7-6-2024
(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích nhà báo, blogger và tác giả nổi tiếng Huy Đức đồng thời hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông. Công an ở Hà Nội câu lưu Huy Đức (bút danh của ông Trương Huy San) vào ngày mồng 1 tháng Sáu năm 2024 và cáo buộc ông tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo điều 331 của Bộ Luật Hình sự, một điều luật có nội dung quá rộng mà nhà nước Việt Nam thường sử dụng đối với những người lên tiếng phê phán chính quyền.
Chính quyền đã để 7 ngày mới thông báo với gia đình Huy Đức về việc bắt giữ và tạm giam ông, trên thực tế là buộc ông bị mất tích, gây ra nhiều quan ngại về sự an nguy của ông. Kể từ khi bị tạm giữ, cả luật sư và gia đình ông đều chưa được phép gặp ông.
“Với việc bắt giữ Huy Đức một cách sai trái, nhà cầm quyền Việt Nam đang nhắm vào một trong những nhà báo dũng cảm và nhiều ảnh hưởng nhất Việt Nam,” bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên án việc bắt giữ Huy Đức như một đòn đánh trực diện vào quyền tự do biểu đạt, và thúc đẩy để ông được trả tự do ngay lập tức.”
Huy Đức sinh ở tỉnh Hà Tĩnh, miền Bắc Việt Nam vào năm 1962. Ông gia nhập quân đội năm 18 tuổi và từng phục vụ ở Cambodia trong thời gian Việt Nam chiếm đóng vào giữa thập niên 1980. Năm 1988, trong một phong trào cải cách hiếm hoi sau chiến tranh Việt Nam, khi nền báo chí của Đảng Cộng sản đang trải qua một đợt cởi trói vô tiền khoáng hậu, ông tham gia vào đội ngũ phóng viên của Báo Tuổi Trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông làm nên tên tuổi như một cây viết cứng rắn về chính trị quốc gia. Nhiều năm sau, khi đang viết cho tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị, Huy Đức phơi bày một vụ tham nhũng lớn liên quan tới các hợp đồng ưu ái và các vụ mua bán đất đai mờ ám của gia đình thủ tướng chính phủ.
Khi các nỗ lực tác nghiệp báo chí của ông được sự chú ý của quốc tế, Huy Đức được nhận học bổng Hubert H. Humphrey để đi học tại trường Đại học Maryland. Sau khi trở về Việt Nam năm 2006, Huy Đức mở một blog thu hút nhiều độc giả, nơi ông tiếp tục đăng các bài bình luận về các vấn đề chính trị xã hội cấp thiết. Chính quyền Việt Nam đóng blog của ông vào năm 2010. Năm 2012, Huy Đức dành một năm học ở trường Đại học Harvard theo học bổng Nieman, trong thời gian đó ông viết tác phẩm nổi tiếng nhất, một biên niên sử báo chí về thời kỳ hậu chiến của Việt Nam có tiêu đề Bên Thắng Cuộc, được đa số độc giả coi là cuốn sách phi hư cấu quan trọng nhất về lịch sử và chính trị Việt Nam thời hậu chiến. Cuốn sách chưa từng được công khai bày bán trên giá sách nào ở Việt Nam.
Kể từ năm 2020, Huy Đức tiếp tục viết về hàng loạt nan đề chính trị và xã hội ở Việt Nam, kể cả các vấn đề môi trường như nạn phá rừng. Với hơn 350.000 người theo dõi Facebook của ông, Huy Đức vẫn là một trong những nhà bình luận chính trị Việt Nam có nhiều ảnh hưởng nhất trên nền tảng này. Những bài đăng trên Facebook mới nhất trước khi ông bị bắt cảnh báo về hàng loạt mối nguy trước tình trạng tập trung quyền lực về Bộ Công an Việt Nam vốn nhiều tai tiếng về bàn tay đàn áp, do ông Tô Lâm, tân chủ tịch nước, lãnh đạo trước đó.
Một bài viết khác cũng khá mới trên Facebook của ông phê phán những nhược điểm của phong trào chống tham nhũng dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo Đảng Cộng sản. Nhà cầm quyền bắt Huy Đức không lâu sau khi ông đăng hai bài viết nêu trên. Trang Facebook của ông cũng bị gỡ xuống và hiện không còn truy cập được trên mạng internet.
Trong vài tháng gần đây, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp những người lên tiếng phê phán, bắt giữ gần như tất cả các nhà hoạt động nhân quyền cũng như nhà báo, nhà hoạt động môi trường và những người khác dám lên tiếng phê phán chính quyền hoặc kêu gọi cải cách.
“Bắt giữ một nhà báo vì ông ta viết bài phê phán chỉ thể hiện rằng chính quyền Việt Nam đang càng ngày càng rời xa dân chủ và pháp quyền,” bà Grossman nói. “Trừng phạt Huy Đức vì ông phản đối lạm dụng quyền lực nhà nước và tham nhũng sẽ khiến những người mong đợi được chứng kiến các cải cách chính trị và kinh tế ở Việt Nam trong một tương lai gần phải quan ngại.”