Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Pakistan đang đối mặt với một mùa mưa tai hại sau khi lũ lụt nhấn chìm một phần ba nước này.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thúc giục thế giới hỗ trợ Pakistan vào lúc ông ra lời kêu gọi trị giá 160 triệu đô la nhằm giúp đỡ hàng chục triệu người bị ảnh hưởng trong thảm họa.

Ông đổ lỗi cho "tác động không ngừng của các mức mưa và lũ lụt cao lịch sử".

Ít nhất 1.136 người đã thiệt mạng kể từ tháng 6; đường xá, hoa màu, nhà cửa và cầu cống bị cuốn trôi trên khắp đất nước.

Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu của nước này, ông Sherry Rehman mô tả đây là "thảm họa nhân đạo ở mức độ lịch sử do khí hậu gây ra".

Đợt mưa kỷ lục năm nay có thể so sánh với trận lũ kinh hoàng năm 2010, là trận lụt kinh hoàng nhất trong lịch sử Pakistan đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.

Trong một thông điệp được ghi hình, ông Guterres gọi Nam Á là "điểm nóng về khủng hoảng khí hậu", nơi con người có nguy cơ tử vong do tác động của khí hậu cao gấp 15 lần.

"Hãy ngừng mộng du về việc tình trạng biến đổi khí hậu sẽ hủy diệt hành tinh của chúng ta. Hôm nay là Pakistan. Ngày mai, đó có thể là đất nước của bạn."

Ông cho biết lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc nhằm cung cấp cho 5,2 triệu người thực phẩm, nước, vệ sinh, giáo dục khẩn cấp và hỗ trợ y tế.

Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nhiều yếu tố góp phần gây ra lũ lụt, nhưng tình trạng ấm nóng do biến đổi khí hậu khiến các trận mưa cực lớn nhiều khả năng xảy ra hơn.

Thế giới đã ấm lên khoảng 1,2 độ C kể từ khi kỷ nguyên công nghiệp bắt đầu, và nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng trừ khi các chính phủ trên thế giới cắt giảm mạnh lượng khí thải.

Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan cho biết ước tính lũ lụt đã gây thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD, và nhiều người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Pakistan thì vốn đã đang trong cơn khủng hoảng kinh tế.

Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Những vùng đất nông nghiệp trù phú đã bị tàn phá, làm hỏng nguồn cung cấp lương thực và khiến giá cả tăng vọt.

Zahida Bibi, đi mua đồ ở một khu chợ tại Lahore, nói với hãng tin AFP: “Mọi thứ đắt đỏ đến mức chúng tôi không thể mua được gì cả."

Các quan chức ước tính rằng hơn 33 triệu người Pakistan - tức là cứ bảy người thì có một người - bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Nghiêm trọng nhất ở các tỉnh như Sindh và Balochistan, nhưng các vùng miền núi ở Khyber Pakhtunkhwa cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Hàng nghìn người đã được lệnh sơ tán khỏi các ngôi làng bị chia cắt ở phía bắc Thung lũng Swat, nơi cầu đường bị cuốn trôi - nhưng ngay cả với sự trợ giúp của trực thăng, giới chức vẫn đang vật lộn để tiếp cận những người bị mắc kẹt.

"Từ làng này tới làng khác bị xóa sổ. Hàng triệu ngôi nhà đã bị phá hủy," Thủ tướng Shehbaz Sharif cho biết hôm Chủ Nhật sau khi bay thị sát khu vực bằng trực thăng.

Đồ viện trợ đang bắt đầu đến nơi sau khi Pakistan ra lời kêu gọi, xin trợ giúp. 

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp lều và thuốc men, còn Hoa Kỳ và Anh cam kết hỗ trợ.

Vào đầu ngày hôm thứ Hai, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết họ đã phê duyệt khoản vay 1,2 tỷ USD cho nước này.