Người xưa dùng gì để tránh mưa?

Chủ Nhật, 05 Tháng Hai 20235:00 SA(Xem: 1405)
Người xưa dùng gì để tránh mưa?

Những ngày mưa rơi, ta bỗng nhiên cảm thấy nhàn nhã đến kỳ lạ, muốn gác những công việc còn bộn bề dang dở và tự cho phép mình nghỉ ngơi. Đưa mắt ra ngoài khung cửa sổ nhìn ngắm những vạt mưa nghiêng ngả, những giọt nước trong vắt gội sạch bầu trời. Lắng nghe tiếng tí tách khe khẽ bên tai, thực là dễ chịu. Ngẫu nhiên ta muốn bước đi thật chậm dưới mưa với một chiếc ô. Nhớ lại thời cổ đại, không có những đồ vật che mưa như bây giờ, vậy người xưa đi lại như thế nào khi trời mưa to?

Áo tơi (Áo mưa)

Thợ săn cầm cung mặc áo tơi đội ngoan xác lạp (nón rùa)1850. (Ảnh: Wiki)

Nói tới áo tơi, không thể không nhắc đến câu thơ trong bài thơ “Tuyết trên sông” của Liễu Tông Nguyên

Giang tuyết

Thiên sơn điểu phi tuyệt,
Vạn kính nhân tung diệt.
Cô chu thoa lạp ông,
Độc điếu hàn giang tuyết.

Dịch nghĩa

Cảnh tuyết trên sông

Núi non trùng điệp không một bóng chim
Đường nhiều ngả không một bóng người 
Một ông già áo tơi nón lá ngồi trên một chiếc thuyền lẻ
Một mình câu cá giữa tuyết trên sông lạnh.

Dịch thơ

Nghìn non mất bóng chim bay,
Muôn con đường tắt dấu giày tuyệt không.
Kìa ai câu tuyết bên sông,
Áo tơi, nón lá, một ông thuyền chài.

(Nguồn: Báo Ngày nay, số 92, ra ngày 2-1-1938)

Áo tơi chủ yếu được bện từ lá cọ, là phương tiện che chắn nước mưa khi ra ngoài. Ở thời cổ đại, vì để tránh mưa gió, mọi người mới đầu chỉ có thể lấy lá cây quấn quanh người để ngăn nước mưa, lâu dần tạo thành áo tơi. 

Trong tập “Thi Kinh – Tiểu Nhã – Vô Dương” có câu: “Người du mục hoài niệm, đâu là áo tơi, đâu là nón lá”, đã ghi lại cảnh người xưa mặc áo tơi.

Mối quan hệ giữa ‘áo tơi’ và ‘nón’ cũng giống như áo mưa và mũ thời nay. Nguyên liệu làm ra ‘nón’ không phải cỏ mà là cây trúc, hơn nữa ‘nón’ không chỉ có thể che mưa gió mà còn có thể ngăn nắng nóng.

Áo tơi thường được làm bằng lá cây, thường là lá cọ họ cau. Lá cọ tương đối nhẵn, lại nhẹ, nước mưa không dễ thấm qua, đây cũng là loại lá vừa rẻ, vừa dễ kiếm. Lá được khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, như lợp mái nhà, đánh thành tấm, phía trên có dây (thường là bằng mây) rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng. Lá thường được hơ lửa, rồi đem phơi sương một đêm cho dẻo, không quăn và phơi nắng một buổi mới có thể đưa ra dùng, xếp thành lớp từng 5 lá chồng lại, đặt lên bàn chằm (phản đặt lá để đan), dùng chiếc nẹp gỗ kẹp lại và xâu lại bằng kim. Mây sẽ được chẻ ra thành dây, ngâm vào nước khoảng 2 tiếng để cho mềm và dễ may. 

Từ lâu người dân không phân biệt sang hèn đều mặc loại áo này khi đi trời mưa.Với sự tiến bộ của thời đại, con người đã phát hiện ra nhiều loại vật liệu mới có thể dùng làm áo mưa, nhưng áo tơi vẫn chưa bị loại bỏ, đặc biệt là loại được nông dân và ngư dân sử dụng. Áo tơi cũng được nhắc tới nhiều trong văn học cổ đại, chủ yếu là trong các bài thơ, đáng nhớ nhất có thể nhắc tới câu thơ “Nhất thoa yên vũ nhậm bình sanh” – “Áo tơi mưa khói mặc bình sinh” – Định phong ba -Tô Đông Pha

Ô đi mưa (Dù đi mưa)

Ảnh: Freepik.

Vào những ngày mưa, không thể không nhắc tới công cụ được sử dụng phổ biến nhất là chiếc ô.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát minh ra ô, khi ấy người ta thường gọi nó là “Đăng”. Vào đầu thời Ngụy, hễ nói đến ô là nhắc ngay tới việc “đi bộ, cưỡi ngựa”, bấy giờ ‘ô’ được làm từ giấy dầu. Giấy được phát minh dưới thời Hán, kể từ đó, người ta bắt đầu sử dụng giấy rẻ tiền thay cho lụa đắt tiền. Họ phủ giấy bằng mỡ động vật hoặc dầu cây du đồng để làm cho giấy bền hơn. Vì chất lượng cao, giá rẻ, kinh tế và thiết thực nên ô giấy dầu được lưu hành và sử dụng rộng rãi.

Từ thời Tùy và Đường, việc sử dụng ô trở nên phổ biến hơn, ngoài tác dụng che mưa nó còn được dùng để che nắng. Lúc bấy giờ việc sản xuất và buôn bán ô cũng đã đạt đến một trình độ nhất định. Việc này được ghi lại trong tập thứ hai của “Thanh Dị Lục”: “Chu Trạch ở phía nam sông Dương Tử, tính tình khiêm tốn, làm nghề buôn bán dù.”

Triều đại nhà Tống, ô dù đã trở thành vật thông dụng trong xã hội. Người ta ra ngoài không thể thiếu chiếc ô, nó trở thành vật dụng cần thiết trong hành lý, vừa che mưa, vừa che nắng. Vì người ta thường lấy sắc xanh lục làm màu chủ đạo, do đó thời này cây dù còn được gọi là “lục du tán”. 

Ô dù thời Minh và Thanh đa dạng hơn: từ hình dáng có ô vuông, ô cán thẳng và ô quây; theo màu sắc có thể chia thành các loại như tím, đỏ, vàng… và nhiều chủng loại phong phú khác. Trong dân gian, dù giấy dầu được sử dụng rất rộng rãi, trở thành món đồ gắn liền với cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân. Từ sau nhà Thanh đến năm 1970, ô giấy dầu vẫn là vật dụng dùng để che mưa chắn gió thiết yếu của người dân.

Guốc mộc (Guốc làm bằng gỗ)

Ảnh: Freepik.

Đôi guốc cổ đại được sử dụng như đôi ủng đi mưa hiện đại của chúng ta.

Guốc mộc hay còn gọi tắt là guốc, là một loại guốc 2 răng, mỗi khi đi thì phát ra tiếng lách cách đặc trưng trên phố. Đôi guốc được làm cao hơn các loại dép thông thường bằng việc gắn thêm những chiếc răng dưới đế guốc. Vì vậy, người đi có thể tránh được bụi bẩn, nước mưa.

Tương truyền vào thời Nam Bắc triều, một nhà thơ tên Tạ Linh Vận đã phát minh ra guốc gỗ, do đó nó còn có tên gọi khác là “Guốc Tạ Công”. Thời bấy giờ, người ta chủ yếu dùng nó để leo núi và để leo lên được dễ dàng hơn người ta bỏ đi răng trước; khi xuống núi người ta lại đem răng sau tháo ra. 

Guốc được coi là một loại phục sức phổ biến của người Hán và được sử dụng khi đi lại bên ngoài. Sau đó, nó được du nhập vào Nhật Bản và phổ biến rộng rãi ở Nhật cho đến ngày nay.

Ngoài ra, vào thời nhà Minh và nhà Thanh còn có một loại giày đi mưa đế đinh, hình ống và phần thân được bôi dầu ngô đồng. Vào những ngày mưa, người ta đi nó bên ngoài giày thông thường để tránh ướt bẩn.

Theo Secret China
Bích Liên biên dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn