa hè khi Mặt trời không bao giờ lặn.

Gây chia rẽ

Và thậm chí ngay cả khi đây là tuyến giao thông huyết mạch cho cộng đồng dân Inuvialuit bản địa ở Tuktoyaktuk xa xôi (dân số: 850 người) - ngôi làng vùng cực cuối cùng nằm ở rìa khu vực hoang sơ băng giá của lục địa Canada, con đường vẫn gây chia rẽ.

Mike MacEacheran Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran
Image caption Là cư dân địa phương, anh Noel Cockney đã làm việc hai năm để xây dựng con đường

Được chính quyền của cựu Thủ tướng Stephen Harper thai nghén như là con đường giúp khai thác dầu và khí, một số người xem đó là con đường khai thác tài nguyên (bất chấp lệnh ngưng khai thác dầu khí ngoài khơi tạm thời do chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau đưa ra). Những người khác thì gọi đây là con đường phù phiếm vốn sẽ đưa cộng đồng dân cư vốn đã dễ tổn thương ở đây một bước gần hơn đến với tình trạng bị xói mòn văn hóa.


Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ nhiệt thành dự án, trong đó có ông Noel Cockney, một người dân bản địa của Tuktoyaktuk vốn đã bỏ nhiều năm làm việc trên con đường thì xa lộ này đánh dấu sự hồi sinh của cộng đồng xa xôi cùng cực này.

Lần đầu tiên nơi xa xôi này có thể được du khách đến thăm trong suốt năm, rất có thể sẽ đem lại sự tiến bộ và các cơ hội.

Vào mùa hè, các tài xế giờ đây có thể đến được những dòng sông và hồ nước trước kia không thể nào đến được, phần nhiều trong số này chưa bao giờ được khám phá.

Vào mùa đông, đó là sự hồi hộp tận đáy lòng khi được chứng kiến đàn tuần lộc và lái xe đến làng Tuktoyaktuk, vùng đất còn nguyên sơ mà tên của nó có nghĩa là 'trong giống như một con nai sừng tấm' trong tiếng địa phương.

Và đối với cư dân bản địa thì con đường mới này là một hũ mật ngọt tiềm năng để thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm.

Giữ gìn văn hóa truyền thống

Trước khi có xa lộ Inuvik-Tuktoyaktuk, sự kết nối của cộng đồng ở đây với thế giới bên ngoài vào mùa đông là một con đường trên băng thô sơ chóng biến mất vốn tan ra mỗi khi xuân về.

"Việc đến 'Tuk' đã từng khó khăn không thể tưởng," ông Cockney nói trong khi đỗ chiếc xe trượt tuyết tại một điểm có thể nhìn ngắm con đường xa lộ mới. "Vào mùa đông, con đường ra bên ngoài của chúng tôi biến mất vào hư vô, còn vào mùa hè chúng tôi phải chọn một trong hai cách: hoặc là bay hoặc là đi thuyền dọc con sông".

Mike MacEacheran Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran

Giờ đây, kể từ khi có con đường, hãng hàng không địa phương Aklak Air đã dừng các chuyến bay hàng ngày đến đây.

Một người nữa cũng ủng hộ các cơ hội do con đường này đem lại là Kylik Kisoun Taylor, một người Inuvialuit thuộc thế hệ thứ hai đại diện cho những người tiên phong trong thế hệ người phương bắc.

Là thành viên hội đồng của Hiệp hội Du lịch Bản địa Canada và chủ của công ty du lịch Tundra North Tours, một công ty có trụ sở ở làng Inuvik nằm ở điểm cực nam của xa lộ, Taylor lớn lên ở phía nam tỉnh Ontario nhưng cảm thấy tiếng gọi của phương bắc từ lúc ông quay về làng ở tuổi 16.

"Văn hóa bản địa là tài nguyên ở đây và du lịch có sức mạnh để tận dụng nó," ông nói khi chúng tôi lái xe ra khỏi làng Inuvik và đi dọc theo con đường mới về hướng bắc, trên người mặc áo lông hải cẩu. "Cho dù đó là bẫy vịt hay dùng mác giết tuần lộc - giá trị của việc gìn giữ những truyền thống văn hóa này không thể nào bị coi nhẹ. Các cộng đồng bản địa đã quên những kỹ năng này của dân vùng Cực nhưng những kỹ năng này có thể tương thích với du lịch và thế giới hiện đại và tôi muốn giúp cho du khách hiểu điều này."

Xa lộ mê hoặc

Bất chấp tất cả những gì mà xa lộ này chia rẽ ý kiến dân bản địa, được lái xe trên con đường này là một sự mê hoặc.

Nó không hề là một xa lộ đi thẳng như một mũi tên mà nó vòng vèo và có những khúc quanh, ôm vào lòng những hồ nước đóng băng của phương bắc vốn được gọi là 'Hồ Eskimo', một hệ thống những đồng bằng ở cửa sông nước lợ.

Mike MacEacheran Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran

Bên vệ đường, dãy núi Richardson và khu rừng phương bắc cứ mờ dần cho đến khi chúng biến mất hoàn toàn, để lại phía trước tấm kính chắn gió chỉ là quang cảnh băng giá trơ trọi. Và cũng bởi vì xung quanh có quá nhiều sắc trắng, bầu trời trở nên có màu sáng nhợt nhạt.

"Bạn sẽ không biết Bắc Cực cho đến khi bạn đến đây vào mùa đông," Taylor nói trong lúc chúng tôi băng qua một bình nguyên băng tuyết rộng lớn.

Trước mắt chúng tôi, tuyết do gió thổi phủ lấy con đường và di chuyển những hòn sỏi trông giống như ảo ảnh. Chúng ta đang ở rìa của nơi cây cối không còn có thể mọc nổi nữa - đó là giới hạn của nơi ta có thể sống được một cách bình thường."

Băng qua một loạt những núi băng, những rìa băng được cấu tạo bởi băng phủ đất đá vốn là đặc điểm địa hình đặc trưng của Canada, chúng ta bắt đầu cảm nhận được sự hiện diện của làng Tuktoyaktuk. Như thể cách ly khỏi đất nước của mình, ngôi làng nằm cách biệt trên một mõm đất nhô ra giữa Bắc Băng Dương. Không có cây thích hay cây vân sam nào cả chính vì nơi đây đã ở ngoài rìa cây cối có thể mọc - chỉ có đại dương trải dài vô tận, những cơn sóng xám xịt lạnh lẽo đóng băng và ngưng đọng.

Luôn gắn bó với quê hương

Hai giờ rưỡi sau khi khởi hành, cuối cùng chúng tôi cũng đỗ lại gần một bến tàu bị chôn vùi trong băng tuyết. Những đường phố của Tuktoyaktuk vắng lặng vì lạnh lẽo. Những túp lều Eskimo - nơi đội chó kéo xe được đưa vào nằm nghỉ, đóng lại vào ban đêm. Không có ai ở xung quanh ngoại trừ tại nhà trọ Tuktu B&B nơi tôi gặp người chủ nhà trọ là bà Maureen Pokiak, người chuyện trò với tôi về tác động của con đường vào buổi ăn tối. Chồng của bà, James, bà xin lỗi, đã đi ra ngoài săn bò xạ hương.

"Cộng đồng này nằm trong máu của tôi, do đó tôi không trông chờ quá nhiều thay đổi," bà nói, trong lúc đang mài con dao truyền thống ulu để chuẩn bị một bữa ăn thông tục của người bản địa - thịt cá voi trắng sống, tức muktuk. "Có một bộ phận cực đoan vốn thích môi trường khắc nghiệt này, và họ sống và thở trong truyền thống. Con đường này khiến cho cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn về lâu dài, nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với mảnh đất này - và lúc nào cũng vậy."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn