Phan Thế Hải - Bao giờ nước Nga sẽ sụp đổ?

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 20226:00 SA(Xem: 1337)
Phan Thế Hải - Bao giờ nước Nga sẽ sụp đổ?

51 

Đầu năm 1991, lão vừa mới ra trường, chân ướt chân ráo lên Lạng Sơn, miền biên ải hồi đó vừa ngưng tiếng súng còn rất heo hút. Tá túc tại nhà ông Hàm, một đồng hương xứ Nghệ nhiều chữ nghĩa. Buổi tối, ông thường om ấm chè xanh, mời mấy ông hàng xóm sang bàn chuyện thế sự.

Một buổi tối cuối năm, khách đến nhà chơi có mấy tay làm việc ở tỉnh ủy, vừa mới đi tu nghiệp ở Liên Xô về, rất oách. Bằng cách theo dõi các kênh thông tin từ nước ngoài lão đọc được tin, ngày 08/10/1991, tất cả các nước cộng hòa, bao gồm bản thân Nga đã ly khai khỏi Liên Xô hoặc ít nhất là tuyên bố bãi ước “Hiệp ước thành lập Liên bang Xô viết”. Không có một tờ báo nhà nước nào đưa tin về sự kiện này.

Lão bảo: Liên Xô sắp tan rã rồi các bác à! Mấy ông vừa từ Nga về bỗng dưng nổi khùng rằng: Láo! Liên Xô là một quốc gia hùng mạnh. Gần đây có gặp vài khó khăn nhưng nguồn lực còn khủng lắm, không chỉ có kinh tế mà còn quân sự, vũ khí hạt nhân số 1 thế giới, lại thêm hàng triệu binh lính tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa xã hội … Chú còn nói lăng nhăng, anh kêu công an để gô cổ chú lại đó…

Đứng trước một hội đồng sùng tín Liên Xô vĩ đại, lão đành im lặng cho lành, để rồi mấy tháng sau, ngày 26/12/1991, Hội đồng Tối cao Xô Viết đã ký Hòa ước Belavezha rồi ra Tuyên bố số 142-H, chấp nhận cho những nước cộng hòa thành viên hoàn toàn độc lập. Liên Xô chính thức tan rã.

Giờ đây, đang theo dõi về cuộc chiến thảm khốc của Nga chống lại Ukraine đã kéo dài đến tháng thứ 10 và chưa có dấu hiệu dừng lại, một câu hỏi đã được đặt ra là: liệu Nga có thể sống sót sau thất bại nhục nhã bởi nước láng giềng nhỏ bé hơn?

Với những người sùng tín Nga, sùng tín Putin, đây là điều vô lý. Dẫu Putin có thể đã bị suy yếu bởi ba tính toán sai lầm nghiêm trọng: về sức mạnh quân sự của Nga, quyết tâm của Ukraine và sự thống nhất của phương Tây. Nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy ông ta đang trên bờ vực mất quyền lực, càng không phải là nhà nước Nga sắp sụp đổ.

Có rất ít cuộc biểu tình trên đường phố để phản đối chiến tranh, chống lại sự lãnh đạo của Putin, hoặc thậm chí chống lại việc huy động lính nghĩa vụ. Những người bất đồng có đủ điều kiện để rời khỏi Nga vì sợ bị nhập ngũ họ đã bỏ trốn. Mặc dù Nga đã có những cú sốc kinh tế nghiêm trọng khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây bắt đầu có tác dụng, nhưng một số cách quản lý tài chính sáng tạo của Moscow, thêm vào đó là với một nền kinh tế khép kín, những người dân không có nhiều lựa chọn nên với các lệnh trừng phạt không gây khó nhiều cho nước Nga.

Nhiều người viện dẫn rằng, rằng Mỹ cũng đã từng sa lầy và rút quân một cách ô nhục khỏi Việt Nam, Iraq, hay Afghanistan nhưng rồi có sao đâu!

Beth Daley, Tổng Giám đốc của The Conversation cho rằng: có ba lý do chính đáng khiến chúng ta không nên loại bỏ khả năng rằng thất bại ở Ukraine có thể khiến Điện Kremlin sụp đổ, khiến nước Nga khó có thể cai trị toàn bộ, hoặc ít nhất là dưới hình thức hiện tại.

1. Đã có tiền lệ ở Nga: Nó đã từng xảy ra trước đây. Nga là một phiên bản không hoàn hảo của Liên Xô, đế chế này đã sụp đổ vào năm 1991 được coi là một sự kiện địa chấn trong chính trị thế giới. Không mấy ai dự đoán được sự kết thúc của Liên Xô.

2. Thiếu lựa chọn thay thế cho Putin: Sự phân bổ quyền lực chính trị ở Nga là không có câu trả lời thay thế khả thi nào ngoài Putin. Một phần của điều này là có chủ ý: Putin đã xây dựng nhà nước theo hình ảnh của chính mình, khiến bản thân không thể tách rời khỏi bất kỳ câu hỏi lớn nào về xã hội và tình trạng nhà nước Nga.

Trốn tránh danh hiệu đế quốc, nhưng hành động theo giới luật của nó, Putin là Sa hoàng của nước Nga trên hầu hết mọi thứ trừ danh xưng. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là không có kế hoạch kế vị theo chế độ phụ hệ, cũng như không có bất kỳ ai trong quỹ đạo ngày càng thu hẹp của các cận thần bán tín nhiệm sẵn sàng đứng ra thay thế. Thật khó để tưởng tượng một người kế vị có thể chỉ huy sự tôn trọng và sử dụng quyền lực để hợp nhất các bè phái đang cạnh tranh trong điện Kremlin – những nhóm mà chính Putin đã khuyến khích thành lập để đảm bảo sự yếu kém và tiếp tục trung thành của họ.

Những cái tên như Sergei Kiriyenko, Nikolai Patrushev và Sergei Sobyanin thường được nhắc đến khi các nhà phân tích chơi trò suy đoán “ai sẽ kế vị Putin?”. Nhưng mỗi người trong số họ hoặc đã chọc tức Putin, khiến ông có lý do để không tin tưởng họ, hoặc sẽ đấu tranh để mang các bộ tộc khác lại với nhau.

3. Căng thẳng sắc tộc: Khả năng tồn tại liên tục của Nga sau thất bại ở Ukraine không hoàn toàn được đảm bảo. Cuộc chiến đã làm trầm trọng thêm những rạn nứt giữa cốt lõi chính trị đặc quyền của Nga và vùng ngoại vi tập trung nhiều sắc tộc của nó. Một phần của huyền thoại được những người cực hữu của Nga yêu thích là Nga là “Rome thứ ba”, một cường quốc cần thiết để đoàn kết mọi người từ các nguồn gốc tôn giáo và sắc tộc khác nhau và ngăn cản họ chiến đấu với nhau.

Với tình trạng nghèo tương đối của các nhóm thiểu số ở Nga, không có gì ngạc nhiên khi họ có xu hướng được đại diện quá mức trong quân đội. Ví dụ, chúng ta biết rằng thương vong quân sự của Nga đến từ các nhóm dân tộc nghèo nhất của Nga: Dagestanis, Chechens, Ingush, Buryats và Tuvans.

Chiến dịch của Điện Kremlin nhằm bổ sung 300.000 nhân viên phục vụ tại Ukraine cũng được nhắm mục tiêu tương tự theo các sắc tộc. Điều đó che chắn cho cư dân Moscow và St Petersburg, khiến chiến tranh trở thành một hiện tượng trừu tượng chỉ chạm đến cuộc sống của họ theo những cách ngoại vi.

Điều này có nghĩa là những người ở ngoại vi của Nga đang được sử dụng làm bia đỡ đạn một cách hiệu quả.

Điều quan trọng nữa, nay đang là thời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người dân có nhiều cách để tiếp cận thông tin. Khi họ được thức tỉnh, những mâu thuẫn trong nội bộ nước Nga bị dồn nén lâu ngày sẽ lớn dần mà Putin thì không thể “trường sinh bất lão” để dùng bàn tay sắt để đàn áp dân chúng. Lúc đó số phận của nước Nga sẽ lặp lại theo kịch bản năm 1991.

PHAN THẾ HẢI 11.12.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn