James Cleverly: Anh không thể chỉ dựa vào 'đồng minh truyền thống'

Thứ Ba, 13 Tháng Mười Hai 20226:00 SA(Xem: 883)
James Cleverly: Anh không thể chỉ dựa vào 'đồng minh truyền thống'
bbc.com

James Cleverly: Anh không thể chỉ dựa vào 'đồng minh truyền thống'


Ngoại giao Anh sẽ ưu tiên thương mại và tìm đến các đối tác Á, Phi, Nam Mỹ

Cleverly

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Bộ trưởng James Cleverly công bố chính sách ngoại giao của chính phủ Rishi Sunak

Sáng 12/12/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông James Cleverly công bố đường lối ngoại giao mới của chính phủ Rishi Sunak.

Đường lối mới nhấn mạnh đến tính thực tiễn (pragmatism) để xây dựng các quan hệ đồng minh, đối tác ở xa châu Âu.

Theo ông Cleverly, "Nước Anh cần tìm các đồng minh mới, chứ không thể chỉ dựa vào "tấm chăn ấm" với các đồng minh truyền thống", ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Ông nói trưa 12/12 rằng quan hệ với Hoa Kỳ và châu Âu là "tối quan trọng nhưng không đủ để duy trì trật tự quốc tế".

Theo ông thì điều này không dễ nhưng nước Anh cần phải thử.

Các chủ đề hàng đầu của chính sách mà tờ Financial Times gọi là "ngoại giao kiên nhẫn của Anh" (patient diplomacy), gồm có thương mại, phát triển, quốc phòng, an ninh mạngchống biến đổi khí hậu.

Một số tờ báo Anh, căn cứ vào phát biểu trước đó của ông Cleverly, tin rằng dân chủ và nhân quyền bị đặt xuống cấp thứ yếu, sau các ưu tiên kể trên.

Tuy nhiên, phóng viên ngoại giao của BBC James Landale thì nói "một cách tế nhị, bộ trưởng ngoại giao Anh đã lên tiếng bảo vệ trật tự quốc tế bị đe dọa bởi Nga và các chế độ độc đoán".

Về Trung Quốc thì sao?

Theo chính lời ông Cleverly trả lời BBC News tại Anh hôm Chủ Nhật 11/12, trước ngày công bố chính sách mới, thì thậm chí với Trung Quốc "Anh coi đây là một đối tác tiềm năng cho điều thiện" (partner for good), trong lĩnh vực hai bên có thể hợp tác như biến đổi khí hậu.

Tuy thế, ông Cleverly nói cách Bắc Kinh đối xử với người Uighur ở Tân Cương là "không thể chấp nhận được".

Lúc còn tranh cử chức thủ tướng, ông Rishi Sunak gọi "Trung Quốc là mối đe dọa lớn" với Anh, nhưng khi đã lên nắm quyền, ông giảm nhẹ chỉ trích.

Trang City AM viết ông Sunak "ra tín hiệu về cách tiếp cận hợp tác hơn với Trung Quốc".

Bản thân bộ trưởng Cleverly thì nói trên đài BBC hôm Chủ Nhật:

"Chúng ta cần nghĩ về lâu dài, nghĩ lâu dài về cách bảo vệ các nguyên tắc, các định chế mà chúng ta biết là đã bảo vệ chúng ta an toàn qua nhiều thập niên."

"Trung Quốc đã đe dọa một số nền tảng mà chúng ta tin là quan trọng, và chúng ta sẽ cộng tác với các bạn bè, cũ và mới để đảm bảo rằng chúng ta bảo vệ được những điều mình muốn."

Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông James Cleverly

Nguồn hình ảnh, BBC

Chụp lại hình ảnh,

Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông James Cleverly tiếp tục giữ vị trí dưới thời thủ tướng Rishi Sunak, sau khi sếp cũ, nữ thủ tướng Liz Truss bị hạ bệ

Các báo Anh nói chính sách của chính phủ Sunak nay vẫn coi Nga và Trung Quốc là đối thủ, nhưng Anh cần xây dựng các liên minh, quan hệ đối tác về lâu dài ở các nước châu Á, châu Phi và vùng Nam Mỹ.

Anh tiếp tục ủng hộ Ukraine tự vệ trước Nga và ông Sunak đã thăm Kyiv sau khi lên nhậm chức.

Là thành viên có vũ khí nguyên tử trong Nato, Anh có quan hệ an ninh chặt chẽ với Hoa Kỳ, Canada và các nước Nato ở châu Âu.

Thời Boris Johnson, Anh ký thỏa thuận đặc biệt cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc và gần đây tung ra dự án cùng Nhật và Ý thiết kế chiến đấu cơ tối tân.

Nhìn ra ngoài châu Âu, theo Financial Times, London nay đặt trọng tâm vào xây đắp quan hệ với Brazil, Kenya, CH Nam Phi, Indonesia, cùng một số quốc gia khác.

Những bài báo khác ở Anh cho rằng London phải biết lượng sức mình vì kinh tế đang suy yếu.

Tờ Independent viết bối cảnh chung là "kinh tế Anh đang sụt giảm".

Họ đánh giá chính sách ngoại giao thời thủ tướng Theresa May và Boris Johnson là "Nước Anh toàn cầu" (Global Britian), xây dựng trên đà Brexit, tách khỏi EU.

Trước đó, thời David Cameron, Anh đã lạc quan coi quan hệ với Trung Quốc là "kỷ nguyên vàng" (Golden Era).

Ông Cameron đã đón Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm Anh năm 2015.

Nay, tờ The Guardian nói Anh Quốc "hạ cấp cam kết nhân quyền, vì quan hệ chặt hơn với một số nước".

Chụp lại video,

Việt Nam - Vương quốc Anh kết thúc đàm phán hiệp định thương mại song phương

Chính phủ Anh chuyển cách nhìn quan hệ với Trung Quốc sang thực tiễn hơn, nhất là sau các biến động ở Hong Kong.

Tuy tăng trưởng kinh tế ở Anh tháng 9-10 năm nay đạt 0,5%, thu nhập của khu vực công giảm xuống thấp nhất tính từ 1977.

Các vấn đề lớn, hậu Brexit, như Nghị định thư Bắc Ireland, điều chỉnh quan hệ Anh với EU vẫn bế tắc.

Trong tuần ông Cleverly công bố chính sách ngoại giao mới, nước Anh tê liệt vì trận mưa tuyết cuối tuần sang ngày 12/12 và một loạt cuộc đình công hỏa xa trên toàn quốc.

Sinh viên Anh

Nguồn hình ảnh, UCU

Chụp lại hình ảnh,

Năm 2018: hơn 100 nghìn sinh viên ở Anh ủng hộ đình công nhưng muốn được bồi hoàn học phí cho những tuần trường đóng cửa. Đến năm nay, 2022, số các cuộc đình công tăng lên trong nhiều ngành nghề khác nhau, gồm cả đại học, trung học

Cho tới Giáng Sinh 2022, nhân viên, công chức, người lao động trong các ngành khác như y tế, bưu điện, đại học và cả Cục Biên phòng đã công bố các kế hoạch đình công khác nhau, đòi tăng lương theo kịp lạm phát.

Được biết quân đội Anh đã sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện khi y tế, hộ lý đình công tháng này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn