Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh « hai mặt » giữa Đông và Tây

Thứ Tư, 01 Tháng Hai 20231:57 CH(Xem: 1377)
Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh « hai mặt » giữa Đông và Tây
rfi.fr

Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh « hai mặt » giữa Đông và Tây

Minh Anh

Trong bối cảnh thế cân bằng địa chính trị thế giới đang tái định hình và châu Âu đang đối mặt với một nguy cơ Chiến Tranh Lạnh mới, không một nước nào có thể buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chọn phe. Trên thực tế, tổng thống Recep Tayyip Erdogan duy trì một truyền thống ngoại giao lâu đời : Tính « hai mặt » và « phi liên kết ».  

Thổ Nhĩ Kỳ tuần rồi khẳng định sẽ không hậu thuẫn Thụy Điển gia nhập NATO sau sự cố một thành viên cực hữu Thụy Điển đốt kinh Coran. Lo sợ có chung số phận, Phần Lan hôm thứ Tư 25/01, lần đầu tiên kể từ năm 2019, đã cho phép bán các thiết bị quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ. Những sự kiện này thể hiện rõ nét về vai trò mập mờ của Thổ Nhĩ Kỳ trong mối quan hệ với phương Tây và khả năng gây « phiền toái » của nước này trên trường quốc tế.   

Trang mạng Atlantico của Pháp, nhắc lại chính sự nghi kỵ nội tại đối với nước Nga, bắt nguồn từ việc Đế chế Ottoman bị tan rã sau hai thế kỷ đối đầu quân sự với Đế chế Sa hoàng, đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng sang châu Âu và Mỹ, ngay khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Thế nhưng, quan hệ với phương Tây luôn mang đậm dấu ấn ngờ vực lẫn nhau.   

Được cho là chiếc cầu nối châu Âu với Trung Đông và điểm giao tiếp với thế giới Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ từ sạu vụ tấn công khủng bố trên nước Mỹ 11/09/2001, dần dần từ bỏ học thuyết « không có rắc rối với các nước láng giềng » để theo đuổi một lịch trình chiến lược riêng của mình nhưng đôi khi lại không cùng nhịp với các mục tiêu của phương Tây trong khu vực.  

Từ vài năm gần đây, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây đã chuyển sang kiểu mặc cả và những đòn gây áp lực thường trực, mà hành động « bắt chẹt » gần đây nhất đối với hai nước ứng viên Bắc Âu xin gia nhập NATO là một minh chứng. Thông qua cử chỉ này, Ankara còn tìm cách gây áp lực với Washington trong nhiều hồ sơ lớn khác như vấn đề người Kurdistan tại Syria chẳng hạn, mà Lực lượng Bảo vệ Nhân dân (YPG) là một ví dụ điển hình. Đối với Ankara, lực lượng vũ trang này, vốn được Mỹ hậu thuẫn, là một chiếc gai cần phải nhổ.  

Ngược lại, trong quan hệ với Nga, tổng thống Erdogan tỏ rõ mối quan hệ hữu hảo bất chấp cuộc chiến xâm lăng Ukraina do tổng thống Putin phát động. Hơn nữa, khi tìm cách giữ vai trò trung gian hòa giải giữa Matxcơva và Kiev, Thổ Nhĩ Kỳ trước hết, tìm cách duy trì mối liên kết với Ukraina, những lợi ích của mình tại vùng Biển Đen, và thể hiện vai trò như là một cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực, và sau cùng là để cho mối quan hệ kinh tế, năng lượng với Nga không bị cuộc chiến tác động. Tình hình kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thảm hại đến mức đã đẩy tổng thống Erdogan rơi vào vòng tay của Matxcơva. Năm 2022, Nga là đối tác thương mại thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ.  

Khi không ngừng gây căng thẳng với phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn đến quyền tự chủ, tỏ rõ ý đồ mở rộng ảnh hưởng trong khu vực nhằm phục vụ cho các mục tiêu riêng của mình. Trong xu hướng này, ngành ngoại giao Thổ gia tăng các mối liên minh đầy mâu thuẫn. Một mặt, Ankara muốn là chiếc cầu nối giữa phương Tây với châu Á, một quân cờ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể làm chủ tại khu vực « nước ngoài gần ».   

Mặt khác, với tư cách là một « phân tử tự do », Thổ Nhĩ Kỳ là một mối nguy hiểm tiềm tàng cho thế cân bằng trong khu vực, nhất là tại vùng Kavkaz. Điều này được thể hiện rõ qua chính sách can thiệp của Thổ tại vùng Thượng Karabagh bên cạnh Azerbaijan, những dự án bành trướng chủ nghĩa dân tộc Thổ, tạo ra một hành động gây hấn thường trực đối với Armenia và một cường quốc đối thủ, quốc gia láng giềng là Iran.   

Bất chấp chính sách ngoại giao phiêu lưu này, tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mang tính tương đối. Nhưng những hành động khiêu khích của chính phủ tổng thống Erdogan có nguy cơ tước mất nguồn hậu thuẫn thiết yếu từ châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thổ.  

Cuối cùng, trang mạng Atlantico cho rằng tính chất « hai mặt » giữa Á và Âu, giữa Đông và Tây, trước hết phần nào phản ảnh một sự khủng hoảng bản sắc ám ảnh đất nước từ ngày lập quốc cách nay một thế kỷ. Giữa sự hấp dẫn đối với phương Tây và nỗi hoài niệm về nguồn cội châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ đang từ chối chọn và cố gắng hòa giải một cách khó khăn các mặt đối lập. Đây có lẽ là giải thích duy nhất cho chính sách ngoại giao hung hăng và khô khan của Ankara, khiến các đồng minh mất niềm tin và có nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào thế « cường quốc bậc trung », thậm chí là bị cô lập !  

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn