Lý do chọn Singapore làm nơi hội đàm Mỹ – Triều

Thứ Tư, 23 Tháng Năm 20183:00 SA(Xem: 5632)
Lý do chọn Singapore làm nơi hội đàm Mỹ – Triều

z_p17-Singapore

Biên dịch: Hồ Anh Hải

Sáng 10/5 (giờ Washington), Tổng thống Trump tuyên bố ngày 12/6 ông sẽ hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore. Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 11/5 có bài phân tích 5 lý do Trump-Kim chọn Singapore làm địa điểm gặp nhau.

Dương Hy Vũ, chuyên gia Viện Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế Trung Quốc, nói: trước hết đó là sự xem xét về mặt chính trị: đây là địa điểm của bên thứ ba mà hai bên Mỹ-Triều Tiên đều có thể chấp nhận. Singapore được Mỹ coi là một “quốc gia trung lập”, hơn nữa trong lịch sử, Singapore là đồng minh của Mỹ, hiện có quan hệ khăng khít với Mỹ về chính trị, quân sự. Đối với Triều Tiên thì Singapore cũng không phải là địa điểm Triều Tiên không thích, mấy năm qua hai nước không có quan hệ xấu và xung đột với nhau, cho nên là nơi có thể chấp nhận.

Thứ hai là sự cân nhắc về kỹ thuật. Triều Tiên hiện có Đại sứ quán tại 47 nơi trên toàn cầu, trong đó Singapore là một. Nói chung cuộc họp lãnh đạo cấp cao nhất của hai quốc gia phải có sự hỗ trợ về kỹ thuật của sứ quán nước mình tại nước sở tại nhằm thực hiện các bảo đảm về an ninh, hậu cần và thông tin liên lạc, nhất là phải có đường điện báo bảo mật đủ khả năng truyền thông tin về nước mình.

Thứ ba là xem xét về điều kiện thực tế. Lã Siêu, học giả vấn đề Triều Tiên-Hàn Quốc ở Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh nói Singapore là quốc gia châu Á, cách Bình Nhưỡng tuy không gần lắm nhưng cũng không quá xa, giao thông tương đối thuận lợi. Đối với Mỹ thì Singapore là một thành phố tầm cỡ quốc tế, có các trang thiết bị và điều kiện rất hoàn thiện để họp các hội nghị quốc tế có yêu cầu cao, có thể đáp ứng nhu cầu của Mỹ. Singapore cách Bình Nhưỡng 4740 km, chuyên cơ hiện dùng của nhà lãnh đạo Triều Tiên đủ sức bay thẳng đến đích mà không cần đỗ lại giữa đường để tiếp nhiên liệu.

Thứ tư là cân nhắc về cuộc chơi ngoại giao. Dương Hy Vũ nói: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nhiệt tình đề nghị Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều họp tại phía Hàn Quốc ở Bản Môn Điếm và một số hoạt động có thể bố trí ở phía Bắc giới tuyến. Moon Jae-in cũng từng nêu kiến nghị này với Kim Jong Un, hai bên đã có những hoạt động tích cực theo hướng ấy. Nhưng TT Trump cân nhắc vấn đề có nặng về chính trị hơn: giả thử một số hoạt động của TT Mỹ được bố trí tiến hành ở phía Triều Tiên của Bàn Môn Điếm thì trong mắt người ngoài cuộc điều đó sẽ có nghĩa là chưa đàm phán mà Mỹ đã nhượng bộ. Vì thế Mỹ muốn chọn địa điểm của bên thứ ba. Lã Siêu cũng có quan điểm tương tự, ông cho rằng việc chọn địa điểm hội đàm đã là hiệp thứ nhất của cuộc chơi Mỹ-Triều. “Nhìn tổng thể, trong hiệp đấu thứ nhất này, Mỹ đã giành được ưu thế nửa ván cờ [nguyên văn: bán mục, một từ dùng trong môn cờ vây].”

Lý do sau cùng không thể quên là “chí khí hào hùng” của Singapore. Lã Siêu phân tích: Năm 2015 các nhà lãnh đạo hai bờ eo biển Đài Loan Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu từng chọn Singapore làm nơi tiến hành cuộc gặp lịch sử. “Bản thân Singapore rất muốn được đóng vai trò “Chủ nhà”. Đặc biệt, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều là sự kiện quốc tế trọng đại được thế giới quan tâm nhất trong năm nay, chọn Singapore làm nơi họp chắc chắn là sự kiện lớn nâng cao địa vị quốc tế của Singapore.

Thời báo Hoàn cầu ngày 11/5 cũng đăng một bài xã luận cho rằng với việc Mỹ-Triều thống nhất họp thượng đỉnh ở Singapore như TT Trump lựa chọn, tuy hội đàm Mỹ-Triều còn chưa họp nhưng “sô” [show] diễn chính trị của ông Trump đã mở màn. Ông Kim Jong Un cần có dũng khí và tự tin khi đi Singapore. Việc ông Kim đồng ý với lựa chọn ấy cần được coi là biểu thị ý chí Triều Tiên sẽ chấp nhận và tuân theo luật quốc tế.

Địa điểm Singapore mang lại thể diện cho TT Trump, phát đi tín hiệu “Phía Mỹ thắng hiệp đầu”. Nhưng khi nào Trump-Kim gặp nhau bắt tay thì TT Mỹ rất khó còn có đường lui. Nếu ông đi Singapore phí công vô ích, thậm chí vì bị Triều Tiên “lừa” cho một vố mà phải bỏ hội đàm thì đó sẽ là một tai nạn chính trị cho ông.

Xã luận viết: Đối với cuộc gặp Trump-Kim, Trung Quốc có hy vọng cao nhất và mong đợi thấp nhất. Hy vọng cao nhất là Mỹ-Triều đạt được một thời gian biểu và lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo đáng tin cậy và có thể thực hiện được. Mong đợi thấp nhất là hội đàm không thất bại, kết quả hội đàm có thể duy trì tình thế hòa hoãn hiện đã hình thành, thúc đẩy đi tới tình thế tốt hơn, chứ không phải là mọi cái đều lập tức dừng lại, bán đảo Triều Tiên trở về tình trạng đối kháng gay gắt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn