Báng bổ đạo Hồi hay quyền tự do ngôn luận ?

Thứ Hai, 15 Tháng Tám 20228:00 SA(Xem: 1604)
Báng bổ đạo Hồi hay quyền tự do ngôn luận ?

Hôm nay ngày 15/08, ngày Lễ Đức Mẹ Lên trời trong đạo Công Giáo, một ngày nghỉ lễ tại Pháp từ hơn 400 năm qua, hầu hết các tờ báo lớn không ra số đầu tuần, duy chỉ có tờ Le Monde ra số liền cho 2ngày, 15 và 16/08. Thời sự Hoa Kỳ là chủ đề chính trong mục quốc tế của Le Monde với vụ tấn công tác giả cuốn sách “Những vần thơ của quỷ Satan”. 

Trang nhất Le Monde đăng hình ảnh nhà văn Salman Rushdie trong một buổi diễn thuyết, với tựa đề : “Bị đe dọa từ 33 năm qua, Salman Rushdie là nạn nhân trong vụ tấn công bằng dao”. Cụ thể, nhà văn người Anh, gốc Ấn Độ đã phải nhập viện hôm 12/08 sau khi bị một người đàn ông dùng dao đâm vào cổ và bụng, ngay trong một buổi toạ đàm tại New York. Tình trạng sức khoẻ của ông không được khả quan.  

Le Monde vẽ lại bức chân dung của tác giả cuốn sách “Những vần thơ của quỷ Satan” (The Satanic Verses). Được xuất bản năm 1989, cuốn sách đã bị cho là báng bổ đạo Hồi, đến mức mà nhà sáng lập nước Cộng hoà Hồi giáo Iran đã đưa ra giáo lệnh (fatwa), ban“tội chết” cho tác giả.  

Thủ phạm được cho là Hadi Matar, 24 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ. Hiện cảnh sát Hoa Kỳ vẫn chưa nêu rõ động cơ gây án, tuy nhiên, theo thông tin từ kênh truyền hình NBC, tài khoản mạng xã hội của Hadi Matar chỉ ra rằng người này có tư tưởng thân với chính quyền Iran. Le Monde cho biết Iran không phải là quốc gia đầu tiên lên án cuốn sách của của Salman Rushdie, mà trước đó các tín đồ Hồi giáo tại nhiều quốc gia như Pakistan, Ả Rập Xê Út, Ai Cập hay Indonesie cũng mạnh mẽ chỉ trích và cấm phát hành sách. 

Libération cũng đề cập đến vụ tấn công Rushdie trong số báo ra cuối tuần vừa qua. Sau khi lời kêu gọi “hành quyết Rushdie” của giáo chủ Iran Khoeimy được ban ra, một tổ chức Hồi giáo Iran đã treo thưởng 3,3 triệu euro cho bất cứ ai có thể “thi hành án”. Không chỉ tác giả Rushdie mà ngay cả những người dịch sách và nhà xuất bản đều trở thành đối tượng tấn công. Do vậy, nhiều nhà xuất bản châu Âu như ở Anh và Ý đã hoãn lại tất cả các bản dịch của cuốn sách. 

Cuốn “Những vần thơ của quỷ Satan” nói về những thực tế đầy nghịch lý trong quá trình hoà nhập của cộng đồng người Ấn - Pakistan di cư đến Anh, nhưng không hề nói về những học thuyết Hồi giáo, theo Le Monde. Tuy nhiên cuốn sách dài 600 trang bị coi là báng bổ đạo Hồi, đơn giản là vì sử dụng một đoạn thơ trong kinh Coran để làm nội dung trong cuộc đối thoại giữa các nhân vật của sách. Đoạn thơ này nói về việc nhà tiên tri Mahomet bị quỷ Satan “dẫn dắt”, đã thừa nhận sự tồn tại của các đấng sáng tạo khác ngoài thánh Allah. Nhà tiên tri sau đó đã thừa nhận sai lầm và đoạn thơ được cho là đã bị xoá bỏ khỏi kinh Coran. Do vậy, đề cập đến đoạn thơ này là báng bổ và xúc phạm nhà tiên tri - người lập ra đạo Hồi. 

Libération đề cập đến cuộc sống lẩn tránh thường nhật của tác giả từ nhiều năm qua. Rushdie đã phải đổi tên, dùng bí danh cho các sáng tác của mình, được cảnh sát bảo vệ. Mãi cho đến khi đến sống tại New York và nhập quốc tịch Hoa Kỳ, Rushdie mới có thể lộ diện và tham gia và các buổi toạ đàm văn học. 

Vụ tấn công Rushdie cũng khiến nhiều lãnh đạo thế giới quan tâm, theo Le Monde. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và thủ tướng Anh cùng lên tiếng phản đối tình trạng bạo lực. Về phần mình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định rằng Rushdie là “hiện thân của cuộc đấu tranh vì tự do và cuộc chiến của tác giả không phải là cá nhân mà mang tính toàn cầu”.  

Xã luận Le Monde nhận định rằng hành động tấn công Rushdie, là một sự đồi bại, lạm dụng lòng tin, trở thành một bệnh di căn. Tờ báo nhắc lại các vụ tấn công ở Pháp như vụ thảm sát tòa soạn Charlie Hebdo năm 2015 hay vụ chặt đầu một giáo viên năm 2020, những vụ việc trên ở trong vòng xoáy đầy chết chóc và còn kéo dài dai dẳng. Xã luận tờ báo kết luận rằng vụ tấn công mà Rushdie là nạn nhân, chỉ ra rằng rất khó có thể bảo vệ quyền tự do suy nghĩ cũng như viết lách. 

Afghanistan một năm sau khi Taliban trở lại nắm quyền

Ngày 15/08 cũng là ngày đánh dấu 1 năm sau khi Taliban lật đổ chính quyền Afghanistan ở thủ đô Kabul. Libération có tựa :“ Tại Kabul, chưa bao giờ người dân lại nghèo đến thế”. Trong phóng sự được thực hiện tại thủ đô Afghanistan, nhật báo thiên tả nêu ra trường hợp của những mảnh đời khó khăn, bị rơi vào cảnh phải đi ăn xin để nuôi sống gia đình do mất việc làm. Kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền, 80 % người dân thất nghiệp, lạm phát gia tăng, kinh tế trên bờ vực thẳm.

Chế độ Taliban mỗi ngày đều tăng cường các biện pháp đàn áp dân chúng, đầu tiên là phụ nữ và trẻ em gái, khiến Afghanistan càng ngày bị cô lập trên trường quốc tế. Theo Le Monde, một nửa dân số nước này không có đủ lương thực, bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Afghanistan cũng đã mất đi quyền được hưởng trợ giúp tài chính từ phương Tây, lên đến hơn 9 tỷ đô la hàng năm, tương đương với 40 % GDP của nước này.   

Chính quyền Taliban tìm cách thoát thoát khỏi khủng hoảng, nhắm tới việc khai thác khoáng sản như than đá, theo Le Monde. Nhiều người dân mất việc, đến các mỏ than làm việc trong điều kiện bảo hộ lao động tồi tàn với các công cụ sơ sài và đồng lương rẻ mạt. Nhu cầu than đá tăng cao trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina. Một số nước như Pakistan phải phụ thuộc vào than đá của Afghanistan. Taliban cũng tăng cường đánh thuế vào các nhà khai thác và xuất khẩu than đá.  

Tuy nhiên, khi chính phủ Taliban không được cộng đồng quốc tế công nhận, các nhà xuất khẩu khó có thể có được các hợp đồng lớn. Afghanistan cũng không thu hút được đầu tư nước ngoài vào các mỏ than. Theo Libération, tổ chức Human Rights Watch cho rằng Afghanistan có thể thoát khỏi khủng hoảng nếu Hoa Kỳ và đối tác nới lỏng các hạn chế với nước này. 

Châu Âu đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng

Vấn đề về khí hậu và hệ lụy của tình trạng nắng nóng, khô hạn tại châu Âu vẫn là chủ đề được công luận quan tâm, mà Le Monde dành hồ sơ lớn. Nhiều thành phố lớn ở Pháp như Marseille, Nantes hay La Rochelle trong tình trạng báo động, khủng hoảng “nước”. Thậm chí một số địa phương đã bị cắt nước máy và phải sử dụng nước đóng chai. Bộ Chuyển đổi Sinh thái Pháp cho biết, nước chỉ được sử dụng cho các mục đích ưu tiên, như về y tế, nước tiêu dùng hay an ninh dân sự. Các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch hay thậm chí là thể thao xảy ra tranh cãi, trong việc ai có quyền sử dụng nước, để tưới cây hay là tưới sân cỏ, sân golf. 

Tại Tây Ban Nha, Le Monde nêu ra tình trạng khoan giếng bất hợp pháp để tìm nguồn nước tưới cây tại các khu thâm canh, trên thực tế, làm tình trạng thiếu nước trở nên càng trầm trọng và làm ô nhiễm tầng nước ngầm. Theo tổ chức phi chính phủ Greenpeace, ước tính có đến hơn 1 triệu giếng khoan trái phép, đặc biệt là ở vùng Andalousie. Năm 2021, một báo cáo chỉ ra rằng hơn một nửa dân số Tây Ban Nha sống trong những vùng mà tiêu dùng nước vượt quá khả năng cung cấp của nguồn nước. Vào ngày 15/07/2022, Uỷ ban Châu Âu đe doạ phạt Madrid nếu không đưa ra các biện pháp bảo vệ nguồn nước. 

Còn tại Ý, Le Monde chỉ ra tình trạng cơ sở hạ tầng phân phối nước cũ kỹ, dẫn đến việc thất thoát nước, lên đến 40 % trong quá trình vận chuyển. Một số tờ báo tại Ý chỉ trích việc nước bị lãng phí, trong khi người dân không có đủ nước để dùng. Tình trạng đường ống nước bị tắc nghẽn hoặc hư hại đã biến nhiều con đường thành sông tại thủ đô Roma. Để đối phó với tình trạng này, Roma đặt cược vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, các hệ thống cho phép phát hiện rò rỉ nước mà không cần phải đào đất để thăm dò. Tuy nhiên, điều này vấp phải nhiều bất cập, khi khó có thể kiểm soát được tình trạng đường ống dẫn nước, do các khu vực bị phân tán.   

Le Monde kết luận rằng Ý không có nhiều thời gian để chiến trắng trong trận chiến với việc thất thoát nước, và thật đáng buồn là điều này xảy ra tại một đất nước mà cách nay 20 thế kỷ, “những bậc thiên tài của đế chế La Mã đã phát minh ra các đường dẫn nước (aqueduc)”. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn