• Tác giả, Katie Bishop

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Từ nhiều thế kỷ qua, những người trẻ tuổi thường bị định kiến là lười biếng, tự cho là mặc nhiên có quyền hưởng thụ hoặc tự ảo tưởng về giá trị của bản thân.

Thực hư thế nào?

Từ việc bị gắn mác là yếu đuối đến việc bị cáo buộc là chỉ thích làm những điều vặt vãnh, lờ đi những việc lớn lao, thế hệ trẻ liên tục bị cho là kém cỏi hơn, ít chăm chỉ hơn hoặc không được kiên cường như thế hệ cha chú. 

Đây không phải là một hiện tượng mới; suy cho cùng thì “những đứa trẻ ngày nay” đã bị mọi người ca cẩm từ hàng chục năm nay. 

Nhưng nếu cứ một mực cho rằng thế hệ thiên niên kỷ (Gen Millenials) và thế hệ Z (Gen Z) kém cỏi hơn thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh hoặc thế hệ X (Gen X) thì có thực sự đúng đắn không?

Bằng chứng cho thấy các thế hệ mới hơn thực sự đánh giá cao các đặc điểm mà các thế hệ trước họ có thể coi là dấu hiệu của sự kém cỏi. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng tin rằng những người thuộc các thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (sinh khoảng từ năm 1946 đến 1964) và thế hệ X (sinh từ năm 1965 đến 1980) có thể đang đánh giá quá khắt khe các thế hệ sau, dựa theo các tiêu chuẩn từ lâu đã không còn là mẫu mực.

Bối cảnh của từng thế hệ có thể là điều then chốt để thu hẹp khoảng cách giữa các thập kỷ – tuy nhiên, việc coi thường những người trẻ tuổi là một bản năng bẩm sinh và đã tồn tại lâu đời đến mức khó có thể xóa bỏ.

Huyền thoại và thực tế

Việc thế hệ trẻ bị phàn nàn đã diễn ra từ hàng ngàn năm. Thực ra, việc coi thường thế hệ sau có thể đơn giản là bản chất của con người. “Xu hướng người lớn coi thường tính cách của giới trẻ đã xảy ra trong nhiều thế kỷ,” Peter O'Connor, Giáo sư Quản lý tại Học viện Công nghệ Queensland, Úc, nói. 

Ông chỉ ra rằng cách nhìn nhận rập khuôn vẫn đang tồn tại và vẫn còn được nhiều người hưởng ứng, với nghiên cứu chỉ ra rằng hàng ngàn người Mỹ tin rằng “trẻ em ngày nay” bị thiếu những phẩm chất tích cực mà những người tham gia nghiên cứu cho rằng thường có ở các thế hệ trước. 

Nhưng điều này không nhất thiết là do giới trẻ ngày nay thực sự thiếu những phẩm chất này – các nhà nghiên cứu lập luận rằng điều này là do chúng ta phóng chiếu cái tôi hiện tại của mình lên cái tôi của chúng ta trong quá khứ. Khi làm như vậy, những người lớn tuổi đang vô thức so sánh con người của họ ngày nay với những người trẻ tuổi ngày nay, tạo ra ấn tượng rằng giới trẻ ngày nay trở nên kém cỏi hơn theo cách nào đó, bất kể chúng ta đang sống ở thập kỷ nào.

Vào đầu tháng 2, chuyên gia bất động sản người Anh Kirstie Allsopp làm dấy lên một làn sóng giận dữ sau khi nói rằng việc những người trẻ tuổi không đủ khả năng mua nhà là do lỗi của chính họ. 

Allsopp, người đã mua ngôi nhà đầu tiên của bản thân với sự giúp đỡ của gia đình, cho rằng những người muốn mua nhà như những người có điều kiện ngày nay đã chi quá nhiều tiền cho “những thứ xa xỉ”, chẳng hạn như đăng ký dùng dịch vụ Netflix hay làm thẻ thành viên phòng gym thay vì tiết kiệm, để dành tiền mua nhà.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z đặc biệt bị coi là những người tự huyễn hoặc về giá trị  bản thân và lười nhác

Phát ngôn của Allsopp là ý kiến mới nhất trong một chuỗi những nhận xét nổi bật về việc giới trẻ ngày nay không chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện những hy sinh giống như các thế hệ lớn tuổi đã làm, hoặc không kiên cường như cha mẹ hoặc ông bà họ trước đây.

Vào năm 2017, ông trùm bất động sản người Úc Tim Gurner cũng cho rằng giới trẻ đã tiêu quá nhiều tiền vào bánh mì nướng phết quả bơ thay vì mua nhà (mặc dù giá nhà ở nhiều vùng của Úc đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, trong khi tiền lương chỉ tăng 30%). 

Vào năm 2016, cụm từ “Generation Snowflake” (“Thế hệ Bông tuyết”) đã được thêm vào Từ điển tiếng Anh Collins để mô tả những người sinh từ năm 1980 đến năm 1994 “kém kiên cường và dễ bị xúc phạm hơn các thế hệ trước”. Và xuất hiện một số bài viết về việc những người thuộc Gen Z từ chối làm việc giờ hành chính hoặc đặt câu hỏi tại sao họ cần phải ở văn phòng toàn thời gian – một dư âm của cụm từ “thế hệ thiên niên kỷ mặc nhiên có quyền hưởng thụ” của những năm 2010, vốn dĩ chỉ bắt đầu ít được để ý đến hơn so với thời gian trước.

Tiêu chuẩn lỗi thời

Các thế hệ lớn tuổi có thể vẫn hoài nghi về việc họ chăm chỉ hơn giới trẻ ngày nay – nhưng liệu điều này có thể đo đếm được hay không?

Một số chuyên gia nghĩ như vậy. Một nghiên cứu năm 2010 đã tiến hành kiểm tra đối với những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ tốt nghiệp đại học từ năm 2004 đến 2008 chỉ ra rằng những người này có những đặc điểm thể hiện mức kiên cường thấp hơn so với những người tốt nghiệp trước năm 1987. 

Một nghiên cứu khác chứng minh rằng sự bất ổn cảm xúc và nhu cầu được công nhận đã tăng lên ở thế hệ trẻ, trong khi một nghiên cứu năm 2012 cho thấy rằng giới trẻ ngày càng coi trọng bản thân hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, đối với nhiều chuyên gia, những thước đo này không chỉ ra rằng thế hệ trẻ kém cỏi hơn thế hệ cha chú. Thay vào đó, chúng chỉ đơn giản là những cách phán xét một thế hệ được định hình bởi một xã hội hiện đại và tập trung vào công nghệ theo tiêu chuẩn của nhiều thập kỷ trước. 

“Các thế hệ trước được dạy phải kìm nén thay vì thể hiện, nhưng đối với các thế hệ mới hơn thì ngược lại,” Tiến sĩ Carl Nassar, chuyên gia sức khỏe tâm thần tại LifeStance Health, người thường xuyên làm việc với thanh thiếu niên và các gia đình đang phải vật lộn với sự phân chia thế hệ, cho biết. 

“Điều đó gây ra sự rạn nứt trong nhận thức, với các thế hệ lớn tuổi coi biểu hiện này là dấu hiệu của sự kém cỏi, bởi vì họ đã được dạy rằng dễ bị tổn thương là điểm yếu chứ không phải điểm mạnh.”

Nassar tin rằng việc nhận xét các thế hệ trẻ kém cỏi hơn hơn chủ yếu chỉ là do cách nói đã làm cho sự việc thực tế bị hiểu khác đi và điều này dựa trên sự không phù hợp giữa cách thức mà các thế hệ khác nhau thể hiện vấn đề của họ, là điều có thể làm sai lệch dữ liệu về mức độ kiên cường thực sự ở họ. Ý tưởng này được Jennifer Robison, một biên tập viên cao cấp tại công ty phân tích và thăm dò dư luận Hoa Kỳ Gallup hưởng ứng. 

“Những người thuộc các thế hệ X và bùng nổ trẻ sơ sinh cũng gặp rắc rối, nhưng nếu nói về họ thì có vẻ không chuyên nghiệp,” bà nói. “Vì vậy, những gì có vẻ là túng thiếu hoặc “bông tuyết” ở giới trẻ có thể thực ra chỉ là chuẩn mực xã hội về sự minh bạch.”

Ý tưởng vốn thường được nói đến, theo đó cho rằng sự ích kỷ của các thế hệ thiên niên kỷ và Z khiến họ không thể bắt đầu bước vào hành trình mua nhà, là một ví dụ cho thấy việc phán xét một thế hệ theo tiêu chuẩn vốn đã tồn tại từ hàng chục năm là điều khó khó khăn tới mức nào. 

Những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh nay đang sở hữu nhà cửa, mà quãng thời gian khi họ bắt đầu trưởng thành là thời kỳ kinh tế thịnh vượng trên diện rộng, có lẽ vẫn chưa quên họ đã chắt chiu và tiết kiệm như thế nào để mua căn nhà đầu tiên của mình. 

Giờ đây khi được tận hưởng lợi ích của việc sở hữu nhà, họ bắt đầu tin rằng những người trẻ tuổi không làm được điều tương tự là kém cỏi hơn họ. Nghĩ như vậy là họ đã bỏ qua vấn đề giá nhà tăng chóng mặt trong khi tiền lương vẫn ở mức cũ và công việc trở nên bấp bênh hơn, mà tất cả những yếu tố này khiến cho người ta không thể dễ dãi vay tiền mua nhà như trước.

Tương tự, các thế hệ lớn tuổi hơn có thể chỉ vào thực tế rằng thế hệ Z là thế hệ phiền muộn và lo âu nhất để coi đó như dấu hiệu của việc họ là những người thiếu kiên cường mà quên đi rằng đây là một thế hệ trưởng thành trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, ở một thời kỳ cô đơn chưa từng thấy và tình trạng mất an ninh kinh tế lan rộng. 

So sánh giữa các thế hệ khác nhau là khập khiễng bởi những thách thức mà họ phải đối mặt hoàn toàn không tương đồng.

“Thực tế là thế hệ Z đang đến tuổi phải đối mặt với nhiều thách thức mà các thế hệ trước không phải đối mặt ở cùng giai đoạn của cuộc đời, đáng chú ý nhất là đại dịch Covid-19 và áp lực thường trực của mạng xã hội trực tiếp lên điện thoại thông minh của họ,” Jason Dorsey, Chủ tịch Trung tâm Động học Thế hệ, một công ty nghiên cứu về các thế hệ có trụ sở tại Austin, Texas cho biết. 

“Bên cạnh những thách thức về mặt sức khỏe tâm thần mà cách ly xã hội và sự cô lập trong thời kỳ đại dịch tạo ra còn có những thách thức về việc phải học tập trực tuyến và tất cả các yếu tố hình thành nên sự trưởng thành ở giai đoạn còn non trẻ, và thật dễ hiểu lý do vì sao thế hệ này lại cảm thấy đây là một khoảng thời gian đầy thử thách.”

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Khi các thế hệ có thể ngừng việc so sánh thế hệ kia với bản thân và hiểu rằng mỗi thế hệ đều là sản phẩm của thời đại của chính thế hệ đó, chúng ta có thể giải mã được huyền thoại

Sản phẩm của chính thời đại của họ

Hành động và niềm tin của mỗi thế hệ được định hình bởi những vấn đề và thách thức riêng của chính thế hệ đó. 

Các thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh và thế hệ X có thể đã lớn lên mà không có được tiện nghi là điện thoại thông minh, nhưng họ cũng không phải vật lộn với những mối phức tạp của việc lớn lên trong điều kiện mọi thứ đều trực tuyến – thứ nhiều khả năng dẫn đến nhu cầu được công nhận, tự cho mình là trung tâm, theo như kết quả một số nghiên cứu đã chỉ ra.

Tương tự, các thế hệ lớn tuổi có thể không có cơ hội tiếp cận nhiều giáo dục như thế hệ trẻ, nhưng họ cũng có nhiều khả năng kiếm được một công việc phù hợp với tầng lớp trung lưu mà không cần đến bằng cấp đại học và không phải vất vả với khoản nợ sinh viên cao ngất ngưởng.

Và, ở khía cạnh khác, những người thuộc thế hệ Z có thể tin rằng thế hệ cha mẹ hoặc ông bà của họ đã không đấu tranh đủ mạnh mẽ trước các vấn đề xã hội, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng tài chính. 

Tuy nhiên, họ cũng có thể quên rằng nhiều người trong số họ đã phải vật lộn với các vấn đề xã hội khác, chẳng hạn như các hình thức phân biệt giới tính và bất bình đẳng chủng tộc. 

Rốt cuộc, một số người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh nay đã lớn tuổi hẳn vẫn còn nhớ là thời họ mới trưởng thành, phụ nữ vẫn phải nhờ vả một người đàn ông đồng ký đơn xin cấp tín dụng để vay tiền mua nhà ở nhiều nước và hôn nhân giữa các chủng tộc vẫn còn bị cấm ở một số bang của Mỹ – những quy định pháp luật mà mọi người phải đấu tranh mãnh liệt để xoá bỏ.

Sự thật là từ hàng thế kỷ qua, mỗi thế hệ lớn tuổi luôn chê trách những thế hệ sau họ là lười biếng, tự cho là mặc nhiên có quyền hưởng thụ và tự huyễn hoặc về giá trị của bản thân. 

Chúng ta cảm thấy gần như buộc phải phán xét những người lớn lên ở một thời kỳ khác với chúng ta – và khả năng chia sẻ những mẩu tin chế nhằm giễu cợt thế hệ Z - những người thức tỉnh quá mức - hoặc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh - những người thích tích trữ của cải - chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ.

Dorsey tin rằng có một cách để giải quyết vấn đề này - nhưng bối cảnh sinh trưởng của mỗi thế hệ là chìa khóa để giải mã huyền thoại tồn tại từ trước đến nay về sự kém cỏi.

“Nhận thức về những điều khác nhau mà mỗi thế hệ khác nhau đã trải qua chính là lý do khiến cho mỗi thế hệ trở thành có những tính cách của thế hệ đó,” ông nói. 

“Cách tốt nhất để khiến thế hệ lớn tuổi ngừng chì chiết lớp trẻ, đó là tạo ra một cuộc đối thoại mà hiện giờ đơn giản là không bao giờ có được. Thay vì có những cuộc trò chuyện thẳng thắn giữa nhiều thế hệ, chúng ta có những mẩu tin chế lan truyền cho rằng những người thuộc thế trẻ là yếu đuối mong manh như bông tuyết còn những người thuộc thế hệ lớn tuổi là khủng long. Nhưng sự thật thì ai trong chúng ta cũng đều là con người cả.”