Chiến tranh mậu dịch ( Riêng báo Lá Cải HNPD hoàn toàn ủng hộ Trump )

Thứ Tư, 04 Tháng Tư 20188:38 SA(Xem: 5119)
Chiến tranh mậu dịch ( Riêng báo Lá Cải HNPD hoàn toàn ủng hộ Trump )
rfa.org
Nguyễn Xuân Nghĩa

Trận chiến mậu dịch khai mào

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Chúng ta vừa bước vào Quý 2 của năm 2018 thì điều người ta e ngại đã xảy ra khi Chính quyền Bắc Kinh quyết định nâng thuế nhập nội 10% trên 120 mặt hàng và 25% trên tám món hàng của Mỹ  xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với kim ngạch lên tới ba tỷ đô la. Dường như biến động ấy làm thị trường chứng khoán tại Mỹ tuột giá mạnh. Theo dõi chuyện này từ đã lâu, ông thấy thính giả của chúng ta nên nghĩ thế nào về trận chiến mậu dịch vừa khai mào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, về biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ, ta có thể đếm ra ba bốn nguyên do khác nhau mà nỗi e sợ về trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ là một. Mươi hôm trước, ta cũng thấy hiện tượng đó khi cổ phiếu sụt giá bốn ngày trong một tuần vì e ngại rồi đầu tuần sau lại lên giá mạnh. Bản thân tôi thì cho rằng chúng ta nên nhìn sự thể trong lâu dài và trên toàn cảnh thay vì bị dao động bởi những nhận định ngắn hạn.

- Sự thể có khi khởi sự từ cả chục năm qua khi lãnh đạo Bắc Kinh có chính sách trục lợi bất chính trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, là điều ta sẽ phân tích sau. Kế tiếp, sự thể manh nha từ năm ngoái khi Chính quyền Donald Trump chỉ thị các cơ quan hữu trách nghiên cứu về những thiệt hại do chính sách mậu dịch của Trung Quốc gây ra cho Hoa Kỳ. Ít ai chú ý tới các chỉ thị ấy cho đến khi kết quả nghiên cứu được báo cáo lên trên. Sau khi được báo cáo và theo đúng thủ tục, Tổng thống Mỹ mới thông báo việc có thể áp thuế trên các mặt hàng nhập khẩu như thép và nhôm, đó là vào ngày 16 Tháng Hai. Qua ngày 22 Tháng Ba, ông Trump thông báo tiếp một số biện pháp trừng phạt sẽ áp dụng vì Bắc Kinh không tôn trọng luật lệ về tác quyền. Trong thực tế, Hoa Kỳ chưa áp dụng các biện pháp này. Nhưng Bắc Kinh lại nhanh tay ra đòn trước là sẽ không tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà tăng thuế nhập nội trên 128 mặt hàng của Mỹ. Chuyện nó rắc rối phức tạp chứ không đơn giản như truyền thông loan tải theo kiểu mỳ ăn liền!

Bắc Kinh trục lợi bất chính

Nguyên Lam: Như vậy thì Mỹ mới chỉ thông báo một số biện pháp sẽ áp dụng chứ chưa ban hành nhưng Bắc Kinh lại có biện pháp trả đũa trước dù chỉ liên hệ đến một ngạch số chừng ba tỷ đô la mà thôi trong luồng giao dịch lên tới mấy trăm tỷ giữa hai nước. Nguyên Lam xin đề nghị là chúng ta khởi sự từ nguyên ủy như ông đã trình bày nhiều lần trên diễn đàn này. Trước hết là về chuyện Bắc Kinh đã có chính sách trục lợi bất chính trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm 2000, Chính quyền Bill Clinton chấp thuận cho Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm sau. Khi ấy, Quốc hội Mỹ bèn cho lập ra một Hội đồng Duyệt xét Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ-Hoa để thường xuyên tường trình mọi sự lợi hại lên giới dân cử của Lập pháp thẩm định. Hội đồng “U.S.-China Economic and Security Review Commission” do các thành viên được lãnh đạo hai đảng bổ nhiệm và tuyển dụng các chuyên gia về an ninh, kinh tế và Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu và phúc trình của cơ quan độc lập này được niêm yết công khai, nhưng ít ai chịu tham khảo, kể cả báo chí!

Trong thực tế, Hoa Kỳ chưa áp dụng các biện pháp này. Nhưng Bắc Kinh lại nhanh tay ra đòn trước là sẽ không tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà tăng thuế nhập nội trên 128 mặt hàng của Mỹ. Chuyện nó rắc rối phức tạp chứ không đơn giản như truyền thông loan tải theo kiểu mỳ ăn liền!
-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Tháng trước, Hội đồng có báo cáo về “Các khí cụ của chủ nghĩa kỹ thuật quốc gia của Trung Quốc”. Họ đi từ sách lược “Chế tạo tại Trung Quốc năm 2015” do Bắc Kinh đề ra trong “Kế hoạch Năm năm thứ 13, từ 2016 tới 2020” để ưu tiên phát triển 10 khu vực then chốt và nhắm vào các chiến lược toàn diện, trường kỳ hầu lập ra các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh nội địa và quốc tế. Điều đáng chú ý là 10 khí cụ được Bắc Kinh áp dụng để thực hiện chính sách của họ.

- Sau đó, trong phúc trình định kỳ và mới nhất, Hội đồng này cũng giải thích về Mục 301 của Đạo Luật Thương Mại 1974 mà Chính quyền Trump mới viện dẫn để đề nghị áp thuế. Nếu chịu khó tham khảo các tài liệu thuộc về bối cảnh phức tạp này thì chúng ta sẽ tỉnh táo hơn và bớt tin vào báo chí lười biếng.

Ăn của địch để đánh địch

Nguyên Lam: Nguyên Lam biết ông chịu khó tham khảo nhiều tài liệu khá chuyên môn để trình bày một cách dễ hiểu cho thính giả của chúng ta. Khi nói đến 10 khí cụ của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm thực hiện chính sách của họ, ông muốn nhấn mạnh đến điểm nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau Thế chiến II, các nước Đông Á như Nhật Bản rồi Nam Hàn hay Đài Loan, đều có chính sách công nghiệp hóa với lộ trình dàn trải trong vài chục năm để từng bước xây dựng được nền công nghiệp tiên tiến. Đó là điều hợp lý, nhưng đáng chú ý là hệ thống tư doanh sẽ phát triển chính sách đó với sự yểm trợ của nhà nước. Họ tương đối thành công, mà đôi khi bị nhược điểm là các tập đoàn kinh tế được nhà nước nâng đỡ lại nhũng lạm, như vụ Samsung của Nam Hàn, thậm chí khủng hoảng như ta đã thấy trong các năm 1997-1998.

- Đi sau và học theo các nước đó, Bắc Kinh cũng có sách lược công nghiệp hóa qua từng bước của một kế hoạch dài hạn. Nhưng lại có năm khác biệt. Thứ nhất là dân số đông và nhân công rẻ nên tăng trưởng thật nhanh trong 30 năm sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách. Thứ hai là chế độ độc đảng không dân chủ như các nước đi trước. Thứ ba là hệ thống quốc doanh vẫn giữ vị trí chủ đạo dù kém hiệu năng. Thứ tư là hệ thống kinh tế chính trị ấy có tinh thần chiến tranh và nhìn hợp tác kinh tế quốc tế với nhãn quan đấu tranh, qua khẩu hiệu quen thuộc là “ăn của địch để đánh địch”. Tức là đạo tắc về kinh doanh là điều không hề có. Sau cùng, với thế lực của xứ đông dân có sản lượng kinh tế hạng nhì thế giới, lãnh đạo xứ này ít coi trọng các quy tắc ứng xử thông thường của thiên hạ. Người nào còn mơ hồ thì xin nhớ đến dự án Cá Rồng Đỏ của Việt Nam. Bây giờ ta mới nói đến 10 khí cụ như 10 mũi khoan mậu dịch của Bắc Kinh.

10 khí cụ của Bắc Kinh

Nguyên Lam: Có lẽ chúng ta đã quen với cách tiếp cận vấn đề theo từng bước tiệm tiến của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Bây giờ, xin đề nghị ông nói về 10 mũi khoan của Bắc Kinh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi tương tác với các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chiếm thị phần là bước đầu. Chính quyền Bắc Kinh đặt tiêu chí cụ thể cho việc chiếm lĩnh phần thị trường nội địa và ngoại quốc. Sau đó, nhà nước tài trợ dưới nhiều diện như quỹ đầu tư, trợ cấp, miễn thuế, cho vay với điều kiện ưu đãi không có trên thị trường tư doanh, trợ giá và đảm bảo xuất khẩu, v.v... Những thí dụ hay dẫn chứng thì có rất nhiều, không thể kể hết ở đây. Mũi khoan thứ ba là nhà nước chủ động tài trợ việc “nghiên cứu và phát triển” hay R&D, để mong bắt kịp Hoa Kỳ về các ngành công nghệ cao, nhất là tín học. Thứ tư là chế độ cung cấp để doanh nghiệp nội địa được ưu thế hơn nước ngoài khi cung cấp cho nhu cầu của các cơ quan trung ương và địa phương.

Khi Hoa Kỳ chưa áp dụng những biện pháp chế tài mà Bắc Kinh đã vội ra đòn cỏn con thì chúng ta trở lại với câu hỏi ban đầu là trong trận đấu này, ai sợ ai?
-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Thứ năm và khá gian ngoan là đề ra các tiêu chuẩn riêng của mình để loại bỏ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại quốc. Thứ sáu và tinh vi nhất là đặt ra các luật lớn và lệ nhỏ được bộ máy thư lại tự tiện suy diễn nhằm cản trở nước ngoài. Thứ bảy là viết ra các chính sách di động để hướng đầu tư nước ngoài vào các khu vực Bắc Kinh cho là chiến lược, khi thành công thì họ lại đổi chính sách! Thứ tám là chiêu dụ nhân tài trong đại học hay doanh giới của thiên hạ, như một chương trình được phát động từ năm 2008. Thứ chín là khích lệ doanh nghiệp trong các khu vực chiến lược của mình tung tiền đầu tư để thụ đắc tài sản, kiến năng và công nghệ của thiên hạ. Mũi khoan thứ 10 là tiến hành nghiệp vụ tình báo kỹ nghệ trong đại học, doanh nghiệp và cả cơ quan công quyền Hoa Kỳ, là điều hoàn toàn phi pháp mà vẫn được Bắc Kinh tiến hành, như một số phát giác được đài Á Châu Tự Do vừa nhắc tới.

Nguyên Lam: Nếu một cơ quan nghiên cứu độc lập của Quốc hội Mỹ báo cáo về sách lược dài hạn như vậy của Bắc Kinh thì có lẽ chúng ta hiểu vì sao Chính quyền Donald Trump mới viện dẫn luật lệ Hoa Kỳ để có biện pháp ứng phó. Ông nghĩ thế nào về cục diện này, liệu chiến tranh mậu dịch có xảy ra không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là người dân Hoa Kỳ nói chung biết rất nhiều mà lại hiểu rất ít nên chẳng thấy ra vài ba sự thật. Đó là lãnh đạo Hoa Kỳ từ năm 1972 đã lầm tưởng rằng kinh tế thị trường hay trao đổi tự do sẽ thuần hóa chế độ độc tài và hợp tác kinh tế sẽ biến cải Trung Quốc thành cường quốc có tinh thần trách nhiệm. Sau đó, doanh lợi khiến các tập đoàn kinh tế Mỹ tìm lợi nhuận khi làm ăn với Trung Quốc mà quên dần yếu tố an ninh, nếu có bị bắt chẹt hay móc túi thì cũng nín thinh. Trong khi đó, từ đầu đến cuối, lãnh đạo Bắc Kinh không hề xao lãng mục tiêu trường kỳ là bằng mọi thủ đoạn bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ về mặt kinh tế, công nghệ và cả quân sự. Với Trung Quốc thì cả ba mặt ấy là một.

- Ông Donald Trump được thành phần thất thế của nước Mỹ bầu lên thì cũng chỉ mới mường tượng ra những bất lợi của Hoa Kỳ nhưng dần dần học bài thêm và ngoài phong thái ồn ào nhiều khi bộp chộp, ông thấy ra sự thể từ cả hai giác độ an ninh và kinh tế. Trong kho luật lệ về Thương mại của Hoa Kỳ, các mục 232 trong Đạo luật 1962 hay 301 trong Đạo luật 1974 đã có sẵn từ lâu mà ít khi được sử dụng. Ông Trump cho Nội các nghiên cứu sự thể từ Tháng Tư, Tháng Tám năm ngoái rồi theo thủ tục mà sẽ áp dụng sau này cho một trận chiến mậu dịch thật ra đã có từ xưa rồi khi Trung Quốc lặng lẽ tiến hành kế hoạch của họ.

Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, rồi đây sự thể sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ một tháng trước rồi, khi thiên hạ tri hô về nguy cơ chiến tranh mậu dịch, tôi đã cố giải thích rằng ta cần đi xuống cái đáy của vấn đề. Thí dụ dễ nhớ là Trung Quốc đạt xuất siêu mấy trăm tỷ đô la với Hoa Kỳ, nên 3% Tổng sản lượng của họ tùy thuộc vào sức bán hàng cho Mỹ. Ngược lại, việc xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc chỉ bằng nửa phần trăm của Tổng sản lượng thôi. Khi lên chiến hào để nã đạn mậu dịch vào nhau thì kinh tế Trung Quốc mới lâm thế yếu. Đó là thực lực của hai nền kinh tế. Chuyện khác nữa, khi lồng an ninh vào kinh tế, Hoa Kỳ cũng thấy nhiều bạn hàng của mình tại Bắc Mỹ, Âu Châu và Đông Á là các đồng minh chiến lược nên sẽ tìm ra giải pháp thỏa hiệp, là điều không có với Bắc Kinh. Khi Hoa Kỳ chưa áp dụng những biện pháp chế tài mà Bắc Kinh đã vội ra đòn cỏn con thì chúng ta trở lại với câu hỏi ban đầu là trong trận đấu này, ai sợ ai?

- Nhìn về lâu dài và vì Trung Quốc đang cố phát triển công nghệ tín học cao cấp, chúng ta sẽ còn có dịp theo dõi trận đánh kế tiếp, thí dụ như trong việc thi đua sản xuất thế hệ vô tuyến thứ năm hay G-5 thì sẽ biết thế nào là được thua.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn