Mikhail Gorbachev và Việt Nam

Thứ Sáu, 02 Tháng Chín 20226:00 SA(Xem: 1682)
Mikhail Gorbachev và Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn - Mikhail Gorbachev và Việt Nam


13 

Mỗi chánh khách đều để lại một di sản sau khi họ qua đời, và cái di sản lớn nhứt mà ông Mikhail Gorbachev (1931-2022) để lại là kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh, sự tan rã của Liên Xô và sự suy sụp của chế độ toàn trị.

Ông đã có dịp thăm Việt Nam (lúc chưa là tổng bí thư), nhưng những cải cách của ông bên Nga đã được làm theo [một phần] ở Việt Nam.

Ông để lại cho đời nhiều câu nói mang tính 'wisdom' mà tôi lược dịch dưới đây. Một trong những câu tôi tâm đắc là "Hòa bình không phải là sự thống nhứt trong đồng dạng mà là trong đa dạng, trong đối sánh và hòa giải những khác biệt." Việt Nam rất cần học lời nói này. 

Ông Gorbachev làm nên lịch sử trong một thời gian rất ngắn. Năm 1979 ông được bầu vào Bộ Chánh Trị Đảng cộng sản Liên Xô, và chỉ 6 năm sau (1985) ông trở thành tổng bí thư lúc 54 tuổi. Năm 1991 ông giải thể Liên Xô và trả tự do cho 15 nước cộng hòa, và cuộc Chiến tranh Lạnh coi như kết thúc. Trước đó một năm (năm 1990) ông được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình vì đã có công kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh. Tính từ ngày lên chức cao nhứt trong đảng đến ngày lịch sử chỉ có 6 năm!

Ông từng thăm Việt Nam một lần lúc chưa làm sếp. Sau khi làm sếp Đảng Cộng sản Liên Xô thì ông chưa có dịp thăm Việt Nam. Theo như những gì tiến sĩ Lê Đăng Doanh (cố vấn cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) mô tả (qua cuốn sách "Bên Thắng Cuộc" của Huy Đức) thì ông không có cảm tình gì với Việt Nam.

Năm 1989, ông Nguyễn Văn Linh (lúc bấy giờ là Tổng bí thư) dẫn một phái đoàn Việt Nam đi thăm Đông Đức, nhân ngày kỷ niệm 40 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Hãng hàng không Interflug của Đông Đức dành cho ông Linh một ghế hạng thương gia, còn đoàn tùy tùng gồm phó thử tướng, trợ lý tổng bí thư, đại sứ, và cả ông Doanh chỉ ngồi hạng phổ thông.

Ông Linh có ý định gặp Gorbachev và Nicolai Ceausesscu để cứu vãn phe xã hội chủ nghĩa. Ban tổ chức sắp xếp cho họ ở chung một khách sạn, nhưng ông Linh thì chỉ ở phòng bình thường, Nicolai Ceausescu ở phòng xịn hơn, còn Gorbachev thì ở trong lâu đài. Ông Linh ở gần phòng Ceaucescu và xin gặp ông ấy để bàn kế hoạch cứu vãn xã hội chủ nghĩa, nhưng Ceaucescu đã cho ông Linh chờ rất lâu. Ông Linh hỏi ông Doanh:

“Mày liên hệ thế nào mà giờ không thấy nó”.

Ông Doanh bảo: “Tính thằng này nó hình thức thế”.

Cuối cùng thì Ceaucescu cũng gặp ông Linh, nhưng cuộc gặp chẳng đi đến đâu, vì người quyết định là Gorbachev.

Ông Linh xin được hội kiến với Gorbachev, và Gorbachev đồng ý. Theo lịch trình, hai người gặp nhau lúc 10:30 giờ sáng ngày 07/10/1989. Thế nhưng Gorbachev cho ông Linh 'leo cây', mãi đến 5:30 chiều mới được gặp. Huy Đức viết về buổi gặp mặt như sau:

"Nhưng, cuộc tiếp Tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói:

'Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh'."

Xin nói thêm rằng lúc đó ông Linh gọi Gorbachev là 'Kẻ cơ hội nhất hành tinh'. Chẳng hiểu sao Gorbachev biết điều đó, nên ông mỉa mai nói với ông Linh như thế.

Huy Đức viết tiếp theo lời kể của Ts Lê Đăng Doanh:

"Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là 'rất tốt' nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: 'Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế'.

Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: 'Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!'. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: 'Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước'."

Sau đó, ông Linh tỏ ý xin viện trợ, nhưng Gorbachev khoát tay nói: “Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”.

Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong “tình hữu nghị thắm thiết”.

[Hết trích]

NGUYỄN VĂN TUẤN 31.08.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn