Trương Nhân Tuấn - Trung Quốc muốn gì khi khoe vũ khí nhiệt hạch để chống lại Starlink ?

Chủ Nhật, 30 Tháng Mười 202210:00 SA(Xem: 1506)
Trương Nhân Tuấn - Trung Quốc muốn gì khi khoe vũ khí nhiệt hạch để chống lại Starlink ?

starlink_01 

Đọc báo nước ngoài sáng nay thấy có bài nói về Starlink lên tiếng báo động việc Trung Quốc lên kế hoạch thí nghiệm vũ khí nhiệt hạch để tiêu diệt hệ thống vệ tinh của Elon Musk.

Bài báo nói rằng Trung Quốc đã theo dõi kỹ chiến tranh Ukraine và ý thức được sự lợi hại của hệ thống vệ tinh Starlink đã giúp cho quân Ukraine áp đảo quân Nga như thế nào. Lo ngại của Trung Quốc là Starlink có thể làm việc tương tự để giúp cho Đài Loan (trong trường hợp Đài Loan bị phong tỏa, đường cáp quang internet nối với thế giới bên ngoài bị cắt đứt).

Trung Quốc dự trù sẽ cho nổ một trái bom nhiệt hạch (thermonucléaire) tầm công phá khoảng 10 Mt (tương đương mười triệu tấn TNT), ở tầng khí quyển có độ cao khoảng 80 km.

Khoa học gia về vật lý nguyên tử Liu Li, người phụ trách chương trình này của Bắc kinh, giải thích đại khái rằng "vụ nổ ở tầng khí quyển này sẽ khiến các phân tử không khí ở đây trở thành một đám mây hạt tử phóng xạ có hình dáng một trái lê, với khả năng làm hư hỏng các vệ tinh.... Đám mây hạt tử phóng xạ bùng lên cao với vận tốc 2 đến 3 cây số mỗi giây và (các hạt tử phóng xạ) này tác động đến tất cả các vệ tinh đang hoạt động trong khu vực". Cũng theo ông này, nếu vụ nổ xảy ra ở độ cao hơn thì hiệu quả sẽ không còn do sự thiếu hụt các phân tử không khí. 

Theo tôi, khi Trung Quốc cho công bố những chuyện (theo lẽ là bí mật quốc phòng) như thế này, hiển nhiên họ có ý đồ "khoe của" với Mỹ.

Tương tự chương trình "Chiến tranh các vì sao" của tổng thống Reagan ngày trước, theo lẽ là chuyện bí mật quốc phòng, lại được báo chí bàn luận sâu rộng. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà hoạch định chiến lược của Liên Xô.

Rõ ràng Bắc Kinh muốn thăm dò phản ứng của Mỹ đồng thời biểu dương khả năng khoa học quốc phòng của mình.

Mục đích "khoa trương" khả năng quốc phòng, với những thứ vũ khí vượt trội hơn Mỹ, khiến Mỹ có thể sẽ "lạnh cẳng" không dám can thiệp khi Trung Quốc phong tỏa Đài Loan.

Và dĩ nhiên, lâm vào thế cùng, viễn ảnh "nội bất xuất ngoại bất nhập", lương thực không đủ cung cấp cho dân chúng, trong khi đồng minh không dám nhảy vô, Đài Loan có thể sẽ "thua trước cho cao cờ". 

Tình trạng "statu quo" eo biển Đài Loan mà Mỹ dốc lòng bảo vệ từ năm 1970 đến nay sẽ bị phá vỡ.

Theo tôi, khó có khả năng trình độ khoa học quốc phòng của Trung Quốc có thể răn đe được Mỹ, khiến quốc gia này không dám can thiệp để bảo vệ lợi ích của công dân mình (Elon Musk) đồng thời để cứu Đài Loan.

Một vụ nổ nguyên tử, ngay cả ở ngoài không gian, khi mà đám mây bụi phóng xạ rớt xuống mặt đất thì các thiệt hai gây ra không phải chỉ ở Trung Quốc hay Đài Loan mà còn cho các quốc gia khác. Tức là Trung Quốc đơn phương bước qua "lằn ranh đỏ", từ sau 2 vụ nổ ở Hiroshima và Nagasaki 1945. Ngay cả khi việc này còn trong vòng "thử nghiệm".

Mỹ và các quốc gia đồng minh có lý do chính đáng nhập cuộc và sẽ trả đũa mạnh mẽ (bằng các kế hoạch) sử dụng các loại vũ khí tương đương, ngay tại các địa điểm phóng hỏa tiễn của Trung Quốc, hay tiêu diệt tất cả hệ thống vệ tinh của Trung Quốc).

Trong khi Đài Loan và các quốc gia khác trong khu vực, ngay cả Nhật, sẽ lên chương trình tự vũ trang vũ khí hạt nhân để phòng vệ.

Hậu quả là Trung Quốc tự tạo cho mình hàng loạt "Cuba phương Đông", những quốc gia thù nghịch với Trung Quốc, những quốc gia có khả năng đánh Trung Quốc (tận Bắc Kinh) bằng vũ khí hạt nhân có sức công phá ngang với vũ khí mà Trung Quốc đã sử dụng, (ngay cả trong thí nghiệm).

Ngay cả Đài Loan, đảo quốc này có thể tức khắc tuyên bố độc lập đồng thời công bố các kế hoạch chế tạo các thứ vũ khí hạt nhân hay quy ước, có tầm công phá lớn, có thể phá hủy các căn cứ ở Bắc Kinh.

TRƯƠNG NHÂN TUẤN 28.10.2022
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn