• Bryan Lufkin
  • Biên tập từ chương trình radio Business Daily của BBC Thế giới vụ

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Thường thì cha mẹ nuôi con từ nhỏ cho tới lúc lớn khôn, trưởng thành. Vậy đến lúc gặp khó khăn hay khi vào tuổi xế chiều, họ có quyền trông đợi gì từ con cái không?

Lamees Wajahat sống cùng với cha mẹ ở vùng ngoại ô bang Ontario, Canada. Cô đang trong độ tuổi hai mươi và làm một công việc đòi hỏi có tính chất sáng tạo.

Suốt gần bốn năm qua, cô là người duy nhất kiếm tiền trong nhà bởi bố mẹ cô đều không có việc làm.

Khoảng mươi năm trước, bố mẹ Wajahat, người gốc Pakistan, đã di cư từ Dubai đến Canada với mong muốn để con cái được hưởng một nền giáo dục tiên tiến. Nhưng họ khó khăn về tài chính: người mẹ ở nhà nội trợ, còn ông bố thì không kiếm được việc.

Cô nói lần đầu tiên bố mẹ hỏi tiền là khi cô mới 18, 19 tuổi.

"Tôi chết lặng," cô nói. Khi đó, cô mới chỉ đang làm việc bán thời gian ở một tiệm kem. "Trong nhà giờ chỉ mình con có việc làm," mẹ cô nói với cô. "'Con biết hoàn cảnh nhà mình giờ như nào rồi đấy. Con cần đóng góp khi có thể'."

Cô nói cô bắt đầu thỉnh thoảng đưa cho mẹ 100 đô la Canada (77 đô la Mỹ). Nhưng nay thì Wajahat mỗi tháng đưa bố mẹ 450 đô la.

Đầu tiên thì cô cảm thấy ấm ức vì phải bớt một phần tiền lương cho gia đình. "Tôi vốn quen với cuộc sống vô tư lự khi còn ở Dubai. Thật ngây thơ khi tôi cho rằng bố mẹ sẽ luôn chu cấp đầy đủ cho con cái. Tôi bị tổn thương vì tôi chưa bao giờ nghĩ rằng lại có ngày mình phải đưa tiền cho bố mẹ."

Ở các quốc gia phương Tây, luật bất thành văn giữa các thế hệ trong gia đình là con cái khi trưởng thành sẽ rời khỏi nhà và độc lập tài chính. Tuy nhiên, một số bạn trẻ giành chi trả cho các hóa đơn chi tiêu của bố mẹ.

Wajahat nói hầu hết bạn bè cảm thấy việc cô đưa tiền cho bố mẹ thật kỳ cục, nhưng cô biết mình không phải người duy nhất đang làm vậy. Cô hiểu rằng ở những nước như Canada, bạn "trở thành người trưởng thành ngay khi vừa tròn 18 tuổi", bạn sẽ tách ra ở riêng và tự chủ tài chính.

Dần dần, cô cũng chấp nhận việc đóng góp tài chính cho bố mẹ là một phần trong cuộc sống, mặc dù điều đó đồng nghĩa rằng cô phải từ bỏ các khoản chi tiêu xa xỉ cho chính mình. "Tôi cảm thấy lạc quan về tương lai, trong gia đình tôi việc chu cấp cho bố mẹ là hợp lẽ thường tình và không ai cảm thấy là mình phải hỏi xin gì cả," cô nói.

Sarah Harper là giáo sư ngành lão khoa hiện đang điều hành Viện về Dân số Lão hóa thuộc Đại học Oxford.

Theo bà, việc con cái phụng dưỡng bố mẹ không phải điều gì mới mẻ; ngược lại đó là điều đã diễn ra từ lâu, chỉ là thông qua những phương thức mà người ta không nhìn thấy một cách rõ ràng mà thôi.

"Những người trưởng thành không nhất thiết phải đưa tiền tận tay cho bố mẹ - họ làm việc đó qua việc đóng thuế," Giáo sư Harper nói - những khoản được dùng để chi trả cho người cao tuổi qua hình thức tiền hưu bổng hoặc qua hệ thống an sinh quốc gia.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tuy nhiên, quỹ phúc lợi của các nước trên thế giới đang co lại trong bối cảnh nền tài chính công suy yếu và chủ nghĩa dân túy trỗi dậy, trong lúc tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên và đại dịch Covid-19 tàn phá các nền kinh tế.

Vậy nên hiện giờ mối quan tâm mới là sắp tới các thế hệ trong một gia đình sẽ hỗ trợ lẫn nhau về mặt tài chính như thế nào cho hợp lý.

Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi về việc ai nên chu cấp cho ai, chu cấp nhiều hay ít.

Thường thì người có kinh nghiệm 'dày dạn' nhất sẽ gánh vác trách nhiệm này. Có một tâm lý chung, đó là coi Thế hệ Thiên niên kỷ (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ đầu thập niên 1980 cho đến giữa thập niên 1990) là lớp người phải trải qua những giai đoạn khó khăn hơn so với bố mẹ, và theo logic thì cha mẹ họ, thường sẽ là những người thuộc Thế hệ Bùng nổ Trẻ sơ sinh (những người sinh ra trong khoảng từ 1946 đến 1964) nên là người nắm giữ hầu bao gia đình.

Song Giáo sư Harper tin chắc rằng quan niệm Thế hệ Thiên niên kỷ thường không khá giả bằng cha mẹ họ là hoàn toàn sai, và những người trẻ tuổi ngày nay không hề có ít cơ hội hơn cha mẹ để có thể thành đạt.

"Họ có nhiều, cực kỳ nhiều cơ hội là đằng khác. Nói đến cơ hội thì thời ông bà bố mẹ chúng ta không thể so sánh nổi," bà nói.

"Ví dụ trong gia đình tôi, gần như suốt cả cuộc đời bà tôi không có quyền bỏ phiếu bầu cử. Bạn bè bà có nhiều người chết trong khi sinh nở. Bà không được học hành. Mẹ tôi thì không học đại học. Nhưng cả ba người con của tôi đều tốt nghiệp đại học với trình độ học vấn cao, đó là điều mà tôi trông đợi ở chúng, cũng như bao bậc phụ huynh khác trông đợi ở con cái họ vậy."

Do vậy, một mặt thì có lẽ không có gì đáng bàn cãi khi cho rằng Thế hệ Thiên niên kỷ vốn đang sống khá tiện nghi ở các nước phương Tây nên chu cấp cho cha mẹ già.

Mặt khác, cũng như bất kỳ mối quan hệ tài chính nào khác, Giáo sư Harper cho rằng chúng ta nên thay đổi cách nghĩ về việc nghĩa vụ hỗ trợ lẫn nhau trong gia đình nên đến từ hai chiều.

Ví dụ, các bậc phụ huynh thời nay có thể cần phải lập kế hoạch tài chính để phải làm việc lâu hơn, nghỉ hưu ở độ tuổi già hơn so với họ nghĩ trước đây.

Trong hai thập kỷ qua, nhiều người thuộc Thế hệ Bùng nổ Trẻ sơ sinh ở các nước phát triển với nền kinh tế vững chắc sống khỏe mạnh hơn, sung túc hơn và có tuổi thọ cao hơn so với các thế hệ trước.

"Việc phải tự chịu trách nhiệm cho tuổi già của mình đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều quốc gia có thu nhập cao, bên cạnh mối ràng buộc phụng dưỡng truyền thống trong gia đình," Giáo sư Harper nói.

Bà cho rằng các thế hệ lớn tuổi "càng làm việc lâu hơn thì chúng tôi [thế hệ con cái họ] càng tiết kiệm được nhiều hơn. Có lẽ chúng tôi nên đóng góp theo những cách khác, có thể là thông qua bảo hiểm hoặc trả các khoản thuế cụ thể để sử dụng riêng cho người cao tuổi".

Theo giáo sư, đó là mô hình mà nhiều quốc gia phát triển đang áp dụng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tuy nhiên, Giáo sư Harper nói rằng chúng ta rốt cuộc không nên coi đây là một cuộc xung đột giữa các thế hệ, hay là tranh cãi về việc gánh nặng gia đình sẽ đặt lên vai người nào. Có lẽ vấn đề lớn nhất mà chúng ta cần giải quyết không phải là ai là người phải trang trải chi tiêu cho gia đình mà là liệu các gia đình có thể tự nuôi sống chính họ hay không.

Nhìn chung, trong thời Covid-19, nhiều gia đình đột nhiên trở nên túng thiếu. Đây vốn là thực trạng từ trước đại dịch, và xu hướng bất bình đẳng về mặt kinh tế kể từ khi dịch bùng nổ lại càng gia tăng. "Sự chia rẽ giữa các nhóm kinh tế xã hội đã trở nên sâu sắc hơn rất nhiều," Harper nói.

Bà ghi nhận rằng có nhiều người trên thế giới thuộc tầng lớp trung lưu nhận được sự hỗ trợ cả về tài chính lẫn tinh thần từ gia đình, cho dù đó là cha mẹ hỗ trợ cho con cái đã trưởng thành hay ngược lại. Nhưng hiện ngày càng có nhiều gia đình với những thành viên không thể giúp đỡ lẫn nhau.

"Nếu bạn thuộc nhóm đang ngày càng đông những người trẻ tuổi có cha mẹ nghèo và có thể là không được học hành đầy đủ, thì khi bước vào độ tuổi 20 đến 30, sẽ không có ai làm chỗ dựa an toàn cho bạn cả," bà nói. "Tại ngay trong nước Anh, đó là khoảng cách giàu - nghèo to lớn mà tôi cho là chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận," Giáo sư Harper nói.

Bà cũng cho rằng Covid-19 - vốn là mối nguy hiểm có thật đối với người cao tuổi - đã thách thức phần nào bản tính tự mãn của thế hệ trẻ, và khiến họ "nhận thức rõ ràng hơn nhiều về sự mong manh yếu đuối của cha mẹ họ".

"Tôi nghĩ rằng chúng ta đã chứng kiến rất nhiều hành động chăm sóc thực sự giữa các thế hệ trong gia đình trong những tháng qua."

Tình hình trên có thể tiến triển nhanh chóng, nhất là khi dịch Covid-19 tiếp tục làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế.

Đối với Lamees Wajahat, đó là cách sống 'chúng ta cùng nhau vượt qua' mà cô và gia đình đã thích nghi, cho dù là có đại dịch xảy ra hay không.

Việc đóng góp tài chính cho bố mẹ đã giúp Lamees Wajahat suy nghĩ lại về vai trò của mình trong gia đình với tư cách là một người trưởng thành. "Khi tôi tiếp tục việc chu cấp cho bố mẹ và nhận ra mình cần gạt bỏ cái tôi ích kỷ, tôi không còn ấm ức nữa. Đúng hơn là tôi cảm thấy hãnh diện."