Thảm họa khiến 10.000 người chết: Phơi bày nguyên nhân khiến cả Liên Xô, CIA giấu nhẹm

Thứ Hai, 04 Tháng Sáu 201810:00 SA(Xem: 6071)
Thảm họa khiến 10.000 người chết: Phơi bày nguyên nhân khiến cả Liên Xô, CIA giấu nhẹm
photo1527502607939-1527502607940869170798-15275026534541191952888

Phải mất 33 năm chìm trong bóng tối, thảm họa hạt nhân Kyshtym mới được Liên Xô đưa ra ánh sáng.

Đã gần 3 thập kỷ trôi qua kể từ khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng những dư âm, câu chuyện và bí mật xoay quanh cuộc chiến không đổ máu dài đằng đẵng suốt 45 năm này vẫn còn nhức nhối đến tận ngày nay. 

2 tháng trước khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, sau bao nhiêu ngày tháng tiêu tốn tiền bạc và công sức, người Mỹ cho nổ thử quả bom hạt nhân đầu tiên trong lịch sử nhân loại, quả bom mang mật danh "Trinity" vào ngày 16/7/1945, để rồi trở thành quốc gia mở đường cho buổi bình minh của kỷ nguyên nguyên tử trên thế giới.

Tiếp nối những xung đột chính trị, căng thẳng quân sự và cạnh tranh kinh tế - những dư âm của thời hậu chiến - Mỹ và Liên Xô trở thành đối thủ của nhau trong cuộc chiến tranh mới - Chiến tranh Lạnh. 

Để kìm hãm sự trỗi dậy từ "đế chế vũ khí nguyên tử" của Mỹ, Liên Xô tất yếu bí mật xây dựng các cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân. Cán cân nghiêng hẳn về phía người Liên Xô khi thế giới chao đảo chứng kiến thời khắc không bao giờ quên 11h32 ngày 30/10/1961: Liên Xô thử thành công quả bom mạnh nhất trong lịch sử nhân loại: Bom Sa Hoàng - được mệnh danh là "Vua của các loại bom."

Không súng đạn, không đổ máu trực tiếp nơi chiến trường nhưng cuộc chiến của "hai gã khổng lồ" này lại khiến không ít dân thường thiệt mạng. Đằng sau những danh xưng mỹ miều mà Mỹ và Liên Xô lần lượt gây dựng trong suốt những năm đối đầu căng thẳng của thế kỷ 20 là những câu chuyện, số phận bị chìm sâu trong bóng tối của bí mật.

Một trong số đó là thảm họa hạt nhân Kyshtym. 

Theo Thang độ đánh giá sự cố hạt nhân quốc tế (INES) của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), thảm họa hạt nhân Kyshtym được xếp ở mức độ nguy hiểm cấp 6. Lịch sử công nhận Kyshtym là thảm họa hạt nhân lớn thứ 3 trên thế giới và thứ hai tại Liên Xô. Hai thảm họa cùng được xếp cấp độ 7 (cấp cao nhất) là Chernobyl (Liên Xô) và Fukushima (Nhật Bản).

Thảm họa khiến 10.000 người chết: Phơi bày nguyên nhân khiến cả Liên Xô, CIA giấu nhẹm - Ảnh 1.

Liệu Kyshtym có phải là cái tên xa lạ trong các hồ sơ bí mật liên quan đến Liên Xô? Câu trả lời là, nó chỉ xa lạ với dư luận và thế giới mà thôi. Bởi, lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ không rò rỉ bất cứ thông tin nào liên quan đến thảm họa khủng khiếp này, kể cả những người dân bị nhiễm phóng xạ, họ cũng không biết đầu đuôi câu chuyện ra sao. 

Thậm chí, đến cái tên khu vực xảy ra thảm họa hạt nhân cũng khiến dư luận bị đánh lừa vì nó thực chất không xảy ra ở Kyshtym, mà tại một thị trấn có tên Chelyabinsk. Và đối với giới lãnh đạo Liên Xô, thị trấn này không-hề-tồn-tại và có trên bản đồ! (Về sau, vào những năm 1990, Chelyabinsk được đổi thành Ozyorsk).

Tất nhiên, trải qua hơn 3 thập kỷ bị giấu nhẹm trong bóng tối, bí mật của thảm họa hạt nhân lớn thứ 2 Liên Xô mới bị phơi bày. Cụ thể ra sao, mời độc giả theo dõi.

----

Chiều muộn ngày 29/9/1957, cư dân thị trấn Chelyabinsk ở miền nam dãy núi Ural chứng kiến dải màu đỏ tím khổng lồ xuất hiện bất thường trên bầu trời. Báo chí nhanh chóng giải đáp hiện tượng lạ này với loạt tiêu đề na ná nhau: Hiện tượng bắc cực quang xuất hiện tại miền nam núi Ural!

Vài ngày sau, một loạt lệnh từ chính phủ được ban hành xung quanh khu vực cơ sở hạt nhân Mayak tại Chelyabinsk: Người nông dân vô cớ bị yêu cầu giết sạch gia súc, đào hố chôn mùa màng và đất nông nghiệp; 11.000 người bị sơ tán vĩnh viễn dần dần trong 2 năm; 22 ngôi làng ngay sau đó bị phá hủy hoàn toàn.

Không có bất cứ tuyên bố chính thức nào từ phía chính phủ, hàng chục nghìn con người quanh năm quen với đồng ruộng, gia súc chỉ biết "đoán già đoán non" rằng đã có một tai nạn nào đó rất lớn xảy ra tại Mayak. Họ không hay biết điều khủng khiếp gì đang diễn ra và có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe mình như thế nào về sau.

Mayak (tên đầy đủ là Mayak Production Association) là một trong những cơ sở hạt nhân nguyên tử lớn nhất của Liên Xô, thuộc khu vực Chelyabinsk, nằm không xa thị trấn Kyshtym. Trước những năm 1990, không ai biết đến Chelyabinsk này bởi nó không hề có trên bản đồ.

Cơ sở hạt nhân này được xây dựng vội vã ngay sau khi Chiến tranh Thế giới 2 kết thúc nhằm đáp ứng tiềm năng hạt nhân của Liên Xô trong cuộc chạy đua ráo riết với Mỹ. Mayak có 6 lò phản ứng hạt nhân, với chức năng làm giàu plutonium để chế tạo vũ khí hủy diệt.

Vào thời đó, người ta biết rất ít về những hệ lụy khôn lường của vật liệu phóng xạ tác động lên sức khỏe của công nhân nhà máy, hoặc nếu có thì cũng bị giới lãnh đạo Liên Xô nhắm mắt làm ngơ vì họ đang mải miết chạy đua với người Mỹ. Đó là lý do, nhà máy hạt nhân Mayak được hoàn thành sau 3 năm chóng vánh.

Khi "giục tốc" ắt sẽ "bất đạt", hệ lụy tất yếu đã xảy ra, hệ thống làm mát và hệ thống xử lý rác thải hạt nhân không được chú trọng. Lẽ dĩ nhiên, khi Mayak đi vào vận hành, chất thải phóng xạ bắt đầu rò rỉ xuống dòng sông địa phương Techa. Đây là lúc chuỗi thảm họa đến từ việc "nhắm mắt làm ngơ" của giới lãnh đạo bắt đầu xảy ra!

Cùng với sự kiện Mayak "xuất xưởng" quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô vào năm 1949, chất thải phóng xạ nồng độ cao bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân trong vùng. 

Tiếp tục tảng lờ đi những số phận chưa biết đi về đâu của người dân, Liên Xô tham vọng muốn Mayak sản xuất nhiều quả bom hủy diệt hơn nữa, thậm chí, giới lãnh đạo còn ra thời hạn ngắn hơn mà lại mong muốn có những quả bom mạnh hơn. Mayak đáp ứng được! Nhưng cái giá phải trả bắt đầu tăng!

Hơn 17.000 công nhân (phần lớn là tù nhân bị cưỡng bức làm việc với đồ bảo hộ nghèo nàn) bị nhiễm phóng xạ nồng độ cao suốt từ năm 1948 đến 1958. Chất thải phóng xạ đổ ra con sông Techa từ năm 1949 đến 1952 đã gây nên nhiều đợt bùng phát bệnh do nhiễm phóng xạ cho những người dân vùng hạ lưu.

Những hậu quả nặng nề này chưa là gì so với sự kiện xảy ra ngày 29/9/1957 dưới đây.

Thảm họa khiến 10.000 người chết: Phơi bày nguyên nhân khiến cả Liên Xô, CIA giấu nhẹm - Ảnh 2.

Giới lãnh đạo Liên Xô sẽ còn tiếp tục làm ngơ đến những hậu quả đến từ sự tắc trách trong xây dựng nhà máy nếu như không có sự kiện các công nhân nhà máy bị nhiễm chất độc và phát tác ra bên ngoài: Năm 1953, do bị bỏng phóng xạ, chân của các công nhân đều bị cắt cụt!

Lúc này, chính phủ Liên Xô mới bắt đầu hạ lệnh tiến hành các biện pháp "chữa cháy vội vàng" nhằm kiểm soát lượng chất thải vốn đã chất lên hàng tấn của Mayak: Người ta xây dựng các bể chứa chất thải khổng lồ nằm sâu 8m dưới lòng đất. Để ngăn chất thải phóng xạ rò rỉ và nhiễm vào nguồn đất, nguồn nước ra khu vực xung quanh, người ta lắp máy làm mát cho bể chứa, tránh trường hợp nhiệt độ bể chứa tăng lên.

Giá như! Có lẽ là hai từ mà (có lẽ) giới lãnh đạo Liên Xô từng phải thốt lên dành cho những năm đầu xây dựng nhà máy hạt nhân Mayak, để 12 năm sau, chính họ không phải chứng kiến thảm họa được lịch sử gắn mác là nguy hiểm thứ hai trong lịch sử nước này!

Vì hệ thống làm mát và hệ thống xử lý rác thải hạt nhân của Mayak không được chú trọng nên cái giá mà những con người vô tội phải trả thay cho họ là quá lớn!

Vào năm 1956, những dấu hiệu đầu tiên của thảm họa bắt đầu xảy ra khi nhiệt độ tại một bể chứa chất thải hạt nhân nóng lên. Người ta thậm chí không hề biết đến sự việc này bởi một phần do sự tắc trách của các kỹ sư, một phần do hệ thống đo nhiệt độ hoạt động kém, cơ sở hạ tầng không đáp ứng đủ việc cung cấp thông số, do đó, khi bể chứa này đang nóng dần lên thì bể chứa khác bắt đầu nóng theo.

Sau hơn 1 năm âm ỉ nóng dần lên, đến ngày 29/9/1957, nhiệt độ tăng lên 350 độ C, bể chứa phát nổ khủng khiếp với sức phá hủy tương đương một vụ nổ của gần 100 tấn TNT.

Vụ nổ, tựa như "cơn cuồng nộ" bị kìm hãm lâu ngày, đã phá hủy hoàn toàn nhà máy, tàn phá công trình và các khu vực xung quanh nó với tổng khối lượng là 160 tấn bê-tông. Nguy hiểm hơn hết, nó giải phóng 20 triệu Curie bụi phóng xạ ra không khí, bao gồm một lượng lớn strontium-90 và cesium-137.

11 giờ

... sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng này, đám mây phóng xạ màu đỏ tím tựa như "vệt máu tử thần" bắt đầu xuất hiện từ tâm vụ nổ và loang rộng ra một khu vực rộng 20.000 km2, nơi sinh sống của 270.000 dân thường.

Thảm họa khiến 10.000 người chết: Phơi bày nguyên nhân khiến cả Liên Xô, CIA giấu nhẹm - Ảnh 3.

"Vệt máu tử thần" - Dải mây phóng xạ chết chóc từ vụ nổ nhà máy Mayak. Nguồn: Jan Rieke

Vào thời điểm đám mây phóng xạ phân tán, nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 22 ngôi làng, gây ra một cuộc khủng hoảng về sức khỏe và dân số lớn. Các nhà chức trách thậm chí không bận tâm thông báo cho người dân địa phương lý do cho việc sơ tán.

Khi vụ nổ khiến hàng nghìn dân làng Korabolka gần đó bàng hoàng, họ tưởng rằng chiến tranh hạt nhân đã nổ ra. Vài ngày ngày sau, 300 dân thường vô tội trong tổng số 5000 dân cư làng Korabolka đã chết do nhiễm độc phóng xạ!

Tồi tệ hơn, trong khu vực bị ảnh hưởng có 270.000 người nhưng số người được sơ tán chỉ có 11.000 người. Một thông tin không chính thống cho rằng, số người không được sơ tán nằm trong kế hoạch đo mức độ nhiễm phóng xạ lên sức khỏe người, nhằm phục vụ cho nghiên cứu ngầm của giới lãnh đạo về sau.

Báo chí phương Tây nghe ngóng được rất ít thông tin về thảm họa đau thương này. Bởi thông tin về vụ nổ và sự cố tại nhà máy Mayak bị giấu nhẹm trong bóng tối. Thậm chí, con số người thương vong chính thức cũng không bao giờ được công bố. Theo nguồn tin độc lập, khoảng 10.000 người chết sau thảm họa này, trong đó, có những người chết vì nhiễm độc phóng xạ, có người chết vì bệnh tật đeo bám (như ung thư, rối loạn gen...).

Do Chelyabinsk không nằm trên bản đồ nên thảm họa hạt nhân tồi tệ thứ hai trong lịch sử Liên Xô được đặt theo tên thị trấn Kyshtym gần đó.

Khi cuộc Chiến tranh Lạnh bước vào những năm cuối cùng, Liên Xô mới bắt đầu giải mật các hồ sơ liên quan đến thảm họa hạt nhân kinh hoàng này.

Có một sự thật ra, CIA cũng đã nắm rõ thảm họa hạt nhân Kyshtym trong lòng bàn tay, tuy nhiên, họ khôn khéo chọn cách im lặng thay vì tiết lộ cho công chúng, bởi, trong cuộc chạy đua không ngừng nghỉ với Liên Xô về vũ khí hạt nhân, CIA không dại mà "dập tắt" sự ủng hộ của dân Mỹ trước các dự án hạt nhân của mình.

Nhưng thứ mà chúng ta biết nào có sánh được với những nỗi đau mà những người dân thường của vùng bị ảnh hưởng vẫn từng ngày trải qua! Thật sự, quá chua chát!

Chiến tranh Lạnh đã khép lại, lịch sử cũng khép lại những hồ sơ tối mật luôn bị Liên Xô hay Mỹ giấu nhẹm trong bóng tối. Chúng ta chỉ biết khi những hồ sơ này bị đưa ra ánh sáng, vài chục năm sau...

Thảm họa khiến 10.000 người chết: Phơi bày nguyên nhân khiến cả Liên Xô, CIA giấu nhẹm - Ảnh 5.

Bia tưởng niệm thảm họa hạt nhân Kyshtym.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn