Phạm Minh Chính và Đại sứ Knapper đang cố ‘chữa lành’ Ngoại giao Việt Cộng?

Thứ Năm, 08 Tháng Mười Hai 20222:00 CH(Xem: 1458)
Phạm Minh Chính và Đại sứ Knapper đang cố ‘chữa lành’ Ngoại giao Việt Cộng?
voatiengviet.com

TTg Phạm Minh Chính và Đại sứ Knapper đang cố ‘chữa lành’ Ngoại giao Việt Nam?

Trần Đông A

Mỹ và Việt Nam sẽ còn phải “lên giây cót tinh thần” cho nhau đến khi nào? Bao giờ thì những trở ngại chính sẽ được gạt bỏ để hai quốc gia có thể "nâng cấp" quan hệ song phương lên tầm "đối tác chiến lược" (SP) hay "đối tác chiến lược toàn diện" (CSP) như quan hệ giữa Mỹ với ASEAN hiện nay?

Thật khó nghĩ khác được khi nghe hết toàn bộ YouTube ghi lại buổi giao lưu trực tuyến của Đại sứ Mỹ trên VietnamNet ngày 2/12/2022. Knapper “lên giây cót tinh thần” cho những ai quan tâm đến quan hệ Mỹ – Việt. Trước đó, chiều 30/11/2022, độc giả nào theo dõi Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vắc xin thì khá bất ngờ trước tình cảnh “trông đánh xuối, kèn thổi ngược” ngay tại Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn đàn, ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao đóng góp của Ngoại giao vào thành công của kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Nhưng rồi người ta lại thấy, cũng tại Hội nghị ấy (30/11/2022), lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh đến “những thành tích” của ngành Công an đã tổ chức phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp lợi dụng thực hiện “ngoại giao vắc xin” của Việt Nam để lừa đảo, nhiều trường hợp để khuếch trương thanh thế.

Vai trò của người cầm chịch

Sau các lần “vào cuộc” của Bộ Công an, ngành Ngoại giao giờ đây đúng là đang bị “đánh” tơi tả. Trong câu đồng giao lâu nay “mồm Tuyên giáo, áo Ngoại giao”, hiện thời vế thứ hai có lẽ không còn chuẩn nữa. “Áo Ngoại giao” bị lấm đến mức có thể “giặt” không sạch, mà phải thay bằng áo mới. Chúng ta vẫn chưa biết số phận của một Phạm Bình Mình, một Bùi Thanh Sơn rồi đây sẽ ra sao khi mà có tin, ít nhất hàng chục vị Đại sứ và các vị có hàm ngoại giao trong các Cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài đang nằm trong vòng ngắm của các cơ quan điều tra. Khỏi phải nêu đích danh nhưng hơn nửa số dân ở Hà Nội lẫn Sài gòn đều biết, các vị Đại sứ từ Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Mã Lai… có thể sẽ không “hạ cánh an toàn”. Nói chi đến từ các thủ đô hoa lệ Âu châu và Mỹ châu, ngay từ châu Phi và nước Nga khói lửa, Vũ Ngọc Minh và Lý Tiến Hùng, các cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và Nga, đã bị khởi tố với cáo buộc nhận hối lộ khi thực hiện chuyến bay giải cứu. Ôi những chú “tép riu” trong các mẻ lưới lớn! Thế còn ở đâu những con cá kình, những con sâu bự, những trùm cuối…? Biết bao kẻ “thân thể tuy ở trong lao” những vẫn tiếp tục gây nguy hại cho bao vị đang lượn lờ “bên ngoài lao”.

Xem thế để không mấy ngạc nhiên nếu như Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định không úp mở: “Về nghiệp vụ, ngoài các biện pháp hỗ trợ góp phần trong chiến dịch ngoại giao vắc xin, Bộ Công an đã tổ chức phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp lợi dụng thực hiện ngoại giao vắc xin của Việt Nam để lừa đảo…” Xưa nay, tại chốn công đường, chưa ai “vơ đũa cả nắm” Ngoại giao đi lừa đảo (!) Nhưng với tư cách là người cầm chịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa tay “đỡ” Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn khi ông Chính ca ngợi “đường lối đối ngoại đúng đắn đã giúp Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế”. Và cũng theo đánh giá của Thủ tướng, “cùng với đó là sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại sứ, trưởng đại diện, nhân viên các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, đã làm việc rất tận tụy, trách nhiệm không kể ngày đêm sớm tối trong tiếp cận vắc xin và thuốc, trang thiết bị y tế…, thu thập mọi thông tin, kinh nghiệm… để chuyển về nước”. Tuy nhiên, Bộ Công an vẫn tiếp tục đề nghị, bên cạnh kênh ngoại giao, cần đẩy mạnh các kênh đối ngoại khác, trong đó có vai trò của đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh tình báo của các cơ quan thực thi pháp luật trong xử lý giải quyết những vấn đề lớn, nhạy cảm.

Trong bối cảnh đội ngũ dưới quyền bị đánh tan tác, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn thật khó có thể tập trung thời gian và trí não để cố vấn cho Trung ương và Bộ Chính trị “xử lý giải quyết những vấn đề lớn, nhạy cảm” mà ông Thượng tướng Công an vừa đề cập ở trên. Chỉ tính riêng việc Việt Nam vừa “nâng cấp” quan hệ với Hàn Quốc lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) cũng chỉ ra hai thực tế trái ngược nhau. Thứ nhất, nhớ lại đầu những năm 90, để có thể gọi Nam Triều Tiên là Đại Hàn Dân Quốc (theo yêu cầu của Seoul), Hà Nội đã phải vượt qua bao trở ngại với người anh em đồng chí Bắc Triều Tiên của mình. Để đến được cột mốc hôm nay, khi hai quốc gia trở thành CSP của nhau, cả hai bên đã trải qua bao “cay đắng, ngọt bùi, cuộc đời kháng chiến…” Thứ hai, với một quốc gia như Hàn Quốc, như Nhật Bản mà Hà Nội vẫn “dám” nâng cấp lên CSP thì rõ ràng đối với Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, đây là cả một “sự phân biệt đối xử” rõ rệt (!?). Bang giao với Hoa Kỳ “bị xếp” vào chủng “loại ba”, tức là chỉ “đối tác toàn diện” (SP) thì thật là quá “khôi hài” và “thật khó coi” đối với Đại sứ Knapper, cho dù Việt Nam có bất cứ thỏa thuận “bí mật” nào đó để xoa dịu lòng tự ái của nước Mỹ và để che dấu tầm quan trọng của Hoa Kỳ đối với Hà Nội trước con mắt xoi mói của Bắc Kinh.

Đại sứ Knapper giao lưu trực tuyến

Phát biểu của Đại sứ Knapper tại buổi giao lưu 2/12 thật nhã nhặn. Ông Knapper khiến những ai đang quan tâm đến bang giao Mỹ – Việt đều cảm thấy lạc quan hơn, khi ông điểm lại những đóng góp của ngoại giao đối với quan hệ đối tác Việt – Mỹ trong quá khứ cũng như tương lai tới đây. Đại sứ Knapper là một nhà ngoài giao đầy năng lượng tích cực, ông không quan niệm bang giao Mỹ – Việt đang gặp bế tắc. Tuy nhiên, sau buổi giao lưu trực tuyến ấy, độc giả cũng chưa hiểu được đâu là những nguyên nhân thực sự dẫn đến tình trạng “blockdown” hiện nay trong quan hệ song phương. Mặc dầu ông Đại sứ có đề cập tới “quan hệ Việt – Mỹ mang tầm chiến lược”, ông cũng nói nhiều về sự phát triển vượt bậc trong quá khứ của mối lương duyên Mỹ – Việt, những ông cũng không cho biết cụ thể, tại những kỷ niệm năm chẵn tới đây trong bang giao, người dân hai nước sẽ được đón chào những sự kiện lớn nào trong quan hệ song phương? Những chuyến thăm bị đình hoãn từ mùa hè đến nay liệu sẽ được nối lại? Khi nào tàu chiến Mỹ sẽ quay lại thăm Cảng Đà Nẵng? Đặc biệt nhất là, sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken xếp Việt Nam vào nhóm nước bị “giám sát đặc biệt” (Special Watch List/ SWL) về tự do tôn giáo, rồi đây Hoa Kỳ có “nâng cấp” xếp Việt Nam vào nhóm nước cần “quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concerns/ CPC)? Đấy là chưa nói, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa nhận hồ sơ (hôm 5/12) đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế ghim dập Việt Nam...

Nhiều người trong giới phân tích ở Việt Nam sốt ruột khi thấy chính sách ngoại giao “đa dạng hoá, đa phương hoá” đang dần dần bị biến chất. Ông Trọng được đánh giá là người thân Trung Quốc. Theo báo chí Trung Quốc cho biết, ông đã từng thăm nước này vào các năm 1992, 1997, 2001, 2003, 2007, trước khi trở thành Tổng bí thư (năm 2011). Sau khi trở thành Tổng Bí thư, ông Trọng cũng đã có chuyến thăm Trung Quốc ngay trong năm 2011. Ngoài ra, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng có các chuyến thăm khác tới Bắc Kinh trong cương vị Đảng trưởng vào các năm 2015, 2017 và lần mới đây nhất, 2022. Và cùng với những chuyến đi ấy là ông đã ký hàng chục – hàng chục các thỏa thuận và hiệp định về nhà nước, mà người dân không bao giờ biết được, đó là những thỏa thuận gì? Ông Trọng cũng không gặp bà PTT Kamala Harris, khi bà sang thăm Việt Nam. Mặc dù các lãnh đạo của ĐCSVN luôn tuyên bố là “Việt Nam không chọn bên, chỉ chọn chính nghĩa”, nhưng đối với các quốc gia giả danh “cộng sản” như Trung Quốc, Việt Nam thì thế giới không chỉ nghe các tuyên bố, mà thiên hạ còn phải nhìn vào các hành động cụ thể. Nhìn vào các hành động của các lãnh đạo ĐCSVN thì có thể thấy, chiều hướng nghiêng hẳn về phía Trung Quốc là hiển nhiên. Trong khi các nước ASEAN cùng hội với Việt Nam như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Camphuchia… đang chéo lái con thuyền ngoại giao của họ gần gũi hơn với nhân loại tiến bộ.

Mỹ và Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đại sứ Knapper liệu còn phải “lên giây cót tinh thần” bao nhiêu lần nữa cho nhau và cho các doanh nghiệp cũng như công chúng ở mỗi nước? Đến bao giờ mới dỡ bỏ được những trở ngại chính để “nâng cấp” quan hệ song phương lên tầm “đối tác chiến lược” (CP) hay “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) như quan hệ giữa Mỹ với ASEAN hiện nay? Ngày 5/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tiếp cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak, hiện là Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) cùng các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đã đánh giá cao và cảm ơn vai trò và hoạt động tích cực của USABC trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ, đồng thời cảm ơn sự ủng hộ và hợp tác của các tập đoàn với các đối tác Việt Nam thời gian qua, góp phần tích cực vào sự phát triển của Việt Nam nói chung và quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nói riêng. Phải chăng, với vai trò một trong những người cầm chịch, do cả chủ quan lẫn khách quan, ông Chính chưa thể nói được một cách rạch ròi như tân Tổng thống Philippines Marcos Jr. “Chúng tôi không thể hình dung tương lai của mình mà lại thiếu Hoa Kỳ”. Để nói được một câu súc tích và lưu loát như thế, chắc chắn ngoài việc “chữa lành” Bộ Ngoại giao, cũng như tổ chức thêm các buổi trực tuyến cho Đại sứ Mỹ, Việt Nam còn cần nhiều thứ khác nữa!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn