Con Đường Tơ Lụa Mới : Ván bài « Poker » của Trung Quốc để chống Mỹ

Thứ Bảy, 10 Tháng Chín 202210:00 SA(Xem: 1696)
Con Đường Tơ Lụa Mới : Ván bài « Poker » của Trung Quốc để chống Mỹ
rfi.fr

Con Đường Tơ Lụa Mới : Ván bài « Poker » của Trung Quốc để chống Mỹ

Minh Anh

Năm 1904, Halford John Mackinder – nhà địa lý học người Anh – từng nói: « Ai thống trị được "Heartland" thì chỉ huy cả thế giới ». Học thuyết địa chính trị nổi tiếng này còn cho rằng Vương Quốc Anh vẫn sẽ dẫn đầu thế giới chừng nào chưa có một cường quốc hay liên minh cường quốc Á – Âu nào thống trị lục địa Á – Âu. Hơn một thế kỷ sau, cuộc chiến giành « Heartland » giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết.

« Heartland » - trung tâm thế giới - mà Halford J. Mackinder nói đến chính là tâm của Đảo Thế Giới (World – Island), tức lục địa Á-Âu. Vùng « Heartland » này trải dài từ sông Volga đến sông Trường Giang và từ dãy Himalaya đến vùng Vùng Bắc Cực. Vào thời đó, Heartland phần lớn do đế chế Nga hoàng chiếm đóng, nhưng với Mackinder, đây là vùng lãnh thổ trù phú nhất và có vị trí chiến lược quan trọng nhất của thế giới.

Hoa Kỳ : « Heartland » của cả thế giới ?

Trong một chương trình của đài truyền hình ARTE, George Friedman, nhà sáng lập, kiêm tổng giám đốc Geopolitical Future nhắc lại học thuyết này của Mackinder sau này được Mỹ, đặc biệt là ngoại trưởng Henry Kissinger (1973 – 1977), nghiên cứu kỹ lưỡng :

« Theo gương Anh Quốc thời đó, Kissinger nghĩ rằng Mỹ có thể thống trị thế giới một cách hiệu quả từ các vùng biển. Để có thể thực hiện điều này, Washington cần một đầu cầu ở châu Âu và một tại Đông Á, nhằm duy trì sự bất hòa giữa các nước Á-Âu lớn. Vào thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, đối với Kissinger, điều đó có nghĩa là phải chia rẽ các cường quốc lục địa châu Âu như Đức và Nga, và các cường quốc Á-Âu, tức Nga và Trung Quốc. »

Điểm quan trọng nhất trong học thuyết này của Mackinder là làm thế nào kiểm soát hai nút thắt chính ở hai đầu cực lục địa Á-Âu. Theo nhận định của Pepe Escobar, nhà phân tích địa chính trị, trên đài ARTE, trong suy nghĩ của giới chiến lược gia Mỹ thời bấy giờ, hai nút thắt đó chính là Đức và Nhật Bản. « Nếu Mỹ kiểm soát được Đức, đây là những gì họ vẫn làm, nếu họ khống chế được Nhật Bản, đó cũng là những gì đang diễn ra, và nếu Mỹ thống trị được các vùng biển như Anh Quốc trong quá khứ, Hoa Kỳ có thể bao vây lục địa Á-Âu và chi phối toàn cầu ở cấp độ đường biển. »

Cũng theo học thuyết của Mackinder, trung tâm của hệ thống toàn cầu là Heartland. Ai kiểm soát được Heartland thì sẽ thống trị được châu Âu và toàn thế giới. Nhìn từ góc độ này, George Friedman cho rằng Mỹ hiện vẫn là « Heartland » của thế giới :

« Thứ nhất, đây là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thứ hai, đây là quốc gia thụ hưởng dòng vốn đầu tư chính và quan trọng hơn cả, đây còn là một trong số hiếm hoi các nước trên thế giới không thể bị tấn công bằng đường bộ. Nước Mỹ nằm trên một hòn đảo, tuy phía Bắc giáp với Canada, phía Nam giáp với Mêhicô, nhưng Canada tham gia cùng hệ thống phòng không với Mỹ, còn Mêhicô có những đặc tính riêng của họ, nên Mỹ cũng không mấy lo lắng về vấn đề này. »

Cũng theo George Friedman, mối đe dọa duy nhất đối với Mỹ đến từ hai đại dương. « Khi Mackinder ở đó, ông ấy đã không để ý đến Thái Bình Dương. Ngày nay, người ta nói rằng ai khống chế được Đại Tây Dương và Thái Bình Dương thì sẽ chỉ huy được trung tâm thế giới. Mỹ kiểm soát được Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Chừng nào Hoa Kỳ vẫn còn duy trì được vị thế này, thì cách hành xử của Trung Quốc và châu Âu vẫn sẽ nằm dưới sự kiểm soát, chí ít là ở một mức độ nào đó. »

