Phân tích bộ gen cho thấy loài côn trùng phổ biến trong nhà bếp này đã lan từ châu Âu ra thế giới. Nhưng nguồn gốc ban đầu của nó lại không phải ở châu Âu.
Gián, loài gây hại phổ biến trong mỗi hộ gia đình, hoá ra có nguồn gốc không ai ngờ tới. Một loài gián sống trong nhà của con người trên khắp thế giới được gọi là gián Đức - nhưng ban đầu nó không đến từ Đức. Nghiên cứu được công bố mới đây trên Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy sinh vật này có nguồn gốc từ Nam Á và lan rộng trên toàn cầu vì nó khả năng sinh tồn rất tốt trong môi trường sống của con người.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Nhà sinh vật học Thụy Điển Carl Linnaeus là người đầu tiên mô tả loài gián, đặt tên loài là Blattella germanica, vào năm 1776. Cũng từ đó có giả định rằng gián có nguồn gốc từ Đức. Đồng tác giả nghiên cứu mới công bố, Qian Tang - nhà sinh vật học tiến hóa hiện làm việc tại Đại học Harvard, Boston, Massachusetts, cho biết: “Chúng không bắt nguồn từ đó mà chỉ được 'thuần hoá' ở đó và sau đó bắt đầu lan rộng khắp thế giới”.
Tang và các đồng nghiệp đã phân tích bộ gen của 281 con gián Đức được thu thập từ 17 quốc gia - trong đó có Úc, Ethiopia, Indonesia, Ukraine và Mỹ. Họ sử dụng những điểm tương đồng và khác biệt giữa các bộ gen để tính toán thời điểm và địa điểm các quần thể khác nhau có thể được thiết lập.
Kết quả, họ phát hiện họ hàng gần nhất còn sống của loài gián Đức có lẽ là loài gián châu Á Blattella asahinai, loài vẫn còn được tìm thấy ở Nam Á. Blattella germanica có lẽ đã tách ra khỏi Blattella asahinai khoảng 2.100 năm trước.
Sau đó, khoảng 1.200 năm trước, Blattella germanica đã quá giang về phía tây vào Trung Đông cùng với hoạt động giao thương và quân sự của các vương quốc Hồi giáo Umayyad và Abbasid. Gián bắt đầu lan rộng về phía đông từ Nam Á khoảng 390 năm trước, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa thực dân châu Âu và sự xuất hiện của các công ty thương mại quốc tế như các Công ty Đông Ấn của Hà Lan và Anh. Khoảng một thế kỷ sau, loài gián Đức quá giang vào châu Âu và từ đó lan rộng khắp thế giới.
Cleo Bertelsmeier - nhà nghiên cứu về các loài xâm lấn tại Đại học Lausanne ở Thụy Sĩ, cho biết, thật thú vị khi thấy nghiên cứu này có thể ánh xạ dữ liệu di truyền tới các sự kiện lịch sử như thế nào. Việc sử dụng gen là điều cần thiết để hiểu được sự phát tán của loài gián Đức, bởi vì “đây là một cuộc 'xâm lược' cổ xưa, và loài gián đã trở nên phong phú đến mức không có cách nào, nếu không có những công cụ như vậy, để biết rằng đây không phải là loài bản địa từ châu Âu", cô nói.
Franz Essl - nhà sinh thái học tại Đại học Vienna, cho biết gián Đức thành công nhờ khả năng thích nghi phi thường. Chúng dễ dàng thích nghi với các kiểu môi trường sống của con người, có chu kỳ sinh sản ngắn, và rất cơ hội - đều những phẩm chất “cũng khiến chúng dễ bị đưa đi quá giang đến những địa điểm mới”, Essl nói. "Đó là sự kết hợp hoàn hảo của các yếu tố để tạo nên một loài rất thành công trong thế giới con người."