• Aina Casaponsa và Panos Athanasopoulos, Đại học Lancaster
  • Bài đăng trên The Conversation

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Về mặt vật lý, mắt người có khả năng nhận biết được hàng triệu màu khác nhau. Nhưng chúng ta không nhận ra toàn bộ những màu này theo cùng một cách.

Một số người không thể phân biệt các màu khác nhau - hiện tượng mù màu - do các tế bào nhạy cảm với độ ánh sáng cao ở võng mạc mắt họ bị lỗi hoặc thậm chí vắng mặt.

Nhưng sự phân bổ và độ tập trung của các tế bào này cũng khác nhau giữa những người có 'thị lực bình thường', khiến tất cả chúng ta khi nhìn cùng một màu sắc sẽ có cách tiếp nhận hơi khác nhau.

Bên cạnh cấu trúc sinh học của từng cá thể, cảm nhận về màu sắc là thứ nhẹ về việc ta thực sự nhìn thấy gì mà nặng về việc não ta diễn giải các màu thế nào, qua đó hình thành nên thứ đồ vật hay hiện tượng nào đó có nghĩa.

Cảm nhận về màu sắc chủ yếu xuất hiện bên trong đầu chúng ta và do đó mang tính chủ quan - và thiên nhiều về trải nghiệm cá nhân.

Hãy thử xem trường hợp những người có cảm giác lẫn lộn (synaesthesia), là những người có thể trải nghiệm màu sắc với các chữ cái và các con số.

Cảm giác lẫn lộn thường được mô tả là sự trộn lẫn các cảm giác khác nhau - khi một người có thể nhìn thấy âm thanh hay nghe thấy màu sắc. Nhưng những màu sắc mà họ nghe thấy từng lần cũng khác nhau.

Wikimedia Commons

Nguồn hình ảnh, Wikimedia Commons

Chụp lại hình ảnh, Ô A và B chính xác là có màu như nhau, nhưng não chúng ta lại không nghĩ thế

Một ví dụ khác là hình ảnh tạo ảo giác kinh điển, hình các ô vuông của Adelson. Trong hình này, có hai ô vuông có màu sắc giống hệt nhau được đánh dấu rõ, nhưng não chúng ta lại tiếp nhận, diễn giải theo cách khác và cho rằng chúng có màu khác nhau.

Kể từ ngày chào đời, chúng ta đã học cách phân loại các đồ vật, màu sắc, cảm xúc, và hầu hết mọi thứ, bằng cách sử dụng ngôn ngữ.

Dù mắt người có thể nhận biết được hàng ngàn màu, nhưng cách mà chúng ta nói với nhau về màu, và cách chúng ta dùng các loại màu sắc trong cuộc sống hàng ngày, khiến chúng ta phải phân số lượng khổng lồ các màu này thành những nhóm cụ thể, mang ý nghĩa nhất định nào đó.

Ví dụ như các hoạ sỹ và các chuyên gia thời trang thì dùng các thuật ngữ về màu sắc để thể hiện và phân biệt các mức độ sắc màu và các khối màu đối với những thứ mà một người 'ngoại đạo' sẽ thấy là chúng chẳng có gì khác nhau.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Những người làm công việc liên quan tới vải vóc hay màu sơn phân biết các khối màu khác nhau trong khi với người thường chúng ta thì chúng đều thuộc một loại

Các ngôn ngữ khác nhau và các nhóm văn hoá khác nhau cũng đưa ra các dải màu sắc khác nhau.

Một số ngôn ngữ, như tiếng Dani được dùng ở Papua New Guinea, và tiếng Bassa được dùng ở Liberia và Sierra Leone, chỉ có hai khái niệm là sẫm và sáng.

Trong các ngôn ngữ này, sẫm được diễn giải là mát, lạnh, còn sáng là ấm. Cho nên các màu như đen, xanh dương và xanh lá được gọi chung là màu lạnh, còn các màu nhẹ như trắng, đỏ, cam và vàng được gọi chung là màu ấm.

Người Warpiri sống ở Vùng Lãnh thổ Bắc Úc thậm chí còn không có từ "màu sắc".

Với họ và các nhóm văn hoá tương tự khác, thì thứ mà chúng ta gọi là "màu" được mô tả bằng những từ vựng phong phú để chỉ kết cấu, cảm xúc vật lý khi ta chạm vào, và mục đích sử dụng của đồ vật mang màu sắc nào đó.

Đáng chú ý là hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới đều có những định nghĩa để chỉ năm màu căn bản.

Các nền văn hoá đa dạng như người Himba ở vùng đồng bằng Naminia và người Berimo ở các khu rừng nhiệt đới tốt tươi của Papua New Guinea dùng năm định nghĩa đó.

Cùng với các từ sẫm, sáng và đỏ, những ngôn ngữ này có từ vàng, và một từ dùng để chỉ chung cho cả xanh dương và xanh lá.

Các ngôn ngữ này không có từ riêng cho 'xanh lá' và 'xanh dương' ('green' và 'blue' trong tiếng Anh) mà dùng một từ để gộp cả hai màu này, đại khái như từ 'grue' (ghép giữa 'green' và 'blue').

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tại Papua New Guinea, người Berinmo dùng một từ duy nhất để chỉ chung cho cả màu xanh dương và màu xanh lá

Về mặt lịch sử thì người xứ Wales trước đây có từ 'grue', mà trong tiếng Wales là 'glas'; tiếng Nhật và tiếng Trung cũng vậy.

Ngày nay, trong toàn bộ các ngôn ngữ đó, từ 'grue' gốc đã được hạn chế lại để chỉ màu xanh dương, và có một từ riêng rẽ khác để chỉ màu xanh lá.

Đây có thể là do sự phát triển ngôn ngữ, như trong trường hợp tiếng Nhật, hoặc do vay mượn từ vựng, như trong trường hợp tiếng Wales.

Tiếng Nga, tiếng Hy Lạp, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều thứ tiếng khác cũng có hai từ riêng biệt để chỉ màu xanh dương - một là để nói về các khối màu sẫm, và một để nói về các khối màu sáng hơn.

Cách chúng ta tiếp nhận màu sắc cũng thay đổi trong cuộc đời chúng ta. Những người nói tiếng Hy Lạp, là thứ ngôn ngữ có hai từ căn bản để mô tả màu xanh dương sáng và xanh dương sẫm ('ghalazio' và 'ble'), thì có khuynh hướng coi hai màu này càng về sau càng giống nhau hơn, sau khi họ sống đủ lâu tại Anh.

Tại Anh, các màu này được mô tả chỉ bằng một từ chung là màu xanh dương.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tiếng Hy Lạp có hai từ riêng rẽ để chỉ màu xanh dương, gồm xanh nhạt và xanh sẫm

Đây là bởi sau một thời gian dài sống trong môi trường nói tiếng Anh, não của những người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Hy Lạp bắt đầu diễn giải các màu "ghalazio" và "ble" như thể chúng nằm cùng một nhóm màu sắc.

Nhưng đây không phải là chuyện chỉ xảy ra với màu sắc. Trong thực tế, các ngôn ngữ khác nhau có thể gây tác động tới những cách tiếp nhận của chúng ta trong mọi lĩnh vực cuộc sống.

Trong phòng thí nghiệm của chúng tôi tại Đại học Lancaster, chúng tôi đang điều tra xem việc sử dụng và tiếp xúc với các ngôn ngữ khác sẽ làm thay đổi cách thức chúng ta tiếp nhận, ý thức về các đồ vật hàng ngày như thế nào.

Rốt cuộc thì điều này xảy ra bởi học một loại ngôn ngữ mới thì giống như trao cho não chúng ta khả năng diễn giải thế giới theo một cách khác - gồm cả cách chúng ta nhìn và xử lý, đánh giá màu sắc.

Bài gốc đăng trên The Conversation, và được đăng lại theo giấy phép Creative Commons.