Bắc Kinh : « Heartland » phải nằm ở lục địa Á-Âu

Nhưng vị thế « Heartland » này của Mỹ giờ đây đang bị một cường quốc khác đe dọa. Trung Quốc, sau 30 năm trỗi dậy thần kỳ, nay tìm cách đặt lại lục địa Á-Âu vào vị trí trung tâm thế giới. Trung Quốc và châu Âu đã có những mối quan hệ giao thương từ thời Cổ Đại. Lụa dệt tơ tằm của Trung Quốc rất được người La Mã ưa chuộng, để rồi sau này, con đường tơ lụa đó còn được dùng để vận chuyển gia vị, ngựa, và da thú.

Do vậy, với Bắc Kinh, tâm điểm của chính trị quốc tế phải được di dời từ bên kia bờ Đại Tây Dương sang lục địa Á-Âu. Và đây là mục tiêu cốt lõi của dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, còn được biết đến dưới tên gọi Nhất Đới, Nhất Lộ - Một Vành Đai, Một Con Đường (One Belt, One Road), mà Trung Quốc khởi động từ năm 2013.

Đương nhiên, mục tiêu đầu tiên của dự án là nhằm bình ổn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong vòng 20 năm tới. Sự thịnh vượng của người dân Trung Quốc là nền tảng bảo đảm cho tính chính đáng của đảng Cộng Sản. Trong mục tiêu này, những điểm kết nối nằm dọc theo hai trục liên thông chính sẽ được hình thành, nối Trung Quốc với châu Âu. Một ở phía bắc, qua ngả Trung Á và một ở phía nam, thông qua Nam Á và châu Phi.

Theo kế hoạch, dự án khổng lồ này phải kết nối với gần 70 quốc gia, và hơn 4 tỷ người dân. Trong vòng gần 10 năm, Trung Quốc đã đầu tư và xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng, từ kinh tế, cầu đường, đập thủy điện, cho đến các trang thiết bị kỹ thuật số, văn hóa… Mỗi năm Trung Quốc đầu tư gần 20 tỷ đô la tại các nước dọc theo những trục mới này.

Con Đường Tơ Lụa Mới và những thách thức

Nhưng chiến lược mở rộng ảnh hưởng này của Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Một mặt, Bắc Kinh cũng ý thức được rằng sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô và nguồn cung dầu khí, những yếu tố mang tính sống còn cho chế độ Cộng Sản, là những điểm yếu nhất trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới.

Ở phía nam, thông qua đường hàng hải, eo biển Malacca là « gót chân Achille » trong chuỗi cung ứng nhiên liệu từ Trung Đông và các nước Vùng Vịnh Ba Tư, một điểm xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung  Quốc, theo như phân tích của chuyên gia địa chính trị Pepe Escobar: « Hải quân Mỹ có thể ngăn chặn hàng hóa trong không gian này chỉ trong vài giờ. Eo biển này có dạng cổ chai, cực kỳ hẹp và nguy hiểm, với nhiều điểm hỗ trợ trong khu vực, Hoa Kỳ chẳng gặp chút khó khăn gì để cắt nguồn cung ứng năng lượng của Trung Quốc. Vấn đề này khiến nhiều nhà phân tích Trung Quốc lo lắng ít nhất từ 20 năm qua. »

Để bớt lệ thuộc vào eo biển Malacca, Bắc Kinh mở rộng giao thương bằng đường bộ. Về điểm này, Trung Á giữ một vai trò thiết yếu. Chỉ có điều là con đường này cũng lắm chông gai, mà Afghanistan là một trong những hằng số. Quốc gia này có lợi thế địa lý, là giao điểm kết nối Á – Âu, nhưng đây cũng là một thùng thuốc nổ tiềm tàng, tâm điểm của mọi  hỗn loạn trong khu vực.

Ngoài ra, trong trường hợp các nhà nước chuyên quyền trong vùng bị những cuộc nổi dậy, những rối loạn hay các cuộc tấn công khủng bố gây bất ổn, điều đó có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho Con Đường Tơ Lụa Mới. Ông Constantin Simonov, tổng giám đốc Quỹ An Ninh Năng Lượng Quốc Gia, lưu ý thêm rằng sự hiện diện ngày một lớn của Trung Quốc tại nhiều nước Trung Á và châu Phi, ngoài việc áp đặt những lợi ích chính trị, còn nhằm bảo đảm việc tiếp cận các thị trường nguyên nhiên liệu:

« Việc vận chuyển năng lượng là mục tiêu của một cuộc chiến bền bỉ vì việc có được trong tay những nguồn tài nguyên thiên nhiên là một điều quan trọng. Kiểm soát được các đường vận chuyển, mà các cuộc xung đột xung quanh các đường ống dẫn khí đốt và việc xây dựng những công trình này mang tính mấu chốt. Vấn đề ở đây không chỉ bảo vệ các lợi ích của chính Bắc Kinh, mà còn nhằm cản trở các đối thủ tiếp cận nguồn năng lượng. »

Ván bài « Poker » Nga – Mỹ – Trung

Mặt khác, ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc trên thế giới khiến Hoa Kỳ lo lắng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới ? Con Đường Tơ Lụa Mới này đe dọa ưu thế của phương Tây, và nhất là thế bá quyền mà Mỹ có được từ sau ngày Liên Xô sụp đổ. Sự lo lắng này của Mỹ cũng không phải là vô cớ.

Trong cuộc chiến tranh Ukraina, nhiều quốc gia đã tránh bày tỏ lập trường và không tham gia vào các biện pháp trừng phạt do phương Tây ban hành. Hơn nữa, tính hiệu quả các biện pháp trừng phạt của Mỹ còn gắn chặt với sức mạnh của đồng đô la. Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, tờ tiền xanh đã thay thế đồng bảng Anh với tư cách là ngoại tệ hàng đầu thế giới. Nhiều ngân hàng trung ương dành một phần lớn nguồn dự trữ ngoại tệ bằng đô la và trên cấp độ quốc tế, đa phần các hoạt động giao thương đều được thực hiện bằng đồng đô la.

Vị thế này của đô la Mỹ đang dần bị thay đổi trên thị trường nguyên liệu thô. Ả Rập Xê Út, bắt đầu sử dụng đồng tiền Trung Quốc cho các hoạt động giao thương với Trung Quốc. Họ rất có thể làm điều tương tự với cả Nga. Michael Luders, học giả về chính trị và Hồi giáo người Đức, cho rằng, trong điều kiện này, đồng đô la có nguy cơ không còn là ngoại tệ quốc tế hàng đầu. « Điều bất lợi cho Mỹ là nếu đồng đô la không còn là đồng tiền tham chiếu duy nhất nữa trên thế giới, họ sẽ không thể nào vay nợ không giới hạn và đây chính là chiếc gai lớn trong chân người Mỹ. »

Giờ đây trong cuộc đọ sức này, mỗi bên tìm kiếm cho mình một đồng minh. Nhằm gây thất bại cho các tham vọng của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã thiết lập các mối quan hệ đồng minh mới tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương như liên minh AUKUS với Anh và Úc hồi tháng 9/2021. Cuộc chiến Ukraina do Nga phát động cũng khiến nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu tăng thêm ngân sách quốc phòng. Và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO như được củng cố hơn.

Ngược lại ở phía bên kia, Matxcơva và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn, cả trên bình diện kinh tế lẫn quân sự. Và mối quan hệ Nga – Trung này là một yếu tố mấu chốt cho những lợi ích địa chiến lược của Mỹ. Và điều này cũng không có gì là mới mẻ. Năm xưa, để chia rẽ Matxcơva và Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Richard Nixon và ngoại trưởng Henry Kissinger, đã « hy sinh » Đài Loan để được xích lại gần với Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Một ván cờ « Poker » mới lại hình thành, cũng với ba gương mặt cũ, nhưng lần này Hoa Kỳ trong thế « con mồi » bị tấn công.

Nhìn từ những góc độ này, câu hỏi đặt ra : Phải chăng học thuyết của Mackinder đã lỗi thời ? Về điểm này, Jorg Barandat, giáo sư về chiến lược quân sự tại Đức đưa ra một nhận định như sau :

« Ngày nay, khi người ta nói đến sự thống trị trên mọi lĩnh vực, người ta không chỉ nghĩ đến năng lực quân sự như bộ binh, không quân, hải quân… mà còn phải bao gồm cả thương mại, công nghệ, lĩnh vực y tế, hệ thống xã hội, các phương tiện thông tin. Đây chính xác là tham vọng của Trung Quốc với dự án Con Đường Tơ Lụa. Họ không chỉ xây dựng các liên kết hàng hải và các tuyến giao thông trên bộ mà họ còn quy hoạch cả một con đường tơ lụa thông tin và con đường tơ lụa y tế. Những dự án này được mở rộng cho tất cả những lĩnh vực nào có thể giúp Trung Quốc giành được ảnh hưởng và khẳng định thế thống trị. Điều đó bao gồm cả việc thành lập các định chế song song với các định chế của Liên Hiệp Quốc như Ngân hàng Thế giới chẳng hạn ».

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn