Kim loại hiếm : Lòng đất Canada, chiến trường mới giữa Mỹ và Trung Quốc

Thứ Bảy, 03 Tháng Mười Hai 20228:00 SA(Xem: 1552)
Kim loại hiếm : Lòng đất Canada, chiến trường mới giữa Mỹ và Trung Quốc

Báo chí Canada hôm Chủ Nhật 13/11/2022 đưa tin quân đội Mỹ muốn đầu tư vào các công ty khai thác quặng mỏ ở Canada. Lầu Năm Góc hy vọng bằng cách đó Mỹ sẽ có thể chống lại điều mà họ xem là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiếm được các nguồn tài nguyên kim loại hiếm, chẳng hạn lithium, nằm sâu trong lòng đất Canada.  

Trong bài viết « Kim loại hiếm : Lòng đất Canada, chiến trường mới giữa Mỹ và Trung Quốc » đăng ngày 14/11, France 24 cho biết trong khi hai nguyên thủ Mỹ - Trung Joe Biden và Tập Cận Bình tay bắt mặt mừng tại thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, với lời hứa « không có chiến tranh lạnh mới », thì quân đội Mỹ đang chuẩn bị lao vào một cuộc tấn công mới nhắm vào Trung Quốc : đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng của Canada.  

Theo đài CBC News của Canada, Lầu Năm Góc muốn huy động một phần của quỹ mới trị giá hàng trăm triệu đô la để thúc đẩy công cuộc khai thác « made in North America » các loại kim loại hiếm hiện giờ đang được tìm kiếm rất nhiều. Sáng kiến ​​nói trên cho thấy rõ ràng lĩnh vực khai khoáng của Canada đang « ở tâm điểm cuộc chiến địa chính trị quy mô cực kỳ lớn » giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm tiếp cận các nguồn tài nguyên chiến lược này.  

Canada, cường quốc về kim loại hiếm trong tương lai ?  

Quả thực, trước Lầu Năm Góc, Bắc Kinh thực sự đã rất quan tâm đến các mỏ kim loại hiếm của Canada. France 24 trích dẫn hãng tin Bloomberg của Mỹ, theo đó « trong 10 năm qua, Trung Quốc đã mua và đầu tư vào 89 công ty của Canada có liên quan đến lĩnh vực khai khoáng ». Gần đây nhất là thương vụ tập đoàn khai khoáng Neo Lithium của Canada đã bị đối thủ Trung Quốc, tập đoàn Zijin Mining, mua lại hồi tháng 02 với giá ước tính khoảng 1 tỷ đô la.  

Đó là một thương vụ mang tính biểu tượng cao vì diễn ra trong bối cảnh xung đột thương mại gia tăng mạnh giữa Bắc Kinh và Washington, đồng minh chính của Canada. The Diplomat, trang mạng về thông tin địa chính trị châu Á, nhận định trong bối cảnh đó, việc tập đoàn Trung Quốc thâu tóm được công ty Canada Neo Lithium « có thể khiến Trung Quốc nghĩ rằng Canada ủng hộ các vụ đầu tư như vậy » mà không màng đến bối cảnh.   

Đối với Bắc Kinh, thì thương vụ nói trên là một tin tốt lành, là dấu hiệu cho thấy không phải tất cả các đồng minh của Washington đều đóng sập cánh cửa trước các nhà đầu tư Trung Quốc, nhất là vì Canada được xem là có thể có tên trên bản đồ thế giới về các loại kim loại hiếm như lithium hoặc coban.  

Trước mắt, Canada vẫn chỉ ở vị thế thứ yếu so với các nhà sản xuất lớn nhất về kim loại hiếm, vốn dĩ là nguồn tài nguyên thiết yếu để chế tạo bình điện xe hơi, bộ trữ năng lượng tái tạo và hàng loạt thiết bị quân sự, trong đó có hệ thống dẫn đường cho tên lửa và rất nhiều lĩnh vực mà Trung Quốc muốn đóng vai trò đầu tầu.  

Zeno Leoni, chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ của Đại học King's College London, nhắc lại là các nước có vai trò quan trọng trong lĩnh vực khai thác kim loại hiếm là Nga, Úc và Trung Quốc. Các nước như Achentina, Congo hay Philippines còn sản xuất nhiều kim loại hiếm hơn Canada. Tuy nhiên, chính quyền Ottawa khẳng định trữ lượng kim loại hiếm của Canada rất cao, có thể đưa nước này vào « sân chơi » của các nước cung cấp lớn trên thế giới về lithium, coban, niken và cesium. Một số tỉnh của Canada, chẳng hạn Ontario, thậm chí đã công bố bản đồ các khu mỏ tiềm năng, giới thiệu Canada như vùng đất chứa đầy đất hiếm.  

Cuộc chiến Ukraina làm hé lộ « mối họa » Trung Quốc  

Trước đây, chiến lược của Trung Quốc là đầu tư đón đầu cuộc tranh giành các nguồn tài nguyên của Canada. Theo chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung, Zeno Leoni, kế hoạch của Bắc Kinh là sử dụng sức mạnh tài chính khiến sau này khi các hoạt động khai khoáng được tiến hành thì Canada sẽ lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế và buộc Canada ngả sang Trung Quốc, thay vì ngả sang Mỹ.   

Washington đã để Bắc Kinh làm như vậy trong suốt một thời gian dài. Ngay cả trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, khi chính quyền Mỹ tuyên bố tiến hành một cuộc « chiến tranh thương mại » với Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn có thể tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng ở Canada.  

Phải đợi đến khi chiến tranh Ukraina nổ ra thì Washington mới tỉnh thức. Khi Nga và Ukraina, vì xung đột, cạn nguồn xuất khẩu các linh kiện thiết yếu, chẳng hạn neon, để phục vụ lĩnh vực chế tạo thiết bị bán dẫn, Hoa Kỳ đã thấy họ lệ thuộc nhiều đến thế nào vào một số nguồn tài nguyên đôi khi do các quốc gia thù địch kiểm soát.  

Riêng về kim loại hiếm, Jean-François Dufour, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc và cũng là nhà đồng sáng lập Sinopole, một trung tâm chuyên về giải mã các chiến lược công nghiệp và chính trị của Trung Quốc, nhắc lại rằng Trung Quốc « đã sản xuất hơn 70% lượng pin lithium trên thế giới ».   

Theo chuyên gia này, các đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực khai khoáng, từ Úc, đến Congo, Achentina và Canada, « chứng tỏ Bắc Kinh muốn kiểm soát toàn bộ dây chuyền ». Và chính điều đó khiến Washington phải « lạnh sống lưng », bởi vì Bắc Kinh « trước đây đã từng sử dụng vũ khí cấm vận đất hiếm để gây sức ép đối với một nước khác ». Đó là vào năm 2010, khi Trung Quốc muốn Nhật Bản chịu khuất phục trong một vụ xung đột về quyền đánh bắt cá ở vùng biển mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền.   

Khi Canada tỏ thái độ cứng rắn trước Trung Quốc  

Chính vì lẽ đó, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực khai khoáng của Canada ngày càng gây nhiều tranh cãi. Và Canada là nước đầu tiên lên giọng cứng rắn với Bắc Kinh. Hồi tháng 10, chính quyền Justin Trudeau đã sửa đổi luật để ngăn chặn các công ty có liên hệ với các chính phủ đầu tư vào các tập đoàn khai khoáng của Canada. Đó là cách Canada nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, bởi hầu hết những công ty và ngân hàng Trung Quốc đầu tư vào nước ngoài đều có liên hệ với chính phủ, dù không công khai. Để thông điệp gửi đi rõ ràng hơn, bộ trưởng Công Nghiệp Canada, François-Philippe Champagne, hồi đầu tháng 11/2022 đã yêu cầu 3 tập đoàn Trung Quốc rút vốn khỏi các công ty khai khoáng của Canada.  

Chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, Jean-François Dufour, lưu ý mối quan tâm của Lầu Năm Góc đối với lĩnh vực khai khoáng của Canada là đầu tư phòng ngừa để ngăn cản tham vọng khai khoáng của Trung Quốc ở Mỹ.   

Và để làm được điều đó, quân đội Mỹ có thể phải sử dụng khoản tiền 500 triệu đô la trong kế hoạch đầu tư vào khí hậu do tổng thống Joe Biden ban hành hồi tháng 08/2022. Kế hoạch này nhằm thúc đẩy lĩnh vực khai thác kim loại hiếm ở Mỹ, vốn dĩ « có vai trò thiết yếu đối với các công nghệ trọng tâm để phát triển bền vững ». Nhà Trắng đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, một đạo luật có từ năm 1950, cho phép quân đội Mỹ đầu tư trực tiếp để tăng cường năng lực sản xuất như đang ở thời chiến. Đài CBC News nhắc lại đạo luật này « cũng liên quan đến Canada, bởi vì Canada từ nhiều thập niên nay là ‘căn cứ công nghiệp quân sự’của Mỹ ».   

Hiện giờ, đây là một cách phòng thủ của Mỹ để hất Trung Quốc ra khỏi các mỏ tiềm năng trong tương lai của Canada. Thế nhưng, Lầu Năm Góc cũng đã đề nghị Quốc Hội Mỹ cho phép họ đầu tư trực tiếp vào hoạt động khai thác kim loại hiếm ở Úc và Anh. Chuyên gia Zeno Leoni nhấn mạnh là có thể Mỹ cũng muốn « lập một liên minh quốc tế để phá vỡ thế gần như độc quyền của Trung Quốc về các loại đất hiếm », và nếu làm được như vậy, Washington « sẽ buộc Bắc Kinh phải xét lại toàn bộ chiến lược phát triển công nghệ » của Trung Quốc. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn