bbc.com

Giới siêu giàu ở Ấn Độ nắm hơn 40% tài sản cả nước và đóng thuế ít


Gautam Adani

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Năm 2022, tài sản của tỷ phú Gautam Adani, người giàu nhất Ấn Độ, tăng 46%

Các tỷ phú chỉ chiếm 1% dân số Ấn Độ nhưng làm chủ hơn 40,5% tổng giá trị của cải ở quốc gia này, theo số liệu về tài sản năm 2021 mà tổ chức Oxfam vừa công bố.

Trong năm 2022, số tỷ phú Ấn Độ tăng từ 102 lên 166, thep phúc trình của Oxfam.

Cùng thời gian, người nghèo ở Ấn Độ "không có tiền cho các nhu cầu thiết yếu nhất để sinh sống".

Tổ chức từ thiện có trụ sở chính ở Anh kêu gọi bộ tài chính Ấn Độ áp thuế đặc biệt lên giới siêu giàu để có ngân sách giảm ngăn cách về thu nhập.

Lời kêu gọi được đưa ra tuần này cùng bản phúc trình mang tên "The Survival of The Richest".

Bản tiếng Việt mà Oxfam đăng trên mạng của mình nói báo cáo "Nghịch lý về sự tồn tại của nhóm siêu giàu" được công bố vào ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.

Đây là thời điểm giới thượng lưu tinh hoa tài chính và lãnh đạo chính trị gặp nhau tại khu nghỉ mát trượt tuyết ở Thụy Sĩ "trong bối cảnh tình trạng giàu cực đoan và nghèo cùng cực đang tăng mạnh lần...", theo Oxfam.

Tổ chức này nêu ra ví dụ Ấn Độ như một trường hợp điển hình về phân cách giàu nghèo.

Tại Ấn Độ, tới trên 40% thu nhập cả nước rơi vào tay chưa đến 1% dân số, thuộc nhóm siêu giàu, và chỉ có 3% nhỏ giọt xuống nhóm 50% dưới đáy.

Năm 2022, tài sản của tỷ phú Gautam Adani, người giàu nhất Ấn Độ, tăng 46%, đưa ông lên vị trí giàu thứ hai thế giới, theo một bảng xếp hạng của Bloomberg.

Tổng số tài sản của 100 người giàu nhất nước Ấn Độ nay đạt 660 tỷ USD.

Theo Oxfam, số thuế nhà nước Ấn thu vào từ người nghèo và trung lưu nhiều hơn tiền thuế do giới siêu giàu đóng cho ngân sách.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hàng năm, các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị tới Davos dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh nhóm bảo vệ cho an ninh Davos năm 2022.

Nguồn hình ảnh, Getty Images, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ba phụ nữ siêu giàu, Laurene Powell Jobs, MacKenzie Bezos, Alice Walton - theo số liệu về tài sản của họ năm 2019

Chừng 64% tổng số thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) đến từ nhóm 50% từ dưới đáy bậc thang xã hội, mà chỉ có 4% do nhóm top 10% đóng vào.

Bức tranh chung trên toàn cầu không khác bao nhiêu

Câu chuyện về khoảng cách giàu nghèo tại Ấn Độ cũng phản ánh bức tranh trên toàn cầu.

Trong báo cáo công bố hôm 16/01/2023, Oxfam đánh giá rằng 1% người giàu nhất thế giới chiếm đoạt gần 2/3 tài sản và nguồn thu mới, trị giá 42 tỷ USD mà nhân loại tạo ra trong năm 2022.

Oxfam kêu gọi đánh thuế 5% với những người sở hữu nhiều triệu đô la và các tỷ phú trên toàn cầu, để có khoản 1,7 nghìn tỷ USD, đủ đưa 2 tỷ người thoát khỏi đói nghèo.

Đại dịch Covid xem ra là thời gian tài sản của giới giàu tăng nhanh, còn một số đông người dân trên toàn cầu rơi vào cảnh mất việc, nghèo túng. Người cao tuổi và giới trẻ bị ảnh hưởng nặng nhất.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong năm 2022, vẫn còn hàng chục triệu người trẻ - từ 16 đến 29- rơi vào cảnh thất nghiệp trên toàn cầu.