Pháp–Nga: Đánh giá quá cao sức mạnh của Matxcơva là sai lầm ( Bọn sùng putin ở VN chưa sáng )

Thứ Hai, 28 Tháng Năm 20188:39 SA(Xem: 8257)
Pháp–Nga: Đánh giá quá cao sức mạnh của Matxcơva là sai lầm ( Bọn sùng putin ở VN chưa sáng )
mediaTổng thống Pháp Macron (thứ hai từ bên trái) và tổng thống Nga Putin (g) tại Saint Petersbourg, ngày 24/05/2018.Sputnik/Mikhail Klimentyev/Kremlin via REUTERS

Ý lún sâu trong khủng hoảng chính trị sau khi tân thủ tướng từ chức là tâm điểm thời sự quốc tế của nhiều báo Pháp hôm nay. Nhiều khả năng cử tri Ý phải bầu Quốc Hội sớm, với viễn cảnh các đảng dân túy giành thêm nhiều phiếu bầu. Khủng hoảng chính trị Ý đe dọa tương lai khu vực đồng euro. Trước hết xin giới thiệu chủ đề quan hệ Pháp–Nga đang trong giai đoạn tái định hướng, với bài phân tích của Les Echos về những điều mà Paris cần chú ý để không rơi vào « chiếc bẫy » của Matxcơva.

Pháp và Nga tìm cách cải thiện quan hệ với chuyến công du của Emmanuel Macron tới Saint Petersbourg, chuyến đi đầu tiên tổng thống Pháp đến Nga kể từ khi ông nhậm chức. Theo Les Echos, nhiều bất đồng ngoại giao song phương « vẫn còn nguyên » sau cuộc gặp tổng thống Nga Putin, tuy nhiên « hợp tác kinh tế đã được khởi động lại ». Trong chuyến công du của tổng thống Pháp, khoảng 50 doanh nghiệp Pháp đã ký kết hợp đồng làm ăn với Nga (Bài « Kết quả nửa vời của một cuộc thượng đỉnh »).

Bài nhận định của nhà địa chính trị học Dominique Moisi (cố vấn đặc biệt của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trên Les Echos, với nhan đề « Macron–Putin: Cánh cửa rất hẹp », lưu ý : « Nguy cơ đánh giá thấp nước Nga đã không còn như trước đây », đặc biệt kể từ khi Matxcơva giành được « các thắng lợi ngoại giao và quân sự », ít nhất là trong thời điểm trước mắt tại Syria, để chống lưng cho chế độ độc tài Bachar al-Assad chống lại chính nhân dân mình. Bối cảnh chính trị quốc tế cũng đang thay đổi mạnh mẽ, với nước Mỹ của chính quyền Trump đang gây khó khăn cho con đường tìm kiếm hòa bình tại khu vực Trung Cận Đông, thay vì là một chỗ dựa. Trong bối cảnh này, Paris cần điều chỉnh quan hệ với nước Nga Putin thế nào ?

Pháp và Mỹ vẫn chia sẻ các giá trị chung

Vấn đề chủ yếu đối với tổng thống Pháp, theo Dominique Moisi, là cần có được một « thái độ đúng đắn » với chính quyền Putin, để vừa « bảo vệ được các lợi ích » của nước Pháp, mà không « hy sinh các giá trị nền tảng ». Nhà địa chính trị học Pháp nhấn mạnh đến « nguy cơ đánh giá quá cao sức mạnh của Matxcơva » trong chính giới Pháp. Theo ông, đây cũng là « một sai lầm ». Trên thực tế, nền kinh tế Nga vẫn luôn trong tình trạng bấp bênh, « các căng thẳng chính trị, xã hội » trong nước - bất chấp thành công trong bầu cử của ông Putin – một ngày nào đó sẽ trỗi dậy.

Ông Dominique Moisi khẳng định : điều căn bản là, cho dù « tính cách khó lường đoán » của tổng thống Mỹ cũng như « các quyết định độc đoán » của ông Donald Trump về ngoại giao và thương mại, thì Mỹ và Pháp « vẫn tiếp tục chia sẻ với nhau những giá trị chung ». Trong khi đó, Pháp và Nga bất đồng trên một loạt hồ sơ lớn, từ Ukraina đến Syria. Đối với Matxcơva, tình yêu Dân Tộc, nếu không muốn nói là khát vọng « vinh quang của đế chế Nga » mạnh hơn tình yêu Tự Do.

Hợp tác với Nga nhưng cần cảnh giác

Trong bối cảnh đó, chính phủ Pháp cần hết sức tỉnh táo. Phải thừa nhận rằng các hồ sơ lớn, từ thỏa thuận hạt nhân Iran, đến Ukraina và Syria, không thể giải quyết được nếu không có nước Nga. Cần phải chuẩn bị trước thất bại của Mỹ trong kế hoạch hòa bình cho Israel và Palestine. Paris phải sẵn sàng hợp tác với Matxcơva để hậu thuẫn cho các đàm phán. Tuy nhiên, không thể để Matxcơva lấn tới trong hàng loạt các vấn đề khác, như Ukraina, hay cuộc chiến tin học của Nga chống lại châu Âu, hậu thuẫn cho các lực lượng dân túy châu Âu, hay các hành động tội ác khác như vụ mưu sát cựu điệp viên Skripal. Phải cảnh giác và cứng rắn với Matxcơva, nhưng đồng thời cần hành động « cẩn trọng ».

Thế hệ mới « những người Nga thân Pháp »

Vẫn về quan hệ Pháp- Nga, Les Echos có « bài điều tra », giới thiệu với độc giả về thế hệ người Nga mới gắn bó với văn hóa Pháp, xã hội Pháp. Từ Alexei Venediktov, tổng biên tập tờ báo độc lập nổi tiếng « Tiếng vọng Matxcơva » đến ông Dimitri Peskov, người phát ngôn của tổng thống Nga Putin, đến thượng nghị sĩ Alexei Pouchkov nổi tiếng với các phát biểu « chống phương Tây »… Tất cả đều có một điểm chung là nói tiếng Pháp, hiểu biết văn hóa Pháp, và mong muốn siết chặt quan hệ song phương.

Les Echos điểm lại nhiều hoạt động gần đây làm xích gần hai xã hội dân sự Pháp và Nga, như « đối thoại Trianon », sáng kiến của hai nguyên thủ Pháp-Nga, sau thượng đỉnh tại Versailles năm ngoái. Trong bối cảnh căng thẳng chính trị, với các trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, sau vụ Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée, nhiều người hi vọng « văn hóa là phương tiện tốt nhất » để xây dựng quan hệ giữa hai nước.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn