Huyền thoại coca và kho báu trên Con đường Tử thần Bolivia

Thứ Năm, 01 Tháng Chín 20225:00 SA(Xem: 1200)
Huyền thoại coca và kho báu trên Con đường Tử thần Bolivia

Shafik Meghji

BBC Travel

Alamy

Nguồn hình ảnh, Alamy

Sau khi vượt qua đèo Cumbre dài 4.800 mét, chiếc trufi (taxi đi chung) rơi vào đám sương mù mịt mùng. 

Trong xe có cảm giác yên bình đến lạ, như thể chúng tôi kẹt trong một bong bóng, mà có lẽ vậy là tốt nhất vì chúng tôi đang đi trên ‘Camino de la Muerte’, tức Con đường Tử thần.

Vực sâu thẳng đứng

Chạy từ thành phố La Paz trên cao thuộc dãy Andes đến các thung lũng Yungas cận nhiệt đới và xa hơn nữa là vùng đất thấp Amazon, Đường Yungas dài 64 cây số thả dốc đứng xuống 3.500 mét. 

Một số đoạn trên đường chỉ rộng 3 mét; một loạt các khúc cua gấp và góc mù; và những thác nước nhỏ bắn nước xuống mặt đá xung quanh. Các rào chắn an toàn hãn hữu lắm mới có – mà nhìn thấy phổ biến hơn nhiều là các ngôi đền ven đường: thánh giá trắng, bó hoa, những bức ảnh ố vàng.

Trong những năm 1990, quá nhiều người đã chết trong các vụ tai nạn trên đường cao tốc này – vốn do tù nhân chiến tranh Paraguay sau cuộc chiến Chaco thảm khốc (1932-1935) xây dựng – đến nỗi Ngân hàng Phát triển Liên châu Mỹ gọi nó là ‘con đường nguy hiểm nhất thế giới’.

Chiếc trufi chậm lại, nhích từng chút và tài xế khom về phía trước, chăm chú nhìn qua vô lăng như thể đang kiểm tra mắt, rồi đột nhiên chúng tôi bước ra ánh nắng mặt trời. 

Ngoài cửa sổ nơi tôi ngồi là vực sâu 1.000 m gần thẳng đứng, trong khi ở phía đối diện, một chiếc xe máy vút qua, đập vào gương cánh của chúng tôi. 

Ngay phía trước, ba người đạp xe thận trọng đạp qua một ổ gà lớn bằng miệng núi lửa: mặc dù người ta đã làm một đoạn tránh quanh khúc nguy hiểm nhất, nhưng danh tiếng rùng rợn của con đường đã khiến nó trở thành điểm hút du khách và nó đều đặn thu những du khách háo hức muốn đổ dốc.

Con đường cũng là cửa ngõ vào khu vực bị lãng quên với các mối liên hệ mạnh mẽ. Vùng Yungas (‘miền đất ấm’ trong ngôn ngữ Aymara bản địa, vốn được khoảng 1,7 triệu người Bolivia sử dụng) là khu vực chuyển tiếp đa dạng sinh học nổi bật, màu mỡ, giữa dãy Andes và đồng bằng Amazon, liên hệ chặt chẽ với hai nguồn tài nguyên khiến mọi người say mê và tôn kính, hiểu lầm và tranh cãi: coca và vàng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Con đường do các tù nhân chiến tranh người Paraguay xây dựng trong thập niên 1930 để nối La Paz với Yungas và Amazon

Sau hai giờ đi trên Con đường Tử thần, chúng tôi tấp vào Coroico, nơi từng là trung tâm đào vàng, giờ là thị trấn nghỉ mát uể oải. 

Bị dồn lại trong sườn dốc xanh ngọc, nơi đây có khí hậu ấm áp và tầm nhìn toàn cảnh ra những ngọn đồi nhấp nhô, cùng với những điểm ăn uống và qua đêm có giá trị. 

Coroico là nơi khó rời đi, nhưng sau khi dành một ngày để hồi phục sau hành trình căng thẳng thần kinh, tôi đi vào vùng quê xung quanh để tìm hiểu thêm làm sao vùng này đã định hình Bolivia hiện đại.

Lịch sử Coca

Đất đai phong phú và lượng mưa dồi dào đã khiến vùng Yungas, nằm dọc sườn phía đông dãy Andes, thành trung tâm nông nghiệp. 

Chằng chịt các tuyến đường giao thương cổ xưa nơi từng đoàn lạc đà qua lại, vùng này là vựa lương thực của người Inca và các đế chế trước đó như Tiwanaku. Truyền thống này vẫn tiếp tục đến ngày nay. 

Khi tôi bước trên con đường mòn hàng thế kỷ đến Río Coroico, tôi băng qua ruộng bậc thang trồng cà phê, chuối, khoai mì, ổi, đu đủ và cam quýt. Ngoài ra còn có loài cây bụi với cành mảnh mai, lá hình bầu dục và quả mọng màu đỏ: coca.

Coca là trung tâm của nhiều nền văn hóa Nam Mỹ trong hàng ngàn năm và Bolivia là một trong những nước sản xuất lớn nhất trên lục địa, với hàng trăm km vuông trồng coca, 2/3 trong đó là ở Yungas. 

Chứa nhiều vitamin và khoáng chất, lá coca là chất kích thích nhẹ và giúp chữa say độ cao; chống đói khát và mệt mỏi; trợ tiêu hóa và thậm chí ức chế cơn đau. Trong suốt 8.000 năm, chúng được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, làm thuốc, tiền tệ và chất bôi trơn xã hội.

Người Tây Ban Nha lúc đầu coi coca là ma quỷ. Nhưng sau khi nhận ra lợi ích của nó với dân bản địa vốn phải làm lụng trên mỏ và đồn điền, chính quyền thuộc địa có sự thay đổi và thương mại hóa coca. 

Sự quan tâm đến coca dần vượt ra ngoài lục địa. Lần đầu tiên nó được đề cập bằng tiếng Anh là bài thơ của thi sĩ London Abraham Cowley vào năm 1662: ‘Sự kỳ diệu của Coca’:

Được ban những chiếc lá nuôi dưỡng kỳ diệu, 

Nước của nó được hút vào miệng, và được dạ dày tiếp nhận

Có thể nhịn đói được lâu và làm việc được lâu

Trong thế kỷ 19, coca – và chất alkaloid hướng thần của nó, cocaine – ngày càng phổ biến ở châu Âu và Bắc Mỹ, có trong đồ uống, thuốc bổ, thuốc và nhiều sản phẩm khác. 

Trong đó có Vin Mariani, một loại vang Pháp với hơn 200mg cocaine trong 1 lít. Quảng cáo nói rằng nó ‘làm tươi mới cơ thể và đầu óc’ và những người hâm mộ nó có Thomas Edison, Ulysses S Grant, Emile Zola và Giáo hoàng Leo XIII (người thậm chí còn xuất hiện trên băng rôn quảng cáo).

Dính vào chính trị

Tại bang Georgia của Mỹ, thành công của các sản phẩm như Vin Mariani đã gợi cảm hứng cho dược sĩ và cựu quân nhân Liên minh miền Nam John Pemberton tạo ra vang Pháp Coca của Pemberton, ban đầu gồm hỗn hợp cocaine và rượu, cũng như hạt kola giàu caffeine được chiết xuất. 

Sau đó, nó phát triển thành Coca-Cola: trong khi cocaine và rượu đã bị loại bỏ từ lâu, chiết xuất lá cocaine không cocaine vẫn được dùng làm hương liệu.

Cocaine và các sản phẩm từ cocaine là hợp pháp ở châu Âu và Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, được những người như Sigmund Freud, vốn viết một số bài báo về chủ đề này và tự mình thử nghiệm, ủng hộ: “Một liều nhỏ đã nâng tôi lên cao một cách tuyệt vời.” Nhưng nó trở nên không còn được ưa chuộng, bị gắn liền với tệ nạn và tội phạm, và cuối cùng bị cấm trên phần lớn thế giới, và coca cũng vậy, mặc dù coca vẫn hợp pháp ở Bolivia.

Khi nhu cầu cocaine tăng vọt trở lại vào thập niên 1980, "cuộc chiến chống ma túy" do Hoa Kỳ lãnh đạo đã tàn phá vùng Chapare gần đó của Bolivia, nơi đã trở thành vùng sản xuất coca chính: các hoạt động chống ma túy dẫn đến những vi phạm nhân quyền trên diện rộng, bao gồm giết người, tra tấn, bắt giữ và giam giữ tùy tiện, đánh đập và trộm cắp. 

Đáp lại, các cuộc biểu tình của cocalero – nông dân trồng coca, hầu hết thuộc nhóm người Quechua hoặc Aymara bản địa – đã giúp Evo Morales, lãnh đạo Six Federations of the Cochabamba Tropics, công đoàn đại diện những người trồng coca, vươn lên.

Như nhà xã hội học và sử gia Silvia Rivera Cusicanqui đã viết trên tạp chí ReVista, cocalero đã đóng vai trò quan trọng trong "cuộc chiến nước" 1999-2000, cuộc nổi dậy chống tư nhân hóa công ty cấp nước ở thành phố Cochabamba, sự kiện vốn thúc đẩy đà thăng tiến chính trị của Morales. 

Cùng với các phong trào cơ sở khác, điều này "cuối cùng đã dẫn đến việc Morales đắc cử vào năm 2005..., trở thành người gốc Aymara đầu tiên lên làm tổng thống bản địa ở châu Mỹ". 

Khi nhậm chức, ông nhanh chóng tránh xa cách làm xóa sổ và cấm đoán coca do Hoa Kỳ lãnh đạo với chính sách thường được gọi là "coca thì được, cocaine thì không", là chính sách cho phép nông dân trồng coca trong giới hạn quy định.

Vùng đất đầy vàng

Nhưng toan tính địa chính trị này giống như viễn cảnh xa vời khi tôi đi qua những cánh đồng coca yên ắng được cắt vào sườn đồi dưới Coroico, tán lá rậm rạp vỗ ngoài rìa như thủy triều đến, trong khi không gian tràn ngập tiếng chim.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đa phần coca của Bolivia được trồng ở Yungas. Trong hình là lá coca đang được phơi khô tại làng Cruz Loma ở gần Coroico

Ngày nay, coca được nhiều người Bolivia coi là loài cây linh thiêng, được một phần ba dân số dùng thường xuyên (tuy nhiên, cocaine là bất hợp pháp). 

Trong cuốn ‘Coca Yes, Cocaine No’, Thomas Grisaffi viết: “[Coca] được chấp nhận trong hầu hết các ngành, khu vực và sắc tộc... Tốt nhất nó nên được xem là phong tục quốc gia, giống như uống trà đối với dân Anh vậy."

Cuối cùng, tôi đến được sông Coroico chảy xiết, biểu tượng của nguồn tài nguyên khác ở Yungas: vàng. 

Cái gọi là ‘ruta del oro’ (tuyến đường vàng) trải dài 350km qua các tuyến đường thủy của khu vực đi vào vùng Amazon lân cận và đã thu hút những người đào vàng trong nhiều thế kỷ. 

Mặc dù các lòng sông, suối và lạch đã chứng tỏ là có nhiều vàng, nhưng chúng chưa bao giờ có đủ vàng để thỏa mãn lòng ham muốn của những người chinh phục và những người đi theo họ. Kết quả là, vô số tin đồn về của cải bị mất và kho báu cất giấu đã lan khắp Yungas và các khu vực lân cận.

Nhiều huyền thoại gắn với các tu sĩ Dòng Tên, vốn – bằng cách bóc lột dân bản địa – tích lũy khối tài sản lớn ở Nam Mỹ trước khi bị trục xuất vào năm 1767, sau khi họ trở nên quá quyền lực và có đầu óc độc lập, khiến hoàng gia Tây Ban Nha không chịu được. 

Điều gì đã xảy ra với của cải của dòng tu này nhanh chóng trở thành chủ đề suy đoán mà rất ít gắn với thực tế.

Kho báu được chôn giấu

Percy Harrison Fawcett, nhà thám hiểm lập dị người Anh, vốn đã dành nhiều năm đi khắp Nam Mỹ vào đầu thế kỷ 20, đem đến cho khán giả mùi vị của cơn sốt vàng này. 

Trong cuốn Exploration Fawcett, ông kể câu chuyện về ‘kho báu lớn’ được các tu sĩ Dòng Tên chôn giấu trong một đường hầm gần sông Sacambaya, uốn lượn qua phía nam Yungas. 

“Khi biết họ sắp bị trục xuất... vàng [của các tu sỹ Dòng Tên] được tập hợp tại Sacambaya... và phải mất sáu tháng để đóng đường hầm,” Fawcett viết. 

Sáu người Bolivia bản địa đã đào đường hầm và bảy trong số tám linh mục biết về nơi chốn của nó sau đó đã bị giết để bịt miệng, ông nói thêm. (Bản thân Fawcett cuối cùng cũng biến mất trong khi tìm kiếm thành phố ‘Z’, địa danh được cho là đã mất tích ở Amazon.) 

Mặc dù thiếu bằng chứng rõ rệt, hình thức huyền thoại trêu ngươi này đã chứng tỏ khả năng tồn tại hết sức bền bỉ.

Ngoài những câu chuyện huyễn hoặc, có gì đó của cơn sốt vàng đang diễn ra ở các vùng Yungas và Amazon của Bolivia, được kích hoạt bởi giá vàng tăng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đạp xe trên Con đường Tử thần kéo dài 64km đã trở thành một điều hấp dẫn du khách trong những năm gần đây

Phần lớn việc khai thác là bất hợp pháp và dính đến tội phạm có tổ chức, các tuyến đường thủy bị ô nhiễm và phá rừng gia tăng, như phúc trình hồi năm 2018 của Dự án Thông tin Tham chiếu Địa lý Môi trường Xã hội Amazon, liên minh các tổ chức xã hội dân sự, nhấn mạnh.

Nhưng ở Coroico không có mấy dấu hiệu cho thấy điều này. 

Khi tôi nhấm nháp một cốc trà coca, chờ đợi xe trufito của tôi lấp đầy hành khách cho hành trình quay trên Con đường Tử thần, ánh vàng duy nhất là từ mặt trời lặn trên những chân đồi dãy Andes dính vào nhau.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn