Ảo giác của Đông Nam Á về sức mạnh kinh tế Trung Quốc

Thứ Ba, 17 Tháng Tư 201811:00 CH(Xem: 6192)
Ảo giác của Đông Nam Á về sức mạnh kinh tế Trung Quốc

Globe and China Flag for background

Nguồn: Malcolm Cook, “Southeast Asia’s China illusion”, Business World Online,

Biên dịch: Phạm Phan Hồng Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Quan niệm phổ biến thường không sáng suốt và mang tính ảo tưởng nhiều hơn thực tế. Ngày nay, ở khắp Đông Nam Á, việc Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế tối quan trọng trong khu vực và sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên được coi là một thực tế đương nhiên không cần soát lại.

Quan niệm phổ biến này đang định hình cách các nhà lãnh đạo và phân tích chính trị trong khu vực nhìn nhận quan hệ của nước mình với Trung Quốc và các nước khác. Ứng cử viên tổng thống Philippines Jejomar C. Binay trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông đầu năm nay đã sử dụng tầm quan trọng về mặt kinh tế của Trung Quốc đối với Philippines để biện minh cho việc ông ủng hộ thái độ nhẹ nhàng hơn trong tranh chấp lãnh thổ tại biển Tây Philippines (tức Biển Đông – NBT), tập trung vào cách tiếp cận ưa thích của Trung Quốc là hợp tác cùng phát triển.

Không có ý kiến tương tự nào về việc hợp tác chính trị và chiến lược với Hoa Kỳ và Nhật Bản nhằm duy trì quan hệ kinh tế với những nguồn cơ hội kinh tế cho Đông Nam Á có thể nói là còn quan trọng hơn này. Thay vào đó, nhiều nước Đông Nam Á được cảnh báo nên cẩn trọng trong việc thúc đẩy quan hệ với hai cường quốc thân thiện nhất trong khu vực do e ngại làm phật lòng Trung Quốc, cường quốc thiếu thân thiện nhất đối với nhiều nước Đông Nam Á.

Nếu tình trạng lệ thuộc kinh tế của Đông Nam Á và Philippines đối với Trung Quốc đã hoặc rất có khả năng trở nên sâu sắc trong tương lai gần, thì phương thức tiếp cận ưu ái với Trung Quốc có thể hiểu được, đặc biệt nếu xét đến mối lo ngại rộng khắp rằng Trung Quốc có thể sử dụng áp lực kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược. Những người ủng hộ quan niệm phổ biến này nhìn chung bỏ qua một nhóm các đặc điểm kinh tế và sử dụng những nhóm khác một cách hời hợt để chứng minh về mặt thực nghiệm một quan niệm phổ biến mà họ theo đuổi cũng như các kiến nghị chính sách dựa theo đó. Một sai lầm là về bỏ sót thực tế và một là về thiên kiến.

Không có gì ngạc nhiên khi các số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phần lớn đều bị tảng lờ trong các lập luận về sự áp đảo kinh tế của Trung Quốc đối với khu vực khi các số liệu trên mâu thuẫn với quan niệm đó xét trên bình diện toàn bộ khu vực cũng như Philippines nói riêng. Sử dụng các số liệu sẵn có gần đây nhất của Liên Hợp Quốc, tới thời điểm cuối năm 2012, Trung Quốc mới chỉ là nguồn vốn FDI lớn thứ bảy trong khu vực Đông Nam Á cả về tổng số vốn đăng ký lũy kế cũng như các dòng vốn mới. Khối lượng FDI trong khu vực Đông Nam Á của Malaysia lớn gần gấp rưỡi so với của Trung Quốc. Số vốn của Nhật lớn hơn năm lần so với của Trung Quốc, trong khi số vốn của Trung Quốc cũng chỉ bằng 1/5 so với của Hoa Kỳ. Nhật đầu tư vào Thái Lan một lượng tiền lớn gấp đôi so với đầu tư của Trung Quốc vào tất cả 10 quốc gia trong khu vực. Vào cuối năm 2013, Hoa Kỳ chiếm 1/7 lượng tiền đầu tư trực tiếp vào Singapore, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm dưới 1/50.

Câu chuyện của Philippines còn mâu thuẫn với quan niệm phổ biến nhấn mạnh vai trò Trung Quốc hơn cả câu chuyện của khu vực. Vào cuối năm 2012, Trung Quốc chỉ chiếm 1,2% tổng số vốn FDI vào Philippines. Vốn đầu tư của Nhật Bản lớn gấp 20 lần và Hoa Kỳ lớn hơn tròn 25 lần con số đó.

Năm 2012, doanh nghiệp Philippines có lượng tiền đầu tư vào Trung Quốc lớn gấp đôi lượng tiền doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Philippines. Các số liệu gần đây cho thấy tình trạng tương tự. Năm 2014, Trung Quốc chỉ là nguồn vốn FDI lớn thứ sáu, chiếm 6,1% tổng số vốn được phê duyệt. Nhật Bản là nguồn lớn nhất chiếm 19,1%, theo sau là Hà Lan với 17,5%. Dù các hoạt động đầu tư FDI ra nước ngoài của Trung Quốc đang phát triển nhanh, phần lớn đều đang né tránh khu vực Đông Nam Á. Từ 2009 tới 2012, Đông Nam Á nhận được chưa tới 1/16 vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc. Trong cùng giai đoạn, khu vực này thu hút được quá nửa dòng vốn FDI ra nước ngoài của Đài Loan và hơn 1/7 số vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Những người ủng hộ quan niệm phổ biến trên thích sử dụng các số liệu thương mại tổng hợp nhằm biện minh cho các tuyên bố về sự vượt trội về mặt kinh tế của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Những số liệu đó chắc chắn đưa ra lý lẽ thuyết phục vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ nhất hoặc thứ nhì của tất cả các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á ngoại trừ Brunei. Tuy vậy, đối với các nền kinh tế ven biển thuộc Đông Nam Á, những số liệu thương mại tổng hợp với Trung Quốc thổi phồng ảnh hưởng tiềm năng của Trung Quốc.

Chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu trong thị trường điện tử và ô tô chiếm một phần lớn trong thương mại của các nước Đông Nam Á ven biển với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan, không phải doanh nghiệp Trung Quốc, mới kiểm soát phần lớn các chuỗi giá trị này cũng như nơi đặt các mắt xích của chúng. Vì vậy tương quan giữa dòng thương mại giữa các doanh nghiệp Đông Nam Á và Trung Quốc với sự áp đảo kinh tế tiềm năng của Trung Quốc chỉ hợp lý nếu Trung Quốc sở hữu các doanh nghiệp và các chuỗi giá trị này. Nhưng thực tế không phải vậy.

Mối lo ngại, và niềm hy vọng, về tầm quan trọng kinh tế hiện tại của Trung Quốc tại Đông Nam Á và Philippines mang tính ảo giác và rất có khả năng vẫn sẽ như vậy trong tương lai gần. Kinh tế ở Đông Nam Á càng giàu có và càng mở thì càng bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, và trường hợp của Philippines cũng vậy. Các nhà phân tích và lãnh đạo Philippines và khu vực tốt hơn nên vứt bỏ quan niệm phổ biến mang tính ảo giác này, thay vì nhắc đi nhắc lại nó và đề ra các kiến nghị và thay đổi chính sách dựa vào đó. Đừng tạo ra một thế giới nơi bạn sợ phải sống ở đó.

Malcolm Cook là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore và là giáo sư thỉnh giảng tại khoa Khoa học Chính trị, Đại học Ateneo de Manila nơi ông dạy toàn thời gian từ năm 1997 tới 2000.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn