Con người sẽ chết như thế nào trên các hành tinh khác?

Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Một 20225:00 SA(Xem: 1224)
Con người sẽ chết như thế nào trên các hành tinh khác?

Ngoài Trái Đất, các hành tinh còn lại trong hệ Mặt Trời không mấy "thân thiện" với áp suất cực lớn, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.

Ảnh chụp sao Thủy của tàu vũ trụ MESSENGER. Ảnh: NASA/Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins/Viện Carnegie Washington

Ảnh chụp sao Thủy của tàu vũ trụ MESSENGER. Ảnh: NASA/Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins/Viện Carnegie Washington

Tưởng tượng chuyến ghé thăm đến hành tinh khác trong hệ Mặt Trời là một trong những đề tài nổi bật của khoa học viễn tưởng suốt nhiều thập kỷ. Nhưng đến nay, con người mới chỉ sinh sống được trên Trái Đất.

"Con người cần oxy để thở. Khí quyển Trái Đất ngày nay chứa 20% oxy. Nếu thiếu oxy trong không khí, con người sẽ chết ngạt trong khoảng 7 phút", Jennifer Glass, phó giáo sư tại Trường Khoa học Khí quyển, Trái Đất và Khoa học Sinh học thuộc Viện Công nghệ Georgia, nói.

Nếu không có đủ oxy ở bất cứ nơi nào khác trong hệ Mặt Trời, cái chết sẽ đến nhanh chóng. Sự khác biệt duy nhất giữa các hành tinh là liệu nhiệt độ hoặc áp suất có lấy mạng con người nhanh hơn hay không. Dưới đây là những dự đoán về cái chết của con người nếu không có thiết bị hỗ trợ khi đáp xuống các hành tinh và mặt trăng trong hệ Mặt Trời.

Sao Thủy

Chỉ riêng việc sao Thủy ở gần Mặt Trời nhất cũng đã cho thấy đây không phải là hành tinh "hiếu khách". Ở phía đối mặt với Mặt Trời, nhiệt độ sao Thủy có thể lên đến 430 độ C. Trong khi đó, ở phía tối, nhiệt độ giảm mạnh xuống -180 độ C. Nguyên nhân là sao Thủy gần như không có khí quyển để giữ nhiệt.

Do đó, cái chết ở phía lạnh của sao Thủy sẽ tương tự cái chết ngoài không gian, có thể kết thúc trong vài phút. "Nếu ở bên nóng, bạn sẽ bị thiêu cháy trong vài giây, đồng thời ngạt thở và toàn bộ nước bốc hơi khỏi cơ thể", Glass nói.

Sao Kim

Về tỷ lệ, đây là hành tinh giống Trái Đất nhất trong hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, khí quyển dày gây ra hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ bề mặt sao Kim lên đến khoảng 465 độ C, theo NASA. Khí quyển dày cũng đồng nghĩa áp lực trên bề mặt sẽ gây chết người. Ngoài ra, hành tinh này còn có những đám mây axit sulfuric.

"Trong khi vật lộn để thở, bạn cũng sẽ bị thiêu cháy vì nhiệt độ cực cao và axit trong vài giây. Đó sẽ là một cái chết nhanh chóng nhưng rất khủng khiếp", Glass nhận xét.

Mô phỏng căn cứ của con người trên sao Hỏa. Ảnh: NASA

Mô phỏng căn cứ của con người trên sao Hỏa. Ảnh: NASA

Sao Hỏa

Có lẽ bề mặt sao Hỏa có điều kiện dễ sống sót nhất so với bất cứ nơi nào khác trong hệ Mặt Trời, trừ Trái Đất, với mức nhiệt 21 độ C dễ chịu vào mùa hè, dù mức nhiệt tại các cực xuống tới -143 độ C. Tuy nhiên, kể cả khi đáp xuống xích đạo sao Hỏa vào mùa hè, con người cũng sẽ không sống sót lâu. Khí quyển sao Hỏa gần như là CO2 nguyên chất.

"Nếu CO2 tích tụ trong máu khi bị ngạt, con người sẽ trải qua cảm giác khó thở căng thẳng trước khi mất ý thức, sau đó chết ngạt. Nếu máu bị làm loãng do hít thở loại khí không có CO2, ví dụ như hydro, heli, nitơ, methane... người đó sẽ mất ý thức trong vài giây mà không cảm thấy khó thở. Dù bớt đau đớn hơn, cái chết vẫn sẽ xảy ra trong khoảng vài phút vì thiếu oxy", Glass cho biết.

Như vậy, cái chết trên sao Hỏa có thể kéo dài hơn so với những nơi khác trong hệ Mặt Trời và đi kèm với thời tiết cực lạnh.

Sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương

Về cơ bản, con người sẽ trải qua quá trình chết tương tự nhau ở những hành tinh khí khổng lồ của hệ Mặt Trời. Quá trình này cũng tùy thuộc vào vị trí hạ cánh trên mỗi hành tinh vì chúng không có bề mặt.

Nếu đáp xuống trung tâm của một hành tinh khí khổng lồ, con người sẽ lập tức mất mạng, thậm chí nhanh đến mức không kịp cảm nhận. Ví dụ, lõi sao Thổ được cho là có mức nhiệt khoảng 8.300 độ C và áp suất ở lõi sao Mộc cao đến mức giống như có 160.000 chiếc ôtô xếp chồng lên nhau trên cơ thể.

Trải nghiệm khi hạ cánh trên những đám mây sẽ hơi khác, nhưng con người vẫn sẽ mất mạng. Mức nhiệt ở đây dao động từ -110 độ C trên sao Mộc đến -200 độ C trên sao Hải Vương.

"Không có nền đất rắn trên các hành tinh khí khổng lồ. Vì thế, bạn sẽ rơi xuyên qua cho đến khi bị đè bẹp dưới áp suất cực lớn. Bạn sẽ chết trước khi chạm tới lõi", Glass nói.

"Khí quyển của hành tinh khí khổng lồ gồm hydro, một chút heli, methane, nước và rất ít CO2. Do đó, ít nhất khi bị đóng băng và ép chết, bạn sẽ mất ý thức một cách nhẹ nhàng hơn, không chật vật do lượng CO2 cao như trên sao Kim và sao Hỏa", ông bổ sung.

Các mặt trăng

Con người cũng sẽ chết trên tất cả các mặt trăng của hệ Mặt Trời. Ngoài việc không thể thở, con người cũng có thể trải nghiệm cảm giác tắm trong bức xạ khi đi qua các đường sức từ của sao Mộc trên mặt trăng Europa, bị đóng băng nhanh chóng trong hồ methane và ethane trên mặt trăng Titan, hoặc bị một mạch phun băng giá trên mặt trăng Enceladus thổi văng ra không gian, theo Betül Kaçar, giáo sư từ Trung tâm Tiến hóa và Sự sống Sơ khai NASA tại Đại học Wisconsin.

Thu Thảo (Theo Newsweek)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn