Tham nhũng và Nga, « thù trong giặc ngoài » của Ukraina

Thứ Năm, 26 Tháng Giêng 20231:58 CH(Xem: 1192)
Tham nhũng và Nga, « thù trong giặc ngoài » của Ukraina

Ngay giữa cuộc chiến chống quân Nga xâm lược, và ngay trong lúc đang vận động phương Tây hỗ trợ các loại vũ khí hạng nặng, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đối mặt với vụ tai tiếng tham nhũng làm lung lay thượng tầng lãnh đạo. Nhiều quan chức cao cấp có liên quan, trong đó có thứ trưởng Quốc Phòng, đã phải từ chức hay bị bãi nhiệm.

Tai tiếng xảy ra vào lúc quân đội Ukraina đang gặp khó khăn trên chiến trường phía Đông, thừa nhận thất bại ở mặt trận Soledar và có nguy cơ mất cả vùng Bakhmut. Trong bối cảnh này, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ngay từ tối thứ Hai 23/01 đã phải tìm cách « dập lửa » khi thông báo cải tổ nội các, thay đổi nhiều lãnh đạo vùng. Nhà chính trị học Oleksij Holobutskyi, trả lời đài RFI từ Kiev, trước hết nhận định :

« Các thống đốc bị sa thải được coi là cực kỳ kém hiệu quả, đặc biệt là ở các khu vực gần tiền tuyến. Chúng ta đang bước vào một năm có lẽ sẽ là năm khó khăn nhất, khó khăn hơn trong mọi trường hợp so với năm 2022 (…). Trong khi ngày nay, các chính trị gia, công chức và người dân bắt đầu nhận ra rằng chiến tranh sẽ còn kéo dài, ít nhất là một năm, và các biện pháp phải được thực hiện để đảm bảo cuộc sống tiếp tục diễn ra bình thường nhất có thể. Chiến tranh, ngoài những mất mát, tàn phá mà nó mang lại, còn là cơ hội để giải quyết một số việc nhanh chóng, hiệu quả hơn và để làm được điều đó, nhất định phải có thay đổi nhân sự. »

Tham nhũng : Căn bệnh trầm kha ở Ukraina

Thế nhưng, giới quan sát từ nhiều năm qua luôn cảnh báo về nạn tham nhũng ở Ukraina, một vấn nạn trầm kha ngay từ ngày đất nước giành độc lập năm 1991. Đây cũng chính là rào cản lớn cho việc Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO. Trong quá trình vận động tranh cử tổng thống năm 2019, Volodymyr Zelensky, khi đó còn là một diễn viên hài, đã chủ trương đàm phán với Nga và chống tham nhũng là những ưu tiên.

Trước khi chiến tranh nổ ra, Ukraina đứng hàng thứ ba trong số các quốc gia tham nhũng nhất tại châu Âu, chỉ sau Nga và quốc gia đầu bảng là Azerbaijan. Trên bình diện quốc tế, Ukraina đứng hạng thứ 122/180 theo như đánh giá của Tổ Chức Minh Bạch Thế Giới (Transparency International) năm 2021.

Cũng trong năm 2021, Thẩm Kế Viện Liên Hiệp Châu Âu (CCE) – cơ quan được cho là « người gác cổng tài chính của EU » – trong một báo cáo có tiêu đề « Giảm thiểu đại nạn tham nhũng ở Ukraina » lấy làm tiếc rằng hành động của Liên Âu hỗ trợ các chương trình cải cách tại Ukraina là vô hiệu quả về mặt chống tham nhũng.

Định chế giám sát tài chính này cho biết hàng chục tỷ euro tài trợ đã bị « bốc hơi » mỗi năm vì nạn tham nhũng, những dòng vốn bất chính và nạn rửa tiền. Tình trạng này đã cản trở sự cạnh tranh, phát triển và làm tổn hại đến tiến trình dân chủ hóa Ukraina, theo như ghi nhận của CCE.

Với gần 45 triệu dân và một diện tích rộng hơn 603 ngàn km², Ukraina chiếm những vị trí hàng đầu thế giới về sản xuất nông nghiệp (hướng dương, lúa mì, ngô, khoai tây…) và nắm giữ đến 5% nguồn tài nguyên khoáng sản của hành tinh chúng ta. Nhưng có một nghịch lý là mức thu nhập bình quân đầu người ở Ukraina vẫn còn rất thấp, chỉ nhỉnh hơn của Algerie, Tunisia hay Philippines, nhưng thua xa nhiều nước lân cận, trong khu vực như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Gần 70% những người về hưu Ukraina chỉ nhận được một khoản trợ cấp chưa tới 116 euro mỗi tháng. Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc còn lưu ý thêm rằng, do sắc lệnh từ chính phủ Ukraina, kể từ tháng 12/2014, khoảng 560 ngàn người về hưu sinh sống ở những nước cộng hòa ly khai thân Nga ở Donbass không còn được cấp lương hưu, và rơi vào tình trạng khốn khổ.

Ukraina : Miếng mồi ngon cho các nhà tài phiệt

Ana Pouvreau, chuyên gia về Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trường đại học Paris IV – Sorbonne, trên trang mạng tạp chí Conflit của Pháp hồi tháng 6/2022 từng nhận xét, giống như Nga và nhiều nước Cộng hòa Liên Xô cũ khác, Ukraina đã biến thành « miếng mồi ngon » cho một số ít cá nhân săn lùng từ đầu những năm 1990. Những người này độc chiếm một cách gian lận các loại nguyên liệu thô và nhiều ngành công nghiệp  trong khuôn khổ quá trình tư hữu hóa tài sản nhà nước.

Vào năm 2012, nhà tội phạm học người Pháp Alain Bauer, trước hiện tượng một nhóm người thân cận với bộ máy quyền lực ở Nga chiếm đoạt tài sản Nhà nước, từng phân tích rằng « Những ông trùm mới này giờ được biết đến dưới tên gọi những nhà tài phiệt ». Quan sát này cũng tương tự đối với Ukraina.

Ông John Lough, nhà nghiên cứu thuộc Chương Trình Nga và Á-Âu (Russia and Eurasia Programme), Chatham House, cách nay 5 năm đã mô tả hiện tượng tham nhũng tại Ukraina hoành hành như sau.

« Ukraina có một vấn đề mà người ta có thể thấy ở nhiều nước trên thế giới, đó là một trật tự xã hội có tiếp cận hạn chế (với quyền lực  chính trị và các cơ hội kinh tế). Một số đông người trong giới tinh hoa quyền lực chi tiền trong một số trường hợp để bảo vệ các lợi ích của họ, hay để bảo đảm rằng có ai đó ở Nghị Viện che chở cho các lợi ích của mình.

Đây là một vòng lẩn quẩn, vì điều đó có nghĩa là chính phủ vận hành kém hiệu quả. Thật khó mà thu hút đầu tư vào đất nước không có luật pháp và người dân thì thất vọng vì đôi khi gặp khó khăn trong các dịch vụ hành chính công như thi lấy bằng lái xe, hoặc xin hộ chiếu, hoặc những việc tương tự. Xã hội đã quen với việc trả tiền đút lót cho một số dịch vụ này và hệ thống không vận hành vì lợi ích của công dân. »

Zelensky « dọn nhà » để nhận chi viện phương Tây

Đó có lẽ còn là tàn dư của thời Xô Viết. Nhà báo Sophie Lambroschini trong một bài viết về hệ thống tài phiệt ở Ukraina từng nhận định: « Sự ổn định của chế độ chính trị Ukraina được dựa trên một sự cân bằng tạm bợ : Mối tương quan lực lượng giữa vài phe chính trị - kinh tế có thế lực, được sản sinh ra từ sự yếu kém của Nhà nước non trẻ Ukraina sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. »

Từ khi độc lập, các nhà lãnh đạo Ukraina cũng chính là các nhà tài phiệt, như trường hợp cựu tổng thống Petro Porochenko, đứng đầu một đế chế thương mại mà trị giá tài sản ước tính lên đến 1,7 tỷ đô la. Có liên quan đến nhiều vụ tai tiếng tài chính, Porochenko bị buộc tội phản quốc, vì vẫn duy trì các mối quan hệ thương mại với phe ly khai thân Nga ở vùng Donbass giai đoạn 2014-2015. Tuy vẫn được tự do, ông bị cấm rời lãnh thổ Ukraina.

Nhật báo điều tra Kyiv Post, mà từ năm 1995 thường xuyên đối mặt với những lời đe dọa, trước cuộc chiến năm 2022 đã đăng một loạt bài điều tra về vai trò độc hại của giới tài phiệt Ukraina với nền kinh tế đất nước. Tổng thống Zelensky và đảng « Người đầy tớ của Nhân dân » của ông cũng không là một ngoại lệ.

Tên của nguyên thủ Ukraina đã được nêu trong vụ tai tiếng Pandora Papers, một cuộc điều tra do Hiệp Hội Các Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế (CIJI) tiến hành về nạn gian lận và trốn thuế trên toàn cầu. Giống như Petro Porochenko, đối thủ tranh cử tổng thống năm 2019, ông Zelensky dường như cũng cất giấu khối tài sản to lớn của mình tại nhiều thiên đường thuế, trước khi chuyển cổ phần của ông cho vị cố vấn Serhiy Shefir.

Giờ đây trong bối cảnh chiến tranh chưa biết hồi nào kết thúc, Ukraina hơn bao giờ hết rất cần đến nguồn viện trợ tài chính và quân sự để đánh đuổi quân Nga xâm lược. Trước những chỉ trích cho rằng nỗ lực cải cách hệ thống tư pháp và chống tham nhũng được tiến hành từ năm 2014 là quá chậm chạp, kém hiệu quả, tổng thống Ukraina giờ buộc phải nhanh chóng cải tổ nội các, một hình thức đưa ra các cam kết với phương Tây để đổi lấy hàng tỷ đô la viện trợ, theo như phân tích của nhà chính trị học Oleksij Holobutskyi với đài RFI :

« Tất cả các lãnh đạo phương Tây đến gặp Zelensky đều khuyên ông  hoặc thậm chí yêu cầu ông phải chống tham nhũng. Năm tới, sẽ có cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ. Còn ở Đức, tình hình chính trị cũng không mấy dễ dàng. Việc ông Olaf Scholz băn khoăn về vấn đề cung cấp xe tăng không phải là vô cớ, bởi vì ở Đức cũng như ở Mỹ, không phải ai cũng ủng hộ việc chuyển giao thiết bị hạng nặng cho Ukraina.

Ở Mỹ, Ukraina thậm chí còn là chủ đề gây tranh cãi giữa các đảng. Nếu ông Biden quyết định ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ, ngoài những thắng lợi trong cuộc chiến, tổng thống Mỹ cũng sẽ phải có được những tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraina, bởi vì chủ đề này thường xuyên được đảng Cộng Hòa nêu ra.

Joe Biden không muốn bị quy trách nhiệm là đã chi những khoản tiền lớn trong khi tham nhũng, trộm cắp, tình trạng kém hiệu quả và thiếu năng lực tiếp tục lan tràn. Kiev phải chứng tỏ là họ đang cố gắng chống lại điều này và đang nỗ lực thay đổi tình hình. »

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn