Ở tuổi 83, bà Meseret Addis đang phải vật lộn với cuộc sống và nuôi những đứa cháu của mình

Chụp lại hình ảnh,

Ở tuổi 83, bà Meseret Addis đang phải vật lộn với cuộc sống và nuôi những đứa cháu của mình

  • Tác giả, Ricardo Senra
  • Vai trò, Phóng viên Dân số Toàn cầu

Giọng nói của bà Meseret Addis yếu ớt và run rẩy. Phần lớn thời gian trong ngày người phụ nữ 83 tuổi này phải nằm trên giường.

Bà hít một hơi thật sâu, qua ống thông mũi để tăng lượng oxy.

"Tôi không muốn khổ sở. Tôi không muốn bị đói. Tôi không muốn bị lạnh", bà nói.

Bà Addis sống trong một căn phòng nhỏ chung với ba đứa cháu ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Con gái bà đã qua đời vì bệnh tiểu đường và bản thân bà cũng là một góa phụ.

Bọn trẻ ăn sáng và ăn trưa ở trường nên bà Addis tiết kiệm số thức ăn ít ỏi có thể mua được cho bữa tối. Bà chỉ ăn một bữa mỗi ngày, nhưng không phải ngày nào cũng vậy.

"Chúng tôi chỉ ăn Qolo (một hỗn hợp ngũ cốc rang truyền thống), uống nước và đi ngủ. Khi không có đồ ăn, chúng tôi không thể làm gì được."

Câu chuyện của bà không phải là trường hợp cá biệt.

'Họ không vô hình'

BBC đã trò chuyện với những người cao tuổi trên khắp thế giới để hiểu tác động của cuộc khủng hoảng lạm phát toàn cầu.

Các dẫn chứng mà họ đưa ra cho thấy họ rất dễ bị tổn thương, ngày càng phụ thuộc vào các tổ chức từ thiện, và gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của bản thân.

"Dữ liệu về người cao tuổi hoàn toàn không có," Claudia Mahler, Chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về quyền của người cao tuổi, trao đổi với BBC.

“Họ bị bỏ qua trên các hệ thống hỗ trợ vì họ vô hình,” bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng ngày càng có nhiều nhóm người lấn át họ.

Một nghiên cứu mới về 10 quốc gia của HelpAge, một mạng lưới từ thiện được tài trợ bởi các cơ quan quốc tế, cho thấy những người cao tuổi đang thực hiện "các biện pháp hà khắc để tồn tại" từ lần đầu tiên đi ăn xin cho đến từ bỏ điều trị tại bệnh viện.

Bà Meseret chỉ ăn một bữa một ngày và thậm chí không phải ngày nào cũng vậy

Chụp lại hình ảnh,

Bà Meseret chỉ ăn một bữa một ngày và thậm chí không phải ngày nào cũng vậy

"Bạn có thể thấy tôi đang ốm. Tôi đang nằm trên giường. Nếu không được hỗ trợ, tôi chỉ có thể chờ đợi cái chết", Meseret Addis nói khi bà kéo tấm chăn lên trong căn phòng lạnh lẽo.

Ở một chiếc giường khác cách đó hơn 4.000 km, tại thủ đô Beirut của Lebanon, bà Alice Chobanian, 67 tuổi, nói về nỗi tuyệt vọng tương tự.

"Tôi không muốn nói về số lần tôi cố gắng tự sát," bà nói.

Các chuyên gia cho biết tác động của cuộc khủng hoảng này đối với sức khỏe tâm thần của người cao tuổi là nghiêm trọng.

"Trầm cảm không được coi là trầm cảm. Mà chỉ được coi là 'điều gì đó liên quan đến tuổi tác', điều gì đó 'không quá nghiêm trọng'. Nhưng đây là một vấn đề lớn hoàn toàn bị bỏ qua", chuyên gia Liên Hiệp Quốc Claudia Mahler nói.

Bà Chobanian chia sẻ căn phòng ngủ nhỏ của mình ở thủ đô Lebanon với tổng cộng 10 người, hai cô con gái mới ly hôn và tám đứa con của họ.

Bà cho biết tình hình tài chính của gia đình đã trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2020 và "mọi thứ chưa bao giờ khó khăn như bây giờ".

Một loạt khủng hoảng chồng chéo

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng từ 135 triệu vào năm 2019 lên 345 triệu vào năm 2022.

Ngoài Covid và biến đổi khí hậu, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào tháng 2/2022 đã dẫn đến chuỗi cung ứng lương thực, năng lượng và thuốc men gián đoạn trên toàn cầu, cũng như lạm phát tăng vọt.

Lebanon đã rơi vào khủng hoảng trước cuộc chiến này và lạm phát lương thực lên tới 372,8% vào năm ngoái.

Chụp lại hình ảnh,

Bà Alice chia căn phòng ngủ nhỏ với 10 người

Bà Chobanian nói: “Các cháu gái của tôi thích đi ngang qua cửa hàng bán gà chỉ để ngửi mùi gà.

"Hôm qua các cháu nói rằng chúng đói. Tôi không có gì và chúng nói: 'Hãy đi ngủ và hy vọng chúng ta mơ thấy được ăn gà'."

Bà Chobanian kiếm được 20 USD một tháng từ công việc điều dưỡng của con gái bà.

"Trước cuộc khủng hoảng, tôi từng bán quần áo đan móc. Rồi khủng hoảng xảy ra, không ai mua bất cứ thứ gì. Những gì tôi làm được coi là xa xỉ và mọi người không thể chi trả nổi nữa", bà nói.

Phụ nữ cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn

Các chuyên gia cho biết những phụ nữ lớn tuổi như bà Addis và bà Chobanian "bị ảnh hưởng nặng từ cuộc khủng hoảng này".

Bob Babajanian, trưởng bộ phận an ninh thu nhập của HelpAge cho biết: "Các chuẩn mực văn hóa xã hội thường bắt phụ nữ phải là người đầu tiên từ bỏ bữa ăn khi lượng thực phẩm bị hạn chế. Cũng vì sự bất bình đẳng xã hội hiện có, phụ nữ có ít khả năng kiếm thu nhập hơn".

"Điều đó cũng ảnh hưởng tới đời sống gia đình, họ có ít quyền kiểm soát hơn."

Phụ nữ thường là người chăm sóc chính cho con cái và người thân. Và họ thường kiếm được ít tiền hơn nam giới khi làm việc bên ngoài gia đình cũng như khi làm những công việc phi chính thức.

“Chúng ta thường nói về khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ nhưng cũng có khoảng cách về lương hưu”, chuyên gia Claudia Mahler cho biết.

"Nếu phụ nữ hoặc trẻ em gái không được tiếp cận với một nền giáo dục tốt, họ sẽ không bao giờ có được cơ hội việc làm như nam giới. Điều này cũng dẫn đến việc không có đủ hỗ trợ hay lương hưu hoặc các khoản trợ cấp khác", bà nói.

Đương nhiên, những nam giới cao tuổi cũng có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.

Trời đã xế chiều và ông Ziauddin Khilji đang ngồi trước cửa garage ô tô của mình ở Islamabad, Pakistan. Vợ ông qua đời hồi tháng trước sau 7 năm chạy thận nhân tạo.

Chụp lại hình ảnh,

Ông Ziauddin ngủ trên một tấm nệm gấp ở phía sau garage ô tô

Ở tuổi 68, ông vẫn phải làm việc vì không có lương hưu. Nhưng hầu hết khách hàng của ông đã biến mất trong năm qua.

"Đã có lúc cả ngày chúng tôi không có thời gian rảnh. Bây giờ, đây là công việc đầu tiên tôi nhận được kể từ sáng sớm", ông Khilji nói, chỉ vào những chiếc máy phủ đầy bụi.

Vào tháng 2/2023, giá tiêu dùng của Pakistan tăng cao nhất trong gần 50 năm qua.

Bây giờ ông ngủ trên một tấm nệm gấp ở phía sau garage. Nhưng khả năng mất chỗ ngủ có thể xảy ra khi tiền thuê mặt bằng đã tăng hơn gấp đôi vào tháng trước.

Và các khoản vay mà ông phải trả để chữa bệnh cho vợ ngày càng nhiều hơn vì lãi suất cũng tăng vọt.

"Tôi bị tiểu đường và tôi có đặt một ống đỡ động mạch tim. Thận của tôi cũng đau. Nhưng thuốc bây giờ rất đắt. Đôi khi tôi ngừng uống thuốc. Khi nào có đủ khả năng, tôi sẽ uống. Nếu không có, tôi có thể làm gì?"

Bà Addis ở Ethiopia cũng đã ngưng mua hầu hết các loại thuốc quan trọng mà bà cần cho bệnh phổi.

Cả hai đều tham gia ủng hộ nghiên cứu của HelpAge cho thấy việc giá cả tăng cao đang ngăn người lớn tuổi được tiếp cận điều trị y tế và thuốc men.

Lần đầu tiên sử dụng ngân hàng lương thực

Tác động của cuộc khủng hoảng đối với người cao tuổi đã vượt ra ngoài các nước đang phát triển như Ethiopia, Lebanon và Pakistan. Ở Anh, một quốc gia giàu có cũng bị ảnh hưởng.

Thabani Sithole, 74 tuổi, là một y tá đã nghỉ hưu sống ở phía nam London. Bà phải dựa vào một tổ chức cộng đồng có tên là ngân hàng lương thực để có được thực phẩm cần thiết.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ sử dụng ngân hàng thực phẩm, chưa bao giờ, bởi vì mọi thứ từng trông ổn. Với số tiền tiết kiệm ít ỏi, tôi nghĩ 'Tại sao những người này lại sử dụng ngân hàng thực phẩm?'

"Và bây giờ đến lượt tôi đi xếp hàng," bà nói, chỉ vào những món đồ hộp trên bàn bếp của mình.

Chụp lại hình ảnh,

Bà Thabani sống cùng con gái

Khi nghỉ hưu sau thời gian làm việc tại Dịch vụ Y tế Quốc gia vào năm 2019, bà nghĩ rằng "cuộc sống chỉ mới bắt đầu", nhưng giá cả tăng cao kỷ lục đã thay đổi mọi thứ.

"Đôi khi bạn thèm ăn một món gì đó. Nhưng bây giờ vấn đề không phải là ăn ngon mà là bạn phải ăn gì, có đủ thức ăn."

Chồng bà Sithole qua đời khi con gái bà mới hai tháng tuổi. Bà sống với người con gái duy nhất của mình, những bức ảnh của cô ấy treo kín các bức tường trong phòng khách.

"Ít nhất có con gái tôi ở đó. Đó là lý do tại sao tôi có thể vượt qua mọi việc."

Nhưng dựa dẫm vào các thành viên trong gia đình, mặc dù rất phổ biến, không phải là cách tốt khi bạn già đi.

Wei Yang, giám đốc Viện Lão khoa tại Đại học King's College London cho biết: "Ở Anh, số lượng những người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong vài thập niên tới.

"Gần như không thể có chuyện mọi người luôn có những thành viên trẻ tuổi trong gia đình hỗ trợ. Các chính phủ thực sự cần nghĩ ra những cách mới để tài trợ cho việc chăm sóc dài hạn cho người lớn tuổi", Tiến sĩ Yang nói thêm.

Bà Sithole nói rằng bà cũng phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện như Independent Age và lo sợ điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra.

“Tiền trả góp cứ tăng lên sau mỗi hai tháng,” bà nói. "Chúng tôi sẽ phải ra khỏi ngôi nhà này bởi vì chúng tôi không thể trả toàn bộ ngay bây giờ.”

"Chúng tôi sẽ phải bán căn nhà và chuyển đến nơi nào đó rẻ hơn một chút, điều này sẽ rất khó khăn cho con gái tôi khi đi làm."

Bà kêu gọi những người cao tuổi đang gặp khó khăn lên tiếng.

"Đừng ngại. Đừng cảm thấy sợ hãi. Đừng cảm thấy xấu hổ," bà nói.

"Trước đây, 'Ồ, thật tội nghiệp. Ồ, bà từng là y tá. Tại sao bà lại ở đây, và các câu hỏi khác.'

"Bây giờ không ai hỏi những điều đó bởi vì trong số những người đến ngân hàng thực phẩm thậm chí còn có giáo viên, bác sĩ và y tá vẫn đang làm việc."