russian soldier with Iskander missile

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga, làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể dùng vũ khí hạt nhân nhỏ hoặc "chiến thuật" ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Putin rằng nếu ông ta làm vậy, đây sẽ là hành động leo thang quân sự nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là các đầu đạn hạt nhân nhỏ và hệ thống phóng, được thiết kế để dùng trên chiến trường hoặc cho một cuộc tấn công có giới hạn.

Chúng được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu của đối phương trong một khu vực cụ thể mà không gây ra các tác động phóng xạ trên diện rộng.

Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất có thể có trọng lượng một kiloton hoặc ít hơn (tương đương với một nghìn tấn thuốc nổ TNT). Những vũ khí hạt nhân chiến thuật lớn nhất có thể lớn tới 100 kiloton.

Vũ khí hạt nhân chiến lược loại lớn hơn (lên đến 1.000 kiloton) và được phóng từ tầm xa hơn.

Để so sánh, quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945 là 15 kiloton.

Nga có vũ khí hạt nhân chiến thuật nào?

Theo tình báo Mỹ, Nga có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Đầu đạn hạt nhân chiến thuật của các vũ khí này có thể được đặt trên các loại tên lửa khác nhau thường được sử dụng để phóng các thiết bị nổ thông thường, chẳng hạn như tên lửa hành trình và đạn pháo.

Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể được bắn từ máy bay và tàu - như tên lửa chống hạm, ngư lôi và bom chìm.

Mỹ cho biết gần đây Nga đang đầu tư rất nhiều vào các loại vũ khí này để cải thiện tầm bắn và độ chính xác.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật từng được dùng trước đây?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa từng được sử dụng trong giao tranh.

Các cường quốc hạt nhân như Mỹ và Nga nhận thấy việc tiêu diệt các mục tiêu trên chiến trường bằng cách sử dụng các loại vũ khí thông thường hiện đại cũng hiệu quả không kém.

Ngoài ra, cho đến nay chưa có quốc gia có vũ khí hạt nhân nào sẵn sàng mạo hiểm phát động chiến tranh hạt nhân toàn diện bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tuy nhiên, Nga có thể sẵn sàng sử dụng vũ khí chiến thuật nhỏ thay vì tên lửa chiến thuật lớn hơn.

Tiến sĩ Patricia Lewis, lãnh đạo chương trình an ninh quốc tế tại Chatham House, cho biết: "Họ có thể không coi việc này là 'vượt rào' như với vũ khí hạt nhân lớn.

"Họ có thể coi đó là một phần trong các hoạt động quân sự thông thường của mình."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Lực lượng Nga có thể bắn đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ bằng pháo thông thường, chẳng hạn như pháo tự hành "Malka"

Đe dọa hạt nhân của Putin có đáng lo ngại?

Tháng 2/2022, ngay trước khi xâm lược Ukraine, Tổng thống Putin đã đặt lực lượng hạt nhân của Nga ở trạng thái "sẵn sàng chiến đấu đặc biệt" và tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân cấp cao.

Gần đây hơn, ông nói: "Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi. Đây không phải là một trò bịp."

Nga đang có kế hoạch sáp nhập các khu vực phía nam và đông Ukraine mà Nga đã chiếm đóng. Nga có kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý để tạo ra các "nước cộng hòa nhân dân" ly khai và Tổng thống Putin nói rằng ông sẵn sàng bảo vệ "sự toàn vẹn lãnh thổ" của các khu vực "bằng mọi cách."

Tình báo Mỹ coi việc không giúp Ukraine cố gắng chiếm lại các vùng lãnh thổ này là một mối đe dọa đối với phương Tây, hơn là một dấu hiệu cho thấy Putin đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Nhưng các nước khác lo ngại rằng Nga, nếu chịu thất bại nhiều hơn, có thể sẽ dùng một vũ khí chiến thuật nhỏ hơn ở Ukraine như một "nhân tố làm thay đổi cục diện", để phá vỡ thế bế tắc hoặc tránh thất bại.

James Acton, một chuyên gia về hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Pace ở Washington DC, nói: "Tôi tương đối lo ngại rằng trong hoàn cảnh đó, Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân - rất có thể trên bộ, ở Ukraine, để khiến mọi người khiếp sợ, và dấn tới. Chúng ta vẫn chưa ở vào thời điểm đó."

Mỹ phản ứng như thế nào?

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CBS News, ông Biden nói rằng hành động như vậy sẽ "thay đổi cục diện chiến tranh không giống bất cứ điều gì kể từ Thế chiến thứ hai".

Khó có thể đoán trước được việc Mỹ và Nato sẽ phản ứng như thế nào đối với bất kỳ việc sử dụng loại hạt nhân nào. Họ có thể không muốn tình hình leo thang hơn nữa, không muốn mạo hiểm để xảy ra chiến tranh hạt nhân toàn diện, nhưng họ cũng có thể muốn vạch ra một ranh giới.

Tuy nhiên, Nga cũng có thể bị một cường quốc khác - Trung Quốc - ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tiến sĩ Heather Williams, chuyên gia hạt nhân tại Kings College London, nói: "Nga phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Trung Quốc.

"Nhưng Trung Quốc có học thuyết hạt nhân: 'không sử dụng trước'. Vì vậy, nếu Putin dùng chúng, sẽ khó để có sự ủng hộ từ Trung Quốc.

"Nếu ông ta sử dụng chúng, ông ta có thể sẽ mất Trung Quốc."