Sự sụp đổ của trật tự thế giới tự do

Thứ Bảy, 18 Tháng Mười Một 20179:00 CH(Xem: 7756)
Sự sụp đổ của trật tự thế giới tự do

libdeath

Nguồn: Stephen M. Walt, “The Collapse of the Liberal World Order,” Foreign Policy, 26/06/2016.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Có một thời gian – trong những năm 1990 – rất nhiều người khôn ngoan và nghiêm túc tin rằng các trật tự chính trị tự do là làn sóng của tương lai và chắc chắn sẽ bao trùm lên phần lớn địa cầu. Mỹ và các đồng minh dân chủ của nó đã đánh bại chủ nghĩa phát xít và sau đó là chủ nghĩa cộng sản, được cho là đưa nhân loại đến “điểm tận cùng của lịch sử.” Liên minh châu Âu có vẻ là một thử nghiệm táo bạo về chủ quyền chung, điều đã giúp chấm dứt chiến tranh tại phần lớn châu Âu. Quả thật, nhiều người châu Âu tin rằng sự kết hợp độc đáo các thể chế dân chủ, hội nhập thị trường, pháp quyền, và các đường biên giới mở của họ đã khiến “quyền lực dân sự” của châu Âu trở thành đối trọng tương xứng, nếu không muốn nói là ưu việt hơn, thứ “quyền lực cứng” thô của Mỹ. Về phần mình, Mỹ cam kết “mở rộng phạm vi của chế độ dân chủ,” loại bỏ những kẻ chuyên quyền phiền phức, củng cố “nền hòa bình nhờ dân chủ,” và từ đó mở ra một trật tự thế giới nhân từ và bền vững.

Như bạn có thể nhận thấy, sự lạc quan cuồng nhiệt của những năm 1990 đã nhường đường cho cảm giác bi quan ngày càng lớn – thậm chí sự báo động – về trật tự tự do hiện tại. Roger Cohen của tờ The New York Times, một nhà tự do chủ nghĩa sâu sắc và tận tâm, tin rằng “các lực lượng của sự tan rã đang trên đà tiến tới” và “những nền tảng của thế giới hậu chiến… đang lung lay.” Một bản sách trắng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 4 cảnh báo rằng trật tự thế giới tự do “đang bị thách thức bởi nhiều thế lực – các chính phủ chuyên chế mạnh và các phong trào bảo căn chủ nghĩa phản tự do.” Và trên tạp chí New York, Andrew Sullivan cảnh báo rằng chính nước Mỹ cũng có thể bị đe dọa bởi vì nó đã trở nên “quá dân chủ.”

Những nỗi sợ như vậy là điều dễ hiểu. Ở Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập – và thậm chí ở ngay tại Mỹ – người ta đang chứng kiến hoặc chủ nghĩa chuyên chế hồi sinh hoặc một khát khao có một “nhà lãnh đạo mạnh mẽ” với những hành động táo bạo để quét sạch những bất mãn hiện nay. Theo chuyên gia về dân chủ Larry Diamond, “từ năm 2000 đến năm 2015, các nền dân chủ đã đổ vỡ tại 27 quốc gia,” trong khi “nhiều chế độ chuyên chế hiện tại đã trở nên ít cởi mở, thiếu minh bạch, và ít đáp ứng các công dân của họ hơn.” Vương quốc Anh đã bỏ phiếu rời EU; Ba Lan, Hungary, và Israel đang đi theo các phương hướng phi tự do; và một trong hai đảng chính trị lớn của Mỹ sắp đề cử một ứng cử viên tổng thống công khai miệt thị sự khoan dung vốn là trung tâm của một xã hội tự do, liên tục bày tỏ những niềm tin phân biệt chủng tộc và những lý thuyết âm mưu vô căn cứ, và thậm chí còn nghi ngờ ý tưởng về một nền tư pháp độc lập. Với những người trung thành với những lý tưởng tự do cốt lõi, đây không phải là khoảng thời gian hạnh phúc.

Có thể tôi có quan điểm hiện thực chủ nghĩa về chính trị quốc tế và chính sách đối ngoại, nhưng tôi không hề có bất cứ niềm vui nào trước những diễn biến ấy. Như Robert Gilpin, “nếu bị ép buộc thì tôi sẽ mô tả mình là một nhà tự do chủ nghĩa trong một thế giới hiện thực chủ nghĩa,” tức là tôi đánh giá cao những phẩm chất của một xã hội tự do, biết ơn vì được sống trong một xã hội như thế, và cho rằng thế giới trên thực tế sẽ là một nơi tốt hơn nếu các thể chế và các giá trị tự do được áp dụng rộng rãi hơn – thậm chí phổ quát. (Tôi nghi ngờ sâu sắc về khả năng tăng tốc tiến trình ấy của chúng ta, đặc biệt là bằng lực lượng quân sự, nhưng đó là một vấn đề khác.) Do đó mọi chuyện sẽ hoàn toàn tốt đẹp với tôi nếu những hy vọng trước đây của các nhà tự do chủ nghĩa đã trở thành hiện thực. Nhưng chúng chưa hề, và điều quan trọng là phải xem xét tại sao.

Vấn đề đầu tiên là các nhà bảo vệ chủ nghĩa tự do đã quá đề cao sản phẩm của họ. Chúng ta được bảo rằng nếu các nhà độc tài tiếp tục ngã ngựa và nhiều nhà nước tổ chức các cuộc bầu cử tự do, bảo vệ tự do ngôn luận, thực thi pháp quyền, chấp nhận các thị trường cạnh tranh, và tham gia EU và/hoặc NATO, thì một “vùng hòa bình” rộng lớn sẽ được tạo ra, thịnh vượng sẽ lan rộng, và bất kỳ bất đồng chính trị kéo dài nào cũng sẽ dễ dàng được giải quyết trong khuôn khổ của một trật tự tự do.

Khi mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ như thế, và khi một số nhóm trong các xã hội tự do ấy trên thực tế lại bị tổn hại trước những diễn tiến này, một mức độ phản ứng nhất định là không thể tránh khỏi. Thậm chí giới tinh hoa ở nhiều nước tự do còn mắc một số sai lầm nghiêm trọng, bao gồm việc tạo ra đồng euro, xâm lược Iraq, nỗ lực sai lầm trong việc kiến thiết đất nước ở Afghanistan, và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chúng cùng những sai lầm khác đã góp phần làm suy yếu tính chính danh của trật tự hậu Chiến tranh Lạnh, mở cửa cho các thế lực phi tự do, và khiến một số nhóm xã hội dễ bị những lời kêu gọi của chủ nghĩa bản địa “tấn công”.

Những nỗ lực truyền bá một trật tự thế giới tự do cũng phải đối mặt với sự phản đối như được dự đoán từ các nhà lãnh đạo và các nhóm người bị đe dọa trực tiếp bởi những nỗ lực của chúng ta. Ví dụ, khó mà ngạc nhiên được khi Iran và Syria đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn những nỗ lực của Mỹ ở Iraq, bởi chính quyền George W. Bush đã nêu rõ những chế độ ấy cũng nằm trong danh sách tấn công của họ. Tương tự, tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga cho rằng những nỗ lực truyền bá các giá trị “tự do” của phương Tây là mối đe dọa, hay tại sao họ đã thực hiện nhiều bước khác nhau để ngăn chặn chúng, có khó hiểu hay không?

Các nhà tự do chủ nghĩa cũng quên rằng các xã hội tự do thành công đòi hỏi không chỉ các thể chế dân chủ hình thức. Chúng cũng phụ thuộc vào một cam kết sâu rộng với các giá trị nền tảng của một xã hội tự do, đáng chú ý nhất là sự khoan dung. Tuy nhiên, như những sự kiện ở Iraq, Afghanistan, và một số nơi khác đã chứng minh, viết một bản hiến pháp, thành lập các đảng chính trị, và tổ chức các cuộc bầu cử “tự do và công bằng” sẽ không tạo ra một trật tự tự do đích thực trừ khi cá nhân và các nhóm trong xã hội cũng theo đuổi các quy chuẩn tự do chủ chốt. Dạng cam kết văn hóa và chuẩn tắc này không thể được xây dựng qua một đêm hay áp đặt từ bên ngoài, và chắc chắn không phải bằng những máy bay không người lái, các lực lượng đặc nhiệm, và những công cụ bạo lực khác.

Một điều rất rõ ràng khác là các nhà tự do chủ nghĩa hậu Chiến tranh lạnh đã đánh giá thấp vai trò của chủ nghĩa dân tộc và các hình thức bản sắc địa phương khác, bao gồm chủ nghĩa bè phái, sắc tộc, các liên kết bộ lạc, v.v… Họ cho rằng những niềm tin nguyên thủy như vậy sẽ chết dần, bị giới hạn trong các biểu đạt phi chính trị, văn hóa, hoặc được cân bằng và quản lý một cách khéo léo trong các thể chế chính trị được thiết kế tốt.

Nhưng hóa ra nhiều người ở nhiều nơi vẫn quan tâm đến bản sắc dân tộc, thù hằn lịch sử, biểu tượng lãnh thổ, và các giá trị văn hóa truyền thống nhiều hơn quan tâm đến “tự do” như định nghĩa của các nhà tự do chủ nghĩa. Và nếu Brexit có nói với chúng ta điều gì, thì đó là một số cử tri (đa phần là người lớn tuổi) dễ dàng lay động trước những sức hút như vậy hơn là trước những cân nhắc mang tính duy lý kinh tế thuần túy (ít nhất là cho đến khi họ cảm nhận được những hệ quả). Chúng ta có thể cho rằng những giá trị tự do của mình có giá trị phổ quát, nhưng đôi lúc những giá trị khác sẽ đánh bại chúng. Những tình cảm truyền thống như vậy sẽ xuất hiện đặc biệt lớn khi sự thay đổi xã hội diễn ra nhanh chóng và khó đoán, và nhất là khi các xã hội từng thuần nhất buộc phải thu nạp và đồng hóa những người có nền tảng khác và phải làm điều đó trong thời gian ngắn. Các nhà tự do chủ nghĩa có thể nói tất cả những gì họ muốn về tầm quan trọng của sự khoan dung và những phẩm chất của chủ nghĩa đa văn hóa (và tôi đồng tình với họ), nhưng thực tế là pha trộn các nền văn hóa trong một chính thể duy nhất chưa bao giờ là trơn tru hay đơn giản. Những căng thẳng kéo theo sẽ có lợi cho các nhà lãnh đạo dân túy hứa hẹn bảo vệ các giá trị “truyền thống” (hoặc “làm đất nước vĩ đại trở lại.”) Hoài niệm không còn như trước đây, nhưng vẫn có thể là một ẩn dụ chính trị đáng gờm.

Quan trọng nhất, các xã hội tự do ngày nay gặp rắc rối là do chúng dễ bị tổn thương khi bị tấn công bởi các nhóm hoặc cá nhân đang lợi dụng chính những tự do vốn là nền tảng của các xã hội tự do. Như Donald Trump đã chứng tỏ cả năm nay (và như Jean-Marie Le Pen, Recep Erdogan, Geert Wilders, và những “con buôn chính trị” khác thể hiện trong quá khứ), các nhà lãnh đạo hoặc các phong trào mà sự cam kết với các nguyên tắc tự do của họ hời hợt đều có thể lợi dụng các nguyên tắc của xã hội mở và sử dụng chúng để tập hợp một đám đông ủng hộ. Và không gì trong một trật tự dân chủ có thể đảm bảo những nỗ lực như vậy sẽ luôn thất bại.

Trong thâm tâm, tôi cho rằng điều này giải thích tại sao rất nhiều người ở Mỹ và ở châu Âu đang tuyệt vọng muốn Chú Sam tiếp tục can dự đầy đủ vào châu Âu. Đó không hẳn là vì nỗi sợ về một nước Nga đang suy thoái nhưng vẫn quyết đoán; mà là nỗi sợ của họ về chính châu Âu. Các nhà tự do chủ nghĩa muốn châu Âu tiếp tục hòa bình, khoan dung, dân chủ, và nằm trong khuôn khổ EU, và họ muốn kéo các nước như Gruzia hay Ukraina rốt cuộc sẽ can dự sâu hơn vào vòng tròn dân chủ của châu Âu. Nhưng trong thâm tâm, họ không tin người châu Âu có thể quản lý tình hình này, và họ sợ rằng tất cả sẽ suy thoái nếu cái “núm vú giả của Mỹ” bị cắt bỏ. Bất chấp tất cả những phẩm chất giả định của chủ nghĩa tự do, rốt cuộc những người bảo vệ nó không thể rũ bỏ mối nghi ngờ rằng phiên bản chủ nghĩa tự do châu Âu quá mong manh đến mức nó cần sự hỗ trợ từ Mỹ. Ai mà biết được? Có thể họ đúng. Nhưng trừ khi bạn nghĩ rằng Mỹ có nguồn lực vô hạn và sự sẵn lòng vô bờ bến để trợ cấp cho việc phòng thủ các nước giàu khác, thì vấn đề là: những ưu tiên toàn cầu nào khác là thứ mà các nhà tự do chủ nghĩa sẵn sàng hy sinh để bảo vệ những gì còn lại của trật tự châu Âu?

Stephen M. Walt là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Trường Quản trị Kennedy thuộc Đại học Harvard.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn