Vũ khí nguyên tử, lá bài tẩy cuối của Putin đang trong đường cùng

Thứ Ba, 20 Tháng Mười Hai 202211:37 SA(Xem: 1643)
Vũ khí nguyên tử, lá bài tẩy cuối của Putin đang trong đường cùng

nuclear_01


Đăng ngày:

Khuôn mặt tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay chiếm trang nhất tất cả các nhật báo lớn ở Paris. Đầy đe dọa trên Libération với tựa đề « Putin, chiến tranh và sợ hãi », trên nền toàn một màu đen của Les Echos với dòng tít « Leo thang », bên cạnh những tướng Nga trên trang bìa Le Figaro và tựa lớn « Putin chọn lựa cực đoan ». Cũng với ảnh bìa là Putin, La Croix quan tâm đến « Mối đe dọa nguyên tử », Le Monde chạy tựa « Dưới áp lực, Putin chọn cách lẩn trốn ».

Phải động viên quân dự bị : Putin đang yếu thế tại Ukraina

Ba tờ báo Libération, Le FigaroLa Croix đều coi quyết định động viên quân dự bị của Putin là « sự thú nhận yếu kém ». Vào sáng ngày thứ 210 của « chiến dịch quân sự đặc biệt » đã làm nhiều ngàn thường dân và quân lính thiệt mạng, đẩy hàng triệu người lang thang trên những con đường di tản, biến hàng mấy chục thành phố, làng mạc thành bình địa, Vladimir Putin loan báo « động viên một phần ». Kẻ thù, theo ông, không còn là Ukraina như đã nhấn mạnh lúc đầu, mà người Ukraina chỉ là « bia đỡ đạn » cho toàn thể phương Tây đang muốn hủy diệt nước Nga.

Bị dồn vào chân tường từ nhiều ngày qua sau cuộc phản công của Ukraina ở Kharkiv và Kherson, Putin vẫn không nhìn nhận một thất bại quân sự nhỏ bé nào. Dù chưa phải là tổng động viên, đây vẫn là một bước ngoặt với nguy cơ leo thang mạnh mẽ. Từ nhiều tuần qua, phe diều hâu ở Matxcơva đã kêu gọi leo thang quân sự, ngoại giao và nay đến tối hậu thư.

Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya nhắc lại : « Đối với Putin, Ukraina không hiện hữu. Trong logic của Putin, Nga chiến đấu với phương Tây trên đất Ukraina thông qua những người lính Ukraina (…). Putin không nghi ngờ gì là dân chúng sẽ theo chân ông ». Nhà nghiên cứu Nicolai Petrov của Viện Chattam House cho rằng các cuộc « trưng cầu dân ý » vội vã tại các lãnh thổ chiếm đóng là mưu toan chiếm đất bằng chính trị vì không thể giành được bằng quân sự. Đối với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, quyết định mới nhất cho thấy cuộc chiến không diễn ra như ý muốn, Putin nhận ra rằng « đã tính toán hết sức sai lầm ». Ở châu Âu, người ta nói về một « hành động tuyệt vọng ».

linh_77


Liệu có tiếp sức được đội quân đang mất tinh thần ?

Chuyên gia Céline Marrangé của IRSEM đánh giá không thể huy động được đến 300.000 quân như đã nói, tuy « quân đội Nga thiếu nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan ». Cũng phải mất nhiều tháng huấn luyện mới có thể đưa họ ra chiến trường. Cựu tướng Mỹ Mark Hertling cho biết việc chuẩn bị các quân nhân tác chiến phải mất nhiều năm, và lúc ông còn tại ngũ, chỉ có thể huấn luyện được 150.000 binh sĩ một năm, trong khi Mỹ có điều kiện tốt hơn nhiều so với Nga.

Chuyên gia Carole Grimaud nhận định động viên thêm 300.000 quân là cách để tiếp thêm sức sống cho 250.000 – 300.000 lính Nga trên chiến địa, tinh thần đang xuống rất thấp sau các cuộc phản công mãnh liệt của Ukraina. Bên cạnh đó, có thể Matxcơva đang tính đến việc ban hành thiết quân luật, để tập trung toàn bộ nền kinh tế cho chiến tranh.

Libération nhắc lại, trong thời kỳ đương đại, đến nay Nga đã ba lần ra lệnh động viên : ngày 18/07/1914 (Đệ nhất Thế chiến), ngày 23/06/1941 (chống Đức quốc xã) và lần này ngày 21/09/2022, gần bảy tháng sau « chiến dịch quân sự đặc biệt ». Tuy tuyên bố chỉ động viên « một phần », chỉ tuyển những người đã từng phục vụ trong quân ngũ, có chuyên môn, nhưng thực tế thường không như nhà cầm quyền nói. Bất kỳ nam công dân trưởng thành nào dưới 65 tuổi đều có thể bị bắt lính và đưa ra mặt trận.

ditan_29


Làn sóng thanh niên chạy trốn khỏi Nga

Thông tín viên Libération ở Matxcơva ghi nhận « Người Nga bị bóng ma của lệnh động viên ám ảnh ». Cũng có một số thanh niên đến đăng ký tòng quân vì « cư dân Donbass đòi hỏi được bảo vệ », nhưng chủ yếu một luồng gió hoảng loạn đã thổi qua toàn nước Nga. Trên Telegram có vô số những câu hỏi về cách thức vượt biên, hàng trăm, hàng ngàn người tìm mọi cách để ra khỏi Nga càng sớm càng tốt.

Phần Lan công nhận hôm qua rất nhiều thanh niên Nga cố gắng đi sang, nhưng nước này không cấp visa, tương tự với Latvia và Litva. Giá vé máy bay sang Armenia tăng vọt lên 1.700 euro và rồi hết sạch, vé đi các nước Trung Á cũng vậy. Hai phong trào đối lập kêu gọi xuống đường. Ngay trong ngày hôm qua, những cuộc biểu tình đã diễn ra tại 38 thành phố trên toàn quốc, ít nhất 1.332 người bị bắt. Và những người trẻ tham gia biểu tình có nguy cơ nhận được tấm vé một chiều đi thắng đến chiến trường Donbass.

Dùng vũ khí nguyên tử : Một quyết định sẽ thay đổi thế giới

Về mối đe dọa nguyên tử, Jean-Louis Lozier, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận thấy tuyên bố lần này của Vladimir Putin đã tăng thêm một nấc, « chứng tỏ đang trong thế thua cuộc ». Từ đầu năm nay, chủ nhân điện Kremlin không ngừng đe dọa : nhắc nhở rằng Nga là « cường quốc nguyên tử », cho bắn đi các hỏa tiễn có thể mang theo đầu đạn hạt nhân trong một cuộc tập trận lớn, đặt lực lượng chiến lược trong tình trạng cảnh báo ít lâu sau khi đưa quân sang Ukraina, dọa dẫm « đáp trả khủng khiếp » … Kremlin còn cho xuất hiện sáu tàu ngầm mang vũ khí nguyên tử (hai tại Thái Bình Dương và bốn ở Mourmansk) vài ngày sau khi gây chiến.

Nhà nghiên cứu Andrey Baklitskiy của Viện nghiên cứu giải trừ quân bị Hoa Kỳ lưu ý, Putin đã thêm vào chữ « toàn vẹn lãnh thổ » và những quan niệm rất trừu tượng nhằm biện minh cho việc tấn công nguyên tử trong một cuộc chiến tranh quy ước. « Toàn vẹn lãnh thổ » có được áp dụng cho các vùng đất mà Matxcơva đang chuẩn bị sáp nhập ? Nga có dùng ngọn lửa hạt nhân để dọa Kiev, chiếm cho được những vùng do Ukraina kiểm soát? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Ukraina giành lại được lãnh thổ của mình ?

Tuy những câu hỏi này hiện chưa có câu trả lời, nhưng Baklitskiy nhấn mạnh việc sử dụng vũ khí nguyên tử là « một quyết định sẽ thay đổi thế giới », phá vỡ điều cấm kỵ từ 80 năm qua.

nguyentu_03


Một cuộc chiến không nên tiến hành và không thể chiến thắng

Giám đốc kênh RT tuyên bố « Tuần lễ này đánh dấu hoặc chiến thắng sắp tới, hoặc sắp xảy ra chiến tranh nguyên tử. Ăn cả ngã về không ! ». Nhà sử học Mỹ Timothy Snyder cho rằng bản thân Putin đang sợ hãi nên chỉ dọa. Chuyên gia Pierre Grasser nhấn mạnh không phải một mình Vladimir Putin có thể ấn nút nguyên tử, mà bộ tham mưu và các tướng lãnh có thể ngăn cản.

Tuy nhiên Lev Shlogberg, thủ lãnh đảng Iabloko ở vùng Pskov, một trong những khuôn mặt đối lập vẫn còn được tự do, cho rằng « Nay thì không điều gì là không có thể ». Trong hệ thống chính trị Nga hiện nay, tất cả đều bị bê-tông hóa, không ai dám cãi lại Putin và tình trạng này còn kéo dài. Chuyên gia Stanovaya khẳng định, vấn đề duy nhất đối với Putin là cái giá phải trả như thế nào, và ông ta cho thấy sẵn sàng trả giá cao cho chiến thắng. Trong trường hợp bại trận, Matxcơva sẽ không ngần ngại dùng đến.

Tổng thư ký NATO nhắc lại « một cuộc chiến nguyên tử không bao giờ nên tiến hành và không thể chiến thắng » - một câu đã ghi trong thông cáo ký hồi tháng Giêng của năm thành viên Hội Đồng Bảo An trong đó có Nga. Le Figaro trong bài « Vũ khí nguyên tử, lá bài tẩy cuối cùng của một tổng thống đang bị yếu thế », nhận định đó là phản ứng của một con thú bị thương. Tuy vậy tình báo Mỹ vốn theo dõi chặt chẽ các hoạt động liên quan đến hạt nhân từ đầu cuộc xâm lăng, vẫn chưa kéo chuông báo động.

Vũ khí quen thuộc của Putin : Gieo rắc sợ hãi

Libération nhận thấy bài diễn văn của Vladimir Putin hôm thứ Tư không còn những nhập nhằng « chiến dịch đặc biệt », « phi quốc xã hóa ». Sau bảy tháng giao tranh ác liệt, phải tìm mọi cách bù đắp số lính tử trận, đó là lời thú nhận yếu kém của Putin - từng ngỡ sẽ nuốt trọn được Ukraina trong ba ngày.

Quân dự bị có thể dễ dàng huy động như những tù nhân hay người thất nghiệp ở những địa phương hẻo lánh, đổi lấy vài đồng rúp cho gia đình để đi làm bia thịt ? Quân đội Nga liệu có đủ quân phục, vũ khí nhẹ và nặng, đạn dược, xe tăng, xe chở lính mà hiện nay vẫn rất thiếu thốn ? Để tránh những câu hỏi này, tổng thống Nga đã chọn loại vũ khí mà ông ta sành sõi nhất, đó là nỗi sợ.

Ngay từ đầu, Putin đã tìm cách làm người ta phải run sợ bằng đủ mọi biện pháp, từ gây thiếu hụt lúa mì, khí đốt cho đến nguy cơ phóng hỏa tiễn vào nhà máy điện nguyên tử Zaporijia, hy vọng phương Tây sẽ nhượng bộ. Lần này ông ta hàm ý sẽ không ngần ngại dùng vũ khí hạt nhân. Trước sự điên cuồng này, phải làm gì đây ? Chắc chắn là không thể lùi bước, mà cần kiên quyết và đoàn kết bên cạnh Ukraina.

58


« Sa hoàng phóng xạ »

Trong bài xã luận « Sa hoàng nhiễm xạ », Le Figaro nhận định nếu cần thêm một bằng chứng là Vladimir Putin đang sa lầy đến tận cổ trong cuộc phiêu lưu tội ác ở Ukraina, thì chính ông ta đã cung cấp hôm qua. Khi tổ chức « trưng cầu dân ý » làm màu để vội vã sáp nhập các vùng đất mà thậm chí quân Nga vẫn chưa kiểm soát hẳn, rồi ra lệnh động viên đông đảo quân dự bị, Putin đã công khai thú nhận thất bại, nhưng đồng thời lại chọn giải pháp leo thang.

Trong logic của vị Sa hoàng tật nguyền này, cuộc kháng chiến vệ quốc của Ukraina bỗng hóa thành cuộc xâm lăng nước Nga, để biện minh cho việc vận dụng « tất cả những loại vũ khí có được ». Thật tiện lợi - và quen thuộc - cho một kẻ xâm lược đang thất thế kêu gào là nạn nhân của cuộc chiến do chính hắn ta tạo ra. Chính quyền ở các « nước cộng hòa » tự xưng Donetsk, Luhansk và có lẽ sắp tới là Kherson, dù khoác lên áo choàng dân chủ, nhưng chiếc áo này không lớn hơn cái lá nho. Les Echos đặt câu hỏi, liệu Kremlin có thuyết phục được một ai trong cộng đồng quốc tế và ngay cả trong quân đội của ông ta, rằng việc mất Donbass, vùng đất có 5 triệu dân sẽ là mối đe dọa cho sự tồn tại của nước Nga lớn hơn gấp 170 lần, có 145 triệu dân hay không ?

Các đối tác đều đòi hỏi Putin kết thúc cuộc chiến. Liệu những người lính bị cưỡng bức tham gia, và những quả đạn được Bắc Triều Tiên giao có thể tạo được cho Putin lợi thế trên chiến địa ? Không có gì chắc chắn cả. Nhưng giai đoạn sắp tới, nước Nga và thế giới sẽ phải trả một cái giá khổng lồ. Tờ báo cổ vũ những định chế còn lại ở Nga cần ý thức được và « vô hiệu hóa » đúng lúc nhà độc tài đầy phóng xạ ở điện Kremlin.

pu_01


Nga có nguy cơ mất luôn những chỗ dựa cuối cùng

Ông Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp ở Hoa Kỳ cho rằng Matxcơva sẽ hoàn toàn bị cô lập nếu dùng đến loại vũ khí khủng khiếp này. Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, phương Tây đồng thanh lên án gay gắt Putin. Tổng thống Mỹ Joe Biden tố cáo Nga trắng trợn chà đạp Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Anh cam đoan viện trợ đến khi nào Kiev giành chiến thắng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án Matxcơva « lại khiêu khích ». Theo ông chỉ riêng ý tưởng tổ chức « trưng cầu dân ý » tại vùng chiến sự đã rất độc địa. Macron đòi Nga rút quân khỏi những vùng chiếm đóng, tố cáo việc « quay lại với thời kỳ đế quốc, thuộc địa » và đả kích « những ai im lặng là mặc nhiên phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc mới ».

Theo Les Echos, các nhà lãnh đạo ở Matxcơva có lẽ đều biết rằng việc dùng đến vũ khí nguyên tử ở Ukraina sẽ khiến những chỗ dựa cuối cùng là Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ buộc lòng phải bỏ rơi, và Nga, theo lời Joe Biden, sẽ trở thành « một kẻ chưa bao giờ bị thế giới ruồng bỏ như thế ». Nhưng Vladimir Putin có biết hay không ?

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%
Ý kiến bạn đọc
Thứ Năm, 22 Tháng Mười Hai 20222:22 CH
Khách
Da biet Nga la cuong quoc nguyen tu,tung ngang vai voi My.Hom nay lai he nhau chung von,tiep te sung dan-nhu yeu pham....etc cho cai thang he thay minh lam loan.Ca mot bay dan tum vao de nen ham doa Chi Pheo,thi khi cung duong,cai hoa no do xuong bon a dua,chay khong kip.Binh phap noi ro,cho danh ke cung duong,hay de cho no mot duong thoi thop ma song.KHONG ! Cho chet luon ! va day la cai ngu dai cua bon a dua Dan don !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn