Ben Tobias

BBC News

Hàng triệu người dân Ukraine đang bị mất điện, theo lịch trình hoặc đột xuất

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Hàng triệu người dân Ukraine đang bị mất điện, theo lịch trình hoặc đột xuất

Các cuộc tấn công thường xuyên và rộng khắp của Nga vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine đã khiến hàng triệu người chìm trong bóng tối, bị tước đi hơi ấm, điện và nước vào thời điểm mùa đông đang đến và nhiệt độ xuống dưới 0 độ C.

Nhiều nhà lãnh đạo Ukraine và phương Tây đã nhanh chóng lên án các cuộc tấn công này là tội ác chiến tranh vì gây thiệt hại cho dân thường. Nhưng tấn công vào mạng lưới điện từ lâu đã là một phần của chiến tranh – vậy chiến lược của Nga có vi phạm luật quốc tế không?

Với vài hạn chế nhất định, một số phần của lưới điện một quốc gia có thể được xem là mục tiêu hợp pháp nếu được dùng để cung cấp năng lượng cho các cơ sở quân sự.

Điều này đúng ngay cả khi các mục tiêu có mục đích dân sự lẫn quân sự, miễn là việc tiêu diệt “mang lại lợi thế quân sự nhất định”.

Cơ sở hạ tầng năng lượng của Iraq bị lực lượng Hoa Kỳ tấn công năm 1991 – chiến lược này bị chỉ trích nặng nề. Các lực lượng NATO cũng nhắm mục tiêu vào lưới điện của Serbia năm 1999. Trong cả hai trường hợp, dân thường đều bị ảnh hưởng do mất điện.

Trên thực tế, có những lúc vô hiệu hóa một cơ sở quân sự bằng cách tắt nguồn cung cấp năng lượng sẽ tốt hơn là tấn công trực tiếp bằng tên lửa hay đạn pháo.

“Liệu tôi có muốn tước điện của một số dân thường trong một khoảng thời gian giới hạn không, thay vì có thể rủi ro giết phải dân thường vì dùng vũ khí động năng? Vâng, tôi thà như vậy”, Michael Schmitt – giáo sư danh dự tại Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ – nói với BBC.

Nga phủ nhận cố ý nhằm vào dân thường và tìm cách biện minh cho các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine là tấn công vào “hệ thống chỉ huy quân sự của Ukraine và các cơ sở năng lượng liên quan”, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng ngày 18/11.

Tuy nhiên, ngay cả khi một mục tiêu là mục tiêu quân sự hợp pháp, vẫn có giới hạn về thời điểm và cách tấn công.

“Nhà nước có nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế để chọn một mục tiêu hoặc chiến thuật ít gây thiệt hại cho dân thường. Ít tử vong và ít thương tích, nhưng vẫn đạt được lợi thế quân sự”, Tiến sĩ Maria Varaki từ Bộ Nghiên cứu Chiến tranh của King’s College nói với BBC.

Tử vong và thương tích của dân thường do các cuộc tấn công vào mục tiêu quân sự không nhất thiết vi phạm luật pháp quốc tế. Nhưng phải áp dụng nguyên tắc tương ứng, tức là tác hại với thường dân không nên quá mức so với lợi thế quân sự đạt được. Các bên phải “rất thận trọng” để không đụng tới dân thường và tài sản dân sự.

Ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, sau các vụ tấn công thành phố tháng 11, 10 triệu người không có điện và một nửa công suất điện của nước này đã bị cắt. Ông nói thêm rằng sáu triệu người không có điện vào tối thứ Năm.

Giáo sư Schmitt nói, tới một điểm nào đó, “tổn hại dân sự là quá nghiêm trọng để có thể bóp cò”.

Chụp lại hình ảnh,

Ukraine về đêm

Kiểu lợi thế nào đạt được sau tấn công cũng là một yếu tố để xem xét có vi phạm luật nhân đạo quốc tế không.

“Làm con người mất tinh thần hay khủng bố con người không được xem là một lợi thế quân sự có thể chấp nhận”, Tiến sĩ Varaki giải thích. Trên thực tế, điều ngược lại mới đúng: “Khủng bố thường dân thường bị coi là tội ác chiến tranh.”

Ngoài chuyện khăng khăng họ chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự, Điện Kremlin cũng ám chỉ họ tấn công vì một mục đích khác – thuyết phục Kyiv đàm phán.

“Chuyện Ukraine không sẵn lòng giải quyết vấn đề, bắt đầu đàm phán, cách họ từ chối tìm tiếng nói chung – đây là hậu quả”, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Một lực lượng tấn công có thể hy vọng làm giảm tinh thần kẻ thù khi phá hủy lưới điện dân sự, nhưng điều đó không đủ để biện minh theo luật pháp quốc tế. Phải có một lợi thế quân sự cụ thể trước khi một vụ tấn công được xem là hợp pháp.

Chỉ riêng quy mô và phạm vi của các vụ tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine đã cho thấy không thể biện minh mọi vụ tấn công bằng cách đó, Giáo sư Schmitt nói.

Là một cựu sĩ quan của Không quân Hoa Kỳ, Giáo sư Schmitt cũng nghi ngờ Nga xác nhận đầy đủ mọi đối tượng họ tấn công – một yêu cầu khác của luật nhân đạo quốc tế.

“Bạn không thể tiến hành một loạt chiến dịch với cường độ và tần suất như vậy khắp toàn quốc và đã hoàn thành thẩm tra tất cả mọi mục tiêu như yêu cầu”, ông nói.

Với ý đó, Giáo sư Schmitt tin rằng giờ đây đã “khá rõ ràng” là động cơ chính của Nga, ít nhất trong một số vụ tấn công, là để “khủng bố người dân”.

Tiến sĩ Varaki nói, bất kể lý do gì để Nga nhắm vào lưới điện, họ cũng chưa thể hiện cam kết giảm thiểu thiệt hại cho dân thường.

“Bạn có thể thấy là nhìn chung quân đội Nga không thực sự quan tâm là có thường dân chết”, bà nói.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ukraine cho biết hơn 200 phần khác nhau của cơ sở hạ tầng năng lượng đã bị tấn công

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, tính đến ngày 28/11, Nga đã tấn công hơn 200 mục tiêu riêng biệt liên quan đến cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Hàng triệu người không có điện và ở hơn chục khu vực, sử dụng điện bị hạn chế.

Mặc dù vậy, Giáo sư Schmitt nói nếu Nga hy vọng làm mất tinh thần dân chúng, chiến thuật này khó hiệu quả.

“Về mặt lịch sử, không có lý do gì để tin rằng tinh thần người Ukraine sẽ suy sụp… [Putin] đang củng cố thêm quyết tâm chống lại Nga và tiếp tục chiến đấu. Đây là tính toán sai lầm về chiến lược.”

Vậy Nga có vi phạm luật pháp quốc tế không? Bất kỳ quy trình pháp lý nào trong tương lai sẽ trước tiên xem xét số lượng lớn các mục tiêu có thể xem là mục tiêu quân sự hợp pháp hay không.

Ngay cả khi câu trả lời là có, thiệt hại gây ra cho dân thường không nên quá lớn so với lợi thế cụ thể đạt được. Và lợi thế đó phải là lợi thế quân sự – khủng bố người dân không phải là lý do chính đáng để tiến hành tấn công.

Nga và Ukraine đều có tham gia Nghị định thư bổ sung I của Công ước Geneva, trong đó có xác định các quy tắc này. Vẫn còn phải xem liệu Nga có bao giờ phải giải thích những hành động của mình có tuân thủ các quy tắc hay không.