Chủ nghĩa tư bản không thắng cuộc Chiến tranh Lạnh

Thứ Bảy, 11 Tháng Mười Một 20172:30 SA(Xem: 7003)
Chủ nghĩa tư bản không thắng cuộc Chiến tranh Lạnh
Khi Liên xô sụp đổ 26 năm về trước, hầu như ai cũng đồng ý rằng phương Tây đã thắng cuộc Chiến tranh Lạnh. Điều này được khẳng định bằng sự thịnh vượng và các cơ hội đang chờ đợi công dân các nước phương Tây, trái ngược hẳn với tình trạng trì trệ về kinh tế và chính trị của các nước cộng sản cũ. Một kết luận tự nhiên, được lặp đi lặp lại vào thời đó, là chủ nghĩa tư bản cuối cùng đã đánh bại chủ nghĩa cộng sản.

the-cold-war-era
Tuyên bố có ảnh hưởng rộng rãi này chỉ đúng một phần. Nếu coi chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản là hai vai chính duy nhất trong cuộc đấu tranh thời hậu Thế chiến thứ Hai thì dễ thấy rằng chủ nghĩa cộng sản đã bị giáng một đòn chí tử. Nhưng vẫn có một diễn viên thứ ba, một vai chính vô hình đứng giữa hai chủ nghĩa này. Đó là một hệ thống mà ngày nay được xác định rõ là chủ nghĩa thân hữu (cronyism). Cho dù chủ nghĩa tư bản có đánh bại hai đối thủ trên vào năm 1991, thì chiến thắng đó cũng yểu mệnh. Và trong những năm tháng sau đó chính chủ nghĩa thân hữu mới ngày càng giành được phần lớn các hoạt động kinh tế. Một khảo sát về sự phân bổ quyền lực và tiền bạc khắp thế giới cho thấy rõ điều đó: chủ nghĩa thân hữu chứ không phải chủ nghĩa tư bản là người giành chiến thắng cuối cùng.
Định nghĩa chủ nghĩa thân hữu
Chủ nghĩa thân hữu là gì? Trong một bài báo trước đây tôi đã phản đối khái niệm “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (crony capitalism) trên cơ sở chủ nghĩa thân hữu tự nó đã trái ngược hoàn toàn với những nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản và không nên coi nó là một sản phẩm phái sinh của chủ nghĩa tư bản. Đúng hơn, chủ nghĩa thân hữu là một hệ thống riêng biệt, nằm giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội do nhà nước kiểm soát. Khi một quốc gia chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội, giai đoạn chuyển tiếp là thời kỳ mà chủ nghĩa thân hữu thống trị.
Chủ nghĩa thân hữu thời chuyển tiếp tuyên bố hướng tới tư bản, trong khi chủ nghĩa xã hội tuyên bố hướng tới chủ nghĩa bình quân. Nhưng chúng rất giống nhau, ngoại trừ quy mô của nhóm thân hữu nằm trên đỉnh quyền lực. Trong các xã hội mà chủ nghĩa thân hữu thống trị (cronyistic societies), một nhóm lớn tước đoạt một phần ngày càng lớn tài sản của xã hội cho bản thân họ và phe phái của họ. Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, một nhóm nhỏ tranh nhau quyết liệt quyền lực và của cải: bởi vì các nền kinh tế bình quân chủ nghĩa thường kém hiệu quả trong việc tạo ra của cải và không có nhiều cơ hội để biển thủ cho nên cuộc giành giật của các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa diễn ra ác liệt hơn.
Malcolm S. Salter của trường đại học Harvard đưa ra một định nghĩa hữu ích về chủ nghĩa thân hữu như là sự chuyển tiếp giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội mặc dù ông vẫn dùng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Trong bản báo cáo nghiên cứu có nhan đề “Chủ nghĩa tư bản thân hữu, phong cách Mỹ: Ở đây chúng ta đang nói chuyện gì?” công bố năm 2014, ông viết:
“Đi vào những đặc điểm thiết yếu nhất của nó, chủ nghĩa tư bản thân hữu truyền đạt một quan điểm chung – đôi khi mở rộng thành một sự câu kết – giữa các ngành công nghiệp, các cơ quan quản lý và quốc hội mà kết quả là các chính sách thân thiện với doanh nghiệp và đầu tư nhằm phục vụ các lợi ích tư nhân, trả giá bằng lợi ích công cộng”.
Nói ngắn gọn, chủ nghĩa thân hữu xảy ra khi các quan chức chính phủ và giới chóp bu doanh nghiệp câu kết với nhau để làm lợi cho chính họ bằng những phương cách sẽ không thể nào thực hiện được nếu như họ bị giới hạn bởi sự giao dịch sòng phẳng theo thị trường tự do. Sự câu kết này xói mòn cả thể chế dân chủ trong chính phủ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và như thế có những hậu quả cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong trường hợp thứ nhất, các nguyên tắc dân chủ về đại diện công bằng và quyền tiếp cận bình đẳng đã bị phá hoại bởi ảnh hưởng chính trị lớn lao mà các cá nhân và nhóm lợi ích có quan hệ tốt giành được thông qua các lời hứa hẹn công khai hay ngấm ngầm đóng góp vào các chiến dịch tranh cử [của các chính trị gia] hoặc qua việc dành sẵn các công việc béo bở trong tương lai [cho các quan chức] trong khu vực kinh tế tư nhân.
Trong trường hợp thứ hai, các nguyên tắc tự do không can thiệp về tự do cạnh tranh và tưởng thưởng xứng đáng bị tổn thương khi những nhà tư bản yếu kém hoặc thất bại cố gắng củng cố vị trí thị trường của họ thông qua những quy định có lợi cho họ hoặc bảo đảm sự cứu trợ của chính phủ khi phá sản là chuyện không thể tránh được. Dưới chế độ thân hữu, những sự đổi chác này trở thành phổ biến, nhưng chúng chỉ áp dụng cho những tay chơi lớn, rủng rỉnh tiền bạc, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và người dân thường phải chịu thiệt hại.
Salter còn chỉ ra ba yếu tố chính của chủ nghĩa tư bản thân hữu: đóng góp quỹ tranh cử cho các quan chức được bầu, vận động hành lang (lobby) mạnh ở quốc hội và các cơ quan hoạch định chính sách, và mở cánh cửa xoay (revolving door) giữa cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù nhiều ngành công nghiệp có thể hưởng lợi rõ ràng từ các hoạt động khai thác hay trục lợi nhờ độc quyền, có một số ngành có xu hướng thiên về chủ nghĩa thân hữu hơn các ngành khác. Như báo The Economist lưu ý, tất cả các ngành tài chính, năng lượng, cơ sở hạ tầng và bất động sản đều có lịch sử rắc rối về thu hút và nuôi dưỡng các nhóm thân hữu.
Chủ nghĩa thân hữu hoang dã
Sau khi định nghĩa chủ nghĩa thân hữu, giờ đây chúng ta thử xem xét sự lan tràn của nó trong thế giới ngày nay. Đây là điều khó có thể khẳng định, bởi vì các mối liên hệ giữa sự khuyến khích cá nhân và chính sách công không phải lúc nào cũng phi pháp, đáng hoài nghi hoặc thậm chí cần được công khai. Do đó, cũng thật khó đo lường quy mô của chủ nghĩa thân hữu trong một bối cảnh nào đó: nghĩa là, để đưa ra sự phán đoán có hay không vấn đề bè phái, quy mô nhỏ hay lớn.
Dù sao chúng ta vẫn có thể rút ra một số kết luận về mức độ phổ biến của chủ nghĩa thân hữu trong một nền kinh tế (chủ nghĩa thân hữu như một nguồn vào) bằng cách xem xét kết quả của nền kinh tế đó (sản lượng của nó). Ở đây có bốn chỉ số chủ yếu có thể coi là dấu hiệu cảnh báo về nơi mà chủ nghĩa thân hữu đang thống trị.
Trước tiên, nên cảnh giác nếu một quốc gia đạt điểm thấp trong bộ chỉ số tham nhũng được công nhận rộng rãi (ví dụ, Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế - Transparency International’s Corruption Perceptions Index) và nền kinh tế của nó bị thống trị bởi các ngành công nghiệp khai thác. Ở nhiều nơi như vậy, chính phủ và giới doanh nghiệp chóp bu bắt tay nhau theo những cách thức giúp gia tăng sự nắm giữ quyền lực và tài sản của họ và khóa chặt cơ hội của các đối thủ cạnh tranh. Trong nhiều trường hợp, các cá nhân này được hỗ trợ bằng vốn đầu tư của các tập đoàn nước ngoài, thường là trong các lĩnh vực năng lượng hoặc khai mỏ, tìm cách gây thiện cảm với nhà cầm quyền địa phương để bảo đảm có được quyền khai thác tài nguyên. Ở đây một lần nữa cổ phần cao và lượng tiền lớn sẽ củng cố vị thế của các doanh nghiệp chóp bu, dẫn tới tổn hại cho người dân thường.
Một số quốc gia sản xuất dầu mỏ cung cấp ví dụ sinh động về hiện tượng này. Ví dụ, một nước nhỏ nhưng giàu dầu mỏ là Equatorial Guinea có mức GDP tính theo đầu người rất cao, 48.000 đô la Mỹ/người/năm tính theo sức mua tương đương (PPP) vào năm 2012 trước khi giá dầu mỏ lao dốc. Nhưng nước này xếp thứ 144 trong 187 quốc gia về hệ số Gini của Liên hiệp quốc – hệ số Gini đo lường mức bất bình đẳng về thu nhập. Nước này cũng có thành tích thấp kém về chỉ số tham nhũng khi phần lớn thu nhập về dầu mỏ bị cáo buộc đã dồn vào túi của những người thân cận với tổng thống và gia đình ông ta.
Để kết thúc vòng luân chuyển của dòng tiền, nhiều nhân vật trong nhóm thống trị quốc gia đang phát triển này đã biến một phần đáng kể tài sản của họ thành bất động sản ở các thành phố phương Tây như London hoặc New York, hoặc gửi vào các tài khoản ở Thụy Sĩ hoặc các tài khoản hải ngoại khác. Một phần lớn những tài sản này sau đó lại được chuyển cho các quỹ quản lý tài sản, quỹ đầu tư dự phòng và nhiều quỹ khác ở các trung tâm tài chính lớn của thế giới – không chỉ ở New York, London hoặc Hong Kong mà ở cả quần đảo Cayman, Panama, Cyprus và các điểm tránh thuế hải ngoại khác.
Thứ hai, nếu một quốc gia trì trệ trong công cuộc thực hiện đa nguyên chính trị, không có sự độc lập của tư pháp, thiếu bình đẳng giới, vi phạm nhân quyền thì chắc chắn chủ nghĩa thân hữu có thể được coi là một nhân tố. Một ví dụ, bộ chỉ số Nhà nước Pháp quyền (Rule of Law Index) do Dự án Công lý Thế giới (World Justice Project) đưa ra cho thấy Venezuela đạt điểm tệ nhất, thấp hơn cả một nước đang bị chiến tranh tàn phá là Afghanistan. Venezuela cũng đang bị xếp loại thấp ở nhiều phép đo như độ cởi mở của chính phủ, tư pháp dân sự và tư pháp hình sự. Ở đây một lần nữa người ta không ngạc nhiên vì những quyết định liên quan tới quản trị quốc gia và doanh nghiệp đều được ban hành bởi một nhóm nhỏ. Venezuela hiện là ví dụ sinh động về chủ nghĩa thân hữu kiểu xã hội chủ nghĩa, nơi nhóm thân hữu chóp bu thời kỳ trước khi cựu tổng thống Chavez nắm quyền đã bị gạt ra rìa và thay bằng một cơ cấu quyền lực mới tự cho là bình đẳng nhưng về căn bản chỉ là những bè phái giống như những bè phái mà họ thay thế.
Nền kinh tế Venezuela đang trong vòng xoáy suy thoái nhưng được biết những kẻ chịu trách nhiệm đã biển thủ những khối tài sản lớn. Các nhà hoạt động đã tố cáo những thành viên gia đình của nhà cựu độc tài Hugo Chavez đã tích cóp được tài sản cá nhân khổng lồ mà đất nước phải gánh chịu. Người kế vị ông ta, tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro, được biết là một trong những chính trị gia có thu nhập cao nhất thế giới. Những kẻ tháp tùng ông này cũng trở nên giàu có trong suốt những năm ông cầm quyền. Tất cả đã xảy ra trong khi hoàn cảnh sống của người dân trung bình ở Venezuela bị sút giảm nghiêm trọng những năm gần đây.
Ba là, nếu nền kinh tế của một quốc gia công khai phụ thuộc vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng thấp hơn là dựa vào năng suất hoặc sáng tạo thì chủ nghĩa thân hữu có khả năng là một yếu tố thống trị. Ở đây, Equatorial Guinea và Venezuela cũng là những ví dụ sinh động. Nhưng trong số các nước lớn, Brazil và Nga cũng phù hợp với sự miêu tả này. Cả hai quốc gia đều dựa chủ yếu vào xuất khẩu thương phẩm và cả hai đều vướng vào nạn tham nhũng kinh niên và chủ nghĩa thân hữu. Ở Brazil chẳng hạn, sự câu kết lâu dài giữa chính phủ và doanh nghiệp đang bị lộ ra trong hàng loạt các vụ bê bối dính líu tới các quan chức chính phủ và ban điều hành các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và tài chính như Petrobas, Odebretch và BTG Pactual.
Thứ tư, mức bất bình đẳng thu nhập lớn có thể có nghĩa rằng chủ nghĩa thân hữu đã giữ một vai trò trong việc làm giảm sự cạnh tranh trong nền kinh tế. Các quốc gia phát triển không hề được miễn nhiễm với căn bệnh này, bởi vì chủ nghĩa thân hữu và bất bình đẳng đã cùng tay trong tay lớn lên ở Hoa Kỳ từ giữa thập niên 1990. Phần lớn sự bất bình đẳng này sinh ra từ sự giàu lên nhanh chóng của những cá nhân làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp như năng lượng, tài chính, pháp luật và bất động sản.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy chủ nghĩa thân hữu là một vấn đề kinh niên ở các quốc gia công nghiệp mới BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) và các nền kinh tế đang phát triển khác. Nhưng tình trạng bè phái này làm đồi bại đến mức độ nào các quốc gia phát triển ở phương Tây? Câu hỏi này rất quan trọng bởi vì các xã hội phương Tây thường tự hào có những chính quyền tôn trọng nhân tài có sự cạnh tranh, có những định chế cân bằng đã được thời gian thử thách. Có một số cách thức đánh giá tình trạng này: trước tiên, bằng cách nhìn vào dòng tiền đang chảy từ các quốc gia đang phát triển tới các quốc gia phát triển; hai là, sử dụng bộ công cụ của Salter và ba là, xem xét bốn yếu tố sản lượng vừa bàn tới ở phần trên.
Hãy lần lượt xem xét các yếu tố đó:
Có nhiều bằng chứng cho thấy giới chóp bu của thế giới phát triển hưởng lợi từ sự giàu có do Trung Quốc và các quốc gia đang nổi lên khác tạo ra. Từ đầu thập niên 1990, các ngân hàng đầu tư thu được hàng tỉ đô la phí bảo hiểm phát hành trái phiếu và vay nợ. Họ nịnh hót các nhà lãnh đạo nước ngoài và các tay môi giới quyền lực khác để cầu xin ưu đãi và đổi lại đã thủ đắc được những hợp đồng lớn, một số hợp đồng đó không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân ở các xứ sở ấy. Ví dụ, có bằng chứng một số quốc gia giàu tài nguyên dầu khí ở châu Phi đã ký kết hợp đồng với các công ty năng lượng nước ngoài có lợi thế so với các công ty nội địa song lại gây thiệt hại cho chính công dân của mình.
Trong cùng thủ thuật ấy, các chuyên viên quản lý tài sản của các quỹ hải ngoại phát triển các dòng thu nhập mới sinh nhiều lợi nhuận để thu hút giới chóp bu của các thị trường mới nổi và đầy tính chất thân hữu đem tài sản đầu tư vào các nền kinh tế phát triển hơn, an toàn hơn. Mạng lưới Công lý Thuế (Tax Justice Network) dự tính trong năm 2016 có khoảng 12 ngàn tỉ đô la Mỹ từ các nước đang phát triển được gửi tại các điểm tránh thuế ở nước ngoài. Con số tổng, kể cả dòng tiền phát sinh từ các nước giàu, được cho rằng cao hơn rất nhiều.
Bất động sản cũng có thể vận hành theo cách này thông qua việc bán căn hộ ở những thị trường ổn định về chính trị cho những tay quả đầu (oligarch) từ các nền kinh tế tham nhũng đang nổi lên. Đổ tiền vào các quỹ đầu tư dự phòng và các bất động sản hết sức xa hoa thường là một lựa chọn đầu tư không tốt, nhưng đối với một tay quả đầu giàu có, đó là những cú đặt cược an toàn hơn so với việc giữ tài sản ở xứ sở của mình, nơi sự thay đổi về chính trị làm gia tăng rủi ro tài sản bị tịch thu.
Thị trường những căn hộ cực kỳ sang trọng đã bùng nổ nhiều năm nay ở Hoa Kỳ, các thành phố như New York hoặc Miami đã thu hút hàng tỉ đô la vốn đầu tư nước ngoài. “Cái mà nhiều người Mỹ không nhận ra được là các công ty bình phong do nước ngoài làm chủ đang đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế Hoa Kỳ thông qua thị trường bất động sản”, một bài tường thuật của báo Washington Post giải thích năm 2016. Bài báo viết tiếp: “… trong quý cuối năm 2015, 58% các thương vụ mua nhà đất có giá trị trên 3 triệu đô la ở Mỹ được thực hiện bởi các công ty trách nhiệm hữu hạn hơn là những con người có tên tuổi. Tính chung, các giao dịch này có tổng giá trị 61,2 tỉ đô la Mỹ, theo dữ liệu của công ty dữ liệu bất động sản Zillow.” Cũng trong năm 2015, một bài tường thuật chi tiết trên tờ The New York Times cho biết trong sáu tòa nhà đắt tiền nhất của khu Manhattan, các công ty bình phong sở hữu từ 57% đến 77% tổng số căn hộ.
Nhìn vào bốn chỉ số sản lượng, chúng ta thấy cả bốn đang ngày càng phổ biến trong các nền kinh tế phương Tây. Từ đầu thập niên 1990, lĩnh vực tài chính và các ngành trục lợi (rent-seeking) khác đã tăng trưởng rất nhanh để tạo thành một bộ phận ngày càng lớn trong tổng sản lượng quốc gia và lợi nhuận của các tập đoàn doanh nghiệp.
Cũng tương tự như vậy, tính độc lập của ngành tư pháp đã bị đặt vấn đề trong những năm gần đây do hiện tượng cửa quay và do cái mà Jesse Eisinger của trang mạng Pro Publica gọi là “mối quan hệ đồng cảm của giới tinh hoa”, nghĩa là xu hướng của những người theo học cùng một trường đại học, làm việc cùng một công ty, thường coi trọng sự hợp tác với nhau hơn là đối đầu, ngay cả trong những trường hợp cần phải đối đầu.
Trong khi đó năng suất của người Mỹ đã chững lại trong những năm gần đây, và thu nhập của các công ty Mỹ trở nên ngày càng phụ thuộc vào hoạt động ở nước ngoài.
Cuối cùng, như nhà kinh tế học Thomas Piketty và những người khác đã chỉ ra, sự tập trung của cải đã gia tăng đều đặn kể từ năm 1980. Piketty chứng minh rằng, tỷ lệ thu nhập dồn vào mười phần trăm dân số trên đỉnh duy trì ở mức 30% trong suốt ba thập niên sau năm 1950. Nhưng bắt đầu từ năm 1980 cho đến ngày nay tỷ lệ này gia tăng đều đặn và hiện ở mức gần 50%. Nói cho công bằng, không phải tất cả sự gia tăng này đều do chủ nghĩa thân hữu và sự sút giảm tính cạnh tranh. Công nghệ và khả năng khai thác những thương hiệu mạnh ở các thị trường mới ở nước ngoài cũng có một vai trò. Nhưng không nghi ngờ rằng, những con người thủ đắc được vị trí tốt ở những ngành nghề khai thác đã được hưởng lợi một cách không cân xứng. Trong số họ có những giám đốc điều hành của các doanh nghiệp thương phẩm và tài chính.
Chủ nghĩa thân hữu, Chiến thắng.
Sự cân bằng các bằng chứng gợi ý rằng nếu có một hệ thống kinh tế giành chiến thắng sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Xô-viết thì đó không phải là chủ nghĩa tư bản từ phương Tây xuất khẩu ra phần còn lại của thế giới. Thay vì vậy, đó là chủ nghĩa thân hữu, trải rộng từ phần còn lại của thế giới và bén rễ ở Hoa Kỳ và châu Âu.
Trên các bản tin sốt dẻo ngày nay, mối quan hệ mờ ám giữa chính quyền của ông Donald Trump (thành lập từ những nhà hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, năng lượng và pháp luật) với những nhóm lợi ích không xác định của Nga đã củng cố cái ý niệm rằng đồng tiền và ảnh hưởng xuất phát từ các nền kinh tế nhỏ hơn có thể xói mòn sâu sắc các định chế của các quốc gia phương Tây giàu có. Thương hiệu chủ nghĩa thân hữu của chính ông Trump đang nuốt chửng những điều tế nhị về đạo đức từng kiềm hãm những người tiền nhiệm của ông dù họ thuộc hệ ý thức nào.
Cấp độ công khai của chủ nghĩa thân hữu này chưa từng được nhìn thấy ở Hoa Kỳ trong một thời gian rất dài. Nhưng nó dựa trên những thập niên xói mòn, trong đó nền kinh tế có vẻ như cởi mở của Hoa Kỳ đã dịch chuyển xa hơn và ngày càng xa khỏi các nguyên tắc tự do kinh doanh có tự lâu đời và tiến gần hơn tới chủ nghĩa thân hữu đích thực.
Sami J. Karam

 Huỳnh Hoa dịch.
(*) Sami J. Karam, người sáng lập và biên tập trang mạng populyst.net
Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/articles/world/2017-07-19/capitalism-did-not-win-cold-war
(Viet-studies)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn