Nếu thảm họa hạt nhân xảy ra, đâu là nơi an toàn nhất để trú ẩn?

Thứ Năm, 02 Tháng Hai 20235:00 SA(Xem: 1369)
Nếu thảm họa hạt nhân xảy ra, đâu là nơi an toàn nhất để trú ẩn?

Một nghiên cứu khoa học đưa ra lời khuyên khi xảy ra thảm họa hạt nhân, bao gồm cả những nơi tồi tệ nhất có thể trú ẩn.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Vật lý chất lỏng, do 2 nhà khoa học Ioannis W. Kokkinakis và Dimitris Drikakis làm tác giả đã xem xét cụ thể thiệt hại do sóng xung kích do vụ nổ hạt nhân tạo ra. Những đợt sóng này thường đủ mạnh và nhanh đến mức có thể nhấc bổng một người lên không trung.

Vụ nổ bom nguyên tử
Dẫu là một viễn cảnh có thể không bao giờ xảy ra, song nếu một quả bom nguyên tử được kích nổ, bạn sẽ làm gì? (Ảnh minh họa).

Dẫu vậy, nghiên cứu không đề cập đến tác động của bức xạ, vốn là yếu tố lan rộng và tồn tại rất lâu sau một vụ nổ. Báo cáo viết: "Mặc dù việc che chắn khỏi bom nguyên tử sẽ là điều không thể tránh khỏi nếu bạn ở trong vùng bị thiệt hại. Song, vẫn có những lưu ý mà bạn cần nắm được".

Dựa trên mô phỏng bằng các siêu máy tính, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những vị trí nguy hiểm hơn đáng kể so với những nơi khác (đối với sóng xung kích). "Những vị trí nguy hiểm nhất trong căn nhà gồm: cửa sổ, hành lang và cửa ra vào", tác giả Ioannis Kokkinakis cho biết. "Mọi người nên tránh xa những địa điểm này và ngay lập tức trú ẩn"

Sau đó, tìm đến một căn phòng kín không có cửa sổ, hoặc một cái tủ. Đây có thể là lựa chọn tốt nhất trong trường hợp khẩn cấp, báo cáo cho biết.

Bom nguyên tử
Quả bom nguyên tử được thả xuống Hirosima, Nhật Bản. (Ảnh: History).

Đáng chú ý, trước đây thường có quan niệm rằng những người trú ẩn bên trong tòa nhà được xây bằng bê tông cốt thép có thể chịu được sóng xung kích từ vụ nổ hạt nhân. Song điều này đã được nghiên cứu mới phủ nhận.

Theo đó, những không gian hẹp bên trong những căn phòng, các tòa nhà thực tế có thể góp phần vào tốc độ của sóng xung kích, tạo ra những "cơn gió" có thể xé toạc các góc với lực gấp 18 lần trọng lượng cơ thể con người.

Tác giả Dimitris Drikakis nhấn mạnh: "Nghiên cứu mới của chúng tôi cho thấy rằng sóng ở tốc độ cao vẫn là một mối nguy hiểm đáng kể, có thể dẫn đến thương tích nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong. Dẫu vậy, đứng trong một phòng kín vẫn tốt hơn là một căn phòng có nhiều cửa sổ, cửa ra vào".

Ngoài tác động từ sóng xung kích, không thể không kể đến sức mạnh hủy diệt từ các phản ứng hạt nhân của bom nguyên tử. Trong trường hợp của những quả bom nguyên tử thời kỳ đầu, chẳng hạn như 2 quả bom được ném xuống Hiroshima và Nagasaki, là một chuỗi các phản ứng phân hạch.

Sự phân hạch xảy ra khi một neutron phản ứng với hạt nhân của một đồng vị, chẳng hạn như uranium-235 hay plutonium-239. Quá trình này phân tách hạt nhân và giải phóng năng lượng cùng với thêm nhiều neutron khác, tạo thành một phản ứng dây chuyền.

Bom nguyên tử tạo ra một lực công phá khổng lồ trên phạm vi lớn.
Bom nguyên tử tạo ra một lực công phá khổng lồ trên phạm vi lớn. (Ảnh minh họa: Getty).

Điều đáng sợ là tất cả những quá trình trên gần như ngay lập tức giải phóng một lượng năng lượng cực lớn, nhiều hơn bất kỳ chất nổ thông thường nào.

Nếu một quả bom hạt nhân phát nổ, những người dân ở các khu vực xung quanh sẽ chỉ có vài giây để di chuyển đến một địa điểm an toàn trước khi một làn sóng xung kích ập đến.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng bằng cách nâng cao hiểu biết của chúng ta về các điểm trú ẩn an toàn, những nạn nhân ở trong vùng ảnh hưởng có thể giữ được mạng sống trong trường hợp xảy ra thảm họa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn