Tảng băng khổng lồ mắc kẹt 10 năm bắt đầu dịch chuyển

Thứ Năm, 27 Tháng Tư 202311:00 SA(Xem: 1108)
Tảng băng khổng lồ mắc kẹt 10 năm bắt đầu dịch chuyển

Ảnh vệ tinh mới của NASA cho thấy tảng băng B-22A rộng khoảng 3.000 km2, gấp đôi diện tích thành phố Houston, bắt đầu thoát khỏi châu Nam Cực.

Tảng băng khổng lồ mắc kẹt 10 năm bắt đầu dịch chuyển

Tảng băng trôi B-22A di chuyển khỏi châu Nam Cực từ ngày 24/10/2002 đến ngày 26/3/2023. Ảnh: Đài quan sát Trái Đất thuộc NASA

B-22A là mảnh lớn nhất còn lại của B-22, một khối băng khổng lồ có kích thước bằng Đảo Rhode, tách khỏi sông băng Thwaites - còn gọi là sông băng Ngày tận thế - vào tháng 3/2002. Trong thời gian này, B-22A vẫn giữ được lượng lớn băng ban đầu và chiếm diện tích khoảng 3.000 km2, gấp khoảng hai lần diện tích thành phố Houston, bang Texas.

Sau khi tách khỏi sông băng, B-22A trôi nổi tự do ngoài khơi bờ biển châu Nam Cực cho đến khi mắc vào một phần nhô cao của đáy biển năm 2012. Tảng băng trôi cách vị trí tách ra ban đầu chỉ khoảng 53 km, nghĩa là nó di chuyển trung bình 2,6 km mỗi năm. Đây là một trong những mức di chuyển trung bình chậm nhất của mọi tảng băng trôi từng ghi nhận, theo NASA.

Tuy nhiên, B-22A giờ đã được "giải phóng", Live Science hôm 18/4 đưa tin. Hình ảnh từ các vệ tinh Terra và Aqua của NASA hé lộ, tảng băng bắt đầu di chuyển lại vào ngày 24/10/2022, theo Đài quan sát Trái Đất thuộc NASA. Tính đến ngày 26/3 năm nay, B-22A đã trôi khoảng 175 km về phía tây bắc, nghĩa là trong 6 tháng này, nó đi xa gấp hơn ba lần so với 247 tháng trước đó.

Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại về việc B-22A rời xa châu Nam Cực vì điều này có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định của sông băng Thwaites. Theo Đài quan sát Trái Đất, các tảng băng trôi bất động có thể làm mát vùng nước xung quanh, giúp ổn định sông băng và các khối băng khác nhưng cũng gây hại cho hệ sinh thái biển nếu chúng mắc kẹt ở xa hơn.

Dù tan chảy chậm hơn so với dự đoán ban đầu, sông băng Thwaites vẫn ở trong tình trạng bấp bênh và một nghiên cứu mới cho thấy, tốc độ tan chảy có thể tăng nhanh trong tương lai. Do đó, giới chuyên gia cần theo dõi mọi thay đổi có thể xảy ra khi một tảng băng trôi dịch chuyển.

Các nhà khoa học sẽ theo dõi quá trình B-22A rời khỏi châu Nam Cực để xem nó sẽ vỡ ở đâu và khi nào. Các tảng băng trôi có thể xả ra lượng nước ngọt khổng lồ khi tan chảy, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và dòng hải lưu. Ví dụ, A68 - tảng băng trôi với diện tích bề mặt xấp xỉ 6.000 km2 tách khỏi thềm băng Larsen C, châu Nam Cực, năm 2017 - đã đổ khoảng 907 tỷ tấn nước vào đại dương trong vòng ba năm.

Thu Thảo (Theo Live Science)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn