Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại

Thứ Ba, 04 Tháng Sáu 20245:00 SA(Xem: 798)
Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại

Trong hàng chục năm trời sau Thế Chiến II, người ta không còn chứng kiến những chiến dịch quân sự quy mô cực lớn nữa, thay vào đó là những cuộc chiến, xung đột lẻ tẻ, quy mô nhỏ. Bởi vậy, những cơ hội tham chiến của lính dù này càng ít ỏi, song không vì thế mà quân đội các nước dám coi nhẹ tầm quan trọng của lực lượng này.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lính nhảy dù ngày càng ít được sử dụng trong tác chiến là do sự ra đời của máy bay trực thăng, một phương tiện cơ động, vận chuyển hàng không vô cùng lợi hại trên chiến trường.

Với khả năng cơ động linh hoạt, cất hạ cánh thẳng đứng, máy bay trực thăng có thể đưa những nhóm nhỏ lính đặc nhiệm lợi dụng địa hình để bay thấp, luồn lách vào sâu trong hậu phương của quân địch và đổ quân xuống những địa điểm đã định mà vẫn giữ được bí mật, bất ngờ.

Lính dù - Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại- Ảnh 1.

Sự ra đời của trực thăng làm thay đổi căn bản chiến thuật của lực lượng lính dù

Với những đặc tính ưu việt như vậy, trực thăng quân sự ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong tác chiến, đến mức trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, "trực thăng vận" là hình thức di chuyển chủ yếu của lính Mỹ. Có trực thăng trong tay, các chỉ huy quân sự không còn muốn tung những người lính dù của mình phiêu bạt theo chiều gió xuống những nơi vô định trong lòng địch nữa.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc lực lượng lính dù đã trở nên tuyệt chủng. Năm 1989, lần đầu tiên trong suốt 50 năm, Sư đoàn Dù 82 của Mỹ lại thực hiện chiến dịch nhảy dù đầu tiên để đưa quân can thiệp xuống Panama.

Đến năm 2001, Trung đoàn Biệt kích 75 của Mỹ đã nhảy dù xuống tỉnh Kandahar của Afghanistan để chiếm lĩnh một sân bay quan trọng từ tay phiến quân Taliban. Mới đây nhất, vào đầu năm 2013, quân đội Pháp đã cho 250 lính thuộc Lữ đoàn Dù 11 nhảy dù xuống Mali để hỗ trợ một chiến dịch tấn công giành lại quyền kiểm soát Timbuktu từ tay lực lượng nổi dậy.

Vậy tại sao lực lượng lính dù vẫn được tin dùng trong quân đội các nước như vậy, trong khi chiến thuật sử dụng trực thăng phổ biến và dễ dàng hơn cho các chỉ huy quân sự cũng như an toàn hơn cho binh lính rất nhiều?

Lính dù - Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại- Ảnh 2.

Một chiến dịch nhảy dù của quân đội Mỹ ở Afghanistan.

Có thể nói dù các trực thăng chiến thuật hiện đại tỏ ra rất hữu dụng trên chiến trường, tuy nhiên nó vẫn không thể nào sánh được với lực lượng lính dù được đào tạo bài bản, tinh nhuệ trong những môi trường tác chiến đặc biệt phức tạp của chiến tranh hiện đại.

Điều dễ nhận thấy nhất là phạm vi hoạt động của máy bay trực thăng khá hạn chế so với các loại máy bay vận tải thả lính dù. Những chiếc máy bay vận tải như A-400 hoặc C17 là những vũ khí chiến lược có thể đưa lực lượng lính dù tới được những mục tiêu ở quá xa so với tầm hoạt động của trực thăng.

Với khả năng tiếp dầu trên không và phạm vi hoạt động xa hơn, máy bay vận tải ngày nay có thể đưa lực lượng lính dù tới bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng 18 tiếng đồng hồ. Đây là một ưu thế chiến lược mà các lực lượng mặt đất và hải quân khác không dễ gì có được, đem lại cho lính dù một ưu thế vô cùng nổi bật.

Thứ hai, lính dù là lực lượng có thể triển khai với tốc độ nhanh nhất trong một trận chiến. Các chỉ huy quân đội không thể có phương án nào khác để có thể đưa 1.000 binh sĩ xuống mặt đất gần như đồng thời trong một chiến dịch tấn công.

Các chiến dịch nhảy dù tỏ ra hiệu quả vượt trội và là chiến thuật ưa thích của quân đội các nước khi tấn công chiếm giữ các sân bay có vị trí trọng yếu của đối phương. Với khả năng xâm nhập sâu, đổ bộ đồng loạt, ồ ạt của lính dù, các lực lượng bảo vệ sân bay sẽ nhanh chóng thất thủ và mất quyền kiểm soát vị trí chiến lược mà họ đang phòng thủ.

Lính dù - Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại- Ảnh 3.

Lính dù dần được hoàn thiện thành các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ.

Thứ ba, lính dù đang ngày càng được trang bị hiện đại hơn, với các loại vũ khí, khí tài hạng nặng. Trong Thế Chiến II, lính dù chỉ được mang theo vũ khí cá nhân và thiếu sự yểm trợ của các loại hỏa lực mạnh, bởi họ không có cách nào để thả xuống mặt đất những cỗ xe thiết giáp nặng nhiều tấn hay những khẩu pháo lớn.

Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các kỹ sư quân sự đã thiết kế ra những xe thiết giáp, xe chở quân có trọng lượng nhẹ hơn để có thể thả được bằng dù từ máy bay vận tải C17 để yểm trợ cho lực lượng lính dù. Với những trang bị, vũ khí này, lính dù sẽ được bảo vệ tốt hơn, nâng cao khả năng sống còn và năng lực tấn công của họ.

Ngoài ra, chiến thuật "trực thăng vận" cũng thể hiện một nhược điểm chết người khác liên quan đến sinh mạng của các binh sĩ. Để thực hiện nhiệm vụ chuyển quân, trực thăng phải cất hạ cánh hoặc treo mình lơ lửng phía trên mục tiêu, trở thành những "miếng mồi" béo bở cho hỏa lực cỡ nhỏ và súng phóng lựu của đối phương.

Khi phải bay thấp để đổ quân, trực thăng cũng chịu những nguy cơ tai nạn lớn hơn rất nhiều. Trong vụ đột kích vào Abbottabad, Pakistan để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, đặc nhiệm Mỹ đã mất một trực thăng vì vướng vào tường rào trong lúc hạ cánh, rất may là không biệt kích nào bị thương vong.

Lính dù - Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại- Ảnh 4.

Máy bay trực thăng của Mỹ bị rơi trong khi đột kích để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Trong khi đó, máy bay vận tải chở lính nhảy dù thường bay ở độ cao 1000-4000 mét ở vận tốc hơn 200 km/h, giảm thiểu rủi ro cho cả máy bay và lực lượng nhảy dù.

Với những ưu điểm trên, ngày nay lực lượng lính dù thường được triển khai ở phía sau phòng tuyến địch để chiếm giữ các mục tiêu chiến lược như sân bay, cầu cống, các cơ sở hậu cần hay những khu vực mà phương tiện đường bộ không thể tiếp cận được.

Ngoài ra, lính dù còn được sử dụng để đổ bộ chiếm lấy các vị trí có lợi, đánh tạt sườn nhằm ngăn cản đối phương tiếp cận được với các tuyến đường trọng yếu hoặc các nguồn tài nguyên chiến lược. Sau khi chiếm được mục tiêu, lính dù sẽ đóng chốt để bảo vệ nó cho đến khi có lực lượng tiếp viện. Trong một số tình huống, lính dù được thả xuống chỉ để làm chậm bước tiến quân của địch, tạo thêm thời gian cho quân mình rút lui.

Hãy thử tưởng tượng một đại đội dù 100 người được trang bị quần áo dù bay (wingsuit) trên một chiếc máy bay vận tải C-17 bay dưới tầm của radar để tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách 10 km. Ở khoảng cách này, máy bay bất ngờ vọt lên độ cao 3000 mét và cả đại đội dù đồng loạt nhảy ra ngoài hướng tới mục tiêu.

Với bộ quần áo dù bay có khả năng thay đổi hướng lượn, người đội trưởng dẫn đầu đội hình lướt gió theo tuyến đường đã định sẵn. Đến độ cao 200 mét, các binh sĩ lần lượt mở dù và đáp xuống trong một khu vực chỉ bằng một sân bóng đá theo đội hình đã quy định sẵn trong thời gian chưa đầy 2 phút. Như vậy một đại đội dù đã được triển khai ngay trong lòng địch một cách nhẹ nhàng mà không hề bị radar của đối phương phát hiện.

Lính dù - Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại- Ảnh 5.

Những bộ wingsuit hiện đại sẽ được lính dù sử dụng để nhanh chóng tiếp cận mục tiêu.

Nếu đó không phải là một chiếc C-17 mà là 10 chiếc, ta có thể đưa cả một lữ đoàn dù tiếp cận mục tiêu với độ chính xác gần như không tưởng vào ngay trong lòng địch, khiến quân địch hoàn toàn bất ngờ.

Trên những chiến trường sa mạc như Afghanistan, bất cứ sự di chuyển nào của các phương tiện trên bộ đều để lại những vệt cát mù mịt, khiến tung tích của đoàn quân dễ dàng bị phát hiện ở khoảng cách xa, khiến họ dễ bị phục kích bằng mìn hoặc hỏa lực của đối phương.

Còn nếu sử dụng lực lượng lính dù, ta có thể triển khai quân tới bất kỳ địa điểm nào gần như đồng thời. Nếu bị quân địch phát hiện và nổ súng, một vài lính dù có thể bị trúng đạn, tuy nhiên lực lượng còn lại sẽ nhanh chóng tấn công để áp đảo đối phương. Chiến thắng bất ngờ của lính dù sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý rất lớn, khiến đối phương vô cùng hoang mang trên chiến trường.

Nói tóm lại, lực lượng lính dù có những ưu điểm về chiến thuật và chiến lược không thể coi thường trong tác chiến hiện đại, khiến họ vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của quân đội các nước trên khắp thế giới. Dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu, những người lính dù tinh nhuệ vẫn là lực lượng quan trọng có thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo