Chuyên gia Pháp : Thế chiến thứ III đã bắt đầu

Thứ Sáu, 20 Tháng Giêng 20234:00 CH(Xem: 1610)
Chuyên gia Pháp : Thế chiến thứ III đã bắt đầu
rfi.fr

Chuyên gia Pháp : Thế chiến thứ III đã bắt đầu

Phan Minh

Chiến tranh Ukraina đã nổ ra được gần 1 năm và dường như không có hồi kết. Vậy đây có phải là Thế chiến thứ III ?

Emmanuel Todd là nhà nhân chủng học, nhà sử học và là tác giả của nhiều tác phẩm về địa chính trị. Một vài cuốn trong số chúng đã trở thành những tác phẩm kinh điển của khoa học xã hội, như cuốn "The Final Fall" xuất bản vào năm 1976 dự báo về sự sụp đổ của Liên Xô. Cuốn sách mới nhất của ông mang tựa đề "Thế chiến thứ III đã bắt đầu" được xuất bản vào năm 2022 tại Nhật Bản và đã bán được 100.000 bản. RFI xin trích dịch bài phỏng vấn ông Todd được đăng hôm 12/01/2023 trên nhật báo Pháp Le Figaro.

Tại sao ông xuất bản một cuốn sách về cuộc chiến tranh Ukraina ở Nhật Bản chứ không phải ở Pháp ?

Emmanuel Todd : Nhật Bản cũng chống Nga như châu Âu. Nhưng họ ở cách xa cuộc xung đột về mặt địa lý, vì vậy Tokyo không ở trong một tình trạng cấp bách, họ không có một gánh nặng về cảm xúc như chúng ta. Và ở xứ hoa anh đào, tôi cũng có một vị thế khác. Ở đây, tôi được mệnh danh là "kẻ nổi loạn", trong khi ở Nhật Bản, tôi là một nhà nhân chủng học, nhà sử học và nhà địa chính trị được kính trọng, người có tiếng nói trên các tờ báo và tạp chí lớn, và có sách được xuất bản. Ở đó, tôi có thể bày tỏ quan điểm trong một bầu không khí thanh bình, điều mà trước tiên tôi đã làm trên các tạp chí, sau đó là xuất bản cuốn sách này, một tuyển tập các cuộc phỏng vấn. Cuốn sách này có tên là "Thế chiến thứ III đã bắt đầu", và cho tới nay đã có 100.000 bản được bán.

Tại sao ông lại đặt tiêu đề cuốn sách như thế ?

Emmanuel Todd : Bởi vì đó là thực tế, Thế chiến thứ III thực sự đã bắt đầu. Đúng là chiến tranh đã bắt đầu một cách chậm rãi đi kèm với hai bất ngờ. Chúng ta tham gia cuộc chiến này với suy nghĩ cho rằng quân đội Nga rất mạnh và nền kinh tế của họ thì rất yếu. Chúng ta tưởng rằng Ukraina sẽ bị đè bẹp về mặt quân sự và Nga sẽ bị phương Tây đè bẹp về mặt kinh tế. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Ukraina không bị nghiền nát về mặt quân sự mặc dù cho đến nay quốc gia này đã để mất 16% lãnh thổ, còn Nga thì không bị nghiền nát về kinh tế. Cho đến giờ, đồng rúp đã tăng 8% so với đồng đô la và 18% so với đồng euro so với thời điểm một ngày trước khi nổ ra chiến tranh.

Đồng thời, cuộc xung đột chuyển từ một cuộc chiến tranh lãnh thổ hạn chế sang một cuộc đối đầu kinh tế toàn cầu, giữa một bên là toàn bộ phương Tây và một bên là Nga được Trung Quốc hậu thuẫn, đã trở thành một cuộc chiến tranh thế giới, mặc dù mức độ bạo lực quân sự của cuộc chiến thấp hơn so với các cuộc chiến tranh thế giới trước đây.

Thế nhưng ông không phóng đại chứ, khi mà phương Tây không trực tiếp tham gia về mặt quân sự vào xung đột ?

Emmanuel Todd : Chúng ta vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraina, chúng ta vẫn giết quân đội Nga mặc dù chúng ta không "phơi mặt" ra. Nhưng đúng là châu Âu trên hết vẫn đối đầu với Nga về mặt kinh tế. Lạm phát và tình trạng thiếu hụt thực phẩm là điều khiến chúng ta thực sự cảm thấy mình đã thực sự bước vào cuộc chiến.

Ngay từ đầu, Putin đã mắc một sai lầm lớn, có ý nghĩa xã hội-lịch sử to lớn. Những nhà nghiên cứu về Ukraina trước thềm chiến tranh nhìn nhận đất nước này không phải là một nền dân chủ non trẻ, mà là một xã hội đang tan rã và một Nhà nước đang trong quá trình sụp đổ. Chúng ta tự hỏi phải chăng Ukraina đã mất 10 triệu hay 15 triệu dân kể từ khi giành được độc lập. Chúng ta không thể khẳng định được vì Ukraina đã không tiến hành điều tra dân số kể từ năm 2001, dấu hiệu thông thường của một xã hội sợ nhìn vào thực tế. Tôi nghĩ rằng tính toán của điện Kremlin là xã hội đang tan rã sẽ sụp đổ ngay từ cú sốc đầu tiên, hoặc thậm chí còn "hoan nghênh nước mẹ Nga". Nhưng ngược lại, những gì chúng ta đã thấy là một xã hội đang tan rã, nếu được hỗ trợ bằng các nguồn tài chính và quân sự bên ngoài, có thể tìm thấy trong chiến tranh một sự cân bằng mới, thậm chí là một chân trời, một hy vọng. Nga đã không lường trước được điều đó. Không một ai từng lường trước điều đó.

Bất chấp tình trạng Nhà nước đang tan rã nói trên, phải chăng Nga đã đánh giá thấp sức mạnh tình thần dân tộc của Ukraina, thậm chí là sức mạnh tinh thần của châu Âu dành cho Ukraina ?

Emmanuel Todd : Tôi không biết. Tôi đang nghiên cứu về vấn đề này, và với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi thừa nhận rằng có những điều mà chúng tôi không biết. Và điều kỳ lạ đối với tôi là một trong những lĩnh vực mà tôi có quá ít thông tin để có thể trả lời câu hỏi này chính là đất nước Ukraina…

Hôm nay tôi chia sẻ phân tích của nhà địa chính trị người Mỹ John Mearsheimer, người đưa ra nhận xét rằng Ukraina đã trở thành một thành viên trên thực tế của NATO vì quân đội nước này đã được Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO (Mỹ, Anh và Ba Lan) hỗ trợ chỉ đạo từ năm 2014 và Nga đã tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận việc Ukraina trở thành một thành viên NATO. Do đó, đối với Nga, họ đang tiến hành một cuộc chiến tranh phòng thủ và ngăn ngừa. Ông Mearsheimer nói thêm rằng chúng ta không có lý do gì để vui mừng trước những khó khăn gần đây của quân đội Nga bởi vì đây là một vấn đề mang tính sống còn đối với họ. Tình hình càng khó khăn thì họ sẽ càng tấn công dữ dội…

Nhưng quân đội Nga dường như vẫn đang ở trong thế rất bất lợi. Có người đi xa đến mức dự đoán chế độ sẽ sụp đổ, ông có tin vào điều đó không ?

Emmanuel Todd : Không, lúc đầu dường như ở Nga đã có một sự do dự, một cảm giác không được cảnh báo trước. Nhưng giờ đây, người dân Nga đã thực sự "sống" trong chiến tranh, và Putin được hưởng lợi từ một thứ mà người ta không có ý niệm, đó là những năm 2000, những năm của Putin, đối với người Nga, là những năm trở lại trạng thái cân bằng, trở lại cuộc sống bình thường. Ngược lại, tôi nghĩ rằng tổng thống Macron có một hình ảnh tương phản đối với người Pháp, khi ông "đại diện" cho một thế giới nguy hiểm và không thể đoán trước. Những năm 1990 là thời kỳ đau khổ chưa từng có đối với nước Nga. Những năm 2000 là sự trở lại bình thường, không chỉ về đời sống mà tỷ lệ tự tử và giết người cũng giảm mạnh, và trên hết, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, một tỷ lệ "linh thiêng" đối với tôi, giảm mạnh và thậm chí giảm xuống dưới mức của Hoa Kỳ.

Trong suy nghĩ của người dân Nga, Putin là hiện thân của sự ổn định này. Và về cơ bản, những người Nga bình thường, cũng giống như tổng thống của họ, cho rằng Matxcơva đang tiến hành một cuộc chiến phòng thủ. Họ ý thức được là đã mắc những sai lầm lúc ban đầu, nhưng sự chuẩn bị tốt về kinh tế đã làm tăng thêm sự tin tưởng của họ, không phải là để đối đầu với Ukraina, mà là đối đầu với cái mà họ gọi là một "tập thể các nước phương Tây", hay "Hoa Kỳ và các chư hầu". Ưu tiên thực sự của chế độ Nga không phải là chiến thắng quân sự trên thực địa mà là không đánh mất sự ổn định xã hội đã có được trong 20 năm qua…

Theo ông, đây không phải đơn thuần là cuộc chiến quân sự và kinh tế, mà còn là một cuộc chiến về ý thức hệ và văn hóa ?!

Emmanuel Todd : Tôi trả lời với tư cách là một nhà nhân chủng học. Ở Nga, cơ cấu gia đình dày đặc và mang tính cộng đồng hơn, nhờ vậy, một số giá trị vẫn tồn tại. Ở đó có một thứ tình cảm yêu nước là điều mà ở đây chúng ta không có ý niệm, và thứ tình cảm này được nuôi dưỡng trong tiềm thức của một gia đình dân tộc. Nga đã có cấu trúc tổ chức gia đình phụ hệ, có nghĩa nam giới là trọng tâm và không thể chấp nhận tất cả những đổi mới của phương Tây theo tư tưởng tân nữ quyền, LGBT, chuyển giới... Khi chúng ta thấy Hạ viện Nga thông qua đạo luật đàn áp mạnh mẽ hơn đối với "việc tuyên truyền LGBT", chúng ta tự cảm thấy mình tiến bộ. Tôi có thể cảm thấy điều đó với tư cách là một người phương Tây bình thường. Nhưng từ quan điểm địa chính trị, nếu chúng ta nhìn dưới góc độ quyền lực mềm thì đó là một sai lầm. 75% thế giới vẫn tuân theo cấu trúc gia đình phụ hệ và nhiều người hoàn toàn thông cảm với thái độ của người dân Nga. Đối với nhóm nước không phải là phương Tây, Nga khẳng định vai trò bảo đảm bảo thủ duy trì đạo đức.

Báo chí phương Tây rất nực cười khi họ không ngừng nói rằng "Nga bị cô lập". Nhưng khi nhìn vào số phiếu bầu tại Liên Hiệp Quốc, chúng ta thấy rằng 75% thế giới không có cùng quan điểm với phương Tây.

Ngoài ra, chúng ta thấy rằng cuộc xung đột này mà các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả như là một cuộc xung đột của các giá trị chính trị, diễn ra ở một mức độ sâu hơn là một cuộc xung đột của các giá trị nhân học. Chính sự vô thức này đã làm cho cuộc chiến trở nên nguy hiểm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn