Chiến tranh ở Ukraine có thể kết thúc như thế nào

Thứ Bảy, 15 Tháng Mười 202210:00 SA(Xem: 1673)
Chiến tranh ở Ukraine có thể kết thúc như thế nào

The New Yorker

Tác giả: Keith Gessen

Bùi Xuân Bách, dịch

29-9-2022

Trong những năm gần đây, một nhóm nhỏ các học giả đã tập trung vào lý thuyết về chấm dứt chiến tranh. Họ thấy có lý do để lo ngại về những kết quả có thể xảy ra ở Ukraine.

Hein Goemans lớn lên ở Amsterdam vào thập niên 1960 và 70, xung quanh là những câu chuyện và ký ức về Chiến tranh thế giới thứ hai. Cha ông là người Do Thái và đã trốn “dưới sàn nhà”, như ông nói, trong thời gian Đức Quốc xã chiếm đóng. Khi Goemans đến Hoa Kỳ để học chuyên ngành “quan hệ quốc tế”, ông nhớ lại, khi ông được hỏi trong một lớp học về trải nghiệm riêng tư nhất của ông trong việc hình thành các khái niệm về lĩnh vực này. Ông nói rằng đó là Chiến tranh thế giới thứ hai. Các sinh viên khác phản đối rằng, điều này không đủ riêng tư. Nhưng nó rất riêng tư đối với Goemans. Ông nhớ lại lần tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 40 ngày giải phóng Amsterdam vào tháng 5 năm 1985. Nhiều người lính Canada tham gia cuộc giải phóng vẫn còn sống, và họ đã tái hiện quang cảnh quân đội Canada tiến vào giải phóng thành phố. Goemans nhớ mình đã nghĩ rằng, người dân Amsterdam sẽ quá xuề xòa khi tham dự lễ kỷ niệm, và xúc động rằng ông đã sai. “Toàn bộ thành phố chật cứng người hai bên đường”, ông ấy nói với tôi gần đây. “Tôi thực sự ngạc nhiên là mọi người đã cảm nhận sự kiện đó sâu sắc tới mức nào”.

Goemans, hiện đang giảng dạy môn khoa học chính trị tại Viện Đại học Rochester (Hoa Kỳ), đã viết luận văn của mình về lý thuyết chấm dứt chiến tranh – tức là nghiên cứu về cách các cuộc chiến tranh kết thúc. Goemans biết được đã có nhiều công trình về các cuộc chiến bắt đầu như thế nào, nhưng lại biết rất ít về cách chúng có thể kết thúc. Có lẽ, có những nguyên nhân lịch sử cho sự bỏ qua này: vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ và Liên Xô có nghĩa là một cuộc chiến tranh giữa họ có thể kết thúc nền văn minh nhân loại; không chỉ một số người sắp chết, mà là cái chết của tất cả mọi thứ. Do đó, việc nghiên cứu chiến tranh trong thời Chiến tranh Lạnh đã làm phát sinh vốn từ vựng phong phú về răn đe: Răn đe trực tiếp, răn đe mở rộng, răn đe bằng trừng phạt, răn đe bằng cách từ chối. Nhưng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, và chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra. Goemans nhìn thấy một cơ hội cho sự can thiệp bằng trí tuệ.

Trong luận văn và trong cuốn sách tiếp theo của mình, “Chiến tranh và trừng phạt”, Goemans đã đưa ra lý thuyết về cách thức và lý do tại sao một số cuộc chiến kết thúc nhanh chóng và những cuộc chiến khác lại kéo dài một cách tàn bạo. Cuộc chiến trong tiêu đề là Chiến tranh thế giới thứ nhất; “Sự trừng phạt” là điều mà các nhà lãnh đạo ở Đức nói riêng, lo sợ đang chờ đợi họ, nếu họ mang về bất cứ điều gì ít hơn một chiến thắng. Khi cuốn sách của Goemans ra mắt vào năm 2000, đây là nghiên cứu toàn thời gian hiện đại đầu tiên dành hoàn toàn cho vấn đề chiến tranh kết thúc và nó đã giúp khởi động lĩnh vực này.

Goemans viết, thường chiến tranh được cho là kết thúc do một bên đầu hàng. Một tác giả đã nói vào năm 1944: “Cho đến khi kẻ bại trận bỏ cuộc, chiến tranh vẫn tiếp diễn”. Nhưng ghi chép thực nghiệm cho thấy điều này, cao nhất cũng chỉ là một lời giải thích không đầy đủ. Thường phải có hai bên để bắt đầu một cuộc chiến, ngay cả khi họ có những tội lỗi khác nhau, và thường cũng phải có hai bên để kết thúc nó; kẻ chiến bại có thể chấp nhận các điều khoản đã được đề xuất vào tuần trước, nhưng đâu có điều gì để ngăn người chiến thắng nghĩ thêm ra các điều khoản mới? Thí dụ kinh điển từ Chiến tranh thế giới thứ nhất là việc từ chối của những người Bolshevik, sau khi họ nắm chính quyền ở Nga, để tiếp tục cuộc chiến chống lại Đức; tuyên bố “không chiến tranh cũng không hòa bình”, họ chỉ đơn giản là rời khỏi các cuộc đàm phán tại Brest-Litovsk. Goemans viết: “Theo nghĩa đen, những kẻ thất bại đã bỏ cuộc”. Nhưng người Đức, thay vì chấp nhận điều này, tiếp tục tiến sâu hơn vào Nga. Chỉ sau khi những người Bolshevik đồng ý với những điều khoản, thậm chí còn khắc nghiệt hơn so với những điều khoản đã được đề xuất chỉ ba tuần trước đó, người Đức mới đồng ý rút lui khỏi cuộc chiến.

Các tài liệu lý thuyết gần đây đã thừa nhận tính hai mặt của chiến tranh, Goemans viết, nhưng ở đây, các khía cạnh quan trọng đã bị bỏ qua. Lý thuyết chiến tranh du nhập từ kinh tế học khái niệm “thương lượng” và các cuộc chiến tranh được cho là bắt đầu khi quá trình thương lượng – về một phần lãnh thổ, thường là – đổ vỡ. Nguyên nhân phổ biến nhất của sự đổ vỡ, theo các nhà lý thuyết chiến tranh (và một lần nữa vay mượn từ kinh tế học), là một số dạng bất cân xứng về thông tin. Nói một cách đơn giản, một hoặc cả hai bên đã đánh giá quá cao sức mạnh của mình so với đối thủ. Có nhiều lý do giải thích cho sự bất cân xứng về thông tin này, đặc biệt là khả năng chiến đấu trong chiến tranh của các quốc gia hầu như luôn là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ. Trong mọi trường hợp, cách tốt nhất để tìm ra ai mạnh hơn là thực sự bắt đầu chiến cuộc. Sau đó, mọi thứ trở nên rõ ràng khá nhanh chóng. Nhiều cuộc chiến tranh đã kết thúc theo cách này, với việc các bên đánh giá lại sức mạnh tương đối của mình và chọn việc đi tới một thỏa thuận.

Nhưng có những loại chiến tranh khác, trong đó các yếu tố ngoài thông tin chiếm ưu thế. Những yếu tố này, một phần do chúng không đóng vai trò nổi bật trong kinh tế học, nên ít được hiểu rõ hơn. Một thực tế là các hợp đồng trong hệ thống quốc tế – trong trường hợp này là các thỏa thuận hòa bình – có rất ít hoặc không có cơ chế thực thi. Nếu một quốc gia thực sự muốn phá vỡ một thỏa thuận, thì không có tòa án trọng tài nào mà bên kia có thể kháng cáo. (Về lý thuyết, Liên Hiệp quốc có thể là tòa án này; trên thực tế thì không). Điều này dẫn đến vấn đề được gọi là “cam kết đáng tin cậy”: một lý do khiến các cuộc chiến tranh có thể không kết thúc nhanh chóng là do một hoặc cả hai bên không thể tin tưởng phía bên kia sẽ tôn trọng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào mà họ đã đạt được. Trong cuốn sách “Chiến tranh kết thúc ra sao” năm 2009 của mình, Dan Reiter, đồng nghiệp của Goemans, đã sử dụng ví dụ về Vương quốc Anh vào cuối mùa xuân năm 1940, sau khi nước Pháp sụp đổ. Nước Anh đã thua trong cuộc chiến và không có gì chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ tham gia kịp thời để cứu nó. Nhưng người Anh vẫn tiếp tục chiến đấu, bởi vì họ biết rằng không thể tin cậy được vào bất cứ một cuộc thương thảo nào với Đức Quốc xã. Như Winston Churchill đã đưa chuyện này ra nội các của mình, theo cách không thể bắt chước của ông ấy: “Nếu câu chuyện về hòn đảo dài này của chúng ta cuối cùng kết thúc, hãy để nó kết thúc chỉ khi mỗi người trong chúng ta nằm nghẹt thở trong máu của chính mình trên mặt đất”.

Theo Goemans, một yếu tố khác đã bị bỏ qua trong tài liệu là nền chính trị trong nước. Các quốc gia được coi là những chủ thể thống nhất với những lợi ích nhất định, điều này đã để lại những áp lực nội bộ đặt lên chính phủ của một quốc gia-nhà nước hiện đại. Goemans đã tạo ra một bộ dữ liệu về mọi nhà lãnh đạo của tất cả các quốc gia có chiến tranh trong khoảng thời gian từ năm 1816 đến 1995, và mã hóa mỗi người theo một hệ thống ba bên. Một số nhà lãnh đạo là nhà dân chủ; một số là nhà độc tài; và một số ở giữa. Theo Goemans, các nhà dân chủ có xu hướng phản ứng với thông tin do chiến tranh đưa lại và hành động phù hợp theo đó; trong trường hợp tồi tệ nhất, nếu họ thua trận nhưng đất nước của họ vẫn tồn tại, họ sẽ bị đuổi khỏi nhiệm sở và về ngồi viết hồi ký. Các nhà độc tài, bởi vì họ có toàn quyền kiểm soát dân chúng trong nước của mình, cũng có thể kết thúc chiến tranh khi họ cần. Sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, Saddam Hussein là một nhà lãnh đạo như vậy; ông ta chỉ đơn giản là giết bất cứ ai chỉ trích ông ta.

Goemans nhận thấy rắc rối nằm ở những nhà lãnh đạo không phải là nhà dân chủ hay độc tài: bởi vì họ đàn áp, họ thường gặp những kết cục tồi tệ, nhưng vì họ đàn áp không đủ mạnh tay, họ phải tính đến dư luận và liệu nó có đang chĩa mũi dùi vào họ hay không. Goemans nhận thấy, những nhà lãnh đạo này sẽ bị cám dỗ “đánh bạc để phục sinh”, tiếp tục tiến hành cuộc chiến, thường với  cường độ ngày càng lớn hơn, bởi vì bất cứ điều gì ngoài chiến thắng đều có thể đồng nghĩa với việc họ phải sống lưu vong hoặc chết. Ông ấy nhắc tôi (tác giả) nhớ rằng vào ngày 17 tháng 11 năm 1914 – bốn tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu – Kaiser Wilhelm II đã họp với nội các chiến tranh của mình và kết luận rằng cuộc chiến là bất khả kháng. “Tuy nhiên, họ đã chiến đấu trong bốn năm nữa”, Goemans nói. “Và lý do là họ biết rằng nếu họ thua, họ sẽ bị lật đổ, sẽ có một cuộc cách mạng”. Và họ đã đúng. Những nhà lãnh đạo như thế này rất nguy hiểm. Theo Goemans, chúng là nguyên nhân khiến Chiến tranh thế giới thứ nhất, và nhiều cuộc chiến khác, đã kéo dài hơn nhiều so với những gì lẽ ra chúng nên có.

Gần đây tôi đã nói chuyện với một số nhà lý luận về chấm dứt chiến tranh, gồm cả Goemans, để xem quan điểm lý thuyết có thể cho chúng ta biết gì về cuộc chiến ở Ukraine. Các nhà lý thuyết hóa ra là một nhóm gắn kết và sôi nổi, hầu hết trong số họ dán mắt vào Twitter và Telegram, bằng nhiều ngôn ngữ, khi họ cố gắng theo dõi cuộc chiến trong thời gian thực. Họ tin rằng các cuộc chiến mà họ đã nghiên cứu có thể làm sáng tỏ cuộc xung đột hiện tại. Rõ ràng, họ không phải là những người duy nhất nghĩ như vậy. Nhà lý thuyết chiến tranh Branislav Slantchev, một trong những sinh viên cũ của Goemans và là giáo sư tại Đại học California San Diego (UCSD), nói với tôi rằng, vào tháng 8, anh ấy đã được yêu cầu tham gia hội nghị qua Zoom về chấm dứt chiến tranh do cơ quan tình báo Hoa Kỳ triệu tập.

Reiter, tác giả cuốn sách “Chiến tranh kết thúc ra sao”, đã bị hấp dẫn bởi thực tế rằng cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến kiểu cũ. Có rất ít chiến tranh mạng và Nga chỉ sử dụng một vài tên lửa siêu thanh. Ông nói rằng, về phía Nga, “đó là pháo binh, thiết giáp, bộ binh, sự tàn bạo đối với dân thường. Đó là thế kỷ 20”. Và về phía Ukraine cũng vậy: “Họ có vũ khí khá tinh vi, cùng với sự huấn luyện đầy đủ, kết hợp cùng với rất nhiều bản lĩnh. Mọi thứ không thay đổi nhiều như chúng tôi đã nghĩ ”.

Tanisha Fazal, một học giả tại Đại học Minnesota (Hoa Kỳ), là người đang viết một cuốn sách về y tế  trên chiến trường, đã ngạc nhiên bởi tỷ lệ người Nga bị thương trên số người thiệt mạng quá thấp. Tỷ lệ lịch sử trong một 150 năm qua là khoảng ba hoặc bốn trên một. Trong các cuộc chiến gần đây, chẳng hạn như ở Afghanistan, Hoa Kỳ đã cố gắng đạt được tỷ lệ người bị thương trên người chết lên tới 10 trên một, có nghĩa là ít binh sĩ chết hơn sau khi bị thương. Người Nga được ước tính sẽ kém xuống còn bốn ăn một. Lý do, Fazal nói, là người Nga đã không cố gắng thiết lập ưu thế trên không; họ không thể đưa những người lính bị thương của họ ra ngoài đủ nhanh, và do đó nhiều người trong số họ đã chết.

Nói rộng hơn, chiến tranh đã thể hiện nhiều đặc điểm quen thuộc với các nhà lý thuyết về chiến tranh. Tính toán sai lầm ban đầu của Vladimir Putin rằng ông ta có thể đè bẹp Ukraine trong vài ngày là một trường hợp kinh điển của sự bất cân xứng về thông tin; nó cũng là một thí dụ kinh điển về một chế độ đàn áp bị chính người dân của nó cung cấp thông tin kém giá trị. Mọi người đều đồng ý rằng chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề cam kết đáng tin cậy “kinh điển”. Nga tuyên bố rằng họ không thể tin tưởng Ukraine sẽ không trở thành một quốc gia NATO về bản chất; về phần mình, Ukraine không có lý do gì để tin tưởng một chế độ Nga đã nhiều lần thất hứa và xâm lược nước này vào tháng 2 mà không có hành động khiêu khích nào (từ phía Ukraine). Nhưng việc giải quyết vấn đề cam kết đáng tin cậy rất phức tạp. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nó đã được giải quyết bằng sự tan rã của chế độ Đức Quốc xã, việc viết lại hiến pháp của Đức và sự phân chia nước Đức. Nhưng không có nhiều cuộc chiến kết thúc với kết cục tuyệt đối như vậy.

Thêm vào sự phức tạp, cuộc chiến này, giống như những cuộc chiến khác, rất năng động. Nhiều chuyện lớn đã xảy ra kể từ khi Nga xâm lấn Ukraine vào sáng ngày 24 tháng 2. Những tiết lộ về điểm yếu của Nga và sức mạnh của Ukraine đã nâng cao tinh thần dân chúng Ukraine; việc phát hiện ra các vụ thảm sát thường dân ở Bucha và bây giờ là Izyum đã khiến dư luận phẫn nộ. Nếu trước đây dư luận Ukraine có khoảng trống để nhượng bộ Nga thì giờ đây không gian đó đã đóng lại. “Đôi khi chiến tranh lại tạo ra nguyên nhân chiến tranh”, Goemans nói.

Hàng chục tác nhân bên ngoài đã bị lôi kéo vào cuộc xung đột: Ba mươi quốc gia thuộc Liên minh NATO, đứng về phía Ukraine; Belarus, bây giờ, đứng về phía Nga. Goemans nói: “Đây là một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu, điều mà chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ không xảy ra trong thời đại chúng ta. Đó là chiến tranh chiến hào, giống như Thế chiến thứ nhất. Và đó là vì sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một nhà nước”. Hệ quả là rất lớn. “Điều này sẽ định hình phần còn lại của thế kỷ XXI. Nếu Nga thua hoặc không đạt được điều mình muốn, thì sau này sẽ là một nước Nga khác. Nếu Nga thắng, sau này sẽ là một châu Âu khác”. Phạm vi và sự phức tạp của cuộc chiến đòi hỏi một giải pháp nhanh chóng. Goemans nói: “Đây là điều đã làm cho Thế chiến thứ nhất trở nên to lớn, đó cũng là điều khiến Thế chiến thứ hai trở nên rộng lớn như vậy”, Goemans nói. “Không chỉ là ‘Tôi muốn một mảnh lãnh thổ vì những người anh em đồng tộc của tôi ở đó.’ Nó là — tất cả những thứ nhảm nhí này”.

Khi chúng tôi nói chuyện lần đầu tiên vào đầu tháng 9, Goemans dự đoán một cuộc xung đột kéo dài. Không có yếu tố nào trong ba yếu tố chính của lý thuyết chấm dứt chiến tranh – thông tin, cam kết đáng tin cậy và chính trị trong nước – đã được giải quyết. Cả hai bên vẫn tin rằng họ có thể giành chiến thắng, và sự ngờ vực của họ dành cho nhau ngày càng sâu sắc hơn. Về chính trị trong nước, Putin chính xác là kiểu nhà lãnh đạo mà Goemans đã cảnh báo. Bất chấp bộ máy đàn áp đáng kể của mình, ông ta không có toàn quyền kiểm soát đất nước. Ông tiếp tục gọi cuộc chiến là một “hoạt động quân sự đặc biệt” và trì hoãn việc động viên toàn quốc, để không phải đối mặt với tình trạng bất ổn trong nước. Goemans dự đoán nếu ông ta bắt đầu thua cuộc, ông ta chỉ đơn giản là sẽ leo thang.

Và sau đó, trong những tuần sau khi tôi và Goemans lần đầu tiên nói chuyện, các sự kiện đã nhanh chóng diễn ra dồn dập. Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công thành công ngoạn mục, chiếm lại những vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Kharkiv và đe dọa chiếm lại thành phố Kherson đã bị chiếm đóng. Putin, như dự đoán, đã chống trả, tuyên bố “động viên một phần” trong nước và tổ chức “cuộc trưng cầu dân ý” vội vàng về việc gia nhập Liên bang Nga tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Việc động viên cục bộ đã được thực hiện một cách hỗn loạn, và như khi bắt đầu chiến tranh, khiến hàng chục ngàn người phải bỏ chạy khỏi nước Nga. Đã có những cuộc biểu tình lẻ tẻ trên toàn quốc, và những cuộc biểu tình này đe dọa ngày càng lớn về quy mô. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine tiếp tục tiến về phía đông đất nước họ.

Trong một bài đáng sợ đăng trên blog, Branislav Slantchev, cựu học sinh của Goemans, đã đưa ra một vài tình huống tiềm năng. Ông tin rằng mặt trận của Nga ở Donbas vẫn có nguy cơ sụp đổ không tránh khỏi. Nếu điều này xảy ra, Putin sẽ cần phải leo thang hơn nữa. Điều này có thể diễn ra dưới dạng nhiều cuộc tấn công hơn vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, nhưng nếu mục tiêu là ngăn chặn những bước tiến của Ukraine, thì một lựa chọn khả thi hơn sẽ là một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật nhỏ. Slantchev dự báo rằng nó có thể nhỏ hơn một kiloton – tức là nhỏ hơn khoảng mười lăm lần so với quả bom ném xuống Hiroshima. Tuy nhiên, nó sẽ rất tàn khốc và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng dữ dội từ phương Tây. Slantchev không nghĩ rằng NATO sẽ đáp trả bằng các cuộc tấn công hạt nhân của riêng mình, nhưng chẳng hạn, NATO có thể tiêu diệt Hạm đội Biển Đen của Nga. Điều này có thể dẫn đến một hiệp leo thang khác. Trong tình huống như vậy, phương Tây cuối cùng có thể bị cám dỗ để lui bước. Slantchev kêu gọi họ không nên làm vậy. Anh ấy viết: “Đây là bây giờ. Đây là chuyện được ăn cả“.

Goemans nói với tôi: “Branislav rất lo lắng và anh ấy không phải là người nhút nhát (sợ hãi quá mức)”. Goemans cũng lo lắng, mặc dù dòng thời gian giả định của ông đã kéo dài hơn. Ông tin rằng lực lượng tăng viện mới của Nga, dù được huấn luyện và trang bị kém, và sự khởi đầu của một mùa đông sớm sẽ tạm dừng chiến dịch của Ukraine và cứu người Nga vào lúc này. “Mọi người nghĩ rằng nó sẽ nhanh chóng kết thúc, nhưng thật không may, chiến tranh không diễn ra như vậy”, ông nói. Nhưng ông cũng tin rằng Ukraine sẽ tiếp tục tấn công vào mùa xuân, tại thời điểm đó động lực như vậy và những mối nguy hiểm tương tự sẽ trở lại. Goemans nói: “Để chiến tranh kết thúc, yêu cầu tối thiểu của ít nhất một trong các bên phải thay đổi“. Đây là quy tắc chấm dứt chiến tranh đầu tiên. Và chúng ta vẫn chưa đạt đến điểm mà mục tiêu chiến tranh đã thay đổi đủ để có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Dự đoán của các nhà lý thuyết về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, phụ thuộc một phần vào cách họ đánh giá các diễn biến. Liệu mặt trận của Nga ở Donbas có thực sự sụp đổ, và nếu có thì bao lâu nữa? Nếu nó sụp đổ, thì Điện Kremlin có thể kiểm soát được bao nhiêu thông tin về nó? Những điều này không thể đoán trước, nhưng người ta phải dự đoán. Ví dụ, Dan Reiter tỏ ra lạc quan hơn một chút so với Goemans về việc Putin có thể bán một phần chiến thắng cho người dân Nga, vì sự quản lý chặt chẽ của ông ta đối với các phương tiện truyền thông Nga. Đối với Reiter, Putin đã đủ là một nhà độc tài, song ông ta có khả năng lùi bước.

Mặc dù là nhà lý thuyết hàng đầu về cam kết đáng tin cậy, Reiter tin rằng chiến tranh có thể kết thúc trong thời gian ngắn với một kết quả tuyệt đối, chẳng hạn như sự tan rã của Liên bang Nga. Ông nói: “Bạn thực sự không muốn một đất nước, vốn là nguồn gây ra một số kiểu đe dọa kéo dài. Tuy nhiên, đôi khi  đó chỉ là thế giới mà bạn phải sống, bởi vì thực sự loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa thì quá tốn kém”. Ông nhìn thấy một tương lai mà Ukraine đồng ý ngừng bắn và sau đó dần dần biến mình thành một “con nhím quân sự”, một quốc gia gai góc mà không ai muốn xâm lược. Reiter nói: “Các quốc gia quy mô trung bình có thể tự bảo vệ mình ngay cả trước những kẻ thù rất nguy hiểm. Ukraine có thể tự làm cho mình trở nên dễ phòng thủ hơn trong tương lai, nhưng nó sẽ trông rất khác với tư cách một quốc gia và một xã hội so với trước khi xâm lược“. Nó sẽ giống Israel hơn, với thuế cao, chi tiêu quân sự và nghĩa vụ quân sự bắt buộc kéo dài. Reiter nói: “Nhưng Ukraine có thể bảo vệ được. Họ đã chứng minh điều đó“.

Goemans cảm thấy lo lắng hơn. Một lần nữa, những suy nghĩ của anh lại đưa anh đến với Thế chiến thứ nhất. Năm 1917, Đức không còn hy vọng chiến thắng, quyết định đánh cược để phục sinh. Nó giải phóng vũ khí bí mật của mình, chiếc tầu ngầm U-boat, để tiến hành các hoạt động không giới hạn trên biển cả. Rủi ro của chiến lược này là nó đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến; hy vọng rằng nó sẽ bóp nghẹt Vương quốc Anh và dẫn đến chiến thắng. Theo cách nói của Goemans, đây là một chiến lược “có phương hướng sai cao”, nghĩa là nó có thể dẫn đến một phần thưởng lớn hoặc một tai họa lớn. Trong trường hợp này, nó đã dẫn đến việc Hoa Kỳ tham chiến và đánh bại Đức, và việc Kaiser bị loại khỏi quyền lực.

Trong tình huống này, vũ khí bí mật là hạt nhân. Và việc sử dụng nó mang theo rủi ro, một lần nữa, thậm chí còn lớn hơn sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc chiến. Nhưng ít nhất nó cũng có thể tạm thời ngăn chặn bước tiến của Quân đội Ukraine. Nếu được sử dụng hiệu quả, nó thậm chí có thể mang về một chiến thắng. Goemans nói: “Mọi người rất vui mừng về sự sụp đổ của mặt trận. Nhưng đối với tôi, nó giống như, ‘Ah-h-h!’” Vào thời điểm đó, Putin thực sự sẽ bị mắc kẹt.

Hiện tại, Goemans vẫn tin rằng khó có thể xảy ra lựa chọn hạt nhân. Và ông ấy tin rằng Ukraine sẽ chiến thắng trong cuộc chiến. Nhưng điều đó cũng sẽ mất nhiều thời gian, với cái giá phải trả là hàng trăm ngàn sinh mạng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn