• Eric Barton
  • BBC Capital

If you're heading to top, you need to be prepared

Nguồn hình ảnh, iStock

Trước khi Roman Stanek trở thành nhà sáng lập và giám đốc điều hành của GoodData, ứng dụng sử dụng công nghệ đám mây và hãng phân tích dữ liệu đóng tại San Francisco, ông chỉ là một kỹ sư lành nghề.

Sau khi được thăng chức vài lần ở nhiều công ty phần mềm khác nhau, ông trở thành CEO của công ty phần mềm NetBeans vào năm 1997, một vị trí khác xa với ngành nghề của ông. Stanek bỗng nhiên phải phát triển một loạt các kỹ năng mới, từ quản lý cho tới lãnh đạo.

Thế nhưng mọi việc không diễn ra thuận lợi ngay từ đầu. Khi Sun Microsystems ngả giá để mua công ty vào năm 1999, Stanek nghĩ rằng ông có thể sử dụng người trong chính công ty để quản lý thương vụ này - cho đến khi ông nhận ra phía đối tác có đến cả trăm người tham gia vào khâu này.

Stanek đã phải đối diện với những cuộc tranh luận và những ngày mà ông tưởng rằng toàn bộ thương vụ này sẽ đổ vỡ. Đó là một bài sát hạch khả năng lãnh đạo của ông.

"Đó là một quy trình khó khăn," Stanek nhớ lại. "Đó là khoảnh khắc giúp biến tôi từ một quản lý cấp trung lên thành lãnh đạo cấp cao."

Nếu bạn muốn trở thành lãnh đạo cao cấp, bạn cần phải chuẩn bị.

Tất cả những người trải qua quy trình này đều nói rằng giữ một vị trí quản lý cấp trung không mấy tác dụng để một người trở nên sẵn sàng đón nhận một vị trí cao hơn, nơi mà đột nhiên mọi quyết định đều trở nên khó khăn hơn và thiệt hại từ những quyết định này cũng có thể nghiêm trọng hơn.

Vậy làm sao để bạn chuẩn bị sẵn sàng cho một vị trí cao cấp?

Xử lý những điều khó khăn nhất

Đầu tiên, bạn phải sẵn sàng xử lý những điều tồi tệ nhất ở công ty mình.

Nếu bạn là một quản lý cao cấp giỏi, bạn cần uỷ nhiệm người khác hầu hết các công việc hàng ngày.

Điều đó cũng đồng nghĩa là những vấn đề cần quyết định của bạn là những vấn đề khó khăn nhất, những việc mà không ai muốn phải dính vào.

Việc xử lý những điều tồi tệ nhất chính là kỹ năng đầu tiên bạn cần có khi trở thành lãnh đạo cao cấp, Linda A Hill, giáo sư môn quản trị kinh doanh tại trường Kinh doanh của Đại học Harvard, nói.

Boss

Nguồn hình ảnh, Thinkstock

"Những người được thăng chức vào các vị trí cao cấp thường không ngờ rằng vị trí mới lại đi kèm theo nhiều điều tiêu cực đến vậy," Hill nói. "Những quyết định dễ dàng sẽ do người dưới cấp bạn quyết định, và điều đó có nghĩa là bạn phải đối mặt với những thứ khó khăn nhất."

Đối với các vị trí quản lý cao cấp, vấn đề về đạo đức phức tạp hơn rất nhiều. Việc thay đổi văn hoá công ty có thể tác động đến những người bên ngoài nhóm mà bạn từng quản lý, và thậm chí thay đổi hướng đi của công ty - điều có thể tạo ra nhiều rủi ro hơn so với khi bạn còn là một quản lý cấp trung.

Bên cạnh đó, là một thành viên của ban lãnh đạo cấp cao, bạn sẽ phải nhìn mọi thứ từ góc nhìn của một doanh nhân.

Các quản lý cấp trung tốt sẽ phải đặt nhóm của mình lên hàng đầu. Thế nhưng giờ đây, mọi quyết định phải được đưa ra sau khi hội ý với các đơn vị khác nhằm đảm bảo lợi ích cho toàn công ty.

Thế nhưng việc đưa ra những quyết định mới là điều khó nhất, Hill cảnh báo. Ở vị trí cao nhất, bạn có một khoảng cách lớn với những điều xảy ra hàng ngày và không nắm rõ tất cả những vấn đề mà công ty đối mặt.

"Ngay cả khi bạn là một quản lý xuất sắc đi nữa, bạn vẫn cần một đội ngũ giỏi để vận hành công ty," Hill nói.

Tìm kiếm đồng minh

Một khi bạn trở thành người điều hành chính, bạn cần tìm những người có hoàn cảnh tương tự, Mark Fagan, đối tác quản lý tại văn phòng hãng kế toán Citrin Cooperman ở Connecticut, Hoa Kỳ, nói.

Fagan đã làm kiểm toán cho hàng nghìn công ty trong suốt 31 năm và đã chứng kiến nhiều quản lý cấp trung vượt qua khó khăn hoặc thất bại sau khi được thăng cấp. Một trong những lý do phổ biến nhất khiến họ thất bại đó là tìm cách làm mọi thứ mà không cần sự tham mưu.

"Các CEO cần tạo quan hệ với những người cùng hội cùng thuyền. Có thể đó không phải là những lãnh đạo cùng công ty, vì họ có thể hứng chịu tác động tiêu cực từ các quyết định của bạn," Fagan nói. "Bạn có thể phải tìm những người có hoàn cảnh tương tự từ bên ngoài công ty."

Climbing up

Nguồn hình ảnh, Thinkstock

Chịu trách nhiệm với quyết định của mình

Quyết định cuối cùng sẽ luôn do bạn đưa ra - cả những quyết định đúng và sai.

Trọng trách đó chính là yếu tố khó khăn nhất trong công việc của một CEO, Autumn Manning, CEO tại YouEarnedit, nói. Đôi khi bạn cần phải là người đưa ra những quyết định khó khăn, những quyết định có thể khiến những người làm việc với bạn lâu năm phải thất vọng.

Đối với Manning, bà biết phân biệt đâu là quyết định mà bà có thể tự tin đưa ra, và đâu là quyết định mà bà cần sự giúp đỡ. Bà giỏi đưa ra những quyết định về sản phẩm, trong khi đối với những quyết định về dòng tiền, bà thường cần sự giúp đỡ của giám đốc tài chính của mình.

"Bạn là người có quyết định cuối cùng với tư cách CEO," Manning nói. "Bạn cần phải sẵn sàng đưa ra quyết định... Nếu không tất cả mọi thứ sẽ bị đình trệ để chờ quyết định của bạn."

Học cách đi lên

Sau khi mua lại NetBeans, Stanek học được bài học tác động đến cách ông đưa ra quyết định 17 năm sau đó. Toàn bộ thương vụ này đã bị đình trệ vì từ ngữ dùng trong hợp đồng, những câu chữ gây ra nhiều cãi vã qua email giữa hai bên.

Stanek đã thuê một đội riêng để quản lý thương vụ này và ông cũng nhận ra rằng cả hai bên cần ngồi lại cùng nhau thay vì ngồi ở hai văn phòng khác nhau để thảo luận. Thương vụ đã được thông qua sau đó.

"Điều tôi nhận ra đó là khoảng cách khiến chúng ta khó mà tin tưởng lẫn nhau," Stanek nói. "Những người chưa bao giờ gặp nhau cãi vã chỉ vì câu chữ, trong khi họ sẽ tìm được điểm chung sau khi gặp nhau."

Giờ đây, Stanek yêu cầu những người sẽ làm việc từ xa với nhau phải gặp gỡ trước để tạo sự tin tưởng giữa đôi bên, phòng trường hợp có vấn đề sau này.

"Là một CEO, đó là một trải nghiệm bạn cần trải qua, mặc dù nó rất khó khăn," Stanek nói.

Nếu bạn muốn đi lên trên nấc thang sự nghiệp, đó là những thử thách sẽ chờ bạn. Điều bạn cần là học hỏi cách đưa ra những quyết định quan trọng, và có lẽ bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn ở góc văn phòng dành cho lãnh đạo.