Chiến tranh lan đến Crimée : Ukraina muốn tái chiếm, Putin lâm vào thế kẹt

Thứ Tư, 24 Tháng Tám 202211:50 SA(Xem: 1718)
Chiến tranh lan đến Crimée : Ukraina muốn tái chiếm, Putin lâm vào thế kẹt

01


Đăng ngày:

Crimée không còn yên tĩnh

Le Monde chạy tựa trang nhất « Ukraina : Chiến tranh đã lan đến Crimée ». Le Figaro nói về « Sự bối rối của Matxcơva sau một loạt vụ ‘phá hoại’ tại Crimée được cho là do Kiev thực hiện ». Một bức ảnh có thể được xếp vào những hình ảnh tiêu biểu của năm 2022 : các du khách Nga đang nằm phơi nắng trên bãi biển Crimée trong khi đằng xa một cột khói đen khổng lồ đang cuồn cuộn trên bầu trời.

Nhiều vụ nổ đã phá hủy kho đạn của không quân Nga hôm 09/08. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng do « vi phạm quy định phòng cháy », báo Kommersant nói do « bất cẩn khi hút thuốc lá ». Nhưng ảnh vệ tinh chứng tỏ phi trường bị thiệt hại nặng, theo CNN có 7 chiến đấu cơ bị phá hủy trong đó có tiêm kích Su-30 và oanh tạc cơ Su-24.

Với vụ thứ hai, các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy kho đạn quan trọng ở làng Maiskoie bị nổ lớn từ sáng sớm, gây thiệt hại trong khu vực rộng vài trăm mét. Thống đốc « Cộng hòa Crimée » sau đó nhìn nhận có hai người bị thương và phải sơ tán trên 3.000 dân, đường xe lửa nối bán đảo với Nga ở gần đó cũng bị ảnh hưởng khiến việc vận chuyển hành khách và hàng hóa đều phải ngưng lại.

02


Drone, đặc nhiệm hay hỏa tiễn « nội hóa » của Ukraina được cải tiến ?

Tuy đã lấp liếm rằng vụ Ukraina tấn công vào căn cứ không quân Saky chỉ là tai nạn, lần này Matxcơva đành phải thông báo vụ kho đạn Djankoi bị nổ là « hành động phá hoại » nhưng không cho biết cụ thể. Về phía Kiev xác nhận vụ nổ nhưng không nhận đã tấn công. Trên lý thuyết, các địa điểm ở Crimée bị nhắm đến đều nằm ngoài tầm oanh kích của quân đội Ukraina. Căn cứ không quân Saky và kho đạn Djankoi cách tiền tuyến hơn 200 kilomet, quá xa đối với giàn phóng rốc-kết đa nòng Himars có tầm bắn 80 kilomet. Washington cũng tái khẳng định không viện trợ cho Ukraina hỏa tiễn đạn đạo ATACMS có thể bắn xa 300 kilomet.

Nếu giả thiết dùng drone hay lực lượng đặc nhiệm xâm nhập không thuyết phục được các chuyên gia quân sự, nhiều người tin rằng các hỏa tiễn do Ukraina sản xuất được nâng cấp bằng công nghệ của đồng minh. Một số nêu ra « hai hoặc ba giàn phóng » được công ty hàng không Ukraina Yuzhnoye State Design Office chế tạo, có thể bắn đi những hỏa tiễn đạn đạo trang bị hệ thống dẫn đường của các nước bạn.

Điều chắc chắn duy nhất là các vụ tấn công vào Crimée nằm trong chiến lược của Ukraina nhằm quấy phá các tuyến đường và kho hậu cần của Nga ở hậu phương, nhờ có các giàn phóng rốc-kết phương Tây. Yohann Michel, nhà nghiên cứu của IISS khẳng định « Crimée là một điểm logistic rất quan trọng với Nga, đã tập trung vô số vật liệu kể từ đầu năm 2021 để cung ứng cho toàn bộ mặt trận miền nam, từ Kherson đến Zaporijia ».

04


Kiev gây áp lực lên hạm đội Hắc Hải, không từ bỏ mục tiêu tái chiếm Crimée

Khi đánh vào các kho đạn và đường xe lửa, quân đội Ukraina hy vọng buộc Nga phải giảm lượng tiếp tế cho chiến trường, rút ngắn khoảng cách về hỏa lực mà họ phải chịu đựng từ đầu cuộc xâm lăng. Các cuộc tấn công cũng gây áp lực lên hạm đội Nga ở Hắc Hải. Đóng tại Sébastopol ở tây nam Crimée, hạm đội này phong tỏa đường biển khiến Ukraina không thể xuất khẩu ngũ cốc. Các chiến hạm và tàu ngầm Nga cũng bắn hỏa tiễn đạn đạo vào lãnh thổ Ukraina.

Tấn công sâu vào Crimée có thể buộc Matxcơva phải dời các chiến hạm xa khỏi quân cảng nằm cách tiền tuyến 250 kilomet. Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Ba nhận xét, việc này sẽ hạn chế chiến lược xâm lăng của Nga, nhất là vô hiệu hóa mối đe dọa đổ bộ vào Odessa. Nhờ đó Ukraina có thể tập trung nguồn lực để gia tăng sức ép lên bộ binh Nga ở những nơi khác.

Ngoài ra các vụ tấn công còn mang tính chính trị : chứng tỏ Ukraina không từ bỏ mục tiêu tái chiếm Crimée dù đã bị Nga chiếm đóng suốt 8 năm qua. Tetyana Ogarkova, phụ trách về quốc tế của Ukraine Crisis Media Center ở Kiev khẳng định nhờ đó tinh thần của người Ukraina lên y dựng rất cao. Nga đã xây dựng Crimée thành pháo đài, coi là bất khả xâm phạm, nhưng nay người Ukraina chứng minh rằng họ không còn sợ hãi nữa. « Khi xâm lược Ukraina, Nga đã phạm sai lầm chiến lược. Mỗi ngày trôi qua nhân dân Ukraina càng nung nấu quyết tâm thu hồi tất cả lãnh thổ bị chiếm, kể cả Donbass và Crimée ».

Khi tấn công sâu như vậy vào một vùng mà nhiều người Nga đến nghỉ mát, Kiev cũng gởi thông điệp đến công luận Nga. Sau khi căn cứ Saky bị đánh, các video trên mạng xã hội cho thấy cảnh kẹt xe trên những con đường dẫn đến cầu Crimée nối bán đảo với lãnh thổ Nga, được Vladimir Putin khánh thành năm 2018. Theo Tetyana Ogarkova, những hình ảnh dân Nga đua nhau bỏ chạy chứng tỏ người Nga không sẵn sàng chiến đấu vì Crimée, họ chỉ coi đây là địa điểm thư giãn, và sự thống trị vùng đất này chỉ là giả tạo.

02


Crimée, thách thức của Zelensky

Le Monde nhắc lại, Matxcơva đã sáp nhập chớp nhoáng Crimée năm 2014 trong vòng hai tuần lễ, sau cuộc cách mạng Maidan khiến tổng thống thân Nga Viktor Ianoukovitch mất chức. Nhờ đó Nga có được sự hiện diện quân sự chiến lược trên Hắc Hải, khiến Ukraina khó thể gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO, làm hài lòng dân Nga và gia tăng uy tín cho Vladimir Putin. Tại Crimée, tất cả cư dân đều được cấp quốc tịch Nga, thậm chí bắt buộc. Theo với thời gian, người dân rốt cuộc coi như bán đảo này không còn thuộc về Ukraina.

Một bước ngoặt đã diễn ra vào tháng 2/2021, từ sáng kiến của Volodymyr Zelensky, được bầu làm tổng thống hai năm trước đó. Ông lập ra « nền tảng Crimée » nhằm đưa chủ đề này ra quốc tế, phối hợp thương thảo để « đóng góp vào việc giải tỏa tình trạng chiếm đóng » bán đảo. Hội nghị quốc tế đầu tiên hôm 23/08/2021 tập hợp 46 đại diện các quốc gia và tổ chức quốc tế, đã lên án vụ sáp nhập bất hợp pháp này. Hội nghị thứ hai dự kiến đúng một năm sau, ngày 23/08/2022 trong bối cảnh căng thẳng cực độ, sáu tháng sau cuộc xâm lược, và Crimée bắt đầu rơi vào cuộc chiến.

Trong bài xã luận « Thách thức của Zelensky tại Crimée », Le Monde nhận định không có gì lay chuyển được quyết tâm của tổng thống Volodymyr Zelensky, dù bị kẻ xâm lăng hùng mạnh áp đặt một cuộc chiến tranh bất đối xứng từ nửa năm qua. Hai vụ tấn công lần lượt mà Kiev không chính thức nhận trách nhiệm, đã viết nên một phiên bản mới : cuộc xâm lược không phải bắt đầu từ ngày 24/02/2022 mà tận 8 năm trước, ngày 27/02/2014 khi Nga chiếm Crimée, và sau đó hợp thức hóa bằng cuộc « trưng cầu dân ý » chưa bao giờ được Liên Hiệp Quốc công nhận.

Khi cố gắng đặt lại số phận Crimée trên bản đồ quân sự và lập ra « Hội đồng về giải tỏa tình trạng chiếm đóng », Volodymyr Zelensky chứng tỏ sự táo bạo. Khi tuyên bố hôm 09/08 « Cuộc chiến ở Ukraina bắt đầu từ Crimée và sẽ phải kết thúc bằng việc giải phóng Crimée », ông đã đưa ra một lá bài mới. Vladimir Putin một lần nữa phải tính đến sự bền bỉ của Kiev. Đã lỡ coi Crimée là lằn ranh đỏ, Putin không có cách nào khác là phải lên tiếng nếu các cuộc tấn công được cho là của Ukraina tiếp tục, và như vậy ông ta làm nổi rõ cuộc chiến vốn muốn che giấu với dân chúng.

linh_12


Tân binh Ukraina đầy nhiệt huyết trên các thao trường Anh

Về mặt huấn luyện quân sự, đặc phái viên Le Monde cho biết « Anh quốc giúp đào tạo những tân binh do Kiev gởi đến ». Tờ báo mô tả khung cảnh : những vụ nổ diễn ra bên phải một tòa nhà, những loạt đạn rền vang. Các chiến sĩ lao vào, một người xem xét cửa vào có bị gài mìn hay không trong lúc đồng đội bắn yểm trợ, người khác xông lên tầng trên…dưới sự giám sát của huấn luyện viên, một thông dịch viên chạy tới lui để truyền các mệnh lệnh. Cuộc tập luyện này diễn ra hôm 15/08 tại một căn cứ quân sự ở đông nam nước Anh. Đây là ngày thứ tư và là ngày cuối cùng về cận chiến đô thị, trong khuôn khổ cuộc huấn luyện quân sự vài tuần lễ.

Từ 2015, khi bắt đầu xung đột ở Donbass, quân đội Anh đã đào tạo 22.000 quân nhân Ukraina nhưng tại các căn cứ của Kiev. Sau khi Nga kéo quân sang hôm 24/02, những căn cứ này trở nên nguy hiểm vì thường xuyên bị đánh bom nên Luân Đôn cho dời về bốn căn cứ của Anh và huy động khoảng 1.000 quân nhân để trợ giúp. Các nước khác như Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển cũng gởi các huấn luyện viên tăng cường.

Một người phụ trách cho biết đó chỉ là những kỹ thuật căn bản để giúp tạo phản ứng theo bản năng. Nhưng tất cả các huấn luyện viên đều rất ấn tượng trước tinh thần chiến đấu của các tân binh Ukraina chưa từng cầm súng xuất thân từ đủ mọi giới, từ 18 đến 55 tuổi trong đó có rất nhiều phụ nữ. Họ thực sự muốn học hỏi, và buổi tối tự tập lại những gì đã được dạy. Với lòng ái quốc mạnh mẽ, họ tin rằng Ukraina sẽ chiến thắng, vấn đề chỉ là thời gian.

liz-cheney-trump

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn