Kinh tế thị trường: Học gì từ nước Anh và nước Mỹ

Thứ Năm, 19 Tháng Tư 20181:30 SA(Xem: 7041)
Kinh tế thị trường: Học gì từ nước Anh và nước Mỹ

FB Hoàng Hải Vân

Ảnh: internet

Đất nước đã chuyển sang kinh tế thị trường mấy chục năm nay. Dù gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng nếu hiểu định hướng xã hội chủ nghĩa là sử dụng thành quả của kinh tế thị trường để hỗ trợ cho các nhóm người yếu thế nhằm giúp họ vươn lên thì phải có kinh tế thị trường đúng nghĩa của nó trước đã. Bởi vậy, nhiệm vụ “định hướng xã hội chủ nghĩa” thuộc về các nhà hoạch định chính sách xã hội, họ phải liệu cơm gắp mắm trong giới hạn không làm méo mó thị trường, đó không phải là nhiệm vụ của các chuyên gia kinh tế.

Đất nước cần các chuyên gia kinh tế thị trường đúng nghĩa, nhiệm vụ chính của họ là ngăn cản mọi sự can thiệp phi thị trường vào nền kinh tế. Sử dụng các chuyên gia nửa nạc nửa mỡ để ăn theo nói leo, không những không có lợi lộc gì cho sự phát triển của đất nước mà còn có hại.

Các nhà lãnh đạo quyết tâm với kinh tế thị trường hãy học bà Thatcher của nước Anh. Sau 4 thập kỷ phế bỏ kinh tế thị trường để áp dụng kinh tế hỗn hợp với các ngành kinh tế trọng điểm đều bị quốc hữu hóa, “nhà nước vú em” Anh Quốc đưa đất nước vào bờ vực sụp đổ, Thatcher lên cầm quyền. Bà cắt giảm mạnh bạo các khoản chi tiêu khổng lồ của chính phủ, tiến hành tư nhân hóa nền kinh tế, khôi phục lại sự vận hành của thị trường. Mặc dù bị dân chúng phản đối,bị báo chí bôi nhọ và trở thành thiểu số ngay trong chính phủ của mình, bà vẫn không lùi bước. Trả lời sự phản đối gay gắt của một số thành viên chính phủ, rằng tự do hóa kinh tế là không thể, bà nói : “Ồ, vâng, tôi biết, gần đây chúng ta đã được không dưới 365 nhà kinh tế học hàn lâm cho biết rằng những điều này là không thể, rằng hoạt động kinh doanh của nước Anh đang phải chịu số phận bi đát. Sự tin tưởng về tính chính xác trong dự đoán của họ khiến tôi phải nín thở. Nhưng do tôi đã lớn lên trong một cửa hàng kinh doanh, tôi đôi khi tự hỏi liệu họ có dám đặt cược bằng tiền của chính họ cho những dự đoán đó không”. Và bà đã thành công, đưa nước Anh hồi sinh trở lại.

Đừng tưởng theo “thông lệ quốc tế” là áp dụng kinh tế thị trường. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã thông qua một loạt các đạo luật cho phép Chính phủ can thiệp mạnh vào nền kinh tế. Chính sách New Deal của vị tổng thống rất được lòng dân này (ông được bầu tới 4 nhiệm kỳ tổng thống) đã để lại những di hại vô cùng trầm trọng cho nền kinh tế Mỹ. Từ những năm 30 cho đến trước thời Tổng thống Reagan, tình trạng phi thị trường ở Mỹ được Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan mô tả như sau : “Thật khó tưởng tượng được những doanh nghiệp Mỹ đã bị hạn chế như thế nào. Các ngành hàng không, vận chuyển bằng xe tải, đường sắt, đường ống dẫn dầu, điện thoại, vô tuyến, những người môi giới cổ phiếu, thị trường tài chính, các ngân hàng tiền gửi tiết kiệm, những ngành phục vụ đều hoạt động dưới quy định nặng nề. Các hoạt động được giám sát tới từng chi tiết nhỏ nhất”.

Tổng thống G. Ford từng cam kết sẽ “tháo xiềng xích cho các doanh nhân Mỹ”, rằng “Chính phủ liên bang tránh xa doanh nghiệp của các vị, khỏi cuộc sống, khỏi ví tiền và không chạm tới một sợi tóc của quý vị nếu tôi có thể”, nhưng không ăn thua vì sau đó ông thất cử. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống, ông Reagan là người có công lớn nhất khôi phục lại kinh tế thị trường tự do của nước Mỹ sau khi tuyên bố : “Mục tiêu đầu tiên và chính yếu của tôi là cải thiện thành tích của nền kinh tế bằng cách giảm đi nhiều chiều kích của vai trò chính phủ liên bang”. Thời Ford – Reagan – Thatcher, các nhà kinh tế thị trường tự do theo trường phái Chicago và trường phái Áo mà tiêu biểu là hai kinh tế gia Milton Friedman và F. A. Hayek được đề cao sau mấy chục năm bị đẩy ra ngoài lề kinh tế học.

Đến thời Obama, kinh tế thị trường tự do của nước Mỹ đi thụt lùi với việc tăng thuế, mở rông “sứ mệnh” của Chính phủ. Ông được truyền thông tả khuynh của Mỹ ngợi ca, được báo chí cả lề phải lẫn lề trái của Việt Nam hết lời tán tụng. Ông Trump lên, giảm thuế, giảm “sứ mệnh” của Chính phủ để khai thông thị trường. Ông bị báo chí Mỹ chửi bới te tua, sự chửi bới này được giới trí thức và truyền thông Việt Nam phụ họa.

Không phải ngẫu nhiên trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và đọc diễn văn tại Heritage Foundation (Viện Di sản). Tổ chức này quy tụ khoảng nửa triệu thành viên, bao gồm các học giả, chính khách và doanh nhân, được coi là giới tinh hoa ủng hộ thị trường tự do. Hoạt động của họ dựa trên nền tảng tư tưởng của các triết gia và kinh tế gia tự do nổi tiếng : Adam Smith, Ludwig von Mises, Friedrich A. Hayek (Nobel kinh tế 1974), Milton Friedman (Nobel kinh tế 1976). Heritage Foundation (cùng với tạp chí The Wall Street Journal) là tổ chức công bố Chỉ số tự do kinh tế (Indices of Economic Freedom) xếp hạng các nền kinh tế hàng năm trên toàn cầu.

Heritage Foundation là tổ chức hậu thuẫn mạnh mẽ cho Reagan. Ngày nay, hệ thống chính sách của ông Donald Trump là nhất quán từ đối nội cho tới đối ngoại : cởi trói cho doanh nghiệp, giảm thuế và bãi bỏ những phần thừa của hệ thống an sinh xã hội để giảm chiều kích của chính phủ, nâng cao sức mạnh quốc v.v… đều xuất phát từ cái “lò luyện đơn” Heritage Foundation mà ra cả.

Học nước Mỹ là chiêm nghiệm sự vận hành của thị trường tự do trong lịch sử thăng trầm của nó chứ không phải cái gì nước Mỹ cũng hay. Thời Obama nước Mỹ ít thị trường hơn thời Reagan, còn ông Trump thì đang nỗ lực để nước Mỹ có nhiều thị trường hơn là nước Mỹ thời ông Obama.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn