Chu Ân Lai và Richard Nixon

Nguồn hình ảnh, Bettmann/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Chu Ân Lai mở tiệc đãi Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon sang thăm Trung Quốc năm 1972. Không có mặt trong ảnh nhưng cố vấn Henry Kissinger mới là người thiết kế chiến lược Bắt tay với Trung Hoa của Mỹ

Hôm 27/05/2023, ông Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, học giả nổi tiếng và không thiếu tai tiếng, tròn 100 tuổi.

Một số báo châu Âu đã có bài về ông, BBC News Tiếng Việt xin lược dịch một số đoạn trích đáng chú ý.

Trang The Economist tại Anh hôm 17/05 đã phỏng vấn ông Henry Kissinger về cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Nhà ngoại giao nổi tiếng, người lèo lái chính sách châu Á của Hoa Kỳ thời Chiến tranh Việt Nam, đích thân sang Trung Quốc thời Mao để kiến thiết chiến lược Bắt tay với Trung Quốc, nay cảnh báo cả hai nước về cuộc đối đầu trong Thế kỷ 21:

"Ở Bắc Kinh hiện nay người ta đi tới kết luận rằng Hoa Kỳ sẽ làm tất cả để trói chân Trung Quốc [to keep China down]. Còn ở Washington, họ thỏa mãn với ý nghĩ Trung Quốc lập mưu để lật đổ vị thế cường quốc dẫn dắt thế giới của Hoa Kỳ..."

"Cả hai bên đều tin tưởng rằng đối thủ đang tạo ra sự nguy hiểm chiến lược (strategic danger). Chúng ta đang trên con đường đi thẳng tới cuộc đối đầu hai đại cường."

Nói với The Economist, ông Kissinger, người vẫn được đón tiếp nồng nhiệt ở Bắc Kinh, cho rằng hai bên Hoa Kỳ và Trung Quốc "còn khoảng 10 năm để điều chỉnh quan hệ" nếu muốn tránh cuộc đối đầu - Thế Chiến III.

Trang The Sunday Times ở Anh có bài của GS Niall Ferguson viết rằng "được ngưỡng mộ, và cũng bị không ít người lên án, với những nhà chỉ trích muốn đem ông ra toà xử tội phạm chiến tranh, Henry Kissinger ít khi sai về địa chính trị quốc tế".

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hình chụp các ngoại trưởng đã nghỉ của Mỹ năm 2014: trừ trái sang Henry Kissinger, James Baker, Madeleine Albright, Colin Powell và Hillary Clinton

Vẫn về Trung Quốc, Kissinger bác bỏ quan điểm được "nuôi dưỡng lâu nay" ở Phương Tây rằng nhờ kinh tế thị trường, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia "giống Phương Tây".

Theo ông Ferguson, Henry Kissinger nói rằng với Hoa Kỳ, "việc chờ TQ Phương Tây hóa không còn là một chiến lược khả thi nữa". Tuy thế, ông cũng không tin rằng "thống trị thế giới là mục tiêu của Trung Quốc".

Theo Kissinger, Hoa Kỳ và Trung Quốc "vẫn có những điểm chung tối thiểu là trách nhiệm để thế giới không rơi vào thảm họa".

Còn trang Der Spiegel ở Đức hai năm trước có bài phỏng vấn dài với Henry Kissinger, người sinh ra và lớn lên ở Đức trước khi chạy sang Hoa Kỳ tỵ nạn năm 1938.

Kissinger nêu quan điểm về Trung Quốc rằng "đây không còn là một quốc gia cộng sản theo định nghĩa cũ: nhà nước quyết định rất cả. Nhưng TQ vẫn là quốc gia cộng sản theo nghĩa Đảng CS TQ độc quyền lãnh đạo".

Với Kissinger, cùng thuyết Ba Đại diện, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã biến ĐCS thành tổ chức quyền lực hơn là phong trào ý thức hệ cộng sản.

Khi được hỏi liệu ĐCSTQ có thay đổi hay không, Kissinger đáp:

"Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đi theo hướng của PRI - Đảng Cách mạng Định chế ở Mexico. Đảng này lãnh đạo Mexico 70 năm nhờ biết tạo ra các điều chỉnh thực tiễn. Có thể sẽ có thành phần ý thức hệ cánh tả chủ chốt trong ĐCSTQ nhưng nó sẽ không còn đóng vai trò toàn diện như thời Mao."

Ông cũng nói ĐCSTQ biết rằng xã hội thay đổi nhiều và họ luôn nói là đang điều chỉnh, chấp nhận các thay đổi lớn lao đó. Ở Trung Quốc luôn có các thế lực khác nhau trỗi dậy và câu hỏi là ĐCSTQ có kịp cho phép các đảng đối thủ xuất hiện hay là không.

Kissinger giỏi về điều gì?

Sinh năm 1923 ở Bavaria trong gia đình Đức gốc Do Thái, ông cùng cả nhà bỏ sang Hoa Kỳ năm 1938 và nhập ngũ năm 1944.

Khi quân Mỹ và Đồng minh tiến vào đất Đức, Kissinger là hạ sĩ quan bộ binh được giao nhiệm vụ thẩm vấn tù binh và hàng binh Đức nhằm truy bắt các cựu sĩ quan SS và Gestapo. Về Mỹ, ông giải ngũ, học đại học và làm bằng tiến sĩ về lịch sử chính trị châu Âu thế kỷ 19.

Thuyết cân bằng quyền lực từ "Dàn nhạc châu Âu" sau Hội nghị Vienna (1814-15) được Kissinger phát triển thành nhãn quan địa chính trị cho Hoa Kỳ vào thế kỷ 20. Chiến lược liên kết ngoại giao với Trung Quốc để chống Liên Xô và giải quyết Chiến tranh VN cuối thập niên 1960 được ông khởi xướng.

Năm 1973, ông cùng nhà đàm phán Bắc Việt Nam, Lê Đức Thọ được trao Giải Nobel Hòa bình.

Chụp lại hình ảnh,

Tác giả Stephen B. Young (trái) và bìa sách 'Kissinger's Betrayal: How America Lost the Vietnam War' vừa được ấn bản. Theo ông Young, sự phản bội của Henry Kissinger là nguyên nhân chính khiến Việt Nam Cộng hòa sụp đổ'

Nhưng cách làm chính trị quá thực dụng của Kissinger bị phê phán. Quyết định rũ bỏ Nam Việt Nam bị chỉ trích là "phản bội đồng minh", và mưu kế của Kissinger cho Hoa Kỳ ném bom rải thảm vào Campuchia bị cho là "tội ác chiến tranh".

Dù đã nghỉ hưu sau khi nắm các chức quan trọng: Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn An ninh của các đời tổng thống Hoa Kỳ, Kissinger vẫn là nhân vật có ảnh hưởng.

Thời George H Bush, các đệ tử của Kissinger thuộc phái diều hâu cổ vũ cho "cuộc oanh kích giải phẫu" (surgical strikes) vào Iraq năm 1991 để loại Saddam Hussein. Cụm từ tai tiếng đó là do Kissinger tạo ra, với ý rằng cường quốc như Hoa Kỳ có quyền, và có năng lực chiến trường bắn phá từ xa để thay đổi các chế độ thù địch.

Nhưng tới năm 2014, các tài liệu giải mật của Mỹ mới lộ ra ý tưởng oanh kích chiến thuật từ xa hóa ra đã được ông Kissinger nung nấu từ lâu: năm 1976, ông đề xuất bắn phá Cuba để chặn việc Havana đưa quân sang châu Phi nhưng không được Tổng thống Gerard Ford chấp nhận.

Năm 2001, TT George W Bush định mời ông làm chủ tịch ủy ban điều tra vụ 9/11 nhưng phải thôi vì làn sóng phản đối. Nhà văn Anh Christopher Hitchen năm đó tung ra bài xã luận công kích Kissinger, gọi ông ta là "kẻ tội phạm chiến tranh cần được đưa ra tòa xử".

Theo Niall Ferguson, sử gia Mỹ gốc Scotland, Kissinger tin vào 'chính trị thực tiễn' (realpolitik), không bị ám ảnh bởi các đức tính tốt đẹp (virtues) mà ông cho là ngây thơ.

Với phe tả Âu-Mỹ, Kissinger là hiện thân của thuyết chính trị diều hâu. Còn với những người tân bảo thủ, ông là bố già của tư duy quyền lực Mỹ và dám nhìn vào "các loại phương tiện" để đạt mục tiêu.

Ngay từ năm 1957, Kissinger đã tung ra học thuyết "chiến tranh hạt nhân hạn chế" như một trong nhiều giải pháp để giải quyết bế tắc Đông-Tây ở châu Âu.

Ông có tiếng là dám thay đổi quan điểm của chính mình và đây là điều các giới chức cao nhất ở nhiều nước tìm đến ông để nhận lời tư vấn.

Ví dụ, năm 2014 ông cảnh báo về chuyện nói tới tư cách thành viên Nato của Ukraine mà không lường hết các hiểm nguy.

Nhưng năm nay, ông lại cho rằng Ukraine "đã chiến đấu đủ để xứng đáng vào Nato" nhưng Phương Tây vẫn cần thu xếp cách chung sống hòa bình thế nào đó với Nga trong tương lai.

Niall Ferguson kết luận rằng với Kissinger, cuộc đời 100 năm qua của ông phản ánh một sự thật: không phải là bạn muốn thế giới ra sao, mà đây là thế giới chúng ta phải sống trong nó, không có sự lựa chọn nào khác.