Con đường của Putin: từ cam kết ổn định đến đe dọa hạt nhân

Thứ Bảy, 08 Tháng Mười 202211:56 SA(Xem: 1419)
Con đường của Putin: từ cam kết ổn định đến đe dọa hạt nhân

Con đường của Putin: từ cam kết ổn định đến đe dọa hạt nhân

AP

Khi bước sang tuổi 70 vào ngày thứ Sáu (7/10), Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận thấy mình đang đứng trước một mắt bão do chính ông tạo ra: Quân đội của ông đang phải chịu những thất bại nhục nhã ở Ukraine. Hàng trăm nghìn người Nga đang chạy trốn lệnh động viên của ông, và các phụ tá hàng đầu của ông đang công khai lăng mạ các nhà lãnh đạo quân đội.

Với khả năng điều động bị thu hẹp, ông Putin đã nhiều lần ra hiệu rằng ông có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lợi ích của Nga ở Ukraine - một đe dọa phá vỡ những tuyên bố về sự ổn định mà ông đã lặp đi lặp lại trong suốt 22 năm cầm quyền của mình.

“Đây thực sự là một khoảnh khắc khó khăn đối với ông ấy, nhưng ông ấy không thể buộc tội bất kỳ ai khác. Ông ấy đã tự mình làm điều đó,” Andrei Kolesnikov, một thành viên cấp cao tại Viện Carnegie nói. “Và ông ấy đang tiến thẳng đến những vấn đề lớn.”

Bằng cách khơi mào cuộc chiến thảm khốc ở Ukraine, cuộc xung đột quân sự lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai, Putin đã phá vỡ một khế ước xã hội bất thành văn, trong đó người Nga ngầm đồng ý từ bỏ các quyền tự do chính trị thời hậu Xô Viết để đổi lấy sự thịnh vượng tương đối và ổn định nội bộ.

Ông Mikhail Zygar, một nhà báo từng có nhiều mối quan hệ với giới thượng lưu Điện Kremlin và đã xuất bản một cuốn sách bán chạy nhất về Putin và những người chung quanh ông, lưu ý rằng cuộc xâm lược diễn ra hoàn toàn bất ngờ không chỉ đối với công chúng mà còn đối với các cộng sự thân cận nhất của chính Putin.

“Tất cả họ đều bị sốc,” ông Zygar nói. “Không ai trong số họ muốn thấy những phát triển diễn ra theo cách như vậy chỉ vì họ sẽ mất tất cả. Bây giờ tất cả đều vấy máu, và tất cả đều hiểu rằng họ không còn nơi nào để chạy. "

Stanislav Belkovsky, nhà tư vấn chính trị lâu năm với các mối quan hệ rộng rãi giữa các giai cấp thống trị, đã mô tả cuộc xâm lược là một cơ chế “tự hủy hoại đối với Putin, chế độ của ông ta và Liên bang Nga”.

Khi quân đội Nga rút lui dưới đòn tấn công của các lực lượng Ukraine được trang bị vũ khí phương Tây, Putin đã nâng cao nguy cơ bằng cách sáp nhập 4 khu vực của Ukraine và tuyên bố động viên một phần tới 300.000 quân dự bị để củng cố chiến tuyến đang sụp đổ.

Lệnh động viên được tổ chức kém đã gây ra sự hỗn loạn trên diện rộng. Quân đội đang phải vật lộn để trang bị cho tân binh, nhiều người trong số họ được yêu cầu phải tự mua bộ dụng cụ y tế và những thứ cơ bản khác và phải ngủ trên sàn nhà trong khi chờ được đưa ra mặt trận.

Các mạng xã hội đã xôn xao với các cuộc thảo luận về cách né tránh việc tuyển dụng, và hàng trăm nghìn người đàn ông đã chạy trốn lệnh động viên, tràn qua biên giới của Nga với các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ.

Ông Kolesnikov lưu ý, việc động viên đã làm xói mòn cơ sở ủng hộ cốt lõi của Putin và tạo tiền đề cho những biến động chính trị tiềm tàng. “Sau khi động viên một phần, không thể giải thích với bất kỳ ai rằng ông ấy đã ổn định hệ thống. Ông ấy đã phá vỡ nền tảng của sự ổn định.” Kolesnikov nói.

Những thất bại về quân sự cũng đưa đến sự xúc phạm công khai từ một số phụ tá hàng đầu của Putin đối với các nhà lãnh đạo quân sự. Điện Kremlin đã không làm gì để ngăn chặn những lời chỉ trích, một tín hiệu cho thấy Putin có thể sử dụng nó để tạo tiền đề cho một sự sắp xếp lớn đối với các tướng lãnh hàng đầu và đổ lỗi cho họ về những thất bại.

Ông Belkovsky nói: “Cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe phái quyền lực trong những người thân cận của ông Putin có thể làm mất ổn định hệ thống và làm suy yếu đáng kể khả năng kiểm soát của Putin đối với tình hình đất nước.”

Tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng đánh dấu sự tương phản rõ rệt với hình ảnh ổn định mà Putin đã vun đắp kể từ khi nắm quyền lãnh đạo vào năm 2000. Ông đã nhiều lần mô tả thời kỳ cầm quyền hỗn loạn của người tiền nhiệm Boris Yeltsin, là thời kỳ suy tàn khi sự giàu có của quốc gia bị các ông trùm có liên hệ với Điện Kremlin và phương Tây ăn cắp trong khi hàng triệu người chìm trong nghèo đói.

Người Nga đã háo hức chấp nhận những lời hứa của Putin là sẽ khôi phục lại sự vĩ đại của đất nước họ trong bối cảnh nền kinh tế thịnh vượng nhờ dầu mỏ, và phần lớn họ tỏ ra thờ ơ với cuộc đàn áp không ngừng của Điện Kremlin đối với các quyền tự do chính trị.

Những người trong cuộc, những người đã nghiên cứu kỹ lưỡng suy nghĩ của Putin nói rằng ông vẫn tin rằng mình có thể trở thành người chiến thắng.

Belkovsky cho rằng Putin hy vọng giành chiến thắng bằng cách sử dụng năng lượng như một công cụ gây áp lực. Bằng cách giảm lượng khí đốt đến châu Âu và đạt được thỏa thuận với OPEC để giảm sản lượng dầu, ông có thể đẩy giá lên và gây áp lực lên Mỹ và các đồng minh.

Belkovsky nói, Putin muốn phương Tây ngầm chấp nhận nguyên trạng ở Ukraine, nối lại hợp tác năng lượng với Nga, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt gây tê liệt nhất, và bỏ phong toả tài sản của Nga.

Belkovsky nói: “Ông ấy vẫn tin rằng mình sẽ đạt được mục tiêu trong cuộc đối đầu lâu dài với phương Tây, nơi tình hình ở chiến tuyến Ukraine chỉ là một yếu tố quan trọng, nhưng không mang tính quyết định.”

Đồng thời, ông Putin đe dọa sẽ sử dụng “tất cả các phương tiện có sẵn” để bảo vệ các lãnh thổ Ukraine mới được sáp nhập trong một nỗ lực mạnh mẽ để buôc Ukrane và đồng minh phương Tây lùi bước.

Mỹ và các đồng minh cho biết họ không xem nhẹ những lời đe dọa của Putin nhưng sẽ không nhượng bộ những gì họ mô tả là tống tiền để buộc phương Tây từ bỏ Ukraine. Ukraine tuyên bố sẽ gây sức ép phản công bất chấp luận điệu của Nga.

Ông Kolesnikov mô tả các mối đe dọa hạt nhân của ông Putin là phản ánh của sự tuyệt vọng ngày càng tăng.

Kolesnikov nói: “Đây là bước cuối cùng đối với ông ấy theo nghĩa rằng đây là một động thái tự sát.” “Nếu ông ấy sẵn sàng bước tới, điều đó có nghĩa là chúng ta đang chứng kiến một nhà độc tài thậm chí còn tồi tệ hơn cả Stalin.”

Một số nhà quan sát cho rằng NATO có thể tấn công Nga bằng vũ khí thông thường nếu Putin nhấn nút hạt nhân.

Belkovsky cảnh báo rằng Putin tin chắc rằng Mỹ và các đồng minh sẽ không dám đáp trả nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân năng suất thấp ở Ukraine.

“Nếu Hoa Kỳ tin rằng không có sự sẵn sàng về mặt tâm lý cho điều đó, thì đó là sai lầm,” ông nói.

Ông Zygar đã so sánh nhà lãnh đạo Nga với một phi công chiến đấu cố gắng giành chiến thắng trong một trận không chiến bằng cách tấn công trực diện kẻ thù và chờ đối thủ tránh đi trước.

Ông Zygar nói: “Ông ấy nghĩ rằng ông ấy có bản lĩnh và tin rằng ông ấy phải leo thang đến cùng.”

Ông lưu ý rằng các chuyên gia đã thất bại trong việc dự đoán việc ông Putin sáp nhập Crimea vào năm 2014 và cuộc xâm lược hiện tại chỉ vì họ đang sử dụng các tiêu chí hợp lý.

Ông nói: “Nhận thức trước đây của chúng ta về các giới hạn hợp lý đều đã được chứng minh là sai.” “Không có giới hạn nào như vậy cả.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn