• Jonathan Head
  • Phóng viên khu vực Đông Nam Á

U.S. President Joe Biden (C) with (L-R)Dato Lim Jock Hoi, Prime Minister of Vietnam Pham Minh Chinh, Prime Minister of Thailand Prayut Chan-o-cha, Prime Minister of Cambodia Hun Sen, Sultan of Brunei Haji Hassan, President of Indonesia Joko Widodo, Prime Minister of Singapore Lee Hsien Long, Prime Minister of the Lao Peoples Democratic Republic Phankham Viphavan, Prime Minister of Malaysia Dato Sri Ismail Sabri bin Yaakob and Secretary of Foreign Affairs of the Philippines Teodoro Locsin.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Biden chủ trì cuộc gặp lịch sử với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Nhà Trắng vào tháng 5/2022

Không ở đâu chính sách đối ngoại lấn lướt của Tập Cận Bình lại có nhiều ảnh hưởng hơn ở Đông Nam Á, sân sau của Trung Quốc.

Nhưng khi sức mạnh của Trung Quốc lớn dần, sự bất an của Mỹ cũng lớn dần. Và sau nhiều năm lưỡng lự, nay Mỹ đang cố gắng tham gia nhiều hơn vào khu vực này.

Khi tham dự thượng đỉnh thường niên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (Asean) tuần này tại Campuchia, Tổng thống Biden trở thành lãnh đạo đầu tiên của Mỹ thực hiện một chuyến công du như vậy kể từ 2017. Và sau đó ông Biden sẽ đi Indonesia, một nước quan trọng khác trong khu vực, nơi ông đã lên kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trước khi cả hai ông tham dự thượng đỉnh G20.

Nhưng Mỹ nay đang hoạt động trong một môi trường ngoại giao khúc khuỷu hơn trước đây.

Asean, vốn từng được coi là quan trọng cho ngoại giao ở châu Á - Thái Bình Dương, đã phải vật lộn để duy trì sự hiệu quả trong một thế giới ngày càng phân cực. Asean đã tự coi mình như một khu vực hòa bình và trung lập, nơi 10 nước thành viên tìm kiếm sự đồng thuận, tránh chỉ trích lẫn nhau và được tự do hợp tác với các nước khác. Một ban thư ký Asean nhỏ và yếu, và thiếu các quy trình để buộc các thành viên thực thi các quyết định, phản ánh tư duy này.

Tư duy này hoạt động hiệu quả trong khi có sự đồng thuận chung trên toàn cầu, do Mỹ là nước dẫn dắt, giúp thúc đẩy thương mại và tăng trưởng.

Nhưng việc Trung Quốc gia nhập thị trường toàn cầu và ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng từ đầu những năm 2000 xảy ra đồng thời với thời điểm Mỹ giảm quan tâm ở khu vực Đông Nam Á và thay vào đó tập trung vào Trung Đông.

Trung Quốc bắt tay vào một cuộc tấn công quyết rũ ở Đông Nam Á, theo phương châm của cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông 'ẩn mình chờ thời'. Nhưng dưới thời Tập Cận Bình, hiện đã lãnh đạo Trung Quốc 10 năm, sức mạnh của Trung Quốc đã không còn 'ẩn' nữa.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Tập với ông Biden vào năm 2012, khi ông Biden là phó tổng thống Hoa Kỳ

Trong thập kỷ qua, việc Trung Quốc chiếm đóng và phát triển sức mạnh quân sự ở các đảo đá trên Biển Đông đã đặt nước này vào các cuộc xung đột trực tiếp với các nước cũng khẳng định chủ quyền ở vùng biển này, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Các nỗ lực của Asean để Trung Quốc đồng thuận với một 'Bộ quy tắc ứng xử' ở Biển Đông chẳng đi đến đâu. Bắc Kinh chỉ đơn giản dừng đối thoại trong 20 năm qua. Nước này cũng bác bỏ phán quyết năm 2016 của tòa quốc tế rằng "các khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là không hợp lệ".

Trung Quốc cũng né tránh các vấn đề gây ra bởi việc nước này xây đập quy mô lớn trên sông Mekong.

Nhưng các quốc gia làm nên Asean đang ở vào một vị thế khó khăn. Thứ nhất, Trung Quốc là nước rất quan trọng về mặt kinht ế, và rất hùng mạnh về quân sự, đến nỗi ít ai dám công khai đối đầu. Thậm chí ở Việt Nam, nước có chiến tranh với Trung Quốc 43 năm trước và nơi tinh thần bài Trung rất mạnh mẽ, đảng cộng sản cầm quyền rất thận trọng khi đối phó với nước láng giềng khổng lồ. Họ có chung đường biên giới dài, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và là một mắt xích sống còn trong chuỗi cung ứng giúp Hà Nội cạnh tranh với thế giới về mặt xuất khẩu.

Thứ hai, Trung Quốc đã phá hủy sự thống nhất của Asean một cách hiệu quả bằng cách nhắm vào các nước nhỏ như Lào và Campuchia, nơi hiện nay phụ thuộc vào sự hào phóng của Bắc Kinh đến nỗi họ ít nhiều trở thành các nước khách hàng. Điều này thậm chí đã rõ ràng ngay cả vào năm 2012, khi Campuchia nắm giữ ghế chủ tịch luân phiên Asean và đã chặn một tuyên bố cuối cùng chỉ trích quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông.

Trong khi sự cảnh giác của Asean với Trung Quốc nghe có vẻ như là một tin tốt cho Mỹ, sự thật là các quốc gia Đông Nam Á cũng tỏ ra mất thiện cảm với Washington.

Họ thấy đây là một đối tác không đáng tin cậy, quá bận tâm đến nhân quyền và dân chủ. Mỹ đã buộc Đông Nam Á chấp nhận các cách thức kinh tế cực kỳ không được ưa chuộng và cứng rắn sau cuộc khủng hoảng tài chính của châu Á vào năm1997, gần như hoàn toàn tan rã trong cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống George Bush, và kể từ đó đã chuyển từ chính sách 'xoay trục' sang châu Á của Tổng thống Obama, sang cách tiếp cận hẹp của Donald Trump với cái mà ông gọi là các thực hành thương mại không công bằng của châu Á.

Việc Mỹ ngày nay tập trung vào liên minh Quad với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã làm Asean suy yếu, khiến họ cảm thấy bế tắc giữa hai cường quốc lớn. Và việc Washington sẵn sàng thách thức Trung Quốc ở châu Á khiến các nước Asean sợ hãi, bởi vì họ có nhiều điều để mất từ một cuộc xung đột giữa các siêu cường.

Với các cách tiếp cận đó, không chính quyền Mỹ nào sẵn sàng theo đuổi các hiệp định tự do thương mại - và điều đó chắc chắn làm hỏng thỏa thuận với Đông Nam Á - khu vực có lẽ là phụ thuộc nhất vào thương mại trên thế giới.

Mối quan hệ với Trung Quốc, mặt khác, đã dẫn đến một khối thương mại lớn nhất thế giới liên kết Asean, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Thậm chí Indonesia, nước lớn nhất Asean và với chính sách đối ngoại hoài nghi Trung Quốc nhất trong khu vực, dưới thời Tổng thống Joko Widodo đã ráo riết tìm kiếm đầu tư, các khoản vay và công nghệ Trung Quốc.

Mỹ có thể cảm thấy thoải mái khi biết rằng Asean vẫn sẽ giao thương với các cường quốc khác càng nhiều càng tốt - như một cách đối trọng với Trung Quốc. Và Trung Quốc khó có thể có các đồng minh quân sự thân cận tại đây, giống như cách Mỹ làm ở Nhật Bản và Úc.

Nhưng tất cả các nước Asean - ở các mức độ khác nhau - hiện đều chấp nhận rằng Trung Quốc sẽ là cường quốc thống trị ở khu vực này và là nước không sẵn sàng nhượng bộ khi quyền lợi của họ bị đe dọa.

Một câu hỏi cho Biden: Có quá muộn để Mỹ định hình lại các liên minh ở sân sau của Trung Quốc?