• David Robson
  • BBC Capital

Sự thiên vị về kết quả có thể dẫn đến hậu quả tai hại do việc bỏ qua rủi ro trong quá trình đưa ra quyết định

Nguồn hình ảnh, Alamy

Chụp lại hình ảnh,

Sự thiên vị về kết quả có thể dẫn đến hậu quả tai hại do việc bỏ qua rủi ro trong quá trình đưa ra quyết định

Sự thiên vị với kết cục làm xói mòn ý thức về rủi ro và khiến bạn mù quáng trước sai lầm, giải thích được mọi thứ, từ các tai nạn máy bay chết người đến vụ tai nạn phi thuyền Columbia và sự cố dàn khoan dầu Deepwater Horizon.

Hãy tưởng tượng một nữ phi công đang thực hiện một chuyến bay quen thuộc theo một tuyến bay đã biết, bỗng thời tiết trở nên cực xấu. Cô biết rằng bay qua cơn bão sẽ có rủi ro nghiêm trọng- và theo sự huấn luyện cô phải bay vòng để tránh hoặc quay trở lại. Nhưng cô đã bay cùng một lộ trình này trước đây, trong thời tiết tương tự - và cô đã không trải nghiệm rắc rối nào. Cô nên tiếp tục bay? Hay nên quay trở lại?

Nếu bạn tin rằng cô ấy sẽ an toàn để bay tiếp, thì bạn đã rơi vào một cái tật về nhận thức được gọi là sự "thiên vị với kết quả". Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta thường đánh giá chất lượng của một quyết định hoặc hành vi theo điểm kết thúc của nó, trong khi bỏ qua nhiều yếu tố bị giảm thiểu có thể đã góp phần vào việc thành công hay thất bại - và điều này có thể khiến chúng ta quên đi những sai lầm thảm khốc tiềm ẩn trong suy nghĩ của mình.

Trong ví dụ này, quyết định thực hiện chuyến bay như trước đó là rất rủi ro - và phi công có thể chỉ tránh được tai nạn là do có sự tổ hợp của các tình huống may mắn. Nhưng nhờ sự thiên vị về kết quả, cô có thể bỏ qua khả năng xảy ra này và cho rằng hoặc là những mối nguy hiểm đã được đánh giá quá cao, hoặc là kỹ năng lái phi thường của cô khiến cô vượt qua, làm cô thậm chí cảm thấy vui thú hơn để lại đương đầu với rủi ro trong tương lai. Và cô càng như vậy thì càng ít quan tâm đến nguy hiểm.

Ngoài việc khiến chúng ta ngày càng trở nên mạo hiểm trong quá trình đưa ra quyết định, sự thiên vị về kết quả có thể khiến chúng ta bỏ qua sự bất tài và hành vi phi đạo đức của các đồng nghiệp. Và hậu quả có thể thực sự khủng khiếp, với các nghiên cứu cho thấy nó đã góp phần gây ra nhiều thảm họa nổi tiếng, kể cả vụ tai nạn tàu con thoi Columbia của Nasa và vụ nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon.

Nguồn hình ảnh, Alamy

Chụp lại hình ảnh,

Với sự thiên vị về kết quả, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho ai đó, chẳng hạn như bác sĩ, vì kết quả xấu của một sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của người đó và ngược lại

Giống như hầu hết sự hiểu biết của chúng ta về điều phi lý của con người, sự thiên vị về kết cục lần đầu tiên được quan sát thấy vào những năm 1980, với một nghiên cứu độc đáo về việc đề ra quyết định y tế.

Những người tham gia được đề nghị mô tả về các kịch bản khác nhau, gồm cả các rủi ro và lợi ích của các thủ tục khác nhau, và sau đó được yêu cầu đánh giá chất lượng quyết định của các bác sĩ.

Thí dụ, những người tham gia được thông báo về sự lựa chọn của bác sĩ để làm phẫu thuật tim cho một bệnh nhân - có khả năng thêm được nhiều năm nữa sống khỏe mạnh, nhưng cũng có khả năng nhỏ là tử vong trong khi phẫu thuật. Có lẽ có thể dự đoán được rằng những người tham gia đánh giá quyết định của bác sĩ là gay gắt hơn nhiều nếu họ được thông báo rằng bệnh nhân sau đó đã chết so với khi họ được thông báo rằng bệnh nhân đã sống - mặc dù lợi ích và rủi ro là như nhau trong từng trường hợp.

Sự thiên vị về kết cục đã ăn sâu vào bộ não của chúng ta đến nỗi ta thấy dễ hiểu tại sao họ cảm thấy bác sĩ nên bị trừng phạt vì cái chết của bệnh nhân. Tuy nhiên, lý luận của người tham gia là không hợp lý, vì sẽ không có cách nào tốt hơn để bác sĩ cân nhắc bằng chứng đó - tại thời điểm đưa ra quyết định, rất nhiều khả năng là ca phẫu thuật sẽ thành công. Tuy nhiên, một khi bạn biết về thảm kịch này, thật khó để thoát khỏi cảm giác khó chịu là bác sĩ tuy vậy vẫn có lỗi - khiến những người tham gia nghi ngờ năng lực của bác sỹ.

"Chúng ta thấy khó có thể tách biệt những sự kiện ngẫu nhiên mà nó, cùng với chất lượng của quyết định, cùng đóng góp vào kết quả," Krishna Savani ở Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, giải thích.

Phát hiện này, được công bố vào năm 1988, đã được lập lại nhiều lần, cho thấy các kết quả xấu khiến chúng ta đổ lỗi cho ai đó về những sự kiện rõ ràng nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, ngay cả khi chúng ta biết tất cả những thực tế thanh minh cho quyết định của họ. Và bây giờ chúng ta biết rằng điều ngược lại cũng đúng: do thiên vị về kết quả, một kết quả tốt có thể khiến chúng ta bỏ qua việc ra quyết định sai lầm cần được kiểm tra, và giúp người ta quyền tự do để có hành vi không thể chấp nhận được.

Nguồn hình ảnh, Alamy

Chụp lại hình ảnh,

Nơi làm việc và thể thao là những môi trường phổ biến mà ở đó sự thiên vị về kết quả có thể ảnh hưởng lớn đến sự phán quyết và đánh giá

Trong một thí nghiệm của Francesca Gino tại Trường Kinh Doanh Harvard, những người tham gia được nghe một câu chuyện về một nhà khoa học gian lận kết quả thí nghiệm của mình để chứng minh tính hiệu quả của một loại thuốc mà người đó đang thử nghiệm. Gino phát hiện ra rằng những người tham gia ít phê phán hơn hành vi của nhà khoa học này nếu loại thuốc này hóa ra lại an toàn và hiệu quả so với việc nếu hóa ra nó có tác dụng phụ nguy hiểm. Tất nhiên, lý tưởng nhất là bạn sẽ phải phán xét cả hai tình huống gay gắt như nhau - bởi vì một nhân viên cư xử vô trách nhiệm đến thế có thể là mối nguy cơ nghiêm trọng trong tương lai.

Việc suy nghĩ thiếu sót như vậy là một vấn đề nghiêm trọng khi xem xét những thứ như sự đề bạt. Có nghĩa là một nhà đầu tư có thể được khen thưởng vì một chuỗi may mắn trong kết quả làm việc ngay cả khi có bằng chứng rõ ràng về hành vi bất tài hoặc phi đạo đức, vì sếp của hắn không thể tách biệt việc đề ra quyết định với kết quả hắn làm. Ngược lại, nó cho thấy một sự thất bại có thể gây tổn hại tinh tế đến danh tiếng của bạn ngay cả khi có bằng chứng rõ ràng rằng bạn đã hành động đúng đắn dựa trên thông tin mà bạn có.

"Sẽ là một vấn đề lớn khi người ta hoặc được ca ngợi hoặc bị đổ lỗi vì những sự việc được xác định chủ yếu bằng may rủi," Savani nói. "Và điều này có liên quan đến các nhà hoạch định chính sách của chính phủ, đến các nhà quản lý doanh nghiệp - đến bất kỳ ai đang phải đưa ra một quyết định."

Sự thiên vị về kết quả thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự hiểu biết của chúng ta về thể thao. Arturo Rodriguez ở Đại Học Chile gần đây có xem xét việc đánh giá của các cầu thủ bóng đá trên trang Goal.com. Trong các trận mà kết quả được quyết định bằng đá phạt luân lưu, ông nhận thấy rằng kết quả của vài phút ngắn ngủi đó vào cuối trận đã làm trao đảo sự đánh giá của các chuyên gia về hiệu suất của các cầu thủ trong suốt trận đấu. Quan trọng là điều đó thậm chí lại đúng cả với những cầu thủ không ghi bàn thắng nào. "Kết quả của loạt sút luân lưu có tác động lớn đến việc đánh giá cá nhân các cầu thủ - ngay cả khi họ không tham gia đá," Rodriguez nói. Họ chỉ đơn giản là đắm mình trong chiến thắng của người khác.

Nguồn hình ảnh, Alamy

Chụp lại hình ảnh,

Sự thiên vị kết quả đã dẫn đến hậu quả chết người do bỏ qua rủi ro, như đã thấy trong các thảm họa như với tàu con thoi Columbia của Nasa và các thiên tai

Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng nhất của thiên vị về kết quả có liên quan đến nhận thức của chúng ta về rủi ro.

Chẳng hạn, một nghiên cứu về hàng không đã xem xét các đánh giá của phi công về việc bay trong điều kiện thời tiết nguy hiểm với tầm nhìn kém. Người ta thấy rằng phi công thường đánh giá thấp sự nguy hiểm nếu họ vừa nghe nói rằng một phi công khác đã thực hiện thành công cùng tuyến bay đó. Thực tế, không có gì đảm bảo rằng thành công đó có nghĩa là chuyến bay sau sẽ an toàn - họ có thể đã vượt qua được là do may mắn - nhưng sự thiên vị về kết quả làm cho các phi công bỏ qua thực tế đó.

Catherine Tinsley, ở Đại Học Georgetown, đã tìm thấy một mô hình tương tự ở phản ứng của người ta đối với các thảm họa tự nhiên như bão. Ví dụ, nếu ai đó thoát qua một cơn bão lụt mà không bị gì thì người đó sẽ ít có khả năng mua bảo hiểm lũ lụt trước khi bị thảm họa tiếp theo.

Nghiên cứu sau đó của Tinsley cho thấy hiện tượng này có thể giải thích cho nhiều thất bại mang tính tổ chức và các thảm họa nữa. Sự cố của tàu con thoi Columbia của Nasa xảy ra là do chất xốp cách nhiệt làm vỡ một chiếc thùng bên ngoài trong quá trình phóng lên, tạo ra các mảnh vỡ đâm thủng một lỗ xuyên qua cánh của tàu quỹ đạo. Tuy nhiên, chất xốp này đã bị tách vỡ khỏi lớp cách nhiệt trong nhiều chuyến bay trước đó - nhưng do may mắn, nó chưa bao giờ tạo ra hư hỏng đủ để gây tai nạn.

Lấy cảm hứng từ những phát hiện này, nhóm của Tinsley đã yêu cầu những người tham gia xem xét một nhiệm vụ giả định với một tai nạn suýt xảy ra và đánh giá năng lực của người chỉ đạo dự án. Bà phát hiện ra rằng việc nhấn mạnh các yếu tố như sự an toàn và tính minh bạch của tổ chức, làm cho mọi người có nhiều khả năng coi sự kiện này như một dấu hiệu cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm tàng. Những người tham gia cũng có ý thức hơn về mối nguy hiểm tiềm ẩn nếu họ được thông báo rằng họ sẽ phải giải thích sự đánh giá của mình cho với cấp trên. Với những phát hiện này, các tổ chức nên nhấn mạnh trách nhiệm của mọi người để phát hiện các rủi ro tiềm ẩn và có thưởng cho họ vì đã báo cáo chúng.

Savani đồng ý rằng chúng ta có thể tránh cho mình khỏi bị thiên vị về kết quả. Ví dụ, ông đã phát hiện ra rằng việc khơi gợi cho người ta suy nghĩ kỹ hơn về bối cảnh xung quanh một quyết định hoặc về hành vi có thể làm cho nó dễ bị ảnh hưởng bởi kết quả. Mục đích nên là suy nghĩ về các tình huống cụ thể tạo ra nó và nhận biết các yếu tố, bao gồm cả sự may rủi, có thể đã góp phần vào kết quả cuối cùng.

Một cách để làm điều này là có những suy nghĩ phản thực tế khi đánh giá kết quả thực hiện của bạn hoặc của ai đó, ông nói. Những yếu tố nào có thể đã gây ra kết quả khác đi đó? Và bạn có còn đánh giá quyết định này hoặc quá trình này như cũ nữa không, nếu điều đó lại xảy ra?

Hãy xem xét trường hợp của nhà khoa học đã gian lận về kết quả thử nghiệm của mình. Ngay cả khi thuốc cuối cùng là an toàn, việc tưởng tượng ra trường hợp xấu nhất - bệnh nhân bị chết - sẽ khiến bạn có ý thức hơn về những rủi ro mà ông này gây ra. Tương tự, nếu bạn là người phi công đã chọn bay trong điều kiện không thích hợp, bạn có thể xem xét từng chuyến bay để kiểm tra mọi rủi ro mà bạn phải gánh chịu và suy nghĩ thật kỹ xem điều đó có thể diễn ra như thế nào trong các tình huống khác nhau.

Cho dù bạn là nhà đầu tư, phi công hay nhà khoa học của Nasa, những chiến lược này, nhằm tránh sự thiên vị về kết quả, sẽ giúp cho cơ hội thành công nhìn thấy được những nguy hiểm ngay trước mắt. Cuộc sống là một canh bạc, nhưng ít nhất bạn có thể đứng về phía nhiều may mắn, thay vì cho phép tâm trí mình ru ngủ vào một cảm giác sai lệch về an toàn.