Chính quyền Washington đã đình chỉ các cuộc đàm phán về hiệp ước sông Columbia, một con sông dài gần 2.000 km giữa Hoa Kỳ và Canada.
Trong mắt tổng thống Mỹ Donald Trump, đó là một "vòi nước rất lớn" chảy từ Canada sang Hoa Kỳ. Columbia là một con sông xuyên biên giới khổng lồ, bắt nguồn từ tỉnh British Columbia và đổ ra Astoria, bang Oregon, chảy qua nhiều công viên quốc gia của cả hai nước. Con sông có chiều dài trên 2.000 km, với 800 km trên lãnh thổ Canada, và tại cửa sông, lưu lượng trung bình là 7.500 mét khối mỗi giây. Tricia Stadnyk, nhà nghiên cứu Canada về mô hình thủy văn tại trường kỹ thuật Schulich của đại học Calgary (Alberta), nhận xét "đó là một con sông tuyệt vời, mạnh mẽ ngay từ nguồn".
Hiệp ước sông Columbia được ký kết vào năm 1961, quy định việc chia sẻ nước giữa hai quốc gia, sản xuất điện, phòng chống lũ lụt và bảo vệ hệ sinh thái. Chính quyền British Columbia, ngày 11/03/2025, thông báo Hoa Kỳ đã tạm dừng các cuộc đàm phán về việc cập nhật hiệp ước sông Columbia, mặc dù hai bên đã đúc kết một thỏa thuận trên nguyên tắc vào tháng 07/2024. Các cuộc đàm phán về vấn đề này cũng từng bị đình chỉ vào năm 2021, nhưng bối cảnh hiện nay rất khác biệt. Từ tháng 11/2024, Donald Trump đã lặp đi lặp lại rằng Canada có thể trở thành "bang thứ 51" của Hoa Kỳ và không giấu diếm sự "thèm muốn" đối với nguồn nước của Canada, trong đó có Ngũ Đại Hồ ở biên giới giữa hai nước. Tháng 09/2024, chủ nhân Nhà Trắng đã bày tỏ sự quan tâm đối với sông Columbia, mà ông muốn chuyển dòng để làm giảm tình trạng hạn hán tại Hoa Kỳ.
Nguồn gốc của hiệp ước này có từ năm 1948, khi một trận lũ lớn đã xóa sổ thành phố Vanport, Oregon (khoảng 18.000 cư dân lúc đó), đồng thời gây lũ lụt ở phía nam British Columbia. Hiệp ước quy định Canada kiểm soát sức mạnh của con sông, và điều này đòi hỏi Ottawa xây dựng ba đập nước tại British Columbia. Những công trình này cũng đáp ứng nhu cầu thủy điện của Hoa Kỳ. Đổi lại, Canada nhận được một khoản tiền từ việc sản xuất điện ở Hoa Kỳ nhờ vào việc lưu trữ nước ở các hồ chứa của Canada. Số tiền này lên đến hàng trăm triệu đô la mỗi năm.
Tuy nhiên, kể từ năm 1961, sông Columbia đã thay đổi. Tricia Stadnyk cho biết thêm : "Có những trận lũ mạnh hơn và hạn hán kéo dài hơn. Cập nhật hiệp ước là điều cấp bách để bảo vệ hệ sinh thái tốt hơn. Đây cũng là việc sửa chữa những sai lầm trong phiên bản cũ của hiệp ước đối với người bản địa."
Ngày 18/06/2024, chính phủ Biden đã công bố một bản báo cáo lần đầu tiên thừa nhận những thiệt hại do các đập của Hoa Kỳ gây ra đối với người Canada bản địa, vì Washington đã xây dựng các đập ở hạ nguồn so với các đập của Canada. Chúng đã ngăn cản loài cá di cư đến các khu sinh sản ở dãy núi Rocky của Canada, và điều này đã làm thay đổi cuộc sống của các dân tộc bản địa ở khu vực này.
Nhiều năng lượng thủy điện hơn
Tháng 2 vừa qua, Donald Trump đã gọi hiệp ước sông Columbia là "bất công", mà không đưa ra chi tiết cụ thể. Đồng thời, ông yêu cầu thủ tướng Canada khi đó là Justin Trudeau thực hiện những thay đổi trong một cuộc điện đàm được New York Times dẫn lại. Điều mà tổng thống Hoa Kỳ quan tâm là được tiếp cận nhiều hơn nguồn nước từ con sông cung cấp hơn 40% năng lượng thủy điện cho Hoa Kỳ.
Với việc đình chỉ các cuộc đàm phán này, một cuộc chiến về nước đang manh nha giữa hai quốc gia. Tricia Stadnyk than phiền : "Vấn đề này đang trở thành một vấn đề chính trị, thỏa thuận xuyên biên giới về nước có thể ngăn ngừa một số cuộc xung đột tiềm tàng, nhưng Donald Trump đã chứng tỏ ông sẽ không làm gì để duy trì thỏa thuận." Đối với Adell Amos, giáo sư luật môi trường tại đại học Oregon, người đã phục vụ trong chính quyền Obama với tư cách luật sư về tài nguyên nước của Hoa Kỳ, việc tạm dừng các cuộc đàm phán là "mối đe dọa đối với khả năng quản lý các nguồn tài nguyên này, trong bối cảnh hiện tượng biến đổi khí hậu gia tăng".
Việc quản lý nước của sông Columbia luôn là một thách thức phức tạp trong quan hệ Canada-Hoa Kỳ. Cốt lõi của vấn đề nằm ở việc phân phối các cơ sở hạ tầng : phần lớn việc lưu trữ nước diễn ra ở Canada, trong khi phần lớn hoạt động sản xuất thủy điện lại được thực hiện tại Hoa Kỳ.
Do vậy, Hoa Kỳ phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của Canada để đạt được các mục tiêu về năng lượng và quản lý tài nguyên nước. Adell Amos giải thích : "Hoa Kỳ chỉ có thể sản xuất thêm năng lượng thủy điện từ các hồ chứa nước tại Mỹ đơn giản là vì Canada lưu trữ nước ở thượng nguồn."
"Các hệ sinh thái sẽ chịu thiệt thòi"
Hoa Kỳ đã "thèm muốn" nguồn nước của Canada rất lâu trước khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Vào những năm 1950, một dự án mang tên "North American Water and Power Alliance", trị giá 80 tỷ đô la (73 tỷ euro), đã dự trù chuyển dòng các con sông của Alaska và Yukon qua Alberta để tưới tiêu cho Hoa Kỳ. Dự án này vẫn chưa hoàn toàn đi vào quên lãng.
Trong thỏa thuận trên nguyên tắc đạt được vào ngày 11/07/2024, Hoa Kỳ đã cam kết trả 38 triệu đô la mỗi năm cho Canada cho đến năm 2044 để được quyền lưu trữ nước trong các hồ chứa của Canada, và nước này sẽ nhận được ít thủy điện hơn. Văn bản này cũng bảo vệ hệ sinh thái tốt hơn, với khả năng tăng lưu lượng của các con sông để hỗ trợ cá hồi sinh sản.
Nhưng thỏa thuận không đáp ứng yêu cầu của tân tổng thống Hoa Kỳ. Sắc lệnh "Đặt con người lên trên cá" đối với bang California "rõ ràng cho thấy rằng hệ sinh thái sẽ bị đặt sau" con người, theo phân tích của Tricia Stadnyk. Donald Trump tuyên bố ý định "chấm dứt chủ nghĩa sinh thái cực đoan để cung cấp nước cho miền Nam California", nhằm đối phó tốt hơn với các trận cháy rừng. Ông cho rằng thống đốc California, Gavin Newsom, thuộc đảng Dân Chủ, do muốn "bảo vệ cá chình của đồng bằng", đã không cung cấp nước từ phía bắc để dập những đám cháy tại Los Angeles vào tháng 1.
Tricia Stadnyk lo ngại rằng các dòng sông sẽ trở thành một vật đổi chác mới trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa hai quốc gia, mặc dù những cây cầu giữa các nhà đàm phán Hoa Kỳ và Canada chưa hoàn toàn bị phá vỡ. Nhà nghiên cứu nhấn mạnh : "Hiệp ước sông Columbia đang trở thành một công cụ để đàm phán các vấn đề lớn hơn. Nếu mỗi bên chỉ hành động vì lợi ích của mình, các hệ sinh thái sẽ chịu thiệt thòi. Cũng giống như chiến tranh thương mại hiện tại, một cuộc chiến về nước sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp."
Trong khi chờ đợi một cuộc đàm phán có thể diễn ra trong tương lai, một thỏa thuận tạm thời cho phép quản lý sông Columbia vẫn được duy trì. Hoa Kỳ cũng có thể quyết định rút khỏi hiệp ước vĩnh viễn và phải thông báo 10 năm trước khi quyết định làm vậy. Tuy nhiên, một viễn cảnh khác có thể xảy ra. Chính phủ Hoa Kỳ có thể sử dụng hiệp ước về nước biên giới ký kết năm 1909 để rút khỏi hiệp ước về sông Columbia chỉ trong vòng 1 năm.
Nguồn : Le Monde