Mạng xã hội - 'đất lành' cho nạn buôn bán tình dục trẻ em

Thứ Tư, 24 Tháng Năm 20235:00 SA(Xem: 1009)
Mạng xã hội - 'đất lành' cho nạn buôn bán tình dục trẻ em

Theo một báo cáo dựa trên phân tích 105 vụ buôn bán tình dục trẻ em tại Mỹ năm 2020, Facebook và Instagram là 2 nền tảng được những kẻ buôn bán tình dục trẻ em sử dụng nhiều nhất.

4

Nạn bóc lột tình dục trẻ em là một trong những thách thức lớn nhất mà các công ty công nghệ phải đối mặt. Ảnh: The Guardian.

Từ khi mạng xã hội ra đời, nạn bóc lột tình dục trẻ em là một trong những thách thức lớn nhất mà các công ty công nghệ phải đối mặt. Hiểu rõ điều này, Meta - công ty mẹ của Facebook và Instagram nhiều lần khẳng định, họ đã và đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn vấn nạn trên.

Tuy nhiên, theo báo cáo của tổ chức Human Trafficking Institute, dựa trên phân tích 105 vụ buôn bán tình dục trẻ em tại Mỹ năm 2020, Facebook và Instagram là 2 nền tảng được những kẻ buôn bán tình dục sử dụng nhiều nhất để dụ dỗ trẻ em. Dữ liệu từ báo cáo làm dấy lên nghi ngờ về những tuyên bố trước đó của Meta.

Facebook,  Instagram, anh 1

Facebook và Instagram được xem là 'mảnh đất màu mỡ' cho nạn buôn bán tình dục trẻ em. Ảnh: Cnet.

Để làm rõ vấn đề, tờ The Guardian đã phỏng vấn hơn 70 nguồn, gồm nạn nhân, công tố viên, chuyên gia bảo vệ trẻ em và người kiểm duyệt nội dung trên khắp nước Mỹ... Kết quả cho thấy, Meta không báo cáo, thậm chí không phát hiện nhiều vụ buôn bán tình dục trẻ em diễn ra trên nền tảng của mình.

Người trong cuộc nói gì?

Courtney's House là trung tâm dành cho các nạn nhân của nạn buôn bán tình dục trẻ em ở Washington. Tina Frundt, người sáng lập Courtney's House từng nhiều lần yêu cầu Instagram xóa tài khoản và gỡ bỏ nội dung bóc lột trẻ em, nhưng chưa nhận được phản hồi thích đáng.

Facebook,  Instagram, anh 2

Tina Frundt cảm thấy bất lực trong việc yêu cầu Instagram hành động chống lại nạn buôn bán tình dục trẻ em. Ảnh: The Guardian.

“Chúng tôi nghiêm túc xem xét mọi báo cáo về nội dung liên quan đến trẻ em và đã tích cực đáp ứng các yêu cầu từ Courtney's House. Tuy nhiên, việc xóa nội dung hay tài khoản cần có đủ bằng chứng cho thấy nội dung hoặc người dùng vi phạm chính sách của nền tảng”, đại diện Meta cho biết.

Vào năm 2020 và 2021, Frundt kêu gọi Instagram tài trợ 3000 USD cho một khóa đào tạo chuyên viên ngăn chặn nạn buôn bán trẻ em trên nền tảng này. Tuy nhiên, khóa học không thể diễn ra do Instagram chỉ muốn bỏ ra 300 USD.

Luke Goldworm, cựu trợ lý luật sư quận ở Massachusetts cho biết, trong những vụ việc mà ông tiếp nhận, Meta là nền tảng liên quan đến nhiều vụ buôn bán tình dục trẻ em nhất.

Sáu công tố viên khác đồng tình với Goldworm. Theo kinh nghiệm của họ, Facebook và Instagram đang được sử dụng rộng rãi để dụ dỗ trẻ bán dâm. Năm trong số họ bày tỏ sự bức xúc về sự chậm trễ không cần thiết của Meta trong việc thu thập bằng chứng về các vụ buôn bán tình dục.

Facebook,  Instagram, anh 3

Facebook bị tố né tránh trách nhiệm báo cáo về nạn buôn bán tình dục trẻ em cũng như trì hoãn việc giải cứu nạn nhân. Ảnh: The Guardian.

“Tỷ lệ từ chối báo cáo của Facebook cao hơn bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ điện tử nào khác. Công ty này thậm chí còn trì hoãn việc giải cứu nạn nhân tới một tháng”, Gary Ernsdorff, phó công tố viên cấp cao của Quận King, bang Washington cho biết.

Đáp lại, Meta cho rằng những tuyên bố trên là “sai sự thật”, đồng thời cho biết từ tháng 1 đến tháng 6/2023, họ “đã cung cấp dữ liệu cho gần 88% yêu cầu từ chính phủ Hoa Kỳ”.

Những nỗ lực “yếu ớt” từ Meta

Tháng 1 – 9/2022, Facebook báo cáo hơn 73,3 triệu nội dung dưới tiêu đề “ảnh khỏa thân và lạm dụng thể chất trẻ em” và “bóc lột tình dục trẻ em”, Instagram báo cáo 6,1 triệu. Tuy nhiên, phần lớn nội dung mà họ báo cáo thuộc tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em - gồm ảnh và video có nội dung khiêu dâm - chứ không phải hoạt động buôn bán tình dục.

Hany Farid, giáo sư Đại học California tin rằng Meta có thể làm được nhiều hơn để chống lại nạn buôn bán trẻ em. Chẳng hạn, công ty có thể đầu tư nhiều hơn để phát triển các công cụ phát hiện các từ ngữ mang tính chất dụ dỗ hoặc ép buộc bán dâm.

Đáp lại yêu cầu của Farid và các câu hỏi khác từ The Guardian, Meta cho biết họ đã “tập trung vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học” trên các nền tảng của mình để xác định nội dung và tài khoản có hại, đồng thời giúp người dùng dễ dàng báo cáo cho công ty.

Ngoài phần mềm, Meta còn thành lập nhiều nhóm kiểm duyệt viên để xác định các trường hợp mua bán trẻ em và buôn bán tình dục. Nhưng 7 người kiểm duyệt được The Guardian phỏng vấn cho biết, những nỗ lực của họ thường không đi đến đâu.

Một người kiểm duyệt tên Anna Walker kể lại, khi cô phát hiện ra một vụ buôn bán tình dục trẻ em, cô sẽ chuyển cho quản lý của Meta xem xét và xử lý. Trong một số trường hợp, nhiều tháng sau Walker mới nhận được phản hồi từ chatbot rằng vụ việc này được cho qua vì chưa có hành động đáng tiếc nào xảy ra.

Năm trong số những người kiểm duyệt tiết lộ, nếu các vụ buôn bán diễn ra trong nhóm kín Facebook hoặc Messenger, khả năng phanh phui vụ việc hoặc gỡ các nội dung liên quan là rất thấp.

Năm 2021, Frances Haugen - cựu nhân viên Facebook đã làm rò rỉ các tài liệu nội bộ. Trong đó có nhiều bằng chứng củng cố cho quan điểm của Walker và các kiểm duyệt viên khác.

Facebook,  Instagram, anh 4

Frances Haugen - cựu nhân viên Facebook đã làm rò rỉ các tài liệu nội bộ cho thấy Meta có cách xử lý hời hợt khi phát giác các nội dung tiêu cực. Ảnh: The Guardian.

Meta phủ nhận các cáo buộc trên, cho biết họ sử dụng công nghệ để tìm nội dung khiêu dâm trẻ em trong các nhóm Facebook riêng tư và trên Messenger.

Matias Cruz, người có 2 năm kinh nghiệm làm kiểm duyệt nội dung cho rằng các biện pháp mà Meta đang sử dụng để phát hiện nạn buôn người quá ít và thiếu thông minh. Những kẻ buôn người ngày càng tinh vi và không thiếu cách “luồn lách”.

“Trong một số cuộc trao đổi, chúng gọi nạn nhân là ‘dê’, sau đó đưa ra mức giá trên trời, chẳng có con dê nào lại có giá như thế! Nhiều khi chúng chỉ báo giá cho 1 đêm, 2 đêm… và không nói gì thêm. Chỉ bấy nhiêu thôi là đủ hiểu nội tình của câu chuyện. Nhưng đối với các công ty, họ sẽ cho rằng những cuộc hội thoại đó quá mơ hồ và từ chối xử lý”, Cruz cho biết.

Lỗ hổng của luật pháp

Theo luật pháp nước Mỹ, Meta phải báo cáo về các hình ảnh và video khiêu dâm về trẻ em cho Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích & Bị bóc lột (NCMEC), nhưng không phải báo cáo về các hoạt động buôn bán tình dục.

Do vậy, NCMEC phải dựa vào các công ty truyền thông xã hội để tìm kiếm và báo cáo.

“Điều đáng lo ngại là việc buôn bán trẻ em rất ít được báo cáo. Các công ty truyền thông xã hội đang ưu tiên những gì được được pháp luật yêu cầu”, Staca Shehan, phó chủ tịch bộ phận dịch vụ phân tích tại NCMEC cho biết.

Facebook,  Instagram, anh 5

Theo luật pháp Mỹ, các công ty cung cấp mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những tệ nạn diễn ra trên nền tảng của họ. Ảnh: Cnet.

Ngoài ra, công ty không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các tệ nạn xảy ra trên nền tảng của mình.

Năm 1996, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật về chuẩn mực trong giao tiếp, nhằm đảm bảo nội dung khiêu dâm trực tuyến được quản lý. Nhưng theo mục 230 của Đạo luật, các nhà cung cấp “dịch vụ máy tính tương tác” không được coi là nhà xuất bản tài liệu do người dùng đăng. Phần này được đưa vào đạo luật nhằm đảm bảo luồng thông tin tự do đồng thời bảo vệ ngành công nghệ đang phát triển không bị kiện tụng đè bẹp.

Lỗ hổng này càng khiến cho nhiều công ty tỏ ra thờ ơ trước những vấn đề diễn ra trên các nền tảng của mình, đồng thời tạo điều kiện cho những kẻ buôn bán tình dục trẻ em hoành hành trên mạng xã hội.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn