• David Jesudason
  • BBC Culture

Amazon

Nguồn hình ảnh, Amazon

Loạt phim truyền hình mới của Amazon, Utopia (Thế giới Trong mơ), kể về âm mưu làm giảm dân số thế giới bằng một trận đại dịch.

Đó chỉ là một trong những kịch bản hoang tưởng nhằm đem lại cảm giác trấn an ngược ngạo.

Các nhà khoa học bị phớt lờ. Trẻ em mắc bệnh. Vaccine đem lại chút hy vọng.

Utopia là loạt phim truyền hình mới, mang tính dự báo đến nỗi người ta cảm thấy thời gian bộ phim được tung ra thị trường có thể cũng là một phần nằm trong thuyết âm mưu.

Phát hành cuối tháng 9/2020, bộ phim truyền hình trên Amazon Prime tập trung vào mối đe dọa đến từ đại dịch cúm toàn cầu.

Loạt phim kể về một quyển tiểu thuyết hình ảnh dự báo nhiều sự kiện - lấy bối cảnh một nhà khoa học chế ra căn bệnh giống như bệnh cúm nhằm làm giảm tình trạng quá tải dân cư trên Trái Đất.

Một nhóm thanh niên sành công nghệ có được quyển truyện này và họ phải chạy trốn để thoát khỏi kẻ thù muốn giết họ nhằm không cho bất kỳ ai khác xem được tiết lộ từ bộ truyện.

Dành suốt cả đời tìm cách giải mã nội dung bộ truyện, giờ đây họ nắm được sự thật trong tay, dù điều đó có thể dẫn họ đến cái chết.

Dù phần dựng phim hậu kỳ chỉ mới hoàn thành vào tháng Tư, ngay giai đoạn đỉnh cao của đợt bùng phát dịch virus corona ở Mỹ và Châu u, nhưng Utopia đã được sản xuất trong một thời gian dài từ trước.

Trong thực tế, đây là phim được làm lại từ loạt phim truyền hình cùng tên của Anh năm 2013 kể về một giáo phái cuồng tín.

Nhưng cảm giác hoang tưởng của bộ phim có thể hợp thời hơn vào giai đoạn này, khi nhiều người thường xuyên xuống đường phỉ nhổ thế lực hắc ám đang điều khiển và thao túng thế giới.

Dù là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu hay chính trị Hoa Kỳ, có vẻ như chưa bao giờ ta sống trong thời đại có nhiều thuyết âm mưu hơn bây giờ, ở đó những câu chuyện như bộ phim trở thành lời giải thích cho những vấn đề nghiêm trọng nhất mà hành tinh đang đối mặt.

Nguồn hình ảnh, Amazon

Chụp lại hình ảnh,

Phim Utopia được Mỹ làm lại từ loạt phim truyền hình về một giáo phái cuồng tín ở Anh, nói về những hoạt động bất chính liên quan tới Tiến sĩ Kevin Christie (John Cusack thủ vai), giám đốc điều hành đầy cá tính của công ty công nghệ sinh học

Không nghi ngờ gì, sự trỗi dậy của mạng xã hội là yếu tố then chốt cho những hồ nghi đen tối, vì mọi người dễ truyền tai nhau và lan tỏa sự ngờ vực của họ đi xa hơn bao giờ hết.

Thật vậy, vào tháng Tám, chính Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định ông ủng hộ những kẻ tạo ra thuyết âm mưu nổi tiếng: chính là những người hưởng ứng phong trào QAnon, cáo buộc rằng những kẻ ấu dâm thờ quỷ Satan đã thâm nhập vào những vị trí quyền lực nhất thế giới, và rằng Tổng thống Trump đang trong sứ mệnh tiêu diệt chúng.

Lịch sử của sự hoang đường

Hoặc có lẽ ta luôn nhanh chóng dựa dẫm vào những câu chuyện xa vời để giải thích bi kịch.

Từ vụ án bắt cóc trẻ em Lindbergh vào thập niên 1930 đến vụ ám sát JFK và vụ đánh bom 11/9, lịch sử cho thấy khi nào tình trạng căng thẳng xã hội xảy ra thì thuyết âm mưu cũng gia tăng chóng mặt nhằm tìm cách đổ lỗi cho thế lực ngầm, hoặc giới tinh hoa toàn cầu, hoặc các nhóm tôn giáo nào đó.

Và ở nơi nào thuyết âm mưu mọc lên thì điện ảnh và truyền hình cũng nhanh chóng theo chân.

Thường thì giai đoạn ban đầu của Chiến Tranh Lạnh - là thời gian xuất hiện những cơn hoang tưởng toàn cầu về nguy cơ thế giới sắp bị hủy diệt bởi vũ khí hạt nhân - được coi là kỷ nguyên vàng của thuyết âm mưu, với hàng loạt những câu chuyện đáng ngờ trỗi dậy về "phe kia", từ mối lo lắng quân cộng sản xâm nhập vào các cơ quan của chính phủ phương Tây, đến thuyết cho rằng Chính phủ Hoa Kỳ đang che đậy sự sống ngoài hành tinh.

Những câu chuyện như vậy giúp sản sinh ra loạt phim truyền hình và điện ảnh như Vùng Chạng vạng (The Twilight Zone - 1959-1964) hay Ứng viên Mãn Thanh (The Manchurian Candidate - 1962).

Rồi đến thập niên 1970, bê bối Watergate bị phơi bày (trớ trêu thay vụ này xoay quanh Tổng thống Richard Nixon, người thường đổ thêm dầu vào lửa, thể hiện sự bất tín nhiệm đối với giới tinh hoa) khiến công chúng mặc sức tưởng tượng và dẫn đến làn sóng các bộ phim thuyết âm mưu rùng rợn mới về những hành động đáng ngờ bên trong Chính phủ Hoa Kỳ. Đó là các phim như The Parallax View (1974), The Conversation (1974), Three Days of the Condor (1975), và tất nhiên, gồm cả bộ phim tuyệt vời làm về sự kiện Watergate là All the President's Men (1976).

Vào thập niên 1990 và đầu những năm 2000, thuyết âm mưu là nền tảng cho phim truyền hình chính thống như loạt phim The X Files hay phim Lost, nhưng đáng chú ý, những bộ phim này tránh đề cập đến những hiểm nguy hoặc những vụ tàn khốc thời nay, vốn vẫn hiện rõ trong ký ức công chúng, như các vụ tấn công 11/9.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, ta thấy ngày càng nhiều các loạt phim truyền hình danh tiếng như Mr Robot, Black Mirror hay Homecoming, có kịch bản sử dụng thuyết âm mưu để giải thích những hiểm nguy xã hội vốn luôn hiện diện nhưng giờ đây trở nên rõ nét hơn cả, như vai trò của công nghệ, sự giám sát từ chính phủ và các tập đoàn dược phẩm lớn tác động đến cuộc sống con người.

Dĩ nhiên, trong năm 2020 thì không có phim nào trong số đó lại dễ tạo liên tưởng bằng loạt phim Utopia.

Xem nhân vật chính trong nhóm bạn suy luận về nguồn gốc nhân tạo của loại virus đe dọa hủy diệt thế giới, sẽ có những người thấy trí tưởng tượng của họ quả thật là phong phú - nhất là trong bối cảnh những thuyết không bằng cớ vẫn tiếp tục được lan truyền, cho rằng virus corona được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bộ phim Ứng viên Mãn Châu (The Manchurian Candidate) ra năm 1962 phản ánh sự hoang tưởng thời Chiến tranh Lạnh

Tiến sĩ Michael Butter, giáo sư văn học Mỹ và lịch sử văn hóa từ Đại học Tübingen ở Đức cho rằng một trong những lý do khiến phim truyền hình về thuyết âm mưu phổ biến như vậy, là vì phim truyền hình hiện đại và mở rộng thích hợp với thuyết âm mưu phức tạp; thay vì phải có tuyến kịch bản, họ cho khán giả cảm thấy như chính khán giả đang khám phá từng thông tin nhỏ giọt theo nhân vật chính của phim.

"[Phim dài tập] thực sự thích hợp với logic của thuyết âm mưu," ông nói. "Ở nơi mọi thứ ăn khớp với nhau, thì đó cũng là nơi bạn luôn có thể tìm ra một manh mối khác và tiếp tục dẫn đến kết nối khác. Và điều này khiến thuyết âm mưu cực kỳ tuyệt vời cho người làm phim dài tập, vì họ luôn có thể thêm vào phần nào đó. Bạn cũng có thể thay đổi kịch bản sau hai hoặc ba mùa phim, [ở điểm] là thình lình bạn nhận ra mọi thứ bạn nghĩ là thật hóa ra không phải là thật, và bạn dịch chuyển theo hướng cực kỳ khác biệt."

Thử nghiệm

Utopia, phiên bản Mỹ, do tác giả phim Gone Girl là Gillian Flynn viết, thay đổi nhiều yếu tố từ bộ phim ban đầu trong phiên bản Anh, để làm cho loạt phim gần gũi với khán giả toàn cầu hơn.

Chẳng hạn, trong phim gốc, thuyết âm mưu dùng để giải thích cho dịch bệnh viêm não thể bọt biển ở bò (Bovine Spongiform Encephalopathy - BSE) xảy ra ở Anh vào thập niên 1980 và 1990, khiến 4,4 triệu con bò phải bị tiêu hủy và khoảng 178 người thiệt mạng.

Trong phiên bản Anh, tác giả kịch bản Dennis Kelly miêu tả nước Anh trong tình trạng kiệt quệ với các tòa nhà hư hỏng, muỗng cà phê nhơ nhớp và các trạm dừng chân èo uột mệt mỏi.

Tuy nhiên, trong phiên bản Mỹ lại có không khí bóng bẩy quen thuộc kiểu Mỹ, với các công ty công nghệ do những CEO hấp dẫn điều hành, như vai Tiến sĩ Kevin Christie do John Cusack thủ vai, một kiểu nhà lãnh đạo giống Mark Zuckerberg, đưa loại thịt nhân tạo vào thị trường toàn cầu.

Phiên bản Mỹ được cập nhật để phản ánh tính thời thượng và bóng bẩy, loại bỏ bảng màu khác thường trong phim gốc, vốn miêu tả nước Anh với bầu trời luôn xanh biếc (do sử dụng hiệu ứng chỉnh màu trong quá trình xử lý hậu kỳ), nhưng lại không thành công trong việc tái hiện nét tinh tế của nó do có dàn diễn viên quá đông (nhân vật Wilson Wilson do Adeel Akhtar thủ vai là một trong những vai diễn Châu Á không theo định kiến thông thường, đáng nhớ nhất trên truyền hình Anh Quốc).

Cả hai bộ phim đều sử dụng hình ảnh cực kỳ bạo lực và thậm xưng, trong đó có cảnh tra tấn móc mắt.

Cả hai phiên bản đều chuyển tải được niềm tin vào thuyết âm mưu muôn hình vạn trạng giữa các nhân vật chính với Wilson Wilson - mà trong phiên bản mới của Mỹ do Desmin Borges thủ vai - tín đồ quân sự hàng đầu, so với nhân vật người bạn ghiền truyện tranh - Ian, người ở thái cực đối lập, vốn hay đa nghi như những người bình thường khác.

Mức độ niềm tin này khiến phim Utopia có sức hấp dẫn với đủ mọi loại khán giả, từ những người say mê thuyết âm mưu đến những người hoài nghi chúng.

"Utopia thể hiện những người hăng hái tham gia vào thuyết âm mưu và các âm mưu," Tiến sĩ Butter giải thích, và nhắc tới cách mà nguồn gốc về thuyết âm mưu trong bộ truyện tranh lý giải làm cách nào văn hóa đại chúng lại có thể vừa thổi bùng vừa kiềm chế, khiến người ta tin theo thuyết âm mưu.

"Nó [thể hiện] ý tưởng rằng thuyết âm mưu vẫn phổ biến và hấp dẫn, và đồng thời chúng cũng bị kỳ thị… coi như thứ chỉ để giải trí, giống như việc đánh cờ, đọc truyện tranh hay những trò tiêu khiển tương tự."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Phim The Parallax View (1974) với Warren Beatty tham gia diễn xuất là một trong những loạt phim gay cấn về thuyết âm mưu được thực hiện trong giai đoạn vụ bê bối Watergate xảy ra

Dòng chảy bền vững của ngành giải trí dựa vào thuyết âm mưu vừa xuất hiện gần đây (trong đó có cả loạt phim tài liệu như Tội phạm Hoàn hảo (A Perfect Crime) của Netflix - nói về vụ ám sát chính trị gia người Đức Detlev Karsten Rohwedder vào năm 1991 - vừa được tung ra vào cuối tháng Chín) có thể dựa trên thực tế rằng ta đang sống trong một thế giới quá háo hức với các thuyết âm mưu - đến mức chúng trở nên phổ biến và được người quyền lực nhất thế giới ủng hộ.

Dù ông Trump không phải tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên say mê thuyết âm mưu, nhưng ông sử dụng chúng ở mức công khai chưa từng có để phục vụ cho động cơ chính trị, Butter giải thích. Chẳng hạn như thuyết âm mưu về 'nơi sinh' của ông Obama giờ đây đang được gợi lại, làm ta nhớ đến cách ông Trump có những ám chỉ tương tự về bà Kamala Harris, ứng viên đối lập cho vị trí phó tổng thống trong cuộc tranh cử tới đây.

Điều này có thể thậm chí giải thích vì sao chính ông cũng trở thành trung tâm của một thuyết âm mưu.

"Ông Trump cực kỳ, cực kỳ giỏi vận dụng thuyết âm mưu," Butter nói. "Ông sử dụng chúng làm mạng lưới an toàn cho bản thân. Ông rất giỏi trong việc lừng khừng, không khẳng định chúng. Ông luôn đề cập đến chúng bằng cách nói 'Tôi nghe nhiều người nói', 'mọi người nói với tôi hoài', 'nhiều người nói vậy'. Cách này đảm bảo rằng thuyết âm mưu liên tục được nhắc đến, liên tục hiện diện trước công chúng."

Sức quyến rũ của thuyết âm mưu

"Chủ nghĩa dân túy có cách đơn giản hóa thế giới," ông nói thêm, "và đơn giản hóa những xung đột xã hội, rồi sau đó đem lại những câu trả lời cực kỳ đơn giản vốn không có tác dụng gì. Và chúng tôi biết từ nhiều nghiên cứu là có sự giao thoa giữa những người thích các chính trị gia dân túy và các phong trào hoạt động của người mê thuyết âm mưu."

Thật trớ trêu là tuy từng bị chỉ trích bởi những cơ quan quyền lực nhất trong xã hội, nhưng giờ đây thuyết âm mưu lại được những người quyền lực tận dụng để tương tác với những cử tri vỡ mộng, những người từng cảm thấy bị chính trị chính thống quay lưng.

John Grohol, nhà tâm lý học và là người sáng lập trang web Psych Central, nhận thấy thuyết âm mưu là cách mà một số người cố vận để lý giải những sự kiện quan trọng mà không cần phải nhìn nhận xét quan điểm của họ về thế giới.

"Tôi tin rằng họ không chỉ chỉ đạo, mà còn cố gượng ép để hiểu những thứ chẳng hề có lý chút nào," ông nói.

"Chẳng hạn, nghe thì có vẻ chuyện những tên khủng bố sẽ dùng máy bay tông vào tòa cao ốc không có lý chút nào. Trước khi vụ 11/9 xảy ra, chuyện như vậy chưa bao giờ xảy ra. Và vì vậy với những người chỉ chúi mũi vào những sự kiện kiểu vậy, thuyết âm mưu trỗi dậy, giúp giải thích cho họ về thảm kịch đó.

"Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy những người sợ hãi và lo âu hơn thường có khả năng nhận thức và kiểm soát tình hình thấp hơn," ông nói. "Vì vậy, những người có tính cách như vậy có xu hướng tin vào thuyết âm mưu hơn."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Loạt phim truyền hình Homecoming của Amazon, vừa công chiếu mùa thứ hai với sự tham gia diễn xuất của Janelle Monae (người đội mũ trong hình trên), là một phần trong làn sóng phim truyền hình dựa trên thuyết âm mưu mới

Tương tự, trong tiểu thuyết, cốt truyện dùng thuyết âm mưu tận dụng những sự kiện và vấn đề mà ta sợ hãi nhất - biến đổi khí hậu, kiểm soát dân số và khoa học bất quy tắc là những chủ đề đứng đầu trong nội dung tin tức vào thời điểm Kelly bắt đầu thai nghén Utopia.

Giờ đây, khi nhóm Nổi loạn Tận thế (Extinction Rebellion) xuất hiện mỗi ngày trên báo chí, một số người nói đây có thể là thời điểm thích hợp để Utopia phê phán chủ nghĩa cực đoan về biến đổi khí hậu, cho thấy ý thức hệ độc đoán có thể khiến con người khốn khổ.

Những người khác thì lập luận rằng Utopia là ví dụ điển hình cho những loại phim làm về thuyết âm mưu: đó là chúng có thể cổ súy cho những người khăng khăng tin rằng chính các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu mới gây ra vấn đề chứ không phải bản thân tình trạng biến đổi khí hậu, dù thực tế là tình trạng đó đã hủy hoại hành tinh và gây ra hàng loạt chết chóc trên diện rộng.

Nhưng hầu hết người xem có thể xem Utopia mà không cần tin vào kịch bản kỳ dị của nó ngay lập tức, và điều này thậm chí còn là một phần làm nên sự quyến rũ của phim.

"Những phim như Utopia hấp dẫn người xem bằng sự tréo ngoe," Butter nhận định. "Tôi không nghĩ phim này kể [cho người xem] bất cứ điều gì về thế giới thực. Và tất nhiên chúng có vẻ hấp dẫn với những người tin rằng thuyết âm mưu lúc nào cũng tồn tại và có thể họ đang sống giữa một thứ như vậy."

Dù khán giả có phản ứng ra sao với Utopia, thì nhà sản xuất hẳn đã hy vọng chủ đề đúng thời điểm này sẽ tạo sức hút mạnh mẽ trong năm 2020.

Với một số người, câu chuyện có vẻ như quá thực, nhưng với một số người khác, những thuyết âm mưu xa vời về đại dịch có thể chỉ thêm một chút dễ chịu trái khoáy, đặc biệt là trong hoàn cảnh đại dịch thực đang xảy ra vẫn chờ có thêm lời giải thích